Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng
nghe lời Người(Mc 9, 7b)
Tin
Mừng thuật lại câu chuyện Đức Giê-su biến hình trước mặt ba môn đệ
thân tín là các ông: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Chính khi ở trên núi
cao và trong lúc Đức Giê-su đang cầu nguyện sốt sắng, mà các môn đệ
đã nhìn thấy khuôn mặt của Người biến đổi: Dung nhan Người trở nên sáng
ngời như Mô-sê xưa kia, sau khi ông được gặp gỡ Đức Chúa (x. Xh 34,29-35);
Y phục của Đức Giê-su trở thành trắng tinh như ánh sáng là biểu hiện
vinh quang thiên giới dành cho các người được Thiên Chúa tuyển chọn; Đồng
thời có hai nhân vật đại diện Lề Luật và ngôn sứ thời Cựu Ước là ông
Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Như vậy tất cả Cựu Ước
đều hiện diện để làm chứng và tôn vinh Đức Giê-su. Điều đáng lưu ý
là giữa vinh quang ấy, hai vị này đã đàm đạo về cái chết của Đức
Giê-su, như một cuộc Vượt Qua Mới mà Người sắp trải qua tại thủ đô
Giê-ru-sa-lem. Ngoài ra còn có đám mây tượng trưng cho sự hiện diện
của Thiên Chúa, và tiếng phán của Chúa Cha từ trong đám mây xác nhận
Đức Giê-su là Mô-sê Mới của thời Cánh Chung, như ông Mô-sê đã từng
tuyên sấm (x. Đnl 18,15). Bài Tin Mừng còn cho thấy, đức tin cần thiết để giúp
con người đối diện với đau khổ và khó khăn thử thách. Từ những ngày đầu, các
tông đồ đi theo Chúa Giêsu với nhiều mục đích khác nhau. Các ông nuôi nhiều hy
vọng mang tính vật chất, tìm kiếm địa vị, danh vọng theo kiểu trần gian. Chúa
Giêsu đã phải nhiều lần thanh luyện ý hướng của các ông để các ông có thể đón
nhận sự kiện tử nạn thập giá mà Chúa Giêsu sắp trải qua. Chúa Giêsu đã dùng nhiều
cách để giúp các tông đồ tin Ngài là Đấng Cứu thế, là Thiên Chúa. Biến cố biến
hình trên ngọn núi cao trước mặt các tông đồ hôm nay nhắm tới mục đích đó.
Trước
khi nói với các tông đồ về việc: “Con người sẽ bị người ta bắt, bị hành hạ và
đóng đinh trên thập giá”, Chúa Giêsu đã hé tỏ cho các ông thấy vinh quang Thiên
Chúa ở nơi Ngài. Đưa các tông đồ lên núi cao, Ngài biến đổi hình dạng trước mắt
các ông. Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, y phục trở nên trắng như ánh
sáng, ông Mose và ông Elia hiện ra đàm đạo với Người. Chi tiết này, Tin Mừng
cho thấy, ẩn khuất đằng sau con người của thầy Giêsu, chính là một vị Thiên
Chúa quyền năng. Vì biết trước rằng, cuộc thương khó Chúa Giêsu sắp trải qua sẽ
là một thử thách kinh khủng đối với các tông đồ nên Chúa Giêsu đã muốn dùng biến
cố biến hình để gia tăng lòng tin cho các ông. Một khi tin Chúa Giêsu là Thiên
Chúa quyền năng, các tông đồ có thể đón nhận biến cố thập giá và tử nạn của
Chúa Giêsu với sự bình an, tin tưởng. Khi chứng kiến vinh quang của Thầy, các
tông đồ ngây ngất trong hạnh phúc. Các ông ước ao kéo dài mãi giây phút hạnh
phúc này, không muốn trở về với thực tế cuộc sống. Vì thế, Simon Phêrô thưa
cùng Chúa: Thưa Thầy, chúng con được ở đây thì tốt quá! Nếu Thầy muốn, chúng
con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Mose và một cho Elia. Thiên Chúa đã
không muốn các tông đồ mải mê ngây ngất với hạnh phúc trên núi, nhưng muốn các
ông trở về với hiện tại. Chúa Giêsu không cho các tông đồ kể lại với ai, để
trong sự thinh lặng, các ông suy gẫm về những điều đã nghe và đã thấy.
Thiên
Chúa Cha đã giới thiệu Chúa Giêsu cho các tông đồ và xác nhận Chúa Giêsu là Con
yêu dấu của Ngài, đồng thời đòi buộc các môn đệ phải vâng nghe lời của Chúa
Giêsu. Thiên Chúa đã có thể cứu con người bằng nhiều cách, nhưng Ngài lại muốn
cho Con của Ngài đến ở với con người, yêu thương và cứu chuộc con người bằng cuộc
đau khổ thập giá và cái chết của Ngài. Là Con yêu dấu của Chúa Cha, Chúa Giêsu
đã hoàn toàn yêu mến và vâng phục thánh ý Cha. Vì thế, những kẻ tin Chúa Giêsu
là Thiên Chúa, cũng phải có thái độ hoàn toàn vâng phục Lời của Ngài trong bất
cứ hoàn cảnh nào. Từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã giải thích cho các tông đồ
rõ hơn về cuộc tử nạn của Ngài và khẳng định với các ông về việc: Con Người từ
cõi chết trỗi dậy. Nói điều này, Chúa Giêsu đã đưa các tông đồ đi một bước xa
hơn trong niềm tin vào sự phục sinh Ngài sắp trải qua. Quả thật, chỉ sau cuộc
phục sinh của Chúa, các tông đồ có dịp suy gẫm lại các sự kiện đã xảy ra mà
chúa cho các ông được thấy, các ông càng thêm đức tin và trở thành người loan
báo đức tin về Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã tử nạn và phục sinh.
TÓM LẠI: Theo Chúa Giêsu, chúng ta không
tránh được mọi thử thách, nhưng chúng tin rằng, trong mọi thử thách, chúng ta
không đơn độc, nhưng có Chúa ở bên nâng đỡ và gìn giữ chúng ta. Những lúc đau
khổ, bệnh tật, thử thách liên tục như những cơn sóng vùi dập cuộc đời, chúng ta
đừng hoảng loạn, đừng ngã lòng, vì tin rằng Chúa luôn cho chúng ta một giải
pháp tốt nhất. Hãy vâng nghe lời Người, đó cũng chính là điều Chúa Cha muốn nói
với từng người chúng ta. Chúa muốn chúng ta nghe lời của Chúa Giêsu trong vâng
phục và yêu mến. Chỉ khi tin, vâng nghe và đem ra thực hành, chúng ta mới nhận
ra được sự an ủi đỡ nâng cũng như nhận ra sự hiện diện của Chúa trong từng biến
cố khó khăn của cuộc đời. Thật vậy, Thiên Chúa Cha muốn các tông đồ và mỗi
chúng ta vâng nghe lời Chúa Giêsu, tức là nghe trong sự vâng phục, tin tưởng và
phó thác cho Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu vâng nghe và tin tưởng phó thác cho
Chúa Cha.
*******
Cuộc đời
của mỗi chúng con luôn phải trải qua vui buồn, sướng khổ, sinh, lão, bệnh, tử,
xin cho chúng con dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn biết nhìn lên Chúa Giêsu tử
nạn và phục sinh, để xin Ngài thêm đức tin và sức mạnh cho chúng con vượt qua. Xin
Chúa giúp mỗi người chúng con biết để tâm lắng nghe và sẵn sàng vâng theo lời
Chúa truyền dạy, dù lúc vui cũng như lúc buồn, để nhờ biết vâng nghe và thực
hành, chúng ta trở nên những người con hiếu thảo của Chúa. Amen.