Tâm trạng
của các tông đồ sau biến cố tuần thương khó là tâm trạng buồn sầu và lo sợ. Họ
sợ liên lụy vì từng là đồ đệ của tử tội Giê-su. Họ sợ phải về quê làm lại cuộc
đời từ đầu. Từ sợ hãi dẫn đến đánh mất niềm tin và sự bất an cũng theo đó mà
phát sinh và tồn tại. Dù đã được báo trước sau ba ngày Thầy sẽ sống lại. Thế
mà, vì quá sợ mà quên hết mọi sự. Các ông không còn dám tin vào ai. Dù rằng các
người phụ nữ đã kể rõ ràng họ đã gặp Chúa. Dù rằng hai môn đệ đi làng Emmau đã
từng kể về cuộc hàn huyên với Chúa. Dù rằng Gioan và Phê-rô cùng chạy ra mồ,
nhưng chỉ có Gioan thấy và tin, còn Phê-rô thì không. Sợ hãi đã làm cho các ông
hoa mắt đến nỗi “nhìn cò ra quạ”, nhìn thấy Chúa lại tưởng là “Ma”. Thế là thay
vì bình an họ lại để nỗi sợ lấn chiếm.
Thế giới
hôm nay cũng bị ám ảnh bởi sự chết. Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động.
Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người. Những vụ phá thai quá dễ
dàng nơi các cô gái trẻ. Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu. Kitô hữu
phải làm cho sự sống có mặt, và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết. Họ phải là nguồn
sống dồi dào, sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc. Kitô hữu phải là chứng nhân
của niềm vui. Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa, nếu chúng ta đã ra khỏi
nỗi âu lo về mình, chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh, bằng việc
đem lại nụ cười cho những người bất hạnh. Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện
khó tin. Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ, thì người ta có thể gặp
được Ðấng đang sống.
********
Giữa một
thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ, xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống
đơn sơ. Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho con đừng thu tích
của cải. Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp, xin cho con biết quý trọng phẩm
giá từng người. Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống, xin cho con biết
xây lại niềm tin.