Ai không vác thập giá mình mà
theo Thầy, thì không xứng với Thầy. (Mt 10, 38)
Đức Giê-su muốn những ai muốn theo làm môn đệ Người phải
dành trọn tình yêu cho Người : “Ai yêu
cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái
mình hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,37). Nếu Đức Giê-su
không phải là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa và nếu Người đã không chịu chết vì
yêu loài người trước, thì chắc Người không dám đòi môn đệ phải hy sinh như vậy.
Từ ngày Đức Giê-su về trời đến nay, có biết bao vị thừa sai tông đồ đã dám sống
đến cùng tình yêu mà Đức Giê-su đòi hỏi ấy. Truyền giáo không phải chỉ là rao
giảng Lời Chúa, nhưng còn là thông truyền đức tin và tình yêu Chúa cho người
khác ; là giới thiệu Đức Giê-su cho tha nhân nhận biết, tôn thờ, yêu mến cậy
trông vào Người. Muốn làm được điều này thì chính chúng ta phải cảm nghiệm được
tình yêu của Chúa nơi bản thân và sẵn sàng dâng cả cuộc đời để đáp lại tình yêu
ấy. Ước gì chúng ta yêu mến Đức Giê-su trên hết mọi người, mọi vật, chấp nhận bỏ
đi cái tôi ích kỷ hẹp hòi, để tình yêu Chúa ngày một lớn lên khi ta biết khiêm
tốn phục vụ tha nhân.
Đức Giê-su còn mời mọi người hãy vác thập giá mình hằng
ngày mà theo chân Người. Đường thập giá là con đường chính Đức
Giê-su đã đi chịu chết. Đây là con đường khó nghèo khiêm hạ ở Bê-lem, lao động
vất vả ở Na-da-rét, là đường rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ cứu nhân độ thế
từ Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem, là đường lo buồn trong vườn Cây Dầu, bị xét xử bất
công, chịu đánh đòn, đội mão gai, vác thập giá lên đồi Can-vê; là đường chịu
đóng đinh và chết nhục nhã như một tên đại gian ác. Nhưng con đường đó lại là
điều kiện để vào vinh quang phục sinh, như ba lần Người đã báo trước (x. Mt
16,21 ; 17,22-23 ; 20,18-19). Các tín hữu chúng ta cũng được Đức Giê-su mời gọi
đi con đường thập giá của Người. Thập giá mà chúng ta vác không phải là cây gỗ
thập giá của Đức Giê-su, nhưng là những gánh nặng việc bổn phận đối với gia
đình xã hội và Giáo hội, là đòi hỏi phải từ bỏ của cải vật chất, quyền hành, là
những người mà chúng ta tuy không ưa, nhưng vẫn phải sống chung một nhà. Đức
Giê-su đã làm gương cho chúng ta khi với tính tự nhiên, Người bị lo buồn sợ hãi
trước Giờ Tử Nạn, nhưng Người đã can đảm chấp nhận vâng theo ý Chúa Cha (Mt
26,39). Chỉ vì yêu mến Cha mà Người sẵn sàng từ bỏ ý riêng để chấp nhận khổ
hình thập giá. Cũng vậy, chỉ khi nào ta thực sự yêu mến Chúa Giê-su thì ta mới
dám hy sinh quên mình, dấn thân theo Chúa trên con đường thánh giá, và mới dám
hiến mạng sống mình vì mến Chúa và yêu tha nhân. Thật vậy, người môn đệ phải đặt
tình yêu Chúa Giê-su lên trên mọi tương quan tình cảm gia đình ruột thịt. Những
ai sẵn sàng đón nhận gian khổ thập giá để đi theo và cùng chết với Đức Giê-su
thì sẽ tìm lại được sự sống đời đời cho mình sau này. Nói khác đi, “Vác lấy thập
giá” là đi lại con đường mà Chúa Giê su đã đi và sẵn sàng dấn thân trước những
hậu quả tương tự. Chúa Giê su không cổ võ sự đau khổ, lại càng không đề cao lối
sống chuộng khổ đau. Ngài chờ đợi nơi người môn đệ một quyết định, một chọn lựa
nền tảng dựa trên một tương quan tin tưởng tuyệt đối: người môn đệ phải luôn
luôn biết rằng mình đang dấn bước theo Chúa Giê su, ngay cả khi phải vượt qua
những đau khổ cùng cực. Trong chiều hướng ấy, thập giá trước tiên chỉ một lời mời
gọi triệt để thông hiệp và đồng nhất với Chúa Giê su vì ngài nối kết người môn
đệ trong chính sứ mạng của Ngài.
*******
Lạy Chúa! Xin nhận lấy tất cả tâm tư tình cảm và ước muốn
của con, tất cả những gì con có và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy đều do Chúa
đã ban cho con, thì hôm nay con lại xin dâng chúng cho Chúa. Tất cả là của
Chúa. Xin hãy sử dụng theo ý Chúa muốn. Con chỉ xin Chúa ban cho con lòng yêu mến
Chúa nồng nàn và sau này được Chúa ban ơn cứu độ. Amen !