Chúa
đáp : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu
này : ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh
em.” (Lc 17, 5-6)
Trong đời
sống Cộng đoàn, điều chính yếu là tương quan giữa người và người. Những ảnh hưởng
liên hệ ấy có thể đưa đến những kết quả xấu, tốt khác nhau, tùy theo phẩm chất
và hành vi của người thực hiện. Hôm nay, trong Tin Mừng của thánh Luca chương
17 từ câu 1-đến câu 6 nói về những tương quan ấy : đó là làm gương xấu khiến kẻ
khác sai đường lạc lối, cách sửa lỗi huynh đệ và sự tin tưởng với Thiên Chúa và
với nhau.
Mở đầu
bài Tin Mừng, thánh sử giới thiệu vị thầy dạy là Chúa Giêsu và các học trò là
môn đệ của Ngài. Đối tượng bây giờ là các môn đệ, là cộng đoàn của các ông chứ
không phải dân chúng. Chúa Giêsu khẳng định : đành rằng có những cớ làm cho người
ta vấp ngã, nhưng Ngài lại chúc dữ cho kẻ làm điều ấy “ khốn cho kẻ làm cớ...” ( Lc 17,1) và Ngài đưa ra hình phạt ngay : “ Cột cối đá vào cổ nó và xô xuống biển thì
có lợi cho nó hơn...” ( Lc 17,2). Một câu nói tưởng chừng như một hình phạt
nhưng lại là công phúc, đem lại lợi ích cho kẻ gây ra và nhất là không gây tác
hại cho kẻ khác, làm cớ cho người khác vấp ngã còn do những lời giảng dạy sai lầm,
khiến người nghe, hiểu và có những hành động sai lạc. Đây cũng là lời cảnh tỉnh
cho những người có trách nhiệm chăm sóc dạy dỗ linh hồn người khác như : Linh mục,
tu sĩ, các giáo lý viên và ngay cả mỗi người Kitô hữu... Khi chúng ta sống trái
với đạo lý, ngược với Tin Mừng. Chúng ta cần phải làm chứng về Đức Kitô cho những
anh em tân tòng, các anh em thuộc các tôn giáo bạn bằng cách sống hằng ngày của
chúng ta.
Kế đó,
Chúa Giêsu còn chỉ dạy chúng ta cách sửa lỗi nhau : “Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, hãy khiển trách
nó” ( Lc 17, 3). Chúa không muốn chúng ta phủ nhận hay xem thường lỗi của
người anh em, nhưng là lấy tình bác ái mà sửa dạy lẫn nhau. Ngài muốn chúng ta
chỉ rõ lỗi của anh em, nói thẳng những điều xấu của họ trong tình bác ái. Không
phải để la mắng, vùi dập, tố cáo... nhưng là nâng đỡ, vạch ra hướng đi, và giúp
người anh em chỗi dậy và bước tiếp : “ nếu
nó hối hận, hãy tha cho nó” Tha thứ là hành vi bác ái mà luật Chúa Kitô đòi
hỏi: “Dù nó xúc phạm một ngày 7 lần và 7
lần trở lại nói : Tôi hối hận; thì cũng phải tha cho nó” (Lc 17,4). Tha thứ
không giới hạn, không kể đến vì lỗi lầm người kia cứ xúc phạm, nhưng nếu không
tha thứ cho người anh em là chúng ta phủ nhận Tình Yêu của Chúa đối với ta
qua bí tích Hòa giải. Thiên Chúa đã tha thứ cho ta và tha thứ cho người anh em,
vậy sao ta lại cố chấp nhận không tha thứ ?. Sự tha thứ cần thiết vì con người
quá yếu đuối, mỏng giòn. Tha thứ còn là cảm thông với những yếu đuối của họ và
truyền sinh lực cho họ bước tiếp quãng đường.
Sau hết,
Chúa Giêsu đã nói: “Nếu anh em có lòng
tin nhỏ xíu bằng hạt cải thôi, anh em có thể truyền lệnh cho cây dâu nầy bật gốc
lên, xuống mọc dưới biển kia cũng được” (Lc 17, 5-6). Nói như thế, Chúa Giêsu
không muốn nói rằng đức tin có khả năng làm phép lạ như một sức mạnh phù phép,
bùa chú, hiểu theo nghĩa đen là “chuyển núi dời non”.Nhưng Ngài muốn nói: đức
tin là một động lực thúc đẩy chúng ta dám nghĩ, dám làm những việc to lớn, phi
thường mà nếu không có lòng tin, chúng ta không dám hành động. Bởi vì, người có
lòng tin thì hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải bằng khả
năng giới hạn của mình. Và nhờ đức tin thúc đẩy, chúng ta dám khởi công bắt
ta vào việc xây dựng cuộc sống cho mình, cho anh chị em mình, rồi Chúa sẽ tiếp
tay giúp sức chúng ta bằng quyền năng vô biên của Ngài, để hướng dẫn và biến đổi
công việc nhỏ bé của chúng ta trở thành công trình to lớn, vĩ đại, phi thường.
Một ví dụ cụ thể là: Hiệu quả đức tin của các Tông đồ không cân xứng với khả
năng nghèo nàn của con người họ. Vốn là những người không có ảnh hưởng, quyền lực,
phương tiện tài chính, tổ chức, báo chí, truyền hình... thế mà các Tông Đồ đã
thay đổi dòng lịch sử. Thật vậy, lòng tin làm được mọi sự. Nhiều khi chúng
ta yếu đức tin, vì chưa phó thác vào Tình Yêu Thiên Chúa, vì còn nương tựa vào
bản thân hay sức con người. Lòng tin còn là sự đáp trả của con người trước những
phép lạ hoặc những điều kỳ diệu Chúa làm như trong Tin Mừng chúng ta thường thấy.
*******
Lạy
Chúa, con người thời nay như mất hết niềm tin nơi Chúa và họ chẳng còn tin cậy
lẫn nhau. Cha của kẻ dối trá là ma quỷ đã gieo vào lòng chúng con sự ngờ vực,
ngờ vực Tình Yêu tha thứ của Thiên Chúa, ngờ vực lòng tốt của người anh em. Đến
nỗi, chúng con không phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai, điều nào nên làm
hay không nên làm. Xin Chúa củng cố thêm niềm tin của chúng con, để cho dù trời
đất có thay đổi, lòng chúng con vẫn một niềm phó thác, tin cậy vào Chúa. Amen