Translate

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

"BÁN TẤT CẢ ĐỂ..."

Một đồ đệ thắc mắc đến hỏi thầy Rabby:

- Thưa Thầy, trong phúc Âm khi Chúa Giêsu phán bảo người thanh niên giàu có "hãy trở về nhà bán hết gia tài, bố thí cho kẻ nghèo khó." Ngài nói điều đó có ngụ ý là phải khước từ hết tất cả mọi sự trên trần gian này không.

Thầy Rabby trả lời đồ đệ bằng câu chuyện sau đây:

- Hồi ấy có một thanh niên rất yêu thích đọc Phúc Âm. Một hôm chàng giở Kinh Thánh ra và cũng đọc thấy câu con vừa nói tới. Ðọc xong những lời Chúa phán dạy, chàng thanh niên cảm thấy hân hoan vui mừng bởi vì anh là người ngay lành chỉ mong tìm được con đường cứu rỗi. Lập tức chàng đem bán xe hơi và những vật có giá trị nhất và đem tất cả dâng cúng cho viện mồ côi. Khi trở về nhà, tối đến chàng mở Kinh Thánh ra đọc, cũng ngay câu đó và nghe như có tiếng Chúa thì thầm bên tai: Hãy bán tất cả. Kế đó chàng bán căn nhà nơi cư ngụ duy nhất của chàng và cũng lấy tiền đó đem bố thí cho kẻ nghèo. Nhưng chàng vẫn nghe có tiếng Chúa văng vẳng bên tai: "Hãy bán tất cả". Chàng thanh niên tự hỏi. Mình đã bán tất cả những gì quý giá, còn gì phải bán nữa chăng. Sau cùng anh ta nhớ ra là còn quyển Kinh Thánh, và anh cũng đem bán luôn. Khi trở về nhà, từ đó anh ta không còn nghe gì nữa.

Người đồ đệ thắc mắc hỏi:

- Thưa thầy, con không hiểu câu chuyện ngụ ý gì, tại sao chàng thanh niên ấy không còn nghe thấy gì nữa.

Thầy Rabby trả lời:

- Sở dĩ anh ta không còn nghe gì nữa là vì anh ta đã bán đi bảo vật quý giá nhất có thể chuyển đạt lời Chúa cho anh. Thật vậy, Chúa Giêsu không đòi hỏi ta khước từ những gì có thể là dụng cụ làm trung gian dẫn đưa chúng ta đến gần Chúa hơn. Sỡ dĩ Chúa phán bảo chàng thanh niên giàu có bán hết mọi sự là vì Ngài thấy rõ tiền bạc là thần tượng của anh. Chúa Giêsu muốn chúng ta khước từ tất cả những gì tuy tự nó có giá trị nhưng lại có thể là chướng ngại vật ngăn cản chúng ta đến với Chúa. Mỗi người chúng ta phải biết nhận định đâu là những gì giúp ta đến gần Chúa hơn hay duy trì lại và đâu là những điều làm ta xa cách Chúa cần phải dứt khoát khước từ.

Chia Sẻ:

Cái giàu có mà Tin Mừng lên án không phải là có nhiều của cải vật chất nhưng là lòng ao ước không “kìm chế sự ham muốn và tranh đấu để chiếm cho bằng được những của cải đó”. Sự quyến luyến của cải trần gian một cách thái quá có nguy cơ trở thành mối dây ràng buộc hiểm độc bởi vì nó có thể bóp nghẹt tâm hồn con người.

Mùa vọng là thời điểm thuận tiện để nhìn sâu vào đáy lòng mỗi người để nhìn nhận những mối dây còn ghì chặt chúng ta trong trạng thái nô lệ không cho phép chúng ta biết rộng mở tâm hồn đón nhận Ðấng Cứu Thế đang đến trong lịch sử nhân loại và đến trong tâm hồn mỗi người.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin hãy khai mở tâm trí con bằng ánh sáng khôn ngoan của Chúa, để con biết khám phá và nhìn nhận ra đâu là sự giàu sang mà trái tim con vướng mắc.

Xin lửa tình yêu Chúa sưởi ấm tâm hồn con để con biết can đảm khước từ tất cả những gì Chúa không ưa thích.

MÙ NHƯNG KHÔNG MÙ

Chuyện kể rằng, có một người mù lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng câu: "Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con."

Một hôm, người ta dẫn ông đến trước mộ thánh Thomas thành Cantorbery để xin Người chữa cho ông sáng mắt. Ông được nhận lời. Mắt ông liền mở ra. Cảnh vật tưng bừng reo vui trước mắt ông. Khi nỗi vui mừng đầu tiên trôi qua, ông mới chợt nhớ là mình đã quên thêm vào lời cầu nguyện kết thúc: "Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con."

Ông liền trở lại viếng mộ thánh, và xin được mù trở lại nếu điều đó đem lại lợi ích cho linh hồn ông. Thế là ông lại mù như trước.

Chia Sẻ:

Con người ta không có chi khổ cho bằng bị mù, bởi vì mù thì không thấy. Mù thì không thấy cha mẹ, anh chị em hình dáng ra sao, đẹp xấu thế nào ? Mù thì không biêt trời đất, phố xá, xe cộ nó ra làm sao, hình thù như thế nào, tóm lại, mù thì khổ vô cùng.

Nhưng con mắt tâm hồn mà bị mù thì càng khổ hơn. Vậy thế nào là mù trong tâm hồn ?

Theo tôi, người mù trong tâm hồn là người kiêu căng, biết mình sai mà không nhận mình sai, thấy người khác trổi vượt hơn mình là đem lòng ghen tức...

Người bị mù con mắt tâm hồn là người biết một chút xíu về phương diện nào đó, học lóm đựơc cái gì đó, nhưng thích phô trương giữa công chúng, thích làm thầy dạy người khác.

Xã hội chán khối người bị mù trong tâm hồn, nên xã hội loạn; cộng đoàn nào có thành viên bị mù con mắt tâm hồn thì cộng đoàn ấy thật đáng thương hại. Người bị mù tâm hồn 

Người mù từ lúc mới sinh trong Tin Mừng thánh Gioan 9:1-41 quả là một tấm gương sáng chói cho mỗi người tín hữu: Được chữa lành đôi mắt thể xác là một hồng ân cao cả. Nhưng còn tuyệt vời hơn nữa, chính Đức Giêsu đã khai mở đôi mắt Đức tin cho anh, để anh nhận ra Người là một ngôn sứ, là người bởi Thiên Chúa mà đến, là Ánh sáng của trần gian.

Nhưng đâu phải một sớm một chiều mà anh có được đức tin ngời sáng. Sau khi được sáng đôi mắt thể xác, anh đã phải mò mẫm đi trong đêm tối của Đức tin. Anh đã phải vượt qua một chặng đường dài đầy cam go thử thách của tôn giáo, của lề luật, của những người Pharisêu sáng mắt mà như mù lòa. Con đường đi tới Đức tin của anh là con đường đầy chông gai, nguy hiểm. Hành trình Đức tin của anh cứ bị khựng lại bởi những hạch sách, ngăn đe, dọa nạt của giới lãnh đạo tôn giáo.

Cuối cùng, thì anh đã vượt qua cuộc hành trình đầy cam go để đến với Đức tin ngời sáng, như đôi mắt của anh vừa được chữa lành. Trong khi người ta phủ nhận Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, thậm chí còn kết án Người chữa bịnh vào ngày Sabát, thì chính anh, người mù từ lúc mới sinh, lại can đảm bênh vực cho Đức Giêsu và dõng dạc tuyên xưng niềm tin của mình: "Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi, còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì" (Ga 9,31-33).

Lý luận của anh mù đã làm xôn xao giới lãnh đạo Do thái giáo, vì nếu Đức Giêsu là người tội lỗi như họ kết án thì làm sao có thể mở mắt cho người mù được? Hoá ra, người mù thì lại sáng mà người tưởng mình sáng lại hoá ra mù.

Họ mù quáng vì luôn cố chấp trong ý nghĩ lỗi thời, họ cho mình quyền nắm giữ đạo đức truyền thống, nên những gì đi ngược với truyền thống đều là sai lạc, phải loại trừ. Họ mù quáng vì họ tự cao tự đại, luôn cho mình là người tinh thông luật đạo, lại thánh thiện đức độ hơn người, nên họ không bao giờ nhận mình sai sót lỗi lầm. Họ mù quáng vì lòng họ chai đá, không cảm thông được nỗi bất hạnh của kẻ mù lòa, cũng chẳng chia sẻ được niềm vui của người được sáng mắt. Và nhất là họ mù vì họ đã không nhận ra người đã làm cho anh mù được sáng mắt, chính là Đức Giêsu Kitô: "Đấng là ánh sáng thế gian".

Nguy hiểm biết bao khi luôn cho mình đã nhìn rõ. Trong bao cái chai lì của đời sống làm sao chúng ta nhìn thấy hết mọi vấn đề. Cái nhìn vừa mênh mông vừa thiếu sót làm sao! Cái nhìn sai nào cũng gây bất công và đau khổ cho người khác. Tiêu chuẩn để khỏi phải hối hận vì gây đau khổ cho người khác là hãy nhìn bằng đôi mắt xót thương.

Mù loà thể xác đã là một bất hạnh không ai mong đợi, nhưng mù loà tâm hồn còn là một tai hoạ khủng khiếp nhất. Người ta có thể trở nên mù loà khi cố chấp không đón nhận sự thật: Sự thật về cái yếu đuối bất toàn của mình, sự thật về một Đức Kitô bởi Thiên Chúa mà đến, Đấng là Ánh sáng thế gian. Chính người đã tuyên bố: "Sự thật sẽ giải thoát chúng con" (Ga 8,32). Sự thật chính là Đức Kitô và những gì Người đà loan báo. Tin vào sự thật là tin rằng Người sẽ giải thoát chúng ta khỏi mù lòa thiêng liêng. Tin vào sự thật là tin rằng Người là Ánh sáng thế gian. Tin vào sự thật là sẵn sàng bước theo Ánh sáng của Người.

Cầu Nguyện:


Lạy Chúa, chỉ những ai khiêm tốn nhận mình mù lòa mới được Chúa cho sáng mắt, còn những ai cho mình sáng mắt sẽ mãi mãi sống trong bóng tối tự mãn của mình. Xin đừng để chúng con ở lì trong bóng tối tội lỗi của mình, nhưng xin dẫn dắt chúng con bước đi trong ánh sáng của Chúa.