Translate

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

THƯ CỦA CHÚA GIÊSU


Thiên đàng, ngày... tháng...năm…

Con yêu của Ta! Sáng nay con thức dậy. Ta dõi bước con và hy vọng con sẽ nói chuyện với Ta dù chỉ là vài lời, hỏi ý kiến Ta hay cảm ơn Ta về một việc gì đó xảy ra trên đời sống con.

Nhưng Ta để ý thấy con quá bận rộn tìm một bộ đồ vừa ý, cột tóc hay chải tóc cho thật đẹp để chuẩn bị đi làm hoặc đến trường... Con chạy quanh nhà tìm thứ này thứ kia và Ta biết con sẽ có dư vài phút để chào Ta buổi sáng, nhưng con lại quá bận rộn. Một lúc nào đó, con phải ngồi đợi 15 phút mà chẳng làm gì ngoài việc ngồi trên ghế. Rồi bất ngờ con nhảy dựng lên, Ta rất mừng vì tuởng rằng con muốn nói chuyện với Ta. Nhưng không, con lại chạy đi nghe điện thoại và gọi cho một người bạn để tán gẫu. Ta trông theo mỗi bước chân con đến trường hay đến bất cứ nơi đâu. Nhưng Ta biết chắc rằng con quá bận rộn với việc học, việc làm của mình nên không thể nói chuyện với Ta.

Trước bữa trưa Ta thấy con liếc nhìn xem xung quanh và có lẽ con cảm thấy xấu hổ khi nói chuyện với Ta nơi công cộng này. Và con chẳng cúi đầu cảm ơn Ta về bữa trưa. Nhưng không sao, vẫn chưa hết một ngày và Ta hy vọng con sẽ nói chuyện với Ta.

Con về nhà, và xem ra con có rất nhiều việc phải làm: bài tập, việc nhà, đi học thêm... Gặp bài tập khó, Ta hy vọng con sẽ hỏi Ta. Nhưng không, con quay số máy của bạn con, hỏi bài và huyên thuyên đủ thứ chuyện. Rồi con bật tivi lên và ngồi xem. Ta cũng không biết mình có giống tivi hay không nữa, một thứ máy với đủ thứ chuyện trong đó. Vậy mà con dành hàng giờ cho nó mỗi ngày, chỉ xem mà chẳng suy nghĩ gì cả. Một lần nữa, con chẳng nói với Ta lời nào. Ta chờ con ăn xong bữa tối, làm vài công việc nhà. Khi màn đêm buông xuống và Ta đoán chắc rằng con đã mệt. Con leo lên giường và chìm sâu vào giấc ngủ sau khi chúc gia đình ngủ ngon.

Con làm những việc con phải làm và quên bẳng đi việc trò chuyện với Ta. Không sao, có lẽ con không nhận thấy rằng Ta luôn ở bên con. Ta kiên nhẫn hơn con tưởng nhiều. Ta cũng muốn dạy con kiên nhẫn với người khác nữa. Bởi vì quá yêu con, cách đây lâu lắm rồi Ta đã rời Thiên Đàng xinh đẹp để xuống trần gian này, Ta hy sinh nhiều chỉ để nhận lại sự chế giễu và khinh bỉ. Thậm chí, Ta phải chết để con được sống. Ta yêu con quá nên Ta đợi con mỗi ngày, chỉ để nhận được cái cúi đầu cầu nguyện, hay một lời suy nghĩ, hoặc một lời cảm tạ Ta từ đáy lòng con. Thật khó khi Ta phải đối thoại một mình trong suốt một thời gian dài con ạ.

Và hôm nay, con lại thức dậy, sẵn sàng cho một ngày mới. Một lần nữa Ta lại đợi con với chẳng có gì khác ngoài tình yêu của Ta dành cho con. Hy vọng hôm nay con sẽ dành ít phút cho Ta, con nhé.

Chúc một ngày tốt lành.
Bạn của con

Jesus.

Thế đó, Chúa vẫn đợi ta mỗi ngày với tình yêu và lòng kiên nhẫn.

“Những bước sa sút tai hại luôn luôn bắt đầu ở chỗ thiếu canh thức cầu nguyện.”

Chia sẻ:

Có bao giờ bạn thấy mình nhận được bức thư như vậy chưa? Nếu một ngày nào đó bạn cũng nhận được lá thư tương tự như thế từ Chúa Jesus thì sao?

THIÊN CHÚA......NGƯỜI CHA NHÂN TỪ (tt)


Câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình được kể lại trong Tin mừng theo thánh Gio-an 8,1-11 là một trong những câu chuyện nói lên cách ứng xử tuyệt vời của Chúa Giê-su, phát xuất từ tấm lòng khoan dung nhân ái đối với kẻ có tội.

Khi bị bắt, người phụ nữ ngoại tình đã cầm chắc cái chết trong tay, vì Luật Mô-sê đã qui định hễ ai phạm tội ngoại tình thì phải bị ném đá cho đến chết. Chị bị bắt quả tang tại trận, không cách gì chối cãi được. Tội của chị đáng chết. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn chị đến trước mặt Chúa Giê-su, bắt chị đứng ở giữa, rồi bắt đầu phiên xử. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu đã nắm chắc phần thắng trong tay. Họ hài lòng vì mình bắn một mũi tên mà được cả hai con chim, đáng bõ công cho họ rình rập săn đuổi! Người đàn bà thì đã nắm chắc phần thua ngay từ đầu trận. Chỉ còn Chúa Giê-su, Ngài đang nghĩ gì và Ngài sẽ làm gì trong cái thế gọng kìm này?

Đối diện với Chúa Giê-su là một phụ nữ tuyệt vọng chờ chết. Tội chị rành rành ra đấy. Đối với con người thì đã là vô phương cứu chữa. Nhưng may mắn thay cho chị, trước mặt chị là Đấng được mệnh danh là “Chiên Thiên Chúa”, là “Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

Chúa Giê-su im lặng suy nghĩ. Ngài cúi xuống lấy tay viết lên mặt đất để khỏi đưa ra lời phán quyết. Ngài không ngây thơ rơi vào bẫy của các kinh sư và người Pha-ri-sêu như họ tưởng. Chuyện đơn giản, hóa ra chẳng giản đơn tí nào! Họ nóng lòng thúc giục Chúa Giê-su lên tiếng. Thôi được, nếu các ông muốn tôi nói, thì hãy nghe đây: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu không ngờ cuộc diện lại thay đổi đột ngột đến thế. Từ chỗ nắm dao đằng cán, bây giờ họ lại phải nắm lấy lưỡi dao do chính mình đưa ra, không khéo lại đứt tay chảy máu. Thế là hỏng bét! Ai khôn hồn thì chuồn sớm. Họ lần lượt bỏ đi, không kèn không trống!

Chỉ còn lại hai người trên hiện trường. Chúa Giê-su và người phụ nữ. Đấng có quyền tha tội và người đã lỡ lầm phạm tội. Chúa Giê-su ngẩng nhìn lên. Người phụ nữ hồi hộp chờ đợi. Đây là người cuối cùng có thể kết án chị. Nếu có chết, chị cũng chẳng giận hờn gì. Nhưng không, không có lời kết án nào cả, mà chỉ là một câu nói dịu dàng: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” và một câu nói nhẹ nhàng tiếp theo: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.”
Chia Sẻ:

Chúa thật là tuyệt diệu. Chúa đã không cần nói lời tha tội cho người phụ nữ ngoại tình. Với tấm lòng nhân ái bao dung và hết sức xót thương, Chúa đã hiểu thấu tình cảnh tuyệt vọng của chị. Tội của chị đang đè nặng lên chị. Chị quá thấm thía hậu quả của nó. Không thấm thía sao được khi vì phạm tội mà phải đứng kề bên cái chết. Chúa thật là tế nhị khi không xoáy thêm vào nỗi đau của chị. Đối với kẻ ngoan cố, Chúa thật là cứng rắn. Còn đối với chị, Chúa thật là dịu dàng biết bao. Chúa biết chị cần những lời động viên nhẹ nhàng hơn là những lời giáo huấn dài dòng. Chúa đã đáp ứng cho thân xác rũ rượi và con tim tan nát của chị.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim nhạy cảm, một trí óc sáng suốt, những lời nói chân tình và những hành động tế nhị để con có thể giúp đỡ những anh chị em của con trong những lúc họ sa cơ lỡ bước. Xin cho con biết ứng xử một cách linh hoạt tuỳ theo từng đối tượng mà con tiếp xúc, để họ tìm thấy nơi con một sự cảm thông có thể giúp họ đứng lên và tiếp tục tiến bước trên đường đời. Amen!

HÃY CẦU NGUYỆN LUÔN…..!


Thánh Phaolô đã khuyên những Kitô hữu của Ngài hãy cầu nguyện luôn, hãy sống kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô. Dù anh em ăn, dù anh em ngủ, dù anh em đang làm bất cứ điều gì, anh em hãy làm vì Chúa, để danh Chúa được cả sáng. Lời cầu nguyện sẽ giúp chúng ta đạt đến mục tiêu này dễ dàng.

Cầu Nguyện :

Lạy Chúa, trong giây phút này, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa. Con xin dâng lên Chúa toàn thể cuộc sống, tất cả những gì con có và đang thực hiện.

Xin Chúa thương chúc lành và hướng dẫn cuộc đời chúng con theo thánh ý Chúa.

Lạy Chúa, xin ban cho con được niềm an vui luôn mãi trong tâm hồn giữa những cực nhọc và thử thách của cuộc đời. Amen.

SỰ CHẾT VÀ SỰ SỐNG


Bài Tin Mừng hôm nay làm tôi nghĩ nhiều về bệnh tật trần gian và về sự chết.

Tôi có thể không muốn nghĩ về sự chết nhưng tôi có ghét sự chết được không? Tôi ghét sự chết là tôi ghét chính tôi. Chết ở trong tôi. Tôi đang đi về cõi chết nên ngay bây giờ sự chết đã thuộc về tôi rồi. Sự sống của tôi hàm chứa sự chết, nên tôi yêu sự sống thì tôi cũng phải yêu sự chết. Vì vậy, cuộc đời có ý nghĩa vẫn chỉ là cuộc đời chuẩn bị cho ngày chết.

Trong dòng đời, tôi không sống một mình. Cuộc sống của tôi là tấm thảm mà mỗi liên hệ yêu thương là một sợi tơ, mỗi gắn bó quen biết là một sợi chỉ, anh em, cha mẹ, người yêu. Sự chết xé rách tung tất cả để tôi ra đi một mình. Chẳng ai đi với tôi. Vì thế, chết mang màu ly biệt.

Sống là hướng về tương lai. Tương lai là cái tôi không nắm chắc trong tay, vì vậy, tôi hay nhìn về tương lai bằng nỗi sợ bấp bênh. Càng bấp bênh thì tôi càng tìm kiếm vững chãi, càng tích lũy. Nhưng tích lũy xong, xây đắp xong, vất vả ngược xuôi để rồi ra đi trắng đôi tay thì đời tôi thành đáng thương hại. Nếu tôi không đem theo được những gì tôi tích lũy, thì những gì tôi ôm ấp hôm nay chỉ làm tôi thêm đau đớn, nuối tiếc. Nếu không muốn vậy thì chúng phải là phương tiện để chuẩn bị cho giờ ra đi của tôi.

Tích lũy cho tương lai có thể là dấu hiệu khôn ngoan đề phòng những bất trắc có thể xẩy ra. Mà cũng có thể là một thứ nô lệ. Nếu suốt đời tôi lo âu tìm kiếm danh vọng, quá tham lam tiền bạc, lúc nào cũng bị vây khốn, băn khoăn thì đâu là niềm vui, tận hưởng.

Mà tận hưởng là gì? Ðâu là ý nghĩa của sự tìm kiếm? Tích lũy?

Kinh Thánh kể:

Có người trong đám dân chúng nói với Ðức Kitô: "Thưa Thầy, Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi".

Ngài đã nói cùng họ: "Hãy coi chừng! hãy lo giữ mình tránh mọi thứ gian tham, vì không phải ai được sung túc, là đời sống người ấy chắc chắn nhờ của cải".

Ngài nói cùng họ một ví dụ rằng: "Có người phú hộ, ruộng nương được mùa, nên suy tính với mình rằng: ta phải làm gì? Vì ta không còn chỗ nào mà tích trữ hoa mầu nữa. Ðoạn người ấy nói: Ta sẽ làm thế này: phá quách các lẫm đi, mà xây những lẫm lớn hơn, rồi chất cả lúa mạ, và của cải vào đó, rồi ta nhủ hồn ta: Hồn ơi! mày có dư thừa của cải, sẵn đó cho bao nhiêu năm; nghỉ đi! ăn uống đi! hưởng đi! Nhưng Thiên Chúa bảo nó: Ðồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi sự ngươi đã sắm sửa, tích góp kia sẽ về tay ai? (Lc 12,13-21).

Không ai sống hộ tôi. Không ai chết thay tôi. Không ai đi cùng tôi. Tôi sẽ ra đi lẻ loi. Họ sẽ quên tôi cũng như tôi đã quên bao người. Có thể đôi khi họ nhớ tôi. Cũng như đôi khi tôi nhớ người này, kẻ kia. Nhưng nỗi nhớ chỉ là của riêng tôi, còn kẻ đã ra đi vẫn ra đi miền miệt. Thì cũng thế, chẳng ai làm gì được cho tôi lúc tôi ra đi không trở lại.

Chết là mất tất cả. Nhưng thánh Phaolô lại tuyên tín rằng chết là chiến thắng (1Cor 15,54). Chết là đi về sự sống vĩnh cửu. Chết là gặp gỡ. Gặp Ðấng tạo nên mình. Như vậy, chết là cánh cửa im lìm đươc mở ra để tôi về với Ðấng thương tôi. Chết là điều kiện để sống.

Chúa ơi, chết là đi về với Chúa sao con vẫn lo âu?

Phải chăng nỗi lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con sợ con có thể không gặp Chúa. Vì sợ không gặp nên chết mới là bản án nặng nề. Mà tại sao con lại sợ không gặp Chúa? Chúa luôn mong mỏi, đợi chờ con cơ mà. Như thế, muốn gặp Chúa hay không là do ý của lòng con. Con có quyền quyết định cho hạnh phúc của mình.

Chúa ơi, vì biết mình sẽ chết nên con băn khoăn tự hỏi bao giờ thì chuyến tầu định mệnh đem con đi. Hôm nay hay ngày mai? Mùa thu này hay mùa xuân tới? Con âu lo. Nhưng vì sao phải lo âu?

Phải chăng lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con chưa chuẩn bị đủ, là hồn con còn ngổn ngang. Có xa Chúa thì mới sợ mất Chúa. Sợ mất Chúa thì mới xao xuyến băn khoăn.

Con biết thế, con biết rằng vì không sẵn sàng, vì không chuẩn bị nên mới hồi hộp, mất bình an. Con biết thế, con biết sau khi chết là hạnh phúc hay gian nan, là núi cao với mây ngàn cứu rỗi, hay vực sâu phiền muộn với đau thương. Nhưng chuẩn bị cho giờ ra đi không đơn giản Chúa ơi. Chúa biết đó, con đi tìm Chúa nhưng là đi trong lao đao. Bởi yêu một vật hữu hình thì dễ hơn lắng nghe tiếng gọi từ nơi xa thẳm. Giầu có và danh vọng cho con hạnh phúc mà con có thể sờ được. Còn hạnh phúc của đức tin thì sâu thắm quá.

Chung quanh có biết bao mời mọc. Kinh nghiệm cho con thấy rằng đã nhiều lần con bỏ Chúa. Như vậy biết đâu con lại chẳng bỏ Chúa trong tương lai. Nếu lúc đó mà giờ chết đến thì sao?

Chúa có nghĩ rằng khi con phải phấn đấu chối từ những rung cảm bất chính để sống theo niềm tin là thánh giá của con không. Chối từ tiếng gọi của tội lỗi đã là một thánh giá. Nhưng có khi lo âu vì không biết mình có từ chối được không còn là một thánh giá khác nữa. Chính đấng thánh của Chúa mà còn phải kêu lên: "Ôi! những điều tôi muốn làm thì tôi chẳng làm, những gì tôi muốn trốn tránh thì tôi lại làm" (Rm 7,15-16). Chúa thấy đó, vị tông đồ lớn của Chúa mà còn như thế, huống chi con, một kẻ mang nhiều đam mê, yếu đuối thì đường về với Chúa gian nan biết bao.

Con không muốn thập giá. Vì thập giá làm con mang thương tích. Chúa cũng đã ngã. Nhưng nếu sự sống của con mang mầm sự chết, thì trong cái chết của thập tử nảy sinh sự sống. Chúa đã chết. Chúa hiểu nỗi sợ hãi của sự chết. Con vẫn nhớ lời Chúa cầu nguyện: "Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46). Hôm nay con cũng muốn nói như vậy đó, với Chúa. Cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa dạy con rằng chẳng có sự sống nào mà không phải qua sự chết. Chết thì sợ hãi, nhưng nếu con yêu sự sống thì con phải yêu sự chết.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con biết đóng đinh con vào thập giá Chúa qua việc từ bỏ những đam mê, những lời mời gọi của tội lỗi .

Lạy Cha, trong tay Cha con xin phó thác đời con.

"TẤT CẢ NHỮNG AI CHẠM TỚI NGƯỜI, ĐỀU ĐƯỢC KHỎI BỆNH". (Mc 6, 56b)


Chia Sẻ:


Nơi đáy lòng con người vẫn có khát khao được đụng chạm đến Thiên Chúa,cả nơi những người không tin có Ngài hay bướng bỉnh như Tôma. Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa. Trong tinh thần “tân Phúc Âm hóa” mỗi Kitô hữu chúng ta phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa. Mong mỗi Kitô hữu trở nên một nhà truyền giáo nhờ đụng chạm đến Lời Chúa và các Bí Tích mỗi ngày.


Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, tâm hồn chúng con đầy những bệnh hoạn, tật nguyền. Dẫu chúng con xấu xa đê tiện nhưng chúng con tin thật Chúa vẫn yêu thương chúng con. Chúa cảm thương sự yếu hèn của chúng con và Chúa sẽ chữa chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết chân thành, tin tưởng vào Chúa như dân Ghê-nê-xa-rét xưa. Chúng con mau mắn đến trình Chúa những đui mù què quặt của chúng con. Có Chúa, cuộc đời chúng con luôn an bình, hạnh phúc. Amen.