Người Việt Nam
chúng ta có câu “mùa nào thức ấy”. Mỗi mùa, mỗi vụ, có những thứ trái cây phù
hợp với thời tiết của mỗi miền. Mỗi nơi, mỗi vùng lại có những “đặc sản” khác
nhau. Vào dịp đặc biệt, chẳng hạn như Tết cổ truyền, thường có cây mai, cành
đào, bánh chưng … Nếu thiếu những thứ đó thì xem ra ngày Tết chưa được trọn
vẹn. Năm phụng vụ của Giáo Hội cũng có các mùa khác nhau: Mùa Vọng – Giáng Sinh
– Mùa Chay – Phục Sinh – và Mùa Thường Niên. Mỗi mùa có nét đặc trưng riêng và
có ý nghĩa thiêng liêng khác nhau, nhằm giúp tín hữu đi sâu vào mầu nhiệm Chúa
Kitô và công trình cứu chuộc của Ngài.
Trong ngày thứ Tư Lễ Tro, khi làm phép tro, chủ tế đọc: “Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ có tội phải
chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối…”. Lúc được xức tro lên đầu, chúng ta
nghe lời Chúa : “Hãy sám hối và tin vào
Tin Mừng” (Mc 1,14). Do đó, trong mùa này, ngoài việc cầu nguyện, ăn chay
và làm việc bác ái, thì sám hối là điều cần thiết và quan trọng, được coi như
nét đặc trưng, mà nếu chưa thực hành, thì dường như Mùa Chay thánh chưa được
trọn vẹn.
Thật ra, trong đời sống Đạo, người tín hữu Kitô được mời gọi
xét mình và sám hối thường xuyên, cách riêng là mỗi khi nhận lãnh bí tích Hòa
giải và Thánh thể. Nhưng Mùa Chay là mùa cao điểm để hoán cải, chúng ta được
mời gọi thực hành việc sám hối, cải thiện đời sống, một cách tích cực hơn,
thiết thực hơn và hiệu quả hơn. Chính vì thế, có thể nói, món “đặc sản”của Mùa
Chay là ăn năn sám hối.
Mùa Chay mời gọi ta sám hối, nghĩa là mời gọi chúng ta ăn
năn và chừa cải những lỗi lầm xúc phạm tới Chúa và anh em. Cho nên, không thể
có sám hối mà không có hoán cải. Tuy nhiên, “hoán cải” trong Kitô Giáo còn mang
chiều kích siêu nhiên, không chỉ đòi ta nỗ lực diệt trừ tội lỗi, nhưng điều
quan trọng là trở về cùng Thiên Chúa, để nhận ra tình yêu thương vô biên của
Ngài. Từ đó, ta còn phải định hướng lại toàn bộ cuộc sống, chỉnh đốn lại những
sai lầm đang làm lệch lạc cuộc sống tâm hồn. Vì thế, sám hối hay hoán cải nhằm
mục đích để thay đổi đời sống nên tốt hơn. Đó mới là sám hối đích thật.