Translate

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

BÀ GÓA NGHÈO


Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ.(Mc 12, 38-40)

Đức Giêsu đưa ra hai hình ảnh đối nghịch: một bên là sự giả hình của các kinh sư, biệt phái. Lòng họ đầy mưu mô xảo quyệt nhưng được che đậy bằng một lớp vỏ bọc bên ngoài hết sức an toàn. Bên kia là sự chân thành của bà góa nghèo, bà đã dâng số tiền nhỏ mọn với thái độ âm thầm và quảng đại. Như thế giá trị của việc dâng cúng hay bất cứ việc gì khác không tùy thuộc số lượng, hay kết quả bên ngoài; nhưng tùy thuộc tấm lòng thành và cách sống của mỗi người.

Lời của Đức Giê-su chứa đựng hai lời cảnh báo đụng chạm sâu xa đến cách sống của chúng ta trong tương quan với người khác và với chính Chúa. Trước hết, đó là sự không tương hợp giữa việc đọc kinh cầu nguyện và tương quan của chúng ta với các bà góa. “Bà góa” chính là biểu tượng nói về tất cả những người nhỏ bé, giới hạn, kém may mắn, ít khả năng, nghèo khó, bị bỏ rơi, cô đơn, không có địa vị.

Lời cảnh báo thứ hai, là thái độ tìm kiếm và cảm thấy thích thú với những lời tôn vinh của người khác ngang qua lễ phục, sự chào hỏi, ghế danh dự và cỗ nhất. Đó không phải là vì lễ phục, sự chào hỏi, ghế danh dự và cỗ nhất là xấu, nhưng là thái độ tìm kiếm bằng mọi giá và cảm thấy vui thích trong những điều này; và mọi người chúng ta đều có kinh nghiệm, cách sống này là mảnh đất mầu mở của những điều thuộc về ma quỉ: ham muốn, ghen tị, ganh đua, loại trừ, thậm chí bạo lực…

Đức Giê-su mời gọi mọi người và nhất là mời gọi các môn đệ của Người, trong đó có chúng ta hôm nay, đừng sống theo cách sống của các ông kinh sư.  Tóm lại, các kinh sư là những người, không chỉ sống theo vẻ bề ngoài, nhưng còn đi tìm và thích thú với vẻ bề ngoài. Và ngang qua việc vạch rõ lối cụ thể của một nhóm người, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhìn lại chính bản thân mình, để nhận ra rằng, sống theo vẻ bề ngoài ở trong mọi lãnh vực, ở mọi nơi và ở mọi cấp độ, là một căn bệnh phổ biến và nan y của mọi người, trong đó có chính bản thân chúng ta. Vì thế, thay vì phô trương, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Không phải để thi thố hay nâng cấp đức khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo.

******


Lạy Cha, Cha không cần chúng con phải dâng cho Cha của lễ cao trọng. Cha cũng không bắt chúng con phải hy sinh, phải chia sẻ cho anh em quá độ ngoài sức chúng con. Nhưng Cha đòi hỏi nơi chúng con sự chân thành, và quảng đại thực sự. Chúng con vẫn còn cái nhìn rất hạn hẹp khi đánh giá người khác qua hình thức bên ngoài. Chúng con vẫn dùng tiền bạc của cải làm thước đo thang giá trị. Xin cho chúng con tích cực cộng tác về mọi phương diện trong việc xây dựng Hội Thánh, xây dựng giáo xứ, khu xóm và chân thành thực thi bác ái đối với anh chị em chúng con. Amen.

CHÚA GIÊ-SU – CON VUA DA-VIT


Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được? (Mc 12, 37)

Trong các bài Tin Mừng của những ngày vừa qua, thánh sử Mác-cô kể lại những nhóm người khác nhau (Pha-ri-sêu, Hê-rô-đê, Xa-đốc và kinh sư) thay phiên nhau đến chất vấn Đức Giê-su về những vấn đề thuộc bình diện xã hội (đóng thuế), niềm tin (sự sống lại) và về các điều răn (điều răn đứng đầu). Họ đặt câu hỏi không phải để đi tìm ánh sáng Chân Lý, nhưng là để  Người phải lỡ lời mà mắc bẫy.

Và trong bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay, đến lượt Chúa Giêsu đặt vấn đề cho các luật sĩ: Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được? (Mc 12, 37a). Đức Giêsu không từ chối mình là Con vua Đavít, vì theo bản tính nhân loại, Đức Giêsu xuất thân từ dòng tộc Đavít. Nhưng ở đây, Đức Giêsu cho thấy, Ngài vượt xa hơn tước hiệu ấy, vì Ngài còn là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, nên Đavít lại phải gọi Ngài là Chúa. Điều đó cho thấy: Đức Giêsu từ địa vị Thiên Chúa, Chúa các chúa, Ngài đã tự hạ để chia sẻ kiếp người nhỏ bé thấp hèn, để cảm thông thực sự với những khốn khó và yếu đuối của chúng ta. Sở dĩ hôm nay Ngài dùng tước hiệu “Con vua Đavít” là chỉ vì Ngài muốn mở trí cho các luật sĩ hiểu Ngài là ai thôi. Chúa Giêsu cũng dạy tôi bài học khiêm tốn. Tôi có nhiều tư cách, nhiều tước hiệu, thí dụ người ta có thể gọi tôi bằng em, bằng anh, bằng chú, bằng thầy v.v... Nhưng tôi thích được gọi bằng những tước hiệu nặng ký hơn.

*****


Lạy Chúa Giêsu, khi suy gẫm về gương tự hủy của Chúa: từ địa vị Thiên Chúa, Ngài đã hạ cố đồng kiếp con người với chúng con. Xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm sâu xa tình Chúa yêu thương chúng con. Trong những lúc chúng con gặp khốn khó, thử thách. Xin cho chúng con biết tin tưởng vào Chúa. Chúng con không sợ hãi, thất vọng vì Chúa vẫn đồng hành, cảm thông và chia sẻ với chúng con. Tin tưởng bước đi bên Chúa, chắc chắn chúng con sẽ bình an. Amen.