Translate

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

HÃY YÊU NHƯ CHÚA YÊU !

Có ai đó nói rằng: sống cho mình thì dễ, cho người khác mới khó. Khó ở chỗ bạn có thực sự dám hy sinh hay không? Vì khi hy sinh bạn có thể tự hỏi: Tại sao mình lại phải hy sinh cho họ? Tại sao mình không có quyền sống cho mình?

Đây là câu hỏi của muôn người hôm nay. Khi mà người ta tôn thờ cá nhân chủ nghĩa cũng đồng nghĩa hai chữ hy sinh bị hạn hẹp trên thế gian. Người ta thường sống ích kỷ lo cho bản thân mà bỏ rơi đồng loại. Người ta thường tính toán với nhau hơn là hy sinh cho nhau.

Khi Chúa Giê-su cầm bánh và nói: “Này là Mình Thầy, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Dường như Ngài cũng nhắc tới hai chữ hy sinh cần phải có trong đời người ki-tô hữu. Một cuộc đời không có hy sinh thì không phải là cuộc đời đẹp. Một cuộc đời thiếu hy sinh như cây xanh thiếu lá nó sẽ trơ trụi và héo khô. Cuộc đời người ki-tô cũng cần phải có hy sinh để sống có ích cho đời, để sống phục vụ một cách quảng đại mà không nề gian khó.

Chúa Giê-su là tấm bánh bẻ ra để mang lại sự sống cho con người. Cuộc đời người ki-tô hữu cũng chỉ có ý nghĩa khi biết bẻ cuộc đời mình ra để yêu thương và phục vụ tha nhân. Hay có thể nói, đặc tính của người tín hữu là bác ái, là yêu thương. Đây là hiệu kỳ mà người tín hữu phải có trong cuộc đời mình để làm chứng cho tình yêu của Đức Ki-tô. Đây là căn tính không thể mất đi trong phẩm chất người tín hữu.

Hôm nay Thứ Năm tuần thánh, là dịp nhắc nhở chúng ta về tình yêu cao vời của Thầy Chí Thánh Giê-su. Một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Một tình yêu không so đo tính toán nhưng chỉ biết yêu là cho đi, cho đi đến cùng. Ngài cho đi không chỉ sức lực, trí tuệ để phục vụ mà còn cho đi chính bản thân mình làm của ăn của uống cho con người. Ngài đã sống trọn vẹn tình yêu là “chết cho người mình yêu”.

Tình yêu ấy Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy làm việc “Này” mà nhớ đến Ngài. Hãy làm lại tình yêu dâng hiến mà Ngài đã hiến thân vì nhân loại. Hãy làm lại tình yêu hy sinh mà Ngài đã cống hiến cho nhân trần. Hãy sống một cuộc đời như Chúa để tình yêu của Ngài mãi ở lại trên thế gian.

Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục, chúng ta hãy cầu cho các linh mục luôn trở thành một Ki-tô khác giữa anh em và mọi người. Xin cho các linh mục luôn vượt lên tính ích kỷ bản thân để cống hiến cuộc đời phục vụ anh em một cách quảng đại. Xin cho các linh mục luôn là những mục tử như lòng Chúa mong ước là dám sống hy sinh hết mình vì đàn chiên.

CẢM NGHIỆM VỀ CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU..!



Tuần Thánh là thời gian đỉnh cao của các mầu nhiệm Kitô giáo. Có lẽ chính xác hơn là lúc tôi và bạn được mời gọi để trở về với trung tâm điểm của đức tin mà mình vẫn tuyên xưng và cố gắng sống mỗi ngày.

Tam Nhật Vượt Qua lại là ba ngày cao điểm của Tuần Thánh, với các sắc màu khác nhau, khởi đầu là Thứ Năm Tuần Thánh mang sắc màu Vui, tiếp theo là Thứ Sáu Tuần Thánh mang sắc màu Thương, và từ đêm Thứ Bảy Tuần Thánh tới Chúa Nhật Phục Sinh mang sắc màu Mừng.

Hôm nay, bước vào Tuần Thánh, tôi mời gọi mọi người cùng suy nghĩ đôi chút về cái chết đau thương của Chúa Giêsu qua các bài Tin Mừng mà mọi người đã nghe trong các ngày “Chúa Nhật Lễ Lá” cũng như trong ngày “thứ sáu Tuần Thánh” sắp tới.

“Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.” (Mt 26,42). Lòng vâng phục và phó thác trong tay Chúa Cha, và nỗi khốn quẫn khôn cùng giữa cơn đau.

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Tiếng kêu mà Đức Kitô thốt lên này, là chính tiếng kêu la của nhân loại khổ đau mà Người muốn liên đới, là sự kết hợp chặt chẽ giữa Đấng cứu thế và những người được cứu rỗi, giữa Đức Kitô là Đầu và Hội Thánh là Thân Thể. Khi bước xuống tận đáy vực sâu của cùng khốn và cái chết, là Đức Kitô có thể cứu rỗi chúng ta...

 
Chúng ta hãy chăm lo kết hợp với Người cách thiêng liêng, nắm lấy bàn tay mà Người đưa ra cho chúng ta không mỏi mệt.

HÃY YÊU THƯƠNG NHAU (tt)




“Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).

Chia Sẻ:

 Hôm nay Chúa đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và mãi mãi Chúa luôn hạ mình xuống để cứu vớt nhân loại tội lỗi: Một hình ảnh của yêu thương phục vụ, chỉ có tình yêu Chúa, một tình yêu không phân biệt giai cấp, địa vị, sẵn sàng mở ra, luôn trao ban và đón nhận mới làm được như thế.

Cầu Nguyện:

 Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con rất nhiều cơ hội để thể hiện thông điệp yêu thương của Chúa cho mọi người: một nụ cười, một lời hỏi thăm, một sự giúp đỡ, một thái độ quan tâm,… nhưng chúng con đã bỏ lỡ. Xin giúp chúng con biết tận dụng mọi cơ hội ấy để làm vinh danh Chúa.

HÃY YÊU THƯƠNG NHAU



“Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”

Chia Sẻ:

Hôm nay kết thúc Mùa Chay Thánh. Mùa sám hối để thực hiện đức ái đối với mọi người. Chúa Giêsu muốn mỗi người phải biết tự hạ mình xuống, cởi bỏ hết mọi sự về mình, làm cho mình trở nên gọn gàng hơn; kiêm nhường cúi mình xuống trước người anh em để yêu thương và phục vụ nhau, làm sạch cho nhau để bước vào Tam Nhật Thánh và Phục Sinh của Chúa.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho con luôn biết yêu thương chăm sóc cho gia đình được hạnh phúc; đừng bao giờ để con đòi hỏi sự phục vụ của mọi người trong gia đình, cũng như đừng bao giờ kể công nuôi dạy và lớn tiếng uy hiếp. Xin Chúa cho gia đình chúng con luôn biết hy sinh cho nhau, để phục vụ nhau trong tình yêu Chúa.

Thứ Năm TUẦN THÁNH


Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con cái. Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra đi. Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc Khổ Nạn gần đến cũng đã để lại một di chúc kép cho các môn đệ dấu yêu: Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là Ngài đã lập bí tích Thánh Thể. Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến di chúc ấy. Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài. Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể. Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết. Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua. Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ, Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình. Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá. Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ. Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ, thì bây giờ Thầy làm cho trò. Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân. Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy. Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi. Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới. Trong cả hai biến cố Rửa chân và bí tích Thánh Thể, Thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích cực. Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân, hay tham dự bằng cách ăn uống Mình và Máu Ngài. Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần bởi Thầy Giêsu. Thầy mời các môn đệ cũng làm như Thầy, và lặp đi lặp lại những cử chỉ đó. “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19). Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Muốn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu, cần giữ lệnh Thầy truyền (Ga 15, 10). Mà “đây là lệnh truyền của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Hơn nữa, Thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại trong Thầy : “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56). Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất. Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu. Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.