Người nói với họ rằng: Ai muốn
theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (Mc 8, 34b)
Qua Thập
Giá mới vào được Vinh Quang: đó là chân lý bất biến mà bài Tin Mừng hôm nay chỉ
cho chúng ta cách thực hiện qua từng bước: Từ bỏ, vác thập giá và tuyên xưng
danh Chúa:
1. Từ bỏ chính mình: Bỏ
mình tức là bỏ chính cái tôi của mình, đó là sự từ bỏ khó khăn nhất. Cái tôi
chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể
hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục
vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng
chất liệu khiêm tốn và phục vụ. Bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ cồng kềnh vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Ngài được. Cụ thể, việc chúng ta giữ
đạo mà vẫn phải bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để
không còn giờ để đọc kinh chung, để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ, để đến được
nhà thờ thì chỉ còn ngủ… Thật ra, bỏ những
thứ bên ngoài đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái tôi của mình còn khó biết
bao.
2. Vác thập giá mình theo Chúa Giêsu: Chúa bảo
chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình,
chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội
trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường
thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn
xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải
miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện…
và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách. Thật
vậy, con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập
giá, Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc
tuân giữ lề luật Chúa…Và khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này,
thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh,
tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của
chúng ta đang triển nở.
3. Tuyên xưng hoặc chối Chúa: Ngày
nay, không có chuyện bách hại nhãn tiền như thời các thánh tử đạo, nên chúng ta
cũng không còn phải tuyên xưng đức tin cách trực tiếp như các chứng nhân xưa nữa.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn tuyên xưng hoặc chối Chúa qua những cách sống sau
đây:
- Những ai dám sống thật, dám làm chứng cho Chúa và
cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế
chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
- Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng
không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt
động sinh hoạt công giáo, không tham dự các bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng
tội rước lễ lâu năm… Hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh. Đặc
biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của
Chúa, bỏ bê các việc đạo đức… là chúng ta vừa không tuyên xưng Chúa, vừa gián
tiếp chối đạo.
- Hoặc để có được việc làm nơi công sở, giữ được “ghế”
trong xã hội thế quyền, sợ bị phiền phức hoặc bạn bè chê cười… chúng ta đã giấu
diếm nguồn gốc Công Giáo của mình.Chúng ta muốn an thân, sợ liên luỵ nguy hiểm
mà không dám làm chứng cho sự thật. Vì cái nồi (miếng cơm manh áo) mà bán rẻ
lương tâm, vì cái ghế (chức này chức nọ) mà làm tay sai cho sự giả dối…Ngay cả
việc ‘làm dấu thánh giá trước bữa ăn’ khi ăn chung nơi công cộng chúng ta còn
thẹn thùng che đậy… Đó là mặc nhiên chúng ta đang chối Chúa.
- Hay khi chúng ta gặp thử thách thất bại, hoặc cầu
nguyện chưa được nhận lời, đã thất vọng chê trách Chúa và nghi ngờ sự hiện hữu
của Chúa. Đó cũng là một hình thức chối đạo…
******
Lạy Chúa, xin cho chúng con dám từ bỏ những gì không
thích hợp với tinh thần Kitô Giáo, can đảm sống niềm tin trước mọi trái ý nghịch
lòng và tự hào là người con Chúa trước mặt mọi người không ngại khó ngại khổ vì
danh Chúa. Amen.