Translate

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

LÒNG TỐT GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Một bà cụ 81 tuổi, quê ở huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) xuống Cà Mau thăm người con trai đang thi hành án. 170.000 đồng chi phí cho chuyến đi đã không còn đồng nào khi cụ về đến bến xe Cà Mau sau một ngày ngồi xe ôm tìm con.
Mệt mỏi, đói khát và bơ vơ, cụ không biết phải làm sao để về quê trong khi nhìn xe nào cũng đã đầy khách. Không hiểu sao câu chuyện về cụ lại đến tai một cô gái trẻ và cô gái ấy đã làm những việc mà những người đi cùng chuyến xe của cô cảm động. Đó là việc cô trả tiền xe để bà cụ được về nhà.
Ngày thường thì số tiền từ Cà Mau về Hậu Giang cũng không là bao, nhưng trong ngày mồng 5 tết với giá xe tăng vô tội vạ thì số tiền ấy không phải nhỏ. Cô còn tận tình mua nước cho bà cụ uống và luôn miệng hỏi bà cụ có muốn ăn gì cô sẽ mua cho. Đến khi bà cụ xuống xe, tôi còn thấy cô gái ấy đưa cho bà cụ 20.000 đồng bỏ túi.
Thế đấy, cuộc sống dẫu có xô bồ, đua chen nhưng luôn có những con người biết giúp người khác vượt qua khó khăn. Giúp bằng những hành động cụ thể chứ không hô hào. 
Nó cho thấy một hình ảnh khác về người trẻ: họ cũng biết quan tâm, chia sẻ cùng mọi người chứ không phải luôn chạy theo mốt tân thời, lối sống thực dụng, vị kỷ. Bà cụ xúc động lắm. Trò chuyện với mọi người, bà cụ luôn miệng: “Con gái nhà ai mà tốt quá hổng biết”.
Không chỉ thế, việc làm của cô đã khiến tài xế xe tên là Trường cảm động và chỉ nhận một số tiền nhỏ để nộp nhà xe mà thôi. Tấm lòng tốt bao giờ cũng tạo nên một sự lan truyền như vậy.
Tôi sẽ không viết những dòng này, như thay lời cảm ơn của bà cụ đối với cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp kia nếu như  cô không phải là công nhân đang làm ở một xí nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận. Công nhân, nghĩa là thu nhập hằng tháng chỉ tính bằng tiền trăm, giỏi lắm cũng vài triệu đồng. Những ngày về tết là những ngày hiếm hoi trong năm cô được nghỉ ngơi. Tiếc là tôi chỉ biết được tên của cô gái ấy là Loan, quê Cà Mau...
                                                                                    SÔNG ĐẦM

TTO - Tôi quan niệm rằng bạn có thể bị mắc lừa bởi một ai đó, nhưng bạn không nên vì thế mà vô cảm trước cuộc đời bởi tôi từng chứng kiến nhiều cảnh hết sức xúc động.
Một buổi trưa tháng năm nắng gắt khiến những người ngồi trong quán cơm nhỏ đều cảm thấy khó chịu và mệt mỏi. Từ đằng xa bước lại, những bước chân chậm chạp của một bà già khoảng hơn 70 tuổi, đang tiến lại quán. Những tưởng chủ quán sẽ lập tức xua đuổi bà lão ăn mày, nhưng không, bà chủ kéo ghế mời bà già ăn mày ngồi, ân cần chờ nghe gọi món. Bà lão ăn mày nói “ăn gì cũng được, miễn sao no bụng”.
Ăn xong bà lão ăn mày toan móc tiền trong túi nhưng mãi mà không được đồng nào. Bà nhìn mọi người vẻ ngượng nghịu, nhìn bà chủ quán vẻ cầu xin... Tôi nghe giọng bà chủ quán nhẹ nhàng “Thưa nếu cụ không có tiền thì hôm sau ghé lại, có thì trả, không có thì cụ cũng cứ ghé lại, con không tính tiền cụ bao giờ”.
Chứng kiến câu chuyện tôi cảm thấy cuộc sống này đẹp đẽ biết bao! Tôi muốn nói lời cảm ơn đến bà chủ quán, bà đã dạy cho tôi, cho chúng ta những bài học về lòng nhân ái, tình yêu thương giữa con người với nhau.
         LINH TRUNG GIANG

Chia sẻ:
Trong Tin Mừng, nhiều chổ cũng đã kể về chuyện về những người mẹ trong tình thế bế tắc và đã được Đức Giêsu chạnh lòng thương. Chuyện Đức Giêsu gặp một đám ma con trai độc nhất của một bà góa ; người đàn bà xứ Canaan có đứa con gái bị quỷ ám ; người đàn bà bị bệnh loạn huyết lâu năm đụng đến gấu áo của Ngài... Nhưng thật thà mà nói những câu chuyện trong Tin Mừng đọc sao mà không cảm động mấy so với những bài viết như hai bài trên đây. Đúng là Chúa vẫn muốn con người ta thương nhau “tiền cho không biếu không”, gây lên được niềm xúc cảm bởi những tấm lòng đầy nhân ái tình người này. Ít là chưa vội nói đến Chúa thì tình con người cũng phải biết quan tâm đến nhau. Lòng nhân ái con người với nhau quả là tuyệt đẹp. Và chỉ con người mới có những cử chỉ hành động này. Con vật sao có được ! Do đó con người nếu không có thì làm sao ?
Dụ ngôn người Samari tốt lành (Lc 10,29-37), người thông luật chỉ biết quy về mình “nhưng ai là người thân của tôi?” và Đức Giêsu đã đưa ra câu chuyện một người bị cướp và bị đánh nhử tử... Câu hỏi đã được đặt ngược trở lại là “ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Tôi là người thân cận của ai? Đó mới là vấn đề giúp chúng ta tự hỏi mình hoặc hơn nữa là để chất vấn chính mình, có thế mới biết lòng mình quảng đại thương yêu tới đâu! Những con người tốt bụng hàng ngày bên cạnh chúng ta là những hình ảnh của Thiên Chúa, cho đi cả ngày mai, cho đi cả tương lai.
Bà góa bỏ hai xu vào thùng tiền là bà đã bỏ cả đời mình vào trong đó bởi bà đã không nghĩ đến ngày mai (Lc 21,1-4), Đức Giêsu đã khen  ngợi bà.
Từ hai câu chuyện của Tin Mừng đến hai chuyện kể ở trên cho chúng ta nghiệm ra rằng : Tấm lòng là quan trọng, có tấm lòng thì tất nhiên nhậy cảm với những chuyện bất trắc xảy ra ngay trước mũi mình. Không phải mỗi lần ra khỏi nhà là phải đem theo một túi tiền dày cộm, vài ba ký gạo, mấy thùng mì ăn liền, một hộp cứu thương... nhưng là tấm lòng nhạy cảm như Đức Giêsu chạnh lòng thương và ra sức giúp đỡ hết khả năng của mình với những gì mình hiện có. Đã có nhiều trường hợp do tấm lòng mà vì tấm lòng đó đã liều thân xông vào đám lửa, hay nhào ra sông biển nước sâu cuồn cuộn cứu những nạn nhân để rồi chính mình cũng bị mất mạng.
Điều chân thật, đó là tôi đã kết hiệp mật thiết với Chúa thế nào, đến khi gặp chuyện xảy ra trước mặt tôi thì để Chúa sẽ thực hiện hết khả năng của tôi.
Cầu  Nguyện:

Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom ; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm (Mt 25,34-46)
Lạy Chúa! Xin cho con biết rằng đó chính là những lời mà Người đang nói với chính con.

CHÚA KHÔNG KẾT ÁN TA

Tại nhà thờ chánh tòa Wurzburg trong miền Baviere, Tây Ðức, có một tượng thánh giá rất nổi tiếng được chạm trổ vào khoảng thế kỷ 14.  Trên những tượng thánh giá, thông thường đôi tay Chúa Giêsu giang ra và bị đóng vào gỗ giá.  Riêng đôi tay của Chúa Giêsu trên tượng thánh giá tại nhà thờ chánh tòa Wurzburg thì khác hẳn: thay vào bị giang ra và bị đóng vào gỗ giá, hai cánh tay của Chúa lại khoanh trước trái tim như thể đang ôm vào lòng một người nào đó.
Người dân địa phương truyền tụng rằng trong cuộc chiến tranh tôn giáo giữa tin lành và công giáo vào giữa thế kỷ 17, một người lính chống công giáo đã vào nhà thờ này. Nhìn thấy trên đầu Thiên Chúa có một triều thiên bằng vàng, anh sinh lòng tham, bắc thang leo lên để đánh cắp. Khi anh vừa đưa tay tháo gỡ triều thiên thì đôi cánh tay của Chúa Giêsu bỗng được tháo gỡ. Chúa Giêsu giang tay ôm trọn lấy anh vào lòng, với tất cả trìu mến. Người lính chết lịm trong vòng tay âu yếm của Chúa Giêsu.
Người ta tìm thấy xác của anh dưới chân thánh giá!
Kể từ ngày đó, hai cánh tay của Chúa Giêsu không còn giang ra và bị đóng vào lỗ đinh nữa, nhưng được khoanh trước trái tim trong tư thế đang ôm chầm lấy một người nào đó.
Du khách nhìn lên thập giá đều có cảm tưởng như ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn mình và nghe có tiếng thì thầm: "Ta không hề kết án con".
Chia sẻ:
"Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài", đó là chân lý cơ bản nhất trong Kitô giáo. Tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu, cái chết của Ngài trên thập giá: đó là ngôn ngữ qua đó muốn nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, yêu thương đến nỗi sẵn sàng để cho Người Con Một của Ngài chết thay cho chúng ta.
Thiên Chúa yêu thương con người: điều đó không có nghĩa là Ngài yêu thương con người một cách trừu tượng, yêu thương con người như một đám đông hay như một con số. Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu cá biệt, nghĩa là mỗi người chúng ta đối với Ngài như thể là người duy nhất hiện hữu trên trần gian này. Mỗi người là một lịch sử, mỗi người chiếm trọn tình yêu của Chúa.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nghĩa là Ngài chỉ muốn điều thiện cho chúng ta. Ðiều thiện ấy có thể vượt khỏi suy tính, đo lường của chúng ta. Do đó, cho dẫu có gặp trăm nghìn đớn đau, vất vả, chúng ta cũng hãy tin rằng Thiên Chúa đang yêu thương chúng ta. 
Ngài yêu thương chúng ta đến độ làm mọi cách để cho mọi sự đều quy về điều thiện hảo cho chúng ta. Một cơn bệnh, một sự thất bại, một cái chết, một sự mất mát và ngay cả tội lỗi: tất cả đều là những cơ may để Ngài ban cho chúng ta một ơn phúc cao cả hơn.

BỐN NGƯỜI VỢ CỦA NHÀ VUA

Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua giàu có trị vì một vương quốc hùng mạnh. Ông có đến bốn người vợ, bà hoàng nào cũng xinh đẹp. Nhà vua yêu người vợ thứ tư nhất và luôn chiều theo mọi sở thích của bà, không bao giờ từ chối. Kế đến là người vợ thứ ba, nhà vua lúc nào cũng sợ mất bà, đi đâu cũng luôn muốn đưa bà đi theo. Bà vợ thứ hai là chỗ dựa tinh thần của nhà vua, bà rất tử tế, dịu dàng và kiên nhẫn. Mỗi khi nhà vua gặp chuyện khó khăn, ông thường tâm sự với bà và thường nhận được những lời khuyên quý giá. 

Người vợ thứ nhất của vua là người trung thành nhất, giúp vua trị vì và làm cho đất nước ngày càng giàu có nhưng nhà vua lại không dành nhiều tình cảm cho bà. Nhà vua luôn nghĩ rằng bà có thể tự chăm sóc lấy mình nên ít khi để ý đến bà. Không may, một ngày nọ vua lâm bệnh và biết rằng mình không còn sống được bao lâu nữa. Ông nghĩ: "Ta có đến bốn người vợ, nhưng khi ra đi, e rằng lại hoàn toàn cô đơn!". 

Nghĩ vậy, nhà vua gọi người vợ thứ tư đến bên cạnh và nói: "Ta yêu thương nàng nhất, luôn dành mọi thứ tốt đẹp cho nàng. Giờ đây ta sắp chết, nàng có theo ta để ta không cô đơn không?". Nhà vua nhận được câu trả lời: "Bệ hạ rất tốt với thiếp, nhưng yêu cầu đó quá khó, thiếp không thể làm được!". Nhà vua lặng đi một lúc rồi cho gọi người vợ thứ ba, bà trả lời: "Không, thưa đức vua, cuộc sống còn đẹp lắm, sẽ có một vị vua khác đến để tiếp tục che chở và chiều chuộng thiếp!". Trái tim vị vua cảm thấy lạnh buốt vì buồn bã và thất vọng. Ngài lại gọi người vợ thứ hai: "Ta luôn được nàng giúp đỡ và khuyên giải, nàng sẽ theo ta chứ?" - Nhà vua hỏi. "Lần này thiếp không thể giúp được gì hơn, thưa đức vua" - người vợ thứ hai đáp - "Nhưng thiếp hứa sẽ chăm sóc bệ hạ đến những giây cuối cùng, rồi sẽ đưa bệ hạ đến nơi yên nghỉ và sẽ luôn nhớ đến bệ hạ!". Nhà vua hoàn toàn tuyệt vọng. 

Nhà vua không hề nhớ ra người vợ thứ nhất, cho đến khi ngài nghe thấy một giọng nói cất lên bên cạnh: "Thiếp sẽ theo ngài đến bất cứ nơi đâu ngài đi tới, dù đó là cõi chết". Đó chính là người vợ thứ nhất của ông. Trông bà mệt mỏi và gầy yếu. Buồn bã và nuối tiếc vô hạn vì cách đối xử của mình, nhà vua thốt lên: "Lẽ ra ta đã phải chăm sóc và thương yêu nàng nhiều hơn mới phải!". 

Chia Sẻ: 

Các bạn vừa được đọc một câu chuyện cổ tích, trong đó có vua và các bà hoàng. Chúng ta không sống trong thế giới cổ tích, nhưng các bạn biết không, nếu coi mỗi chúng ta cũng giống như nhà vua đó, thì hãy để ý xem, mỗi chúng ta  có đến bốn “người vợ” đấy. 

“Người vợ” thứ tư của chúng ta là cơ thể. Hầu như ai cũng lo lắng, chăm sóc đến bản thân, đến cơ thể mình nhiều nhất, làm sao để trông thật đẹp đẽ. Nhưng khi chúng ta ra đi, cơ thể ấy cũng tan biến, không để lại gì trên đời. 

“Người vợ” thứ ba có tên là “địa vị và của cải”. Đây chính là những thứ dễ mất nhất, vì dù sao chúng cũng chỉ là vật chất. Khi chúng ta không còn sống, “địa vị” không còn và “của cải” sẽ thuộc về người khác. 

“Người vợ” thứ hai gia đình và bè bạn. Họ luôn quan tâm và giúp đỡ, luôn an ủi và khuyên giải, nhưng họ chỉ có thể chăm sóc ta đến những phút cuối cùng và nhớ thương ta. 

“Người vợ” thứ nhất chính là TÂM HỒN. Không phải ai cũng nhớ đến nó, khi sống trong một thế giới mọi người đều phải chạy đua với của cải, địa vị để thỏa mãn cho cái “tôi” của mình. Thế nhưng TÂM HỒN là điều duy nhất luôn đi cùng với chúng ta đến bất cứ nơi nào chúng ta đến, và chính là thứ để mọi người nhớ mãi đến ta dù ta có ở nơi nào. 

MÓN QUÀ...!

Ngày qua ngày, danh tiếng Phật Thích Ca lan tràn khắp nơi, ai cũng trầm trồ khen ngợi và mong có dịp để gặp mặt Ngài.  Phần Ngài, đời sống vẫn bình thường, vẫn tụng niệm và phục vụ tha nhân.

Một hôm trên quãng đường vắng, Ngài thấy mình cùng đồng hành với một người đàn ông, dáng vẻ không mấy bình thường.  Nhận ra Ngài, ông ta như nổi sùng và bắt đầu sỉ vả Ngài với tất cả những danh từ xấu xa mà trí tưởng tượng có thể bày ra.  Đức Phật không hề bực bội, Ngài thản nhiên lắng nghe tất cả.  

Khi người đàn ông kia ngừng nghỉ mệt và có vẻ hết hứng, Đức Phật mới nhỏ nhẹ đặt câu hỏi: "Tôi xin phép hỏi ông:  Khi một người muốn tặng một món quà cho bạn mình, nhưng bị bạn từ chối, món quà đó thuộc về ai?"

Người đàn ông nhìn Đức Phật vẻ mỉa mai rồi xẳng giọng:
"Dĩ nhiên là món quà đó thuộc về người muốn cho."

Nghe thế Đức Phật chậm rãi cắt nghĩa:
" Vừa rồi ông muốn tặng tôi nhiều tên xấu, tôi xin từ chối tất cả."

Người đàn ông chưng hửng há miệng lớn không nói được lời nào.

 Chia Sẻ

Người đàn ông trong câu chuyện trên đã mang họa vào mình vì ông đã tham hiểm mưu xấu cho người khác, ông muốn nhục mạ Đức Phật nên đã không tiếc danh từ xấu xa, không ngờ món quà đê tiện đó bị từ chối và nó vẫn thuộc quyền sở hữu của ông, chính ông phải đeo mang những cái tên hèn hạ đó.

Vì không ai là một hòn đảo, đời sống chung đụng thường được dệt bằng những hành động trao đổi. Người ta trao đổi lý tưởng, văn hóa, tình yêu, khả năng và tiền tài. 

Có trao đổi nghĩa là có giao thông, có chấp nhận sự hiện hữu của một người khác. Trao đổi nâng cao tình tương thân tương ái. Trao đổi được thực hiện qua nhiều hình thức. 

Người ta có thể đổi chác, mua bán hay trao tặng. Người mua cần người bán, người cho cần người nhận, người nào cũng quan trọng.  

Nếu việc trao đổi là quan trọng thì vật trao đổi cũng không kém phần cần thiết, nó tượng trưng cho tấm lòng của mỗi người.  

Nếu chúng ta trao ban cho người khác tấm lòng quảng đại, tinh thần phục vụ, lòng cảm thông và tha thứ, chắc hẳn chúng ta cũng sẽ được cảm thấy thoải mái an bình.  

Nhưng nếu chúng ta chỉ tìm cách nuôi dưỡng ích kỷ, gây đố kỵ chia rẽ, chúng ta cũng không thoát khỏi lương tâm áy náy.  Chính Chúa Giêsu đã phán:  “Sự gì anh em muốn người ta làm cho mình thì hãy làm sự ấy cho người ta”.

 Cầu Nguyện:


Lạy Chúa! Xin dạy chúng con yêu người như chính mình, không ai ước muốn sự xấu cho mình, nghĩa là chúng con không có lý do nào để làm những điều tệ hại cho tha nhân. Xin giúp chúng con biết khiêm nhường, đối xử với anh em những gì chúng con đang mong đợi nhận lãnh. Xin Chúa luôn là ánh sáng soi đường cho chúng con, xin hãy đổ tràn tình yêu Chúa trên chúng con để chúng con biết chia sẻ cùng người xung quanh.  Amen

KHI ĐẾN VỚI NGÀI

Giờ sát hạch triết lý, giữa giám khảo ANDRE và thí sinh B
A - Anh có tin Thượng Đế không ?

B - Không, tôi không tin

A - Thế tại sao anh đến nhà thờ vào ngày Chúa nhật 
B - Thưa, vì Thượng Đế có thật.
A - Ngài có thật ! sao anh lại chối từ ?
B - Hư vô thì không có gì để tranh luận, chỉ hiện hữu mới có vấn đề tin hay chối.
A - Như vậy, sự từ chối là bằng chứng xác nhận Thượng Đế hiện hữu ?
B - Thưa ngài, đúng vậy. Nhưng không phải tất cả mọi người đến nhà thờ vào ngày Chúa nhật đều tin Thượng Đế.


Vậy! Khi tiếng chuông giáo đường ngân vang, chúng ta đến nhà thờ để làm gì ?

Chia sẻ: 

Chúa sẽ buồn khi mỗi ngày Chúa nhật chúng ta đến để ca lên điệp khúc sám hối, tuyên xưng điệp khúc niềm tin, hát vang điệp khúc tán tụng. Rồi ra về, lòng con rỗng tuếch.

Chúa sẽ buồn khi chúng ta đến để nói lên sự hiện diện của Ngài, để làm chứng Ngài vẫn còn sống và ra về với trái tim đóng chặt, khô chết.

Chúa sẽ buồn khi chúng ta đến chỉ vì khoe bộ áo mới, vì thói quen không đi thì khó chịu, vì sợ tội, vì sợ bị người khác cười, vì lợi lộc riêng tư chúng ta đang cần giúp... để khi trở về chúng ta vẫn hoàn không, không có Chúa.

Chúa sẽ buồn khi đến với Ngài mà trí chúng ta chỉ nghĩ đến nương rẫy chưa làm, mà lòng chúng ta đặt ở số hàng ngoài sạp chưa bán, mối hàng dang dở đang chạy, cuộc tình lý thú đang hẹn, chuyến ngao du sắp đi, bửa tiệc ngon chúng ta được mời ...

Chúa sẽ buồn khi chỉ một giờ chúng ta dành riêng cho Chúa, rồi cuối cùng lại tìm cách đánh cắp đưa về cho mình, và ngày Chúa nhật không có gì là ngày của Chúa mà chỉ là ngày của riêng mình.


Và Chúa sẽ thật buồn khi chúng ta nghe lời Chúa không như “Lời Hằng Sống” mà là như một câu chuyện cổ tích, nghe lâu cũng chán, giảng lâu cũng nhàm, để rồi chỉ nghe mà không bao giờ sống.

Cầu Nguyện: 


Lạy Chúa! Xin cho con biết rằng không phải con đã đi tìm Chúa mà không gặp, nhưng Chúa đã đến tìm con mà Ngài không nhận ra, vì con tội lỗi quá.

HÃY LẮNG NGHE

Andy ngồi trên tuyết, cậu bé thấy lạnh hơn từng giây một. Andy không đi ủng - thứ mà người ta vẫn thường đi trên tuyết vào mùa đông. Cậu bé không thích ủng và dù sao cậu bé vẫn không có ủng cơ mà. Đôi giày vải, mỏng dính, mòn vẹt mà Andy đang mang đã có vài lỗ thủng và chúng không thể làm được việc là giữ ấm cho đôi chân cậu bé.

Andy đã ngồi trên tuyết thật là lâu rồi. Và dù cố đến mấy, cậu bé vẫn không thể nghĩ ra được món quà Giáng sinh cho Mẹ. Cậu bé buồn bã lắc đầu "Vô ích thôi, dù rằng mình có nghĩ ra món quà gì, mình cũng không có tiền mà ."

Từ khi bố Andy mất 3 năm về trước, gia đình cậu bé suy sụp nặng nề. Ban đêm Mẹ cậu làm việc ở bệnh viện, nhưng với đồng lương ít ỏi chỉ đủ mấy mẹ con sống tạm qua ngày. Chúng còn nhỏ lắm, chẳng biết có nghĩ ra món quà gì để tặng Mẹ hay không. Thật không công bằng, bây giờ đã là chiều tối đêm Giáng sinh mà cậu bé vẫn ngồi đây, chẳng thể nghĩ được điều gì cả.

Chú chùi những giọt nước mắt, Andy đứng dậy đi xuống phố - nơi có rất nhiều cửa hàng. Cuộc sống thật khó khăn khi mà cậu bé mới 6 tuổi và không có bố, đặc biệt là khi mà người ta cần một người đàn ông để tâm sự. Andy đi từng cửa hàng này sang cửa hàng khác, nhìn vào từng cửa sổ rực rỡ một. Mọi thứ đều đẹp và ngoài khả năng của cậu. Trời đã bắt đầu tối, Andy buồn bã định quay về nhà thì bỗng nhiên cậu bé nhìn thấy một vật gì đó ánh lên trong tuyết. Andy cúi xuống: 1 đồng xu nhỏ bóng loáng dưới đất. Hẳn chưa ai có cảm giác được giàu có như là Andy cảm thấy vào lúc ấy.

Khi Andy nắm chặt " kho tàng mới nhặt được " của mình, cậu bé cảm thấy như có hơi ấm chạy qua cơ thể, và cậu mạnh dạn bước vào cửa hàng đầu tiên, niềm hân hoan của Andy ngay lập tức bị đóng băng lại khi từng nhân viên bán hàng bảo với cậu rằng chẳng thể làm gi với đồng xu nhỏ xíu đó. Cậu bé đi ra, nhìn thấy một của hàng hoa, Andy liều đứng lại xếp hàng.

Khi người chủ cửa hàng hỏi Andy cần gì, cậu bé đưa một đồng xu và e dè hỏi liệu mình có thể mua được 1 bông hoa tặng Mẹ trong đêm Giáng sinh với đồng xu nhỏ xíu này không, người chủ cửa hàng nhìn Andy, đặt tay lên vai cậu bé và nói :" Đợi một chút, con trai, để ta xem có thể làm gì cho con."

Khi đứng chờ, Andy ngắm những bông hoa tuyệt đẹp và cậu đã hiểu vì sao Mẹ cậu cũng như bao người phụ nữ khác lại thích hoa đến thế.

Tiếng đóng cửa sớm khi người khách cuối cùng rời khỏi cửa hàng đã đưa cậu quay về với hiện thực. Còn lại một mình trong cửa hàng, Andy bắt đầu cảm thấy cô đơn và hoảng sợ. Bỗng người chủ cửa hàng lại đi ra.

Trước mắt cậu bé là 12 bông hổng đỏ thắm, cuống dài, lá xanh cùng với những bông hoa gì đó trắng, nhỏ li ti, được bọc thành một bó có dây nơ màu bạc. Tim Andy ngừng một nhịp khi ông chủ cửa hàng đặt bó hoa vào một chiếc hộp trắng và bảo: " Tất cả là một đồng xu, con trai."

Andy chậm chạp đặt đồng xu vào tay ông chủ cửa hàng. Không thể là thật được! Không ai bán cho cậu cái gì với một đồng xu đâu ! Nhận thấy sự băn khoăn trên mặt cậu bé, ông chủ cửa hàng giải thích: " May mắn là ta có mấy bông hoa bán với giá một đồng xu một bó. Con trai có thích không ? "

Lần này thì Andy không ngần ngại nữa. Ra khỏi cửa hàng, Andy nghe thấy tiếng ông chủ nói với theo :" Giáng sinh vui vẻ, con trai ."

Khi ông chủ cửa hàng quay về trong nhà, vợ ông hỏi : "ông vừa nói chuyện và đem hoa cho ai thế ?" Nhìn qua cửa sổ và chớp chớp mắt để ngăn không cho nước mắt trào ra, ông chủ cửa hàng khẽ nói: "Một điều thật lạ lùng đã xảy ra. Sáng nay, khi tôi chuẩn bị mở cửa hàng, tôi có cảm giác như ai đang mách bảo mình để sang bên cạnh 12 bông hoa hồng thật đẹp vì đó sẽ là món quà đặc biệt. Tôi đã nghĩ là mình đã tưởng tượng ra, thế nhưng tôi vẫn cứ để 12 bông hồng ra một chỗ. Và ngay lúc nãy, một cậu bé vào cửa hàng và muốn mua hoa để chúc Giáng sinh cho Mẹ chỉ với 1 đồng xu. Nhìn vào cậu bé, tôi thấy tôi của nhiều năm về trước. Tôi đã là một đứa trẻ nghèo khổ không biết mua gì cho Mẹ vào đêm Giáng sinh. Một người qua đường đã cho tôi 10 dolla không vì lý do gì. Khi tôi nhìn thấy cậu bé tối hôm nay, tôi biết người đã mách bảo tôi là ai....

Tối Giáng sinh ấy, cả gia đình người chủ cửa hàng hoa và cả gia đình Andy nữa, không ai cảm thấy lạnh chút nào

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, theo cái nhìn đức tin, và trong chương trình cứu rỗi của Chúa, mỗi người sinh ra đều có một ơn gọi, một sứ mệnh. Xin Chúa cho con nhìn ra và xác tín ơn gọi, sứ mệnh của con hôm nay. Xin Chúa cho con cũng nhìn ra và quý trọng ơn gọi, sứ mệnh của anh chị em đang sống bên con, nhất là sứ mệnh dọn đường cho Chúa đến. Xin cho chúng con hiểu rằng, trong cuộc sống còn nhiều lắm những hoàn cảnh khó khăn cần đến sự trợ giúp của mỗi người trong chúng con, dù là rất bé nhỏ.  Xin cho con nghe được lời mời gọi "hãy theo Thầy" và đáp trả lời mời gọi đó qua những hoàn cảnh khó khăn mà con đã và đang gặp mỗi ngày trong đời con. Amen!

CẦU NGUYỆN

Một chàng thanh niên nọ khao khát sống đời tận hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả mọi người và mọi sự, để đến gõ cửa một đan viện nọ... Anh được vị tu viện trưởng chấp nhận tức khắc.

Trong những ngày đầu, anh quan sát cách sống của các tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất cả mọi người đều bắt tay vào công việc: người thì cày cuốc, người thì gặt hái, người thì miệt mài trong công tác dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra thất vọng. Anh đến trình bày ý nghĩ của mình với đan viện phụ như sau: "Thưa cha bề trên, con cứ tưởng ở đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất đó là cầu nguyện. Ðằng này, con lại thấy các thầy phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất quá nhiều". Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với anh: "Có lẽ con có lý... Nếu con cảm thấy việc làm tay chân không cần thiết, thì con cứ vào phòng đóng cửa lại và tiếp tục cầu nguyện".

Nghe thế, chàng thanh niên hớn hở trở về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn trưa. Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh niên mới đến hỏi vị đan viện phụ: "Thưa bề trên, hình như hôm nay các thầy không dùng bữa?". Cha bề trên mỉm cười đáp: "Các thầy đã ăn cả rồi". "Thế sao không ai đến gọi con đi ăn cả?", người thanh niên hỏi. Cha bề trên mới trả lời: "Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng các thầy khác lao động nhiều cho nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con, con muốn sống như các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ biết suốt ngày cầu nguyện, cho nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng bữa".
  
Chia Sẻ:

Chúng ta cảm thấy được thôi thúc để dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện hơn. Thánh Kinh nói: Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi: đó cũng là hình ảnh của đời người. Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có một thì giờ cho tất cả mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ... Có những giây phút ưu biệt trong ngày dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian ưu biệt trong năm dành cho việc cầu nguyện. Thời gian ưu biệt ấy không có mục đích nào khác hơn là để giúp cho con người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng hơn, được tươi mát hơn để gặp gỡ Chúa trong từng phút giây của cuộc sống, trong mọi sinh hoạt hằng ngày.

Cuộc sống cần có tổ chức, cần có những ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương với nhau. Ngăn kéo của sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày. Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền với ngăn kéo của sự cầu nguyện.


Tổ chức cuộc sống như thế tức là biến tất cả cuộc sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện triền miên ấy có những phách mạnh dành cho những giây phút thân mật chuyện vãn với Chúa, nhưng những phách mạnh ấy chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm gặp gỡ Ngài trong từng sinh hoạt, trong từng biến cố của cuộc sống

Cầu Nguyện: 

Nhiều khi trong đời sống đạo con quen đi theo con đường của ý riêng khi đánh giá con người và sự việc. Con cứ cầm sẵn một cái khung tiền chế sắc bén, như cầm cái khuôn để nhấn xuống cắt bánh lễ. Con sẵn sàng nhấn xuống để cắt thật gọn trên mọi người anh chị em. Bất cứ ai sống ra ngoài cái khuôn lập trường của con, con sẵn sàng cắt bỏ họ. Dầu là sở thích, dầu là tay chân đầu của họ…con đều sẵn sàng cắt bỏ cho vừa đúng cái khuôn của con.
"Lạy Chúa xin hãy dạy con, tìm hiểu biết người…” (Kinh Hòa Bình)

Lạy Chúa, xin cho con hiểu rằng, con người không chỉ cầu nguyện bằng những giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà còn bằng cả những sinh hoạt từng ngày như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí.
Sau hết, xin cho con cũng hiểu rằng cầu nguyện chính là tìm thấy Thánh ý Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.



SỬ DỤNG THỜI GIAN CỦA CHÚA




Một gia đình rùa nọ quyết định tổ chức một cuộc cắm trại. Loài rùa vốn dĩ làm cái gì cũng chậm chạp, phải mất đến bảy năm để chuẩn bị cho chuyến đi. Cuối cùng, gia đình nhà rùa cũng khởi hành, đi tìm một nơi cắm trại thích hợp.

Rốt cuộc, khi chuyến đi kéo dài được hai năm thì chúng tìm được một nơi khá lý tưởng ! Thêm 6 tháng nữa cho việc dọn dẹp, bày biện đồ ăn thức uống và hoàn tất mọi thứ. Chúng đột nhiên phát hiện ra đã để quên muối ở nhà. Tất cả đều đồng tình rằng một chuyến đi cắm trại mà không có muối quả là một thảm cảnh.

Sau một cuộc bàn bạc kỹ lưỡng, chú rùa bé nhất được chọn quay về nhà lấy muối. Mặc dù nhanh nhẹn nhất, chú bé rùa này vẫn kêu ca, khóc lóc, thụt vào vỏ lưỡng lự không muốn cất bước. Nó chỉ đồng ý với một điều kiện : không ai được ăn thứ gì cho đến khi nó quay lại. Tất cả đều đồng ý và chú rùa nhỏ chịu ra đi.

Đã ba năm trôi qua, chú bé rùa vẫn chưa trở lại.

Năm năm, rồi sáu năm…

Đến năm thứ bảy, cụ rùa cao tuổi nhất không chịu nổi cái đói. Cụ muốn được ăn và “khai trương” cái bánh Sandwich đầu tiên. Ngay vào giây phút đó, chú bé rùa đột nhiên ló đầu ra khỏi bụi cây, la lớn lên:

“Thấy chưa ! Con biết là mọi người không thể chờ được mà. Bây giờ thì con không đi lấy muối nữa”.

Chia Sẻ:


Chúng ta thường lãng phí thời gian vào những việc vô bổ mà ít khi nhận ra sự lãng phí ấy. Cách tốt nhất để sống trọn vẹn cuộc sống của chúng ta là hãy dồn năng lực để phát triển khả năng và ân ban của mình, không nên hoang phí vào những chuyện không đâu, vì một khi thời gian, tuổi trẻ và cơ hội đã đi qua, ta không thể tìm lại được nữa.

Cầu Nguyện: 

Lạy Chúa, xin  cho chúng con biết dùng thời gian của Chúa ban cho để đem lại niềm vui cho mọi người, và sẵn lòng giúp đỡ những ai cậy nhờ chúng con. Amen.

KHÔNG CÓ GIỜ


Tôi quì cầu nguyện, nhưng không lâu,
Có quá nhiều việc phải làm,
Phải vội tới sở làm,
Và các giấy nợ tiền sắp hết hạn,
 
Nên tôi phải cầu nguyện vội vã,
Và vội chạy.
Bổn phận Công giáo tôi đã làm xong,
Linh hồn tôi cảm thấy dễ chịu.

Suốt cả ngày tôi không có giờ,
Để nói một lời vui vẻ,
Không có giờ để nói với Chúa một câu.
Người ta cười tôi, tôi sợ.

Khi tôi đến trước tòa Chúa,
Tôi đứng cúi mặt xuống đất.
Ngài cầm cuốn sách trong tay:
Cuốn Sách Sự Sống

Chúa nhìn vào sách và nói:
'Ta không tìm thấy tên con,
Ta định viết tên con vào đó,
Nhưng rất tiếc KHÔNG CÒN GIỜ NỮA
**************************************************
Chia Sẻ:


Chúng ta thường là như thế đấy các bạn ạ! Hãy nhìn lại xem chúng ta đã “thực sự làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày” đến nỗi không còn …giờ… cho Chúa. Vậy chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại chính bản thân mình  để sống tốt hơn  với Chúa nhé.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, con thường thấy mình không có thì giờ, nhưng đồng thời cũng thấy mình lãng phí bao thời gian quý báu. Nhiều khi con tự hỏi mình thực sự làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày.
Xin cho con luôn biết dành thời giờ để đến với Chúa mỗi ngày, để chia sẻ và lắng nghe lời Người chỉ bảo con. 

THẾ NÀO LÀ CẦU NGUYỆN


Một du khách đến cầu nguyện bên cạnh bức tường gọi là "bức tường than khóc", dưới chân nền đền thờ xưa kia của thành Giêrusalem. Trước hết, vị du khách cất tiếng kêu xin:

- Lạy Chúa là Cha chúng con, xin Chúa làm cho thế giới này không còn nghèo khổ và đói khát nữa.

Nghe vị du khách cầu nguyện như vậy, người hướng dẫn viên Do Thái khuyến khích:

- Thật là một lời nguyện hay! Ông hãy cầu nguyện thêm một lời nữa đi!

Vị du khách trở lại gần bên bức tường và cầu nguyện thêm:

- Lạy Chúa, xin cho giặc giã, chiến tranh không còn nữa trên mặt đất này.

Anh hướng dẫn viên Do Thái lại khuyến khích người du khách hãy thêm một lời nguyện nữa cho hòa bình trên thế giới. Người du khách liền sốt sắng cầu nguyện tiếp:

- Lạy Chúa, xin cho cuộc tranh chấp hiện nay tại Trung Ðông được giải quyết tốt đẹp, cho người Ả Rập và Do Thái được sống chung hòa bình, và cho người Do Thái biết trả lại cho người Ả Rập tất cả những đất đai họ đang chiếm đóng.

Nghe đến đây, anh hướng dẫn viên Do Thái vội vàng ngắt lời người du khách với giọng giận dữ:

- Xin lỗi ông, ông đang nói chuyện với bức tường đấy!

Nói thế rồi anh ta vội kéo du khách đi nơi khác.

Chia Sẻ: 

Nhiều khi chúng ta cũng có thái độ như anh hướng dẫn viên Do Thái kia. Chúng ta cầu nguyện, nhưng chỉ cầu những gì hợp với sở thích và có ích lợi cho ta mà thôi. Chúng ta muốn Chúa thay đổi chiều theo ý mình mà chúng ta lại không muốn thay đổi để chiều theo ý của Chúa.

Trong việc cầu nguyện, người môn đệ của Chúa tin và nói lên thái độ sẵn sàng vâng phục thánh ý Ngài, để cho Ngài toàn quyền tự do quyết định.

Khi cầu nguyện, ta không nên đòi buộc Chúa thực hiện điều ta muốn và theo cách thức ta muốn.

Khi cầu nguyện, ta cũng không thể chỉ nghĩ đến quyền lợi của riêng mình mà cố tình quên đi quyền lợi và nhu cầu của người khác.

Những lời cầu nguyện kiểu đó đích thực là và chỉ là lời cầu nguyện với bức tường mà thôi.

Cầu Nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu xin dạy con biết cách cầu nguyện theo ý Chúa, xin cho con ý thức và mở lòng ra để biết rằng cầu nguyện là kết hiệp với Chúa, là phó thác mọi sự cho Chúa để Chúa có cơ hội biến cải mọi sự theo thánh ý Ngài. “Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời!”