Translate

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ CHÚA DẠY


Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” (Lc 10, 37b)

Nếu như câu hỏi thứ nhất của người luật sĩ là một câu hỏi rất hay: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”, thì câu hỏi thứ hai mà ông nêu ra: “Ai là người thân cận của tôi?”, phải chăng là một câu hỏi ngớ ngẩn? Vì người thân cận hiển nhiên là người bên cạnh, là người chung quanh, hàng xóm láng giềng! Có lẽ không phải như vậy, vì người luật sĩ muốn cho thấy đây là một trong những vấn đề lớn ông đang thao thức, và chắc chắc cũng là vấn đề mà nhóm, cộng đoàn, thậm chí dân tộc của ông thao thức. Bởi vì, tuy là gần nhau, nhưng chưa chắc đã là thân cận, tuy ở chung, nhưng chưa chắc đã là anh em, chị em, bởi vì không chỉ có những ranh giới hữu hình, nhưng còn có cả nhiều ranh giới vô hình nữa, phân cách người với người như:
Công chính và tội lỗi.
Ô uế và thanh sạch.
Người bệnh và người khỏe mạnh.
Nhóm của mình và những nhóm khác.
Khác biệt về tôn giáo, quan điểm, tính tình…
Dân Do thái và dân ngoại, nam và nữ, tự do và nô lệ, chủ và tớ....

Khi người thông luật hỏi điều này, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, mà chỉ kể câu chuyện về “Người Samaritanô nhân hậu”. Và Đức Giê-su đã giúp cho vị luật sĩ vượt qua cách suy nghĩ lối mòn của mình: thay vì tôi ngồi một chỗ tìm cách định nghĩa người thân cận của tôi là ai, rồi sau đó tôi mới đi thực hành lòng mến đối với họ, là hãy làm cho mình trở thành người thân cận của người khác, đặc biệt là người cần đến lòng thương xót. Thật vậy, chúng ta là thân cận của mọi mảnh đời trong xã hội, nhưng không thiếu những lần, chúng ta đã phớt lờ hoàn cảnh tang thương của họ, vì những lý do “được coi là thánh thiện và lề luật”. Giống như thầy tư tế và thầy Lêvi kia, vì sợ chậm giờ lễ, sợ nhiễm uế, sợ rắc rối liên lụy… và đặc biệt là sợ phạm luật về sự thánh thiện, luật giữ ngày sabát…


Không hẳn là chúng ta tiếc công hay của để giúp người gặp hoạn nạn, nhưng có lẽ lắm khi chúng ta đã bỏ đi vì sự hững hờ vô cảm trước nỗi đau của tha nhân, hoặc né tránh giúp đỡ chỉ vì sợ liên lụy rắc rối hoặc dè chừng sợ bị lừa dối mắc bẫy…. Nhưng dù trong trường hợp nào, dù có thể đôi lần chấp nhận phần thiệt về mình, là người con Chúa, chúng ta vẫn được mời gọi phải hành động ngay với khả năng có thể trước cảnh hoạn nạn của tha nhân. Đúng vậy, mến Chúa không phải chỉ biểu lộ bằng lời kinh tiếng hát nơi nhà thờ, mà cần sống tình yêu đó khi biết thi ân cho tha nhân.

******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết “yêu như Chúa đã yêu” là yêu thương tha nhân cách vô vị lợi, không so đo tính toán hay mong muốn được đáp trả, để chúng con mỗi ngày nên giống Chúa hơn và xứng đáng là con thảo của Cha trên trời. Amen.