Translate

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

HÃY ĐI TRONG ĐƯỜNG LỐI CỦA CHÚA



Đời sống càng văn minh thì con người lại càng lỏng lẻo trong việc giữ các giới luật của Chúa. Nhiều người hôm nay không còn đi lễ ngày Chúa nhật, hay chẳng đi xưng tội nữa. Nhiều ngôi thánh đường ở Âu Châu phải đóng cửa vì số người đi dự lễ ngày càng ít đi. Thế nhưng, mỗi khi có biến cố gì xảy ra thì nhà thờ lại thấy đông người. Chẳng hạn như sau vụ khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ, hay nền kinh tế tuột dốc, nhà thờ tự dưng đông hẳn người lên. Được vài tháng sau thì nhà thờ lại vắng như xưa.

Nhìn vào quá khứ trong Cựu ước khi dân Israen chối bỏ Chúa, thì họ đã bị quân thù đánh bại, nhưng khi họ trở về với Thiên Chúa, thì Thiên Chúa bảo vệ họ và giúp họ chiến thắng. Lời Chúa nói hôm nay: "Các ngươi hãy đi trong mọi đường lối mà Ta truyền dạy cho các ngươi, để các ngươi được hạnh phúc". Tôi không thể ở trong đường tội lỗi và muốn Chúa phải cho tôi được hạnh phúc, gặp sự lành. Tôi không thể sống thờ ơ, từ bỏ Chúa để rồi khi gặp chuyện hiểm nguy tôi mới chạy đến kêu xin cùng Chúa và mong Chúa nhận lời ngay. Tôi cần trung thành với Chúa trong mọi lúc, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan và luôn biết ơn, tin tưởng Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Lạy Chúa, xin tỏ cho con biết đường lối của Chúa và cho con trái tim vâng phục bước đi trong đường lối của Chúa. Xin Mẹ Maria giúp con trong Mùa Chay này nhận ra những con đường của con không phải là của Chúa và giúp con trở về con đường ngay, nẻo chính của Chúa. Amen.

LUẬT CỦA CHÚA



Người Do-thái tưởng Chúa Giêsu đến bãi bỏ Lề Luật: Các cuộc tranh luận của Chúa Giêsu và người Do-thái thường xoay quanh các vấn đề của Lề Luật: thanh tẩy, giữ ngày Sabbath, ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành phúc đức. Nhiều người trong họ nghĩ Chúa Giêsu đến để bãi bỏ Lề Luật và dạy dân chúng khinh thường Lề Luật. Tuy nhiên, trong tất cả trường hợp, Chúa Giêsu muốn giúp họ sửa sai những quan niệm và áp dụng của họ về Lề Luật:

- Người phân biệt giữa Lề Luật của Thiên Chúa và của con người: “Các ông khéo lấy Lề Luật của các ông để vô hiệu hóa các giới răn của Thiên Chúa.” Ví dụ: Giới luật thứ bốn trong Thập Giới truyền phải thảo hiếu cha mẹ bằng cách phải phụng dưỡng các ngài. Các kinh-sư và biệt-phái dạy: “Hãy nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều lễ phẩm đã dâng cho Chúa" rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa” (Mc 7:11-12). Con người có bổn phận phải giữ các Luật của Thiên Chúa; họ có thể từ chối không giữ luật của con người nếu những luật này ngược lại với những gì Thiên Chúa dạy.

- Người phân biệt giữa tinh thần của Lề Luật và cách áp dụng Lề Luật: “Lề Luật làm ra vì con người chứ không phải con người cho Lề Luật” (Mc 2:27). Ví dụ: Ngày Sabat làm ra vì con người; vì thế, chữa bệnh trong ngày Sbbat là điều được phép làm. Chính các kinh sư và biệt phái cũng làm như thế, khi họ kéo các con vật của họ rơi vào hố trong ngày đó; thế mà họ lại khó chịu khi thấy Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat (Mt 12:1-12).

- Để chứng minh sự hiểu biết sai của họ về Luật thanh tẩy, Người phân biệt cái nhơ bẩn bên ngòai và sự ô uế trong tâm hồn: Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7:18-23).

Để sửa sai quan niệm của họ về Ngài, Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt 5, 17-18) Chúa Giêsu làm gì để kiện tòan Lề Luật? Chương 5 của Matthew chứa đầy những giáo lý toàn hảo của Chúa Giêsu trên Lề Luật; ví dụ:

 Khi Ngài dạy phải thanh sạch ngay từ trong tâm hồn: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:27-28).

 Khi Ngài dạy các môn đệ phải yêu thương kẻ thù: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:46-48).

 Khi Ngài dạy bán hết gia tài và phân phát cho người nghèo khó: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi" (Mt 19:21).

            Khi Ngài cầu xin cho các môn đệ được hiệp nhất nên một như Cha Ngài và Ngài là một: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Jn 17:23).

TỰ DO THÂT SỰ


“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ.  Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)

Chia Sẻ:

Đức Giêsu mời chúng ta nghiêm túc giữ Luật Môsê đã được Ngài kiện toàn. Luật ấy là lời giáo huấn của Ngài mà các môn đệ đã nghe. Con người thời nay thích tự do nên dị ứng với luật lệ. Nhưng giữ luật không phải là chuyện của nô lệ hay trẻ con. Khi tránh được thói nệ luật, cứng nhắc bám vào mặt chữ, ta có thể giữ luật như cách biểu lộ hồn nhiên tình yêu với Chúa và tha nhân. Trung tín với những đòi hỏi nhỏ bé của các điều răn chỉ vì yêu, và “dạy người ta mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 20), đó là con đường dẫn đến hạnh phúc mai sau cho người môn đệ.

Kiện toàn là đưa Luật Môsê đến chỗ thành tựu, hoàn hảo, bởi lẽ nó có những hạn chế, bất toàn, do Thiên Chúa phải nương theo trình độ lúc đó của Dân Ngài. Kiện toàn là giải thích lại Luật Môsê theo đúng ý Thiên Chúa. Chẳng ai biết Ý Thiên Chúa Cha bằng Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Hơn ai hết, Đức Giêsu có quyền nói lên ý nghĩa mới mẻ của Lề Luật.

Về việc giữ luật, ta cũng có thể liên tưởng tới một lời dạy khác của Chúa Giêsu “Ai trung tín trong việc nhỏ thì sẽ trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10).

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, ai trong chúng con cũng thích tự do, nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ. Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự: tự do trước những đòi hỏi của thân xác, tự do trước đam mê của trái tim, tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ, để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa, để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.