Tình yêu vô hình, không nhìn thấy. Nhưng tình yêu lại hiện
hữu trong những gì hữu hình. Gạt bỏ những gì hữu hình thì tình yêu cũng không
còn chỗ đứng. Tôi không thể yêu bông hoa nếu không có bông hoa. Nhớ người nào
là đã gặp người đó. Thương là thương ai. Vì thế, tình yêu là tổng hợp của cả
tinh thần và thể xác.
Yêu bằng ý nghĩ mà thôi là tình yêu không có thật. Không ai
có thể chỉ yêu bằng tư tưởng và cũng không ai cần tình yêu chỉ bằng câu ca dao.
Chúa Kitô cũng chối từ thứ tình yêu ấy: "Ðừng
yêu Ta bằng lời" (Mt 7,21). Ðã yêu là có rung động của con tim, có
bâng khuâng của toàn vẹn con người, có tình cảm cao thượng của hy sinh. Ðấy là
tình yêu một lần Chúa đã nói: "Ta
sẵn lòng chết vì chiên của Ta" (Ga 10,12). Có thổn thức của xác thân
dạt dào, Chúa cũng cảm thấy tâm hồn chất ngất buồn thương (Mt 26,38). Và, trong
cái rung động của toàn vẹn con người ấy cũng có thao thức đòi đáp trả: "Con có yêu Ta không?" Chúa
đã không hỏi Phêrô một nhưng đến ba lần (Ga 21,15-17). Tất cả xúc cảm đó làm
nên cung điệu yêu đương của đời người.
Bông hoa đang khoe sắc ngoài kia nên tôi mới yêu được. Như
thế, làm sao tôi có thể chỉ yêu tinh thần của bông hoa mà lại không có xác
thân? Có con tim nên tôi mới biết thương mến. Bởi đó, làm sao tôi có thể chỉ
yêu bằng tinh thần thôi mà lại không có rung cảm của môi, mắt? Yêu là có cả
hai; linh hồn và thân xác. Chỉ yêu bằng thân xác là tình yêu tật nguyền. Chỉ
yêu bằng tinh thần là tình yêu đánh lừa. Cái dạt dào của thân xác là một yếu tố
sáng tạo. Sáng tạo ấy đưa đến nhiều chân trời tươi đẹp. Khả năng rạo rực của
con tim là ngôn ngữ của yêu thương. Ánh nhìn. Một khuôn mặt xinh. Ngôn ngữ của
thân xác là ngôn ngữ tuyệt vời của tình yêu, nó là dòng suối tươi mát cho cánh
đồng. Gạt bỏ dòng suối đó cỏ cây sẽ héo úa.
Thân xác là ngôn ngữ của tình yêu nhưng không là tất cả tình
yêu.
Nó chỉ là một nốt nhạc mà thôi. Nếu chỉ dùng một ngôn ngữ đó
cho một hòa âm thì cùng đàn không còn là cung điệu hòa hợp nữa, nó chỉ là tiếng
re ré của một đơn điệu nhạt thếch. Dòng suối phải được chảy theo nhánh nhỏ tưới
cho cánh đồng. Nếu suối tụ lại thì tình yêu sẽ chết vì dòng suối thay vì tưới
mát sẽ làm lụt lội dâng đầy bùn phù sa.
Không có gì buồn tẻ bằng bức họa chỉ có một màu. Ðấy không
phải là tác phẩm nghệ thuật và tác giả không là nghệ sĩ.
Thân xác là ngôn ngữ diễn tả và tiếp nhận tình yêu. Nhưng
một đốm lửa thì là ánh đèn cần thiết cho đêm đen, nếu cả đêm đen là lửa thì đấy
không còn là đèn nữa mà là hỏa ngục bừng bừng. Những ánh mắt, mùi thơm của
hương tóc cũng vậy.
Qua đối tượng hữu hình, tình yêu như cánh vườn mở ngõ, mời
vào. Tuy nhiên, lý trí thẩm định, hướng dẫn và ban tặng cho tình yêu giá trị.
Trí tuệ con người có lúc bừng sáng, trong như hạt nước mưa, nhưng cũng không
vắng những ngày đục mù sương. Rung cảm của thân xác có những lúc rì rào như lúa
chiều gợn sóng, ên đềm. Có ngày nức nở níu kéo, ì ầm sóng vỗ. Vì tội lỗi nên
bản đàn đã lệch cung, sai giọng. Ði tìm một trật tự để nối chắp lại, gạn lọc,
để so cho bằng, để giữ đúng nhịp là một vất vả gian truân. Dù cố gắng đến đâu
người nghệ sĩ cũng có lúc vẩy sai nét mực, tô đậm một mầu.
Trung thành là mọi người phải đi con đường của mình. Khi nói
mọi người phải đi con đường của mình, không có nghĩa là họ không nhìn thấy
những lối rẽ ngang. Kẻ cho thập giá như lời mời gọi, chẳng có nghĩa là họ không
nghe thấy tiếng gọi của một giọng nói dịu dàng bên nương dâu, bờ trúc. Kẻ nhìn
thập giá như trời cao để bước tới không có nghĩa là họ không thấy bờ tóc bay
như một ngôn ngữ rất nôn nao. Trong hôn nhân có ai tuyệt đối thương yêu bạn đời
của mình đến nỗi không bao giờ có một ngăn nhỏ nghĩ đến những bóng hình lãng
mạn khác?
Lối rẽ bên đường đi có làm tôi âu lo. Ðôi lúc tình cảm dịu
dàng có làm tôi bâng khuâng. Nhưng không vì thế mà lý tưởng của tôi hao mòn.
Lối rẽ bên đường, tình cảm dịu dàng ấy làm tăng khả năng tự do lựa chọn của
người trong cuộc. Nếu không có những ngã rẽ, những ánh nhìn khác thì tình yêu
trong hôn nhân cũng như lý tưởng của người tu sĩ không còn cố gắng nữa, vì còn
gì lựa chọn nữa để mà tiếp tục chọn lựa. Có những ngã rẽ nên tôi phải dừng lại
hỏi lòng mình, tôi phải cố gắng giữ gìn con đường của tôi, tôi phải phấn đấu
trung thành, Lúc hỏi lại lòng, lúc phấn đấu là lúc tình yêu dành cho người yêu,
dành cho lý tưởng sâu đậm hơn.
Người bạn đời trong hôn nhân là những con đường của nhau đi.
Nếu người bạn đời hoàn hảo thì con đường hoàn hảo. Chẳng ai muốn rẽ sang một
lối mòn nếu con đường đang đi đẹp ngát hương về lối mộng. Nhưng vì tội lỗi nên
người yêu không hoàn hảo, rồi, do vậy, đường đi của họ có gai. Ðây là lý do
không trung thành. Nếu người tu sĩ bước trên đường lý tưởng toàn những ngọt
ngào thì làm gì có lỗi lời thề. Nhưng thập giá là lý tưởng chỉ đủ hé ánh sáng
cho họ bước và giữ lại bóng tối để họ phải tin. Trầm luân và vinh quang của họ
nằm ở đó.
Người yêu tôi không hoàn hảo nên đường tôi đi gập ghềnh. Có
thể vì đường đi gập ghềnh, không toại nguyện, tôi cắt bỏ lời cam kết để đi tìm
một con đường hạnh phúc khác hoàn hảo hơn? Nếu tôi hủy bỏ lời thủy chung để tìm
một người có khả năng làm tôi thỏa mãn thì tôi trả lời làm sao cho vấn nạn: Tôi
không hoàn hảo. Chính tôi cũng không là con đường thẳng cho tôi đi. Tôi không
thỏa mãn được tôi. Tôi muốn giàu mà thực tại tôi cứ nghèo. Tôi muốn có nhan sắc
mà thực tại tôi cứ tầm thường. Tôi muốn người khác phải để ý đến tôi mà thực
tại tôi cứ khổ sở vì thương nhớ người ta. Khi chính tôi không thỏa mãn tôi được
thì tôi có thể từ giã mình để đi tìm cái tôi khác được không? Tôi có thể xây
dựng cho đời tôi thêm phong phú chứ không chối từ được chính mình.
Không chối từ được chính mình thì làm sao có thể biện minh
vì bất toàn của người bạn đời mà đi tìm người yêu mới? Mỗi người có một khả
năng khác biệt, khi nào thì tôi có thể đi tìm được có tất cả khả năng để thỏa
mãn tôi hoàn toàn?
Kiếm tìm là tự thú rõ ràng tôi là người thiếu thốn, vì nếu
hoàn hảo thì làm gì phải cậy nhờ đến ai. Mà tôi có khuyết điểm thì tôi cũng
chẳng thể đem hạnh phúc vô bờ cho người tôi đang sống. Tôi cũng là nguyên nhân
khổ đau, là gai nhọn trên đường đi của người yêu tôi.
Hạnh phúc hệ tại luôn luôn được thỏa mãn hay là cố gắng làm
thỏa mãn người?
Cuộc sống chỉ là tương đối. Tôi không thể làm người bạn đời
trọn vẹn hạnh phúc. Người bạn đời cũng chẳng thể cho tôi mọi ước mơ. Vì cả hai
đều yếu đuối và mắc nhiều lỗi lầm, cả hai không là thiên thần mà là người. Là
người nên tôi không thể làm thỏa mãn người được. Không làm thỏa mãn người được
cũng có nghĩa là người cũng chẳng thể làm thỏa mãn được tôi. Như thế, hạnh phúc
là cùng nhau lắng nghe tiếng hót của con họa mi. Cùng chịu gió lạnh của mưa.
Chịu khổ của bão. Hạnh phúc trong hôn nhân là cùng nhau góp một ước mơ. Cùng nhau
gánh nỗi đau của đời.
Cái chua của chanh, cái ngọt của đường làm nên ly nước mát
chứ không riêng có đường, không hẳn chỉ là chanh.
* *
Chúa biết rằng cứ để con trong thế gian thì tốt cho con hơn
là đem con khỏi thế gian. Chúa chỉ xin Chúa Cha đừng để con thuộc về thế gian
mà thôi.
Lạy Chúa, nếu vậy, con không xin Chúa cắt mọi ngã rẽ trên
đường con đi. Vì như thế, con đường của con sẽ nhạt nhẽo. Con cũng không xin
cho con trở thành vô cảm trước những vẻ đẹp mà Chúa đã tạo dựng. Con chỉ xin ơn
can đảm để ngắm bông hoa trên đồi nhưng thương bông hoa trong vườn. Con không
sợ hãi những giọt chanh chua vì con biết Chúa cũng cho con những muỗng đường.
Con chỉ xin được khôn ngoan để biết hòa hợp sao cho đúng hương vị ly nước mát
mà Chúa đã ban tặng con trong trưa hè oi nóng.
* *
Phêrô ra sức rủa mình mà thề: "Tôi không hề biết người các ông nói đó là ai" (Mc
14,71). Như thế, tình yêu của Phêrô là tình phản bội.
Chúa quay lại nhìn Phêrô, và Phêrô nhớ lại lời Chúa khi Ngài
bảo ông: "Hôm nay, trước khi gà gáy,
ngươi sẽ chối Ta ba lần. Và ra ngoài, ông khóc lóc thảm thiết" (Lc
22,61-62). Như thế, lỗi lời thề lại trở nên yêu thương sâu đậm. Lỗi lời thề lại
trở nên trung thành, gắn bó thiết tha.
* *
Trung thành là cố gắng gìn giữ mối dây liên hệ, là không
cắt đứt. Nhưng nếu làm đứt mà tha thiết nối chắp lại thì đấy mới càng chứng tỏ
ý nghĩa sâu xa của trung thành. Nếu không gặp thử thách thì sao quả quyết được
là không bao giờ vấp ngã? Nếu tôi không dám chắc tôi không bao giờ vấp ngã thì
tôi làm gì có quyền bắt kẻ khác hoàn hảo?
Trung thành không hẳn chỉ có nghĩa là không bao giờ lỗi
phạm, mà là từ lỗi phạm, tôi trở về với người tôi yêu, với kẻ yêu tôi.
* *
Có hai thứ trung thành. Trung thành bằng tình yêu và trung
thành bằng sợ hãi. Trung thành trong hôn nhân, trung thành của đời tu cũng vậy.
Sợ hãi cũng có trung thành, nhưng trong trung thành có mầm
phản loạn, vì trung thành của sợ hãi là nô lệ. Kẻ đòi buộc trung thành bằng sự
sợ hãi thì trả thù kẻ bội phản. Người lấy tình yêu làm sợi giây trung thành thì
tha thứ cho kẻ phản bội. Chúa Kitô đã chọn con đường thứ hai.