Translate

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

ANH EM KHÔNG THỂ LÀM TÔI HAI CHỦ


“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mt 6,24b)

Chia Sẻ:

Có tiền người ta sẽ có một cuộc sống được nhiều người nể trọng. Đó là một thực tế không ai mà không công nhận.

Nhưng tiền không phải là tất cả như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi vì tiền của cũng có sức làm băng hoại cuộc sống con người một cách không lường được.

Thực ra thì Chúa Giêsu không lên án “tiền của”, nhưng Người không chấp nhận cho chúng ta sa lầy trong việc tôn sùng “tiền của” để cho tiền của làm chủ mình.

Người nặng lời phê phán những ai yêu mến và gắn bó với những thực tại trần gian mà họ làm ra và sở hữu.  

Vấn đề không phải là không có mà là không được ưu tiên coi tiền của như là thực tại quan trọng nhất và có sức chi phối mọi suy nghĩ, chọn lựa, quyết định và hành xử của chúng ta.

Thực sự, có thể kể những thứ sau đây tiền không mua được:

Tiền không mua được tình bạn chân thực.
Tiền không mua được lương tâm trong sạch.
Tiền không mua được niềm vui mạnh khỏe.
Tiền có thể mua được một chiếc đồng hồ, nhưng không mua được thời gian.

Chính vì thế mà Chúa Giêsu muốn chúng ta phải có một cái nhìn thật đúng đắn về những thực tại ở trần gian. Thiên Chúa phải chiếm vị trí số một, và các đồ đệ của Đức Giêsu không được từ nan bất cứ điều gì Thiên Chúa đòi hỏi.

Họ phải làm tôi Thiên Chúa trong tình yêu và trong sự gắn bó sâu xa với Ngài.

Chính trong thái độ tâm linh căn bản đó, người đồ đệ sẽ có một cách hành xử đúng đắn đối với những thực tại và giá trị trần thế, ngay cả những thực tại và giá trị cốt thiết để hiện hữu và sống còn, như của ăn và áo mặc chẳng hạn.

HÃY NÊN NHƯ TRẺ THƠ...! (tt)


“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” (Mc 10,14)

Chia Sẻ:

Như chúng ta đều biết, Đức Giê-su có thái độ ưu ái đặc biệt đối với trẻ em. Bài Tin Mừng hôm nay cũng đã chứng tỏ điều này; và ngay trước đó, khi các môn đệ tranh cãi với nhau về vấn đề ai là người lớn nhất, Ngài nói:

“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mc 9, 35-37).

Trở nên như em bé là luôn sống trong tương quan và sống bằng tương quan, vì em bé không thể sống một mình. Sâu sa hơn, em bé không thể đón nhận sự sống từ chính mình, nhưng từ những người khác, nhất là từ những thân yêu.

Trở nên như em bé, còn là sống bản chất hiền lành vốn có trong cõi lòng chúng ta; bởi vì chúng ta là con của Thiên Chúa Cha, và được mời gọi trở nên giống Cha, vốn là tình yêu, là hiền lành. Chính sự hiền lành sẽ chiến thắng được thù địch, vốn là hình ảnh cụ thể của thú tính, sự dữ, lòng ham muốn, bạo lực.

Cầu Nguyện:

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới, những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương, những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán, những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường, những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin thương nhìn đến những gia đình thiếu vắng tình yêu, hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu, những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ, hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc. Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

HÃY NÊN NHƯ TRẺ THƠ...!


"Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng.” (Mc 10,14)

Chia Sẻ:

Đối với những người làm hàng rào cho những con người quan trọng hay có địa vị cao, thường ngăn cấm, xua đuổi trẻ em ra xa, không cho đến gần sợ làm mất vẻ tôn nghiêm. Nhưng đối với Chúa Giêsu thì lại khác, Chúa muốn ôm chúng vào lòng và đặt tay chúc lành cho chúng. Điều này Đức Giáo Hoàng Phanxicô hằng thể hiện hằng ngày trong khi tiếp xúc với đám đông;

Thật sự Chúa Giêsu đòi chúng ta cần có trong mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân để được vào Nước Trời. Điều quan trọng giúp chúng ta có thể làm được là chúng ta phải nhìn ra được tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Sợ bị thiệt hại và sợ nguy hiểm là những lý do khiến chúng ta dè dặt trong cách giao tiếp; nhưng một khi chúng ta biết có một Người luôn quan tâm và bảo vệ, chúng ta sẽ không sợ hãi và tin tưởng hơn trong cách đối xử với tha nhân.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu. Chúa yêu thương các trẻ nhỏ, và Chúa cho biết Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Xin Chúa ban cho mọi người trong gia đình luôn có tâm hồn của trẻ thơ, để được chúc lành và thương nhiều hơn.