Translate

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

VIỆC ĂN CHAY CẦU NGUYỆN MANG LẠI NHỮNG ÍCH LỢI NÀO TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN:


Ăn chay là một cách thế tỏ lòng sám hối giúp tránh được sự trừng phạt của Thiên Chúa. Ni-ni-vê là một thành phố tội lỗi lẽ ra đã bị Thiên Chúa tiêu diệt do tội quá nhiều. Nhưng khi nghe được lời ngôn sứ Gio-na rao giảng, dân thành đã cùng nhau ăn chay hãm mình để bày tỏ lòng sám hối nên cuối cùng đã được Thiên Chúa tha tội và Người đã bỏ ý định trừng phạt cả thành ( Gn 3,1-10).

Ăn chay kết hợp với cầu nguyện sẽ mang lại sức mạnh để xua trừ ma quỷ và tội lỗi. Khi ăn chay là chúng ta thực tập làm chủ sự thèm ăn của bản thân, nên cũng sẽ làm chủ được tính xác thịt. Ăn chay còn giúp chúng ta đón nhận được nhiều ơn Chúa để xua trừ ma quỷ như Đức Giê-su đã cho các môn đệ biết lý do các ông không trừ được ma quỷ như sau: “Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (Mt 17,21). Chính Đức Giê-su đã nêu gương ăn chay cầu nguyện suốt 40 đêm ngày trước khi đi loan báo Tin Mừng để dạy các môn đệ rằng: khi làm một công việc về đức tin mà muốn đạt kết quả, chúng ta cần phải ăn chay cầu nguyện để được Chúa ban ơn trợ giúp mới hy vọng được thành công.

Ăn chay phải gắn liền với việc thực thi công bình bác ái mới đẹp lòng Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ của Ngài. Do đó chúng ta cần phải gắn bó sự ăn chay với việc bác ái chia sẻ cơm bánh cho người nghèo đói, hoặc góp phần vào các công trình phúc lợi xã hội hay việc xây dựng Hội thánh.

PHẢI ĂN CHAY THẾ NÀO MỚI ĐẸP LÒNG THIÊN CHÚA?


Cốt yếu của việc ăn chay không phải là sự nhịn ăn, nhưng là tâm tình thống hối tội lỗi và quyết tâm quay về làm hòa với Thiên Chúa và tha nhân, muốn được thêm ơn sủng của Thiên Chúa… Nếu không có những tâm tình ấy, việc ăn chay sẽ chỉ là một hình thức và không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã tuyên sấm như sau: “Chúng có ăn chay, cầu khẩn, Ta cũng chẳng thèm nghe tiếng; có dâng lễ toàn thiêu và lễ phẩm, Ta cũng chẳng tỏ lòng xót thương” (Gr 14,12).

Ăn chay cũng là một việc làm nội tâm và không cần cho người khác biết. Ngôn sứ Giô-en đã tuyên sấm lời Đức Chua như sau: “Ðừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Ðức Chúa là Thiên Chúa của anh em” (Ge 2,13). Ðiều quan trọng là phải trở về với Thiên Chúa hơn là chay tịnh bề ngoài cho người ta thấy. Về phần Ngôn sứ I-sai-a, ông cũng nhấn mạnh điều quan trọng của việc ăn chay phải đi đôi với sự thuẹc thi công bình bác ái như sau: “Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn… Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Ðức Chúa? Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? (Is 58,3-7).

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa hôm nay là Lễ Tro bắt đầu Mùa Chay, ước chi mọi người ăn năn thống hối thật lòng trở về bên Người để ngày sau được lên đàng hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời. Amen

THÔNG ĐIỆP THẬT SỰ TRONG MÙA CHAY


“Khi ăn chay, anh em chớ có làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả; chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật  anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.” (Mt 6,17)

Chia Sẻ:

Khởi đầu Mùa Chay, Giáo Hội dùng Lời Chúa để mời gọi chúng ta dọn mình, chuẩn bị đi vào Tam Nhật Vượt Qua và đón chào Phục Sinh. Khởi đầu Mùa Chay bằng Lễ Tro giúp chúng ta nhận ra mình là tro bụi mai ngày sẽ trở về với bụi tro, nhận ra bản thân mình là một tội nhân cần được tha thứ, cần được tẩy sạch để được nên mới, mới trước Chúa và tha nhân.


Mùa Chay nhắc nhở con người nhiều điều: thân phận mỏng giòn của con người qua nghi thức xức tro: “Hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về bụi đất!” Hay tính yếu đuối và tội lỗi của con người: “Hãy ăn năn xám hối và tin vào Tin Mừng!” Tuy nhiên, tình thương của Thiên Chúa lớn hơn những tội lỗi mà con người xúc phạm; Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả nếu con người biết ăn năn xám hối.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, bước vào Mùa Chay. Xin Chúa ban cho mọi người trong gia đình chúng con sống khiêm tốn, biết sám hối để nhận lãnh ơn tha tội; và thực hành đức công bằng, bác ái, giúp đỡ người nghèo.

THÁNH GIÁ LÀ GÌ?


Trong Mùa Chay thánh này, tôi mời gọi mọi người suy nghĩ đôi chút về thánh giá.

Có quá nhiều loại thánh giá:

- Thánh giá để trang điểm.

- Thánh giá là đơn vị kinh tế tính bằng tiền bạc.

- Thánh giá là phương tiện tranh đấu.

- Thánh giá có thể làm duyên cớ cho lòng thèm muốn tham lam.

- Thánh giá có thể để lôi cuốn, quyến dũ người khác.

- Thánh giá có thể bị quên lãng ngoài cánh đồng.

- Thánh giá cũng được gìn giữ cẩn thận trong tủ sắt khóa kín.

- Thánh giá để phân biệt chức vị trong xã hội.


Ðức Kitô nói về thánh giá như sau: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá của mình mỗi ngày mà theo Ta” (Lc 9,23). Vác thánh giá để đi theo một người chứ không phải để thỏa mãn tò mò về một người. Như thế thánh giá không phải là một định nghĩa để hiểu biết bằng trí tuệ mà phải hiểu bằng lối sống. Bởi đó, kẻ không theo Ngài thì sự hiểu biết tri thức về thánh giá chẳng có ý nghĩa gì. Kẻ đã theo Ngài thì không cần tìm định nghĩa cho thánh giá. Vì đã theo Ngài thì biết thánh giá là gì rồi. “Về phần tôi, ước chi tôi đừng có vinh quang nơi một điều gì, trừ phi nơi thập giá của Chúa chúng ta” (Gl 6,14).


Tôi nói với người ta về thánh giá. Tôi cũng nghe kẻ khác nói với tôi về thánh giá. Tôi nhìn thánh giá mỗi ngày mà tôi đâu thấy vinh quang. Cuộc sống vẫn đầy rẫy trầm luân của nó. Như vậy thánh giá nào mới cho tôi hy vọng?

Như thế, không phải thánh giá nào cũng có vinh quang. Ðiều ấy cũng hàm ý là có nhiều thánh giá giả. Nếu phân biệt được thánh giá thật giữa thánh giá giả thì người ta sẽ hiểu được vấn đề là người ta phàn nàn về thánh giá. Khi gặp điều bất hạnh, người ta hay nói: Ðời tôi khổ quá! Chúa gửi thánh giá cho tôi!

Phúc Âm kể rằng Chúa bị điệu ra công trường, bị nhổ vào mặt, bị xỉ nhục, bị tát, bị đội vòng gai, bị cười. Người ta làm thánh giá, bắt Ngài vác đi rồi đóng đinh Ngài trên thánh giá đó (Mc 15,16-20; Mt 27,27-31; Ga 19,1-3). Như thế, thánh giá trong ý nghĩa bất hạnh là sản phẩm của con người. Con người đã có sáng kiến chế ra thánh giá để đóng đinh Chúa. Nếu thánh giá là sản phẩm của con người thì phải nói con người đã gởi thánh giá cho Chúa, chứ Chúa làm gì có thánh giá mà gởi cho con người?

THỨ TƯ LỄ TRO (tt)


Hôm nay là ngày đầu tiên tôi đi vào hoang địa để một mình đối diện với lương tâm, đối diện với Chúa .

Hoang địa không nhất thiết là cánh rừng nào đó xa xôi, hay ngọn núi tựa núi Cây Dầu. Nhưng đó có thể là một góc khuất nơi giáo đường, là chiếc bàn tôi đang ngồi làm việc, cũng có thể là ngay nơi mái ấm gia đình với những bổn phận, nơi môi trường sống hằng ngày với những ồn ào, tranh dành và náo động.

Ồn ào, náo động và tranh dành giữa nhịp sống hằng ngày đấy. Thế nhưng, lòng và trí tôi không "ồn, động, tranh và dành", đó là tôi đã bước được một chân vào hoang địa.

Hôm nay là ngày đầu tiên tôi ăn chay. Ăn chay không có nghĩa là tôi chọn món ăn giữa cá (hải sản)và thịt, ăn nhiều hay ăn ít, ăn thỏa thích hay cầm chừng. Nhưng ăn chay có nghĩa là miệng tôi "ăn" để có sức lao động, nhưng lòng tôi "chay, tĩnh" để không nghĩ xấu, nói xấu và thực hiện điều xấu cho anh em.

Cất được tiếng "xin vâng" với Chúa và với nhau; nói và hành động ngôn ngữ "tha thứ"; sống "thật", nói "thật" với lòng, với anh em; chu toàn "bổn phận" với chính mình, gia đình và cộng đoàn. Đó là cách ăn chay đúng nghĩa nhất.

THỨ TƯ LỄ TRO


Hôm nay thứ tư Lễ Tro, bắt đầu cho Mùa Chay thánh, tôi mời gọi mọ người suy nghĩ đôi điều về Mùa Chay.

Mùa Chay là mùa chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về tình yêu, một tình yêu đích thực, trong suốt nhưng cũng có phần lạ kỳ nhất trong lịch sử nhân loại: tình yêu của Thiên Chúa dành cho từng người tội nhân chúng ta. Vì yêu thương chúng ta, vinh quanh lẫy lừng của một Thiên Chúa, Giêsu cũng chẳng màng chi đến. Ngài chấp nhận bị nộp vào tay người đời, bị xem là đồ bị nguyền rủa và xấu xa. Ngài đến để thi ân giáng phúc cho người ta, nhưng chính Ngài lại bị chính những người mình yêu bội phản và giết chết. Ấy vậy mà Ngài không hề buông ra một lời phản kháng; trái lại, còn an ủi, còn nói lời thứ tha. Khi yêu, người ta chẳng màng chi đến mình nữa! Tất cả những gì người ta làm chỉ nhắm đến hạnh phúc và tương lai tươi sáng của người mình yêu. Giêsu đã yêu mà không hề chiếm giữ, yêu mà vẫn tôn trọng tự do. Ngài chỉ mong chờ, chứ không bắt buộc người mình yêu phải yêu mình như thế. Chúng ta có cảm nghiệm được tình yêu này của Giêsu trong cuộc đời mình không?

Thời gian mùa Chay cũng mời gọi chúng ta hãy nhớ đến thân phận tro bụi của mình, nhớ đến cái kết cục thảm khốc mà ai cũng phải tiến đến là cái chết, nhớ đến những ảo tưởng và phù hoa mà tiền tài và danh vọng ở thế gian này bày vẽ trước mặt ta. Hãy suy nghĩ về cái chóng qua của một kiếp con người, cũng tựa như những cánh hoa tươi trong vườn. Một thời hoa cũng thơm hương, gọi mời ong bướm muôn phương, nhưng rồi cũng có ngày hoa trở nên xơ xác. Cao sang mấy, danh vọng mấy, rồi có ngày chúng cũng sẽ trôi tuột khỏi bàn tay ta. Ta được mời gọi để hướng đến một điều gì đó bền vững hơn, chắc chắn hơn, một tài sản cao quý hơn trên Nước Thiên Đàng. Ta hãy tìm cách tích trữ của cải ấy qua đời sống cầu nguyện, qua những việc hy sinh và qua những việc bác ái.

Ước chi mỗi gia đình và cộng đoàn Kitô hữu biết tận dụng thời gian Mùa Chay này, để gạt bỏ một bên những điều gì gây lo ra cho tâm trí và tăng trưởng trong những điều nuôi dưỡng tâm hồn, hầu yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Tôi đặc biệt nghĩ tới một sự dấn thân lớn hơn cho việc cầu nguyện, chạy đến bí tích hòa giải và tham dự tích cực vào bí tích Thánh Thể, đặc biệt Thánh lễ ngày Chúa nhật. Với thái độ bên trong ấy, chúng ta hãy đi vào tinh thần sám hối của Mùa Chay. Nguyện xin Đức Trinh nữ Maria, “Nguồn hoan lạc của chúng ta,” đồng hành và trợ giúp chúng ta trong nỗ lực giải thoát tâm hồn khỏi nô lệ tội lỗi, biến nó thành “nhà tạm sống động của Thiên Chúa.” (Sứ điệp Mùa Chay 2009).