Translate

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN...!

Bài  Tin mừng hôm nay (Mt 8, 23-27) thuật lại việc Chúa Giêsu dẹp yên sóng gió trên biển cả làm chúng ta nhớ  đến cơn sóng thần dữ dội xảy ra ở Đông Nam Á vào cuối năm 2004. Cơn sóng thần đó đã qua đi lâu rồi nhưng dư âm kinh hoàng của nó vẫn vang vọng như vừa mới xảy ra: bao gia đình tan nát, chết chóc, chia lìa, có những xóm làng, hòn đảo bị quét sạch trên bản đồ không một ai sống sót, những cặp tình nhân đưa nhau đi nghỉ mát cuối năm: đi hai về một, người chết không đủ đất chôn, không kịp thời gian để an táng, không đủ bao nylon để bọc đành chọn kiểu chôn tập thể, những người thoát nạn sống trong màn trời chiếu đất, thiếu ăn thiếu uống, lo âu hãi hùng, tinh thần khủng hoảng, những nước vốn đã nghèo giờ bị tàn phá kiệt quệ… tôi không muốn đưa ra con số chính xác ở đây vì mỗi ngày đọc tin tức là một con số mới, thay đổi đến chóng mặt, con số ngày hôm nay sẽ lạc hậu so với con số của ngày mai. Sự mất mát và thiệt hại quá nặng nề về vật chất cũng như về tinh thần cho người đã chết cũng như người còn sống sót. Nhưng có lẽ sự thiệt hại nặng nhất là sự khủng hoảng về đức tin cho những người đang sống, hình ảnh về một Thiên Chúa nhân từ đầy lòng xót thương bị cơn sóng thần bóp méo, con người đâm ra nghi ngờ sự hiện hữu của Đấng Hằng Hữu, đó là nỗi buồn vượt trên bao nỗi buồn. Con người có thể sống khổ sở, vật lộn với cuộc sống, thiếu ăn thiếu mặc, nhưng nếu vắng bóng đức tin thì con người sẽ sống ra sao?

Ngày cơn sóng thần lẳng lặng xuất hiện không một tiếng báo trước là ngày Chúa nhật 26 tháng 12 nhằm ngày Lễ Thánh Gia, bổn mạng các gia đình Công giáo. 

Trong khi Giáo Hội hân hoan kỷ niệm ngày đầm ấm xum vầy của một gia đình hạnh phúc trong dư âm ngày Chúa Giáng Sinh còn đâu đây, thì đó cũng chính là ngày gây kinh hoàng tang tóc cho hàng trăm ngàn gia đình. Hai hình ảnh thật trái ngược, Thiên Chúa như khéo bày chuyện trêu ngươi người đời! Nhưng nhìn lại bằng con mắt đức tin thử xem, Phục Sinh và Giáng Sinh là hai ngày lễ lớn và trọng đại nhất của Giáo Hội Công Giáo, đối với người Công Giáo có mức sống đạo bình thường một năm Giáo hội khuyến khích xưng tội hai lần: một vào mùa Chay và một vào mùa Vọng, họ cũng rước Mình Thánh Chúa trong hai ngày lễ lớn của năm: Phục Sinh và Giáng Sinh theo như Giáo Hội yêu cầu. Vậy được Chúa gọi về với Ngài ngay khi người tín hữu đã chuẩn bị tâm hồn, vừa được rước Chúa vào ngày hôm trước, đó là phúc hay họa? Hãy cẩn thận, đừng khóc thương cho những người vừa được Chúa gọi về và đang yên nghỉ trong vòng tay yêu thương của Ngài, mà hãy khóc than, lo lắng cho chính linh hồn mình, vì ngày Con Người tới, biết mình có được chuẩn bị sẵn sàng như họ chưa?

Bên cạnh những hình ảnh tang thương, chết chóc là những tấm hình chụp những chuyến trực thăng chở hàng tiếp vận, những kho hàng óc ách đầy hàng hoá, những nhân viên làm việc thiện nguyện ngày đêm để cứu các nạn nhân, tiền cứu trợ của mỗi nước Mỹ, Nhật, Úc… tăng từ từ, các hội từ thiện trên thế giới lớn tiếng kêu gọi đóng góp với những con số lớn lên mỗi ngày, con người bỗng ra hiền hòa và thế giới cảm nhận được tình nhân ái lâu rồi mới thấy lại, tiếng gọi cứu trợ ở khắp mọi nơi: báo chí, internet, đài phát thanh, truyền hình, trong nhà thờ, nhà trường, các hội đoàn, các hãng lớn xưởng nhỏ, chợ búa… đi đến đâu cũng nghe người ta ơi ới réo gọi nhau, khuyến khích nhau cùng bố thí làm phước. Hình như những đau khổ trong cuộc sống đẩy con người lại gần nhau hơn và những tang thương chết chóc của người khác là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính mình.

Vậy mỗi người chúng ta sẽ luôn sống trong tỉnh thức và cầu nguyện!


CÓ CHÚA TRONG ĐỜI


Bài  Tin mừng hôm nay (Mt 8, 23-27) thuật lại việc Chúa Giêsu dẹp yên sóng gió trên biển cả theo lời cầu cứu của các môn đệ Ngài. Chúa Giêsu để cho sóng gió xảy ra để thử thách niềm tin của các môn đệ, và trình bầy sứ vụ cứu thế của Ngài, đồng thời cũng là dịp củng cố niềm tin cho các môn đệ Ngài.

Việc Chúa Giêsu nằm ngủ gợi đến sự vắng bóng của Chúa. Chúa nằm ngủ trên thuyền là hình bóng Hội thánh tại thế : vẫn có Chúa hiện diện nhưng bề ngoài chúng ta không cảm thấy. Sự hiện diện của Chúa nơi Hội thánh chỉ có thể nhìn thấy qua các biến cố và qua con mắt đức tin. Cuộc đời của từng người chúng ta đôi lúc như thiếu vắng Chúa, nhất là tnhững cơn gian nan thử thách. Chúng ta có cảm giác như mình bị bỏ rơi và muốn thưa với Ngài:”Lạy Chúa, Chúa ở đâu”? Nhưng Chúa chỉ trả lời trong ơn thánh và đức tin : “Ta vẫn ở bên con. đừng sợ”.


Việc Chúa truyền cho sóng gió phải yên lặng gợi lên cho chúng ta ý tưởng rằng Chúa là Đấng toàn năng trên mọi tạo vật. Mọi loài, mọi vật phải vâng phục Ngài. Mỗi khi gặp gian nan thử thách, chúng ta hãy kêu cầu Chúa, Ngài sẽ đến giúp như xưa Chúa đã đáp lời kêu cứu của các môn đệ mà truyền cho sóng gió phải yên lặng. Có Chúa trong đời ta còn sợ gì ?