Translate

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

CHÚA GIÊSU LÀ AI ? (tt)


“Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy” (Ga 7, 46)

Chia Sẻ:

Sự xuất hiện của Chúa Giêsu trong dịp Lễ Lều đã gây tranh luận về nguồn gốc của Chúa chưa được ngã ngũ, thì Chúa lại loan báo sự ra đi làm cho đám đông càng hoang man. Chúa lại báo cho mọi người biết chính Chúa là Nước Hằng Sống, ai khát hãy đến với Chúa. Làm cho những kẻ căm thù Chúa, muốn giết Chúa sớm hơn. Nên họ đã sai những binh lính tìm cơ hội để bắt Chúa, nhưng những binh lính này khi theo dõi Chúa, đã không bắt, mà còn công nhận giáo huấn của Chúa.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, ai thành tâm gặp Chúa và nghe Lời Chúa, đều được biến đổi. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn soi mình trong Lời Chúa, để nhận ra chính mình, để canh tân cuộc sống theo thánh ý của Chúa.

CHÚA GIÊSU LÀ AI?


Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?  (Ga 7, 41b)

Chúa Giêsu đã trở nên một dấu hỏi lớn. Mỗi người phải tìm một câu trả lời cho câu hỏi “Chúa Giêsu là ai?”.

Câu trả lời của mỗi người chúng ta thế nào?  Đối với chúng ta:

Chúa Giêsu là Đấng để tôi chạy tới xin ơn?

Là Đấng nhân từ luôn thông cảm tha thứ?

Là người rắc rối hay đặt vấn đề cho lương tâm tôi?

Là Đấng mà tôi phải trung thành đi theo, cho dù phải theo trên con đường Thập Giá?


Hãy biết rằng kiến thức về Thiên Chúa, về Chúa Kitô, và về các ý định của Thiên Chúa cho con người rất cần thiết cho chúng ta để đạt tới đích điểm mà Thiên Chúa đã tiền định cho con người. Nếu chúng ta không biết ý định và đường lối của Thiên Chúa, chúng ta sẽ tin và làm theo những gì chúng ta suy nghĩ.

SỐNG CHO SỰ THẬT


Bài Tin Mừng thứ 7 tuần 4 Mùa Chay hôm nay cho thấy rằng trong dư luận có sự chia rẽ về niềm tin vào Chúa Giêsu. Một số thì tin Chúa Giêsu là “Ngôn sứ” là “Đấng Kitô”. Nhóm khác thì không tin. Họ thù ghét nhau vì sự xuất hiện của Chúa Giêsu. Có lẽ, những người tin Chúa Giêsu gặp nhiều bất lợi, vì tin vào Chúa Giêsu thì chống lại những những lãnh đạo tôn giáo và những người cầm quyền.

Trong đoạn Tin mừng này tôi rất ngưỡng mộ ông Nicôđêmô. Ông là người trí thức và ông cũng có địa vị. Nhưng ông đã không sợ mất mát, không sợ bị thù ghét để bênh vực sự thật và nói lên niềm tin của mình.

Trong đời sống của mình, có khi vì tư lợi, vì sợ mất lòng, sợ thù ghét, vì sợ thiệt thòi hay mất mát mà tôi không dám nói lên sự thật hay không dám bênh vực cho sự thật. Nicôđêmô trong đoạn Tin mừng này là tấm gương cho tôi.

Lạy Chúa, xin cho con dám sống cho sự thật và xin cho con ơn can đảm sống đức tin mỗi ngày để lời nói và việc làm của con đem Chúa đến cho những người chung quanh. Amen.

KHUÔN MẶT ĐẤNG CỨU THẾ





Gioan Tiền Hô là một vị tiên tri cương trực. Ngài không hề run sợ trước thế lực, cường quyền. Ngài chỉ quan tâm một điều duy nhất là “làm chứng cho chân lý”. Khi vua Hêrôđê cướp vợ của người anh, Gioan đã không ngần ngại lên tiếng công kích hành động vô luân của nhà vua. Vì thế ông bị bắt giam và bị tù đày. Khi bị giam trong ngục, Gioan vẫn theo dõi những hoạt động của Chúa Giêsu, ông sai môn đệ của mình đến hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi gây ngỡ ngàng cho ta: “Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải chờ đợi một Đấng nào khác?”(Mt.11:3)

Câu hỏi của Gioan làm cho ta ngạc nhiên và phân vân: Gioan là người đi mở đường cho Chúa, là người giới thiệu Đấng Cứu Thế, nhưng có phải ông nghi ngờ Người mà mình giới thiệu? Có phải Gioan hoang mang không biết Chúa Giêsu có phải là Đấng Thiên sai hay không? Chắc hẳn không phải như vậy. Chắc chắn Gioan biết rất rõ Chúa Giêsu là ai, ông có một lòng tin tưởng mạnh mẽ vào Chúa Giêsu, nhưng còn các môn đệ của ông thì chưa được xác tín mạnh mẽ như ông. Vì thế ông muốn soi dẫn cho các môn đệ, ông muốn tạo hoàn cảnh để họ nhìn cho rõ, nghe cho kỹ và tự nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai đã được tiên báo từ hàng trăm năm về trước.

Trước câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp vì Ngài hiểu được ý nghĩ thâm sâu của Gioan. Ngài tế nhị dẫn dắt các ông từng bước nhỏ, Ngài muốn các ông về kể lại cho Gioan những việc Ngài đã làm: “Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. (Mt.11:4-5)

Với câu trả lời tế nhị ấy, Chúa Giêsu nhắc nhở ta nhớ lại lời loan báo của tiên tri Isaia về Đấng Cứu Thế. Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu giúp ta nhận ra khuôn mặt trung thực của Đấng Cứu Thế:

Đấng Cứu Thế không phải là vị vua oai phong từ trời ngự xuống trên đám mây. Nhưng chỉ là một hài nhi bé nhỏ sơ sinh xuất hiện giữa loài người như một mầm cây bé bỏng.

Đấng Cứu Thế không phải là vị vua sang trọng ngự trong cung điện nguy nga. Nhưng chỉ là anh thợ mộc nghèo hèn sống trong một làng quê hẻo lánh.

Đấng Cứu Thế không phải là vị quan tòa oai nghiêm hét ra lửa, thở ra khói. Nhưng chỉ là một lương y hiền từ đến chữa lành những vết thương, an ủi những ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi.

Đấng Cứu Thế không đến trong vinh quang huy hoàng, trong chiến thắng rực rỡ. Nhưng chỉ âm thầm và tình nghĩa như một người bạn thân thiết.

Đấng Cứu Thế không đến trong hàng ngũ những người quý phái có địa vị cao trọng trong xã hội. Nhưng lui tới với những người bé nhỏ nghèo hèn, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội.

Chúa không đến trong một biến cố kinh thiên động địa. Chúa không có những pha biểu diễn ngoạn mục. Chúa không đến trong những thành công rực rỡ. Chúa không đến trong uy tín hay quyền lực. Chúa sẽ chỉ đến rất âm thầm, bé nhỏ nhưng đầm ấm tình người. Chúa sẽ đến trong một bàn tay kín đáo nâng đỡ. Chúa sẽ đến trong một nụ cười khích lệ. Chúa sẽ đến trong một cái bắt tay thân ái. Chúa đến chỉ thoáng qua. Nơi nào có dấu hiệu của tình thương, nơi đó đang vẽ ra khuôn mặt của Thiên Chúa.

KHỔ VÌ YÊU

Thánh Phan-xi-cô thành Át-xi-di rảo quanh các đường phố, miệng than vãn: “Tình yêu không được yêu lại… Tình yêu không được yêu lại… Tình yêu không được yêu lại…”

Thánh sử Gio-an cho thấy sự xung đột giữa Đức Giê-su và người Do Thái ngày càng gay gắt. Những người lãnh đạo Do Thái đang tìm cách để loại trừ Đức Giê-su và đám đông dân chúng từ khước tin nhận Người.

Trước sự từ khước của con người, Đức Giê-su đã lớn tiếng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi đến từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật.” (Ga 7, 28). Đó là nỗi đau khổ của một tình yêu không được nhận biết. Giữa lúc người ta chỉ bận tâm chuyện giết Đức Giê-su thì Người lại chỉ nói tới một tình yêu đang tràn ngập lòng mình. Phần chúng ta, chúng ta có “biết” Đức Giê-su?

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận biết sự thật về Ngài. Ước gì sự hiểu biết ấy giúp chúng con sống hiệp thông với Chúa và chan hòa với anh chị em của chúng con.

THẤY VÀ TIN


Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng : “Các ông biết tôi ư ? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư ? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. (Ga 7,28)



Những người đương thời, và con người thuộc mọi thời đại, trong đó có chúng ta hôm nay, chỉ thấy “Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá”, bởi vì Người đã thực sự bị bắt, bị kết án và bị hành hình; Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến như thế. Thiên Chúa là nọc độc của Con Rắn đã gieo vào lòng con người ngay từ nguồn gốc sự sống, nhưng được chữa lành tận căn bằng Thập Giá, bởi vì thập giá diễn tả tình yêu Thiên Chúa đi đến mức “điên rồ” đến như thế.

Tin điều không thấy, đó cũng chính là cách sống đức tin hôm nay: thay vì đòi thấy những điều lạ lùng mới chịu tin, thay vì chạy theo những điều ngoại thường, những phép lạ, chúng ta được mời gọi khám phá ra:

Những điều lạ lùng ngay trong những điều bình thường của ngày sống.

Những ơn huệ nơi những gì chúng ta là và chúng ta nhận được trong cuộc đời và từng ngày sống.

Sự hiện diện của Chúa, kín đáo nhưng rất mạnh mẽ, nơi các biến cố trong cuộc đời.

Cách Chúa dẫn đưa trong hành trình cuộc đời và ơn gọi của chúng ta, ngang qua những khó khăn, thách đố, mất mát thua thiệt.

Nếu chúng ta không tin Thiên Chúa hằng sống mạnh hơn sự chết, như người Do Thái xưa, tất yếu chúng ta sẽ bị Sự Dữ gieo nọc độc quên ơn, nghi ngờ, ham muốn, ghen tị và đẩy tới những hành động của bóng tối sự chết. Thực vậy, từ chối tin sẽ khởi động cách nhanh chóng một tiến trình tăng tốc của sự chết: người không tin vào sự sống sẽ đòi hỏi những bằng chứng về sự sống và, từ đó rất nhanh đi đến chỗ tự mình đưa ra những bằng chứng về điều trái ngược với sự sống. Người nào không tin vào sự sống, thì chẳng mấy chốc người ta sẽ đưa ra những bằng chứng của sự chết, đó là cung cách sống, những hành động và rốt cục là chính bản thân người đó hướng về sự chết, và thuộc về sự chết

HÃY NHẬN BIẾT CHÚA


“Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” (Ga 7,29)

Chia Sẻ:

Những khoảng khắc cuối đời của Chúa Giêsu, Chúa thường đi lại trong miền Galilê, để tránh người Do Thái.Nhưng trong ngày Lễ Lều.Chúa Giêsu lại công khai giảng dạy trong Đền Thờ, nên đã làm cho dân chúng tranh luận về nguồn gốc của Đấng Kitô.Chúa Giêsu đã công khai cho họ biết là chính Chúa. Chúa từ Chúa Cha mà đến và chính Chúa Cha đã sai đến trong thế gian này.

Chúng ta đang ngày càng đi sâu vào Mùa Chay. Trong thời gian này, nhiều tín hữu đã sám hối trở lại cùng Chúa, nhiều dự tòng đang chuẩn bị đón nhận cuộc sống mới. Chúng ta có thực sự tin rằng Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại vì chúng ta không ? Hy vọng rằng qua mỗi Thánh lễ Ngài sẽ ban thêm đức tin cho chúng ta, một đức tin đủ mạnh để chúng ta can đảm đối diện với những khó khăn trong cuộc sống này và dẫn chúng ta đến cõi sống muôn đời.Amen.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, năm xưa Chúa đã đau khổ nhiều về sự mù quáng của các người biệt phái. Bởi mù quáng nên họ đã rắp tâm tìm cớ để loại trừ Chúa. Họ mù vì thiên kiến hẹp hòi. Họ mù vì kiêu căng tự mãn. Họ mù vì những ghen ghét giận hờn. Bởi mù loà mà họ đã giết Con Một Thiên Chúa Đấng đã được sai đến cứu độ trần gian.

Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi sự mù quáng để chúng con có thể nhận ra Chúa trong cuộc đời chúng con. Xin đừng để những đam mê thấp hèn khiến chúng con mờ tối con mắt đến mê muội và làm những điều xấu xa xúc phạm đến Chúa. Xin cho chúng con biết sống khiêm tốn để có thể nhận ra Chúa đang hiện diện nơi tha nhân, nhờ đó chúng con biết đối xử với nhau trong yêu thương chân thành. Amen.