Translate

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

THỨ BA TUẦN HAI THƯỜNG NIÊN

Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sabát. (Mc 2,27)

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoàn mỹ của thế giới được vận hành một cách trật tự tuyệt vời ai mà không trầm trồ thán phục, ngợi khen? Vâng, Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới này không lung tung lộn xộn, nhưng tất cả đều có qui luật của nó như: sự luân chuyển ngày đêm, tứ thời bát tiết, vạn vật bổ túc giúp nhau sinh tồn… Và khi vận hành trong quĩ đạo, qui luật ấy nó đươc bảo đảm an toàn tốt đẹp. Nếu có gì đó trái với luật tự nhiên thì tai họa sẽ xảy ra - thế giới vật chất cũng thế mà thế giới tâm linh cũng vậy; đối với thế giới tâm linh, lương tâm sẽ là tiếng nói bảo đảm cho qui luật sống của con người và giúp con người cộng tác với Thiên Chúa trong việc hình thành các qui luật sống. Vì thế, Luật lệ là một yếu tố không thể thiếu trong xã hội loài người. Không một tổ chức, xã hội nào tồn tại nếu không có luật lệ. Xã hội có luật của xã hội, tôn giáo có luật của tôn giáo, đoàn thể có luật của đoàn thể, công ty có luật của công ty, mỗi quốc gia, dân tộc đều có luật lệ cho riêng mình….Luật lệ phục vụ đời sống con người, giúp cho thế giới phát triển phong phú, bảo vệ quyền lợi con người và làm cho đời sống con người thêm an toàn hạnh phúc. Do đó thi hành luật lệ chính là bổn phận của mỗi con người trong xã hội. Và cũng vì vậy, nếu có luật lệ nào trái với những qui tắc trên thì chắc chắn nó cần phải xét lại.

Bài tin mừng hôm nay nói đến luật ngày sa-bát – một điều luật quan trọng bậc nhất của người Do-thái.  Bộ luật của người Do Thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Môisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong Sách Lêvi và Đệ Nhị Luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sabat, thuộc giới răn thứ 3 trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết. Luật lệ của người Do-thái chi li như thế, và những người Pha-ri-sêu là những người đặc biệt giữ luật hết sức tỉ mỉ, nên chúng ta không lạ gì khi họ bắt bẻ các môn đệ Đức Giê-su đã bứt lúa khi đi đường trong ngày sa-bát. Vì họ cho rằng bứt lúa là làm công việc của người thợ gặt và chà xát lúa trên tay là làm công việc của người thợ xay. Quá chú trọng đến hình thức của luật mà họ quên đi cốt lõi của luật là tình yêu; Thiên Chúa ban cho họ luật là để họ có thể sống hạnh phúc hơn trong tình Chúa, tình người chứ không phải để họ giữ luật vì luật cách khổ sở. Thiên Chúa đã tạo dựng con người và ban cho con người quyền làm chủ. Vì vậy mà ở đây, Đức Giê-su nhắc lại quyền ấy cho họ hiểu : Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát.  Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát” (Mc 2, 27-28). Thực ra, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ - kinh sư - biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ. Còn chúng ta, ngày hôm nay chúng ta thường giữ luật vì cái gì? Có những người thiếu hiểu biết, thiếu tình yêu nên thường tìm cách né luật, trốn luật, không tôn trọng luật chung và nhiều khi còn có những hình thức gây rối. Có những người lại quá nệ luật, biến luật thành ông chủ và trở thành khắt khe, thiếu bao dung, thiếu tình bác ái. Chúng ta nên nhớ ưu tiên của luật là phục vụ cho hạnh phúc con người. Do đó phải có sự tế nhị, có tình yêu thực sự trong tâm hồn thì chúng ta mới có thể giữ luật cách tự do, tròn đầy và làm cho cuộc sống của mình cũng như của tha nhân được sung mãn.

Hơn thế nữa, bài Tin mừng hôm nay còn đặc biệt nói đến việc giữ luật ngày “của Chúa”. Người Ki-tô hữu chúng ta được mời gọi dành riêng ngày Chúa nhật cho Thiên Chúa để thờ phượng, tạ ơn vì biết bao ơn lành chúng ta đã lãnh nhận nơi tay Ngài, nhất là tưởng niệm, kính nhớ sự thương khó và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô bằng việc tham dự Thánh lễ, cùng nhau hiệp thông trong niềm tin, trong tình liên đới và huynh đệ. Đồng thời đó cũng là ngày để chúng ta quan tâm tới nhau, chia sẻ với nhau trong tình yêu, nơi gia đình, trong lối xóm, làm việc tông đồ, từ thiện, bác ái… (x. GLHTCG, 2011 s. 2186. 2188. 2289. 2247); vì thế, là người Công Giáo, ngày sa-bát (Thiên Chúa nghỉ ngơi – sau sáng tạo) của người Do Thái đã được thay thế  bằng Ngày Chúa Nhật (Chúa Giêsu Phục Sinh – sáng tạo mới), chúng ta đã tuân giữ Ngày Chúa Nhật như thế nào:

-  Tham dự Thánh Lễ vì lòng yêu mến hay vì bắt buộc phải đi lễ?

-  Làm việc bác ái hay là dửng dưng với những hoàn cảnh khó khăn của đồng loại mà ta gặp thấy? Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

-  Chúng ta giữ gìn luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?

*********

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết sống tâm tình cảm tạ và hiếu kính với Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương, tạo dựng và cho chúng con được làm con cái của Ngài. Xin cho chúng con biết dùng thời giờ của ngày chúa nhật như ân lộc Chúa ban để thờ phượng, tôn vinh Chúa; bồi dưỡng thể chất, tinh thần để có thêm năng lượng sáng tạo mới làm cho cuộc sống thêm vui tươi và hạnh phúc. Đồng thời xin cho chúng con luôn nhớ cốt lõi của luật là tình yêu và khi yêu thương là chúng con “chu toàn lề luật” để chúng con biết tôn trọng và thi hành những luật lệ chính đáng của xã hội và những luật Chúa truyền cho chúng con trong tình yêu mến, liên đới và xây dựng.