Khi Hài Nhi được đủ tám ngày,
nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó
là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
(Lc 2, 21)
Hôm nay
ngày đầu năm mới (Dương lịch), mọi người trên thế giới thêm tuổi mới, vạn vật
sinh linh bước vào chu kỳ mới… Giáo Hội cũng long trọng mừng Lễ Mẹ Maria - Mẹ
Thiên Chúa vào ngày đầu năm mới này, như là một sự khẳng định về vai trò của Mẹ
Maria trong việc khai nguyên Kỷ Nguyên Mới, kỷ nguyên của Ơn Cứu Độ, kỷ nguyên
của Sáng Tạo Mới… khi mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Độ là Chúa Giêsu Kitô. Thật quá mầu
nhiệm, làm sao suy thấu được mầu nhiệm Nhập Thể, khi cái Tuyệt Đối nằm trong sự
hữu hạn, Thiên Chúa toàn năng trong hình hài một hài nhi bé bỏng… Thế nhưng, mầu
nhiệm ấy, chân lý ấy lại được mặc khải cho những tâm hồn đơn sơ bé mọn như các
mục đồng, được trao ban cho tâm hồn khiêm tốn và trinh khiết của Mẹ Maria. “Mẹ Maria đã ghi nhớ và suy đi nghĩ lại
trong lòng” (Lc 2, 19). Đó là đặc trưng chiêm niệm của mẹ mà chúng ta cùng
chiêm ngưỡng và học đòi.
Như vậy, khi cùng với Mẹ Maria chiêm ngắm Hài Nhi
Giêsu, chúng ta cũng hãy học cùng Mẹ biết luôn suy niệm Lời Chúa, cưu mang Lời
Chúa trong lòng, làm cho Lời Chúa lớn lên để rồi làm cho lời Chúa cũng được
sinh ra cho mọi người. Thế giới
ngày hôm nay sống như vắng bóng Thiên Chúa, thậm chí xem như Thiên Chúa không
còn hiện hữu, thì bổn phận của các Kitô hữu phải làm cho Thiên Chúa được sinh
ra cho mọi người, nghĩa là làm cho nhân loại nhận biết Thiên Chúa và ý thức sự
hiện diện của Người, hầu các chuẩn mực đạo đức được tôn trọng và biết hướng tới
những giá trị tinh thần và thiêng liêng để được cứu độ. Ngoài ra, sự thinh lặng
chiêm niệm như là một sự đi ngược dòng chống lại sự ồn ào của những biến động
xã hội, mà sự ồn ào đó đã làm cho con người không thể lắng nghe tiếng nói của
Thiên Chúa và tiếng nói của lương tâm.
******