Quả
thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người
cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. (Lc 11, 30)
Sau một
thời gian dài rao giảng Tin Mừng Nước Chúa và chữa lành nhiều bệnh hoạn tật
nguyền, xua trừ ma quỉ, nhưng Chúa Giêsu vẫn chưa chiếm được lòng tin của người
Do Thái. Thật vậy, họ vẫn tìm đến để lắng nghe, mắt họ vẫn chứng kiến các dấu lạ
nhưng lòng họ vẫn không chịu mở ra đón nhận ơn cứu độ. Bài Tin Mừng hôm nay kể
về việc biệt phái Pharisiêu đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ, nhưng Chúa Giêsu đã
từ chối và lên án sự cứng lòng của họ.
Mở đầu
bài Tin Mừng, thánh sử Luca giới thiệu Chúa Giêsu bị đám đông vây quanh. Họ xúm
lại để xin Người một dấu lạ, vì họ quan niệm dấu lạ là tỏ hiện kỳ công Thiên
Chúa đã làm trong thời kỳ xuất hành, khi Thiên Chúa dẫn dân ra khỏi Ai cập, tiến
về vùng đất hứa chảy sữa và mật... Chúa Giêsu lên án mưu đồ của họ và Người gọi
họ là “thế hệ gian ác”. Dấu lạ họ xin như muốn thử thách Thiên Chúa. Họ đi theo
dấu vết của tổ tiên họ xưa kia trong Sa mạc. Chúa Giêsu cảnh cáo hành vi của họ
và Người tuyên bố : “Chúng sẽ không được
thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na” (Lc 11, 29). Ở đây,
Chúa Giêsu so sánh mình với Gio-na, dân Israel với dân Ni-ni-vê. Ni-ni-vê đã hối
cải, còn Israel thì sao ? Người đã nại đến hai chứng cớ Cựu Ước để lên án sự thờ
ơ với Lời Chúa và sự cứng lòng của dân Do-thái không chịu sám hối ăn năn :
1. Chúa Giêsu gợi lại hình ảnh nữ
hoàng phương Nam khi nghe tin về sự khôn ngoan mà Thiên Chúa đã ban cho vua
Salômon để ngài xử kiện và cai trị dân Do Thái, nữ hoàng đã tìm đến để được lắng
nghe lời Salômon nói, và bà ca tụng Thiên Chúa đã ban sự khôn ngoan cho vua. Nghe
danh tiếng của Sa-lô-môn, nữ hoàng phương nam đã cất công lên đường tìm đến học
hỏi. Nhưng ở đây còn hơn vua Sa-lô-môn nữa, vậy mà người Do Thái nghe mà không
hiểu, nhìn mà chẳng thấy điều gì. Nữ hoàng lên án người Do Thái vì bà chỉ đến để
nghe và tiếp nhận sự khôn ngoan của một con người. Còn đây là sự khôn ngoan của
Thiên Chúa. Chính` Thiên Chúa thân hành đến với con người, mời gọi họ lắng
nghe, thế mà họ vẫn chối từ. Sự thờ ơ này cũng đang là tình trạng nơi không ít
người trong chúng ta, hằng ngày chúng ta được nghe Lời Chúa qua nhiều phương tiện,
nhiều cách thế, và đặc biệt là trong thánh lễ, trong những lời rao giảng của
các mục tử… Thế nhưng, chúng ta tỏ ra hững hờ hoặc không mặn mà gì với Lời
Chúa, không có thái độ hâm mộ và yêu mến, thậm chí coi những thứ khác hấp dẫn
hơn.
2. Ngày xưa, ngôn sứ Giona được Chúa
sai đến thành Ninivê, loan báo thành này sắp bị phá huỷ. Dân Ninivê từ vua tới
dân (thậm chí cả súc vật) đã ăn chay, mặc vải thô, xức tro lên đầu và thống hối
ăn năn, cuối cùng được Chúa thứ tha. Ấy thế mà, hôm nay Đấng là Thiên Chúa (cao
trọng khôn vời so với Giona) đang kêu gọi : “Hãy
ăn năn sám hối, vì Nước Thiên Chúa đã gần”. Người Do-thái đã không đón nhận
và không chịu sám hối, cải thiện đời sống mà trở về với Thiên Chúa. Đó cũng là
thái độ của nhiều người trong chúng ta, vẫn thả mình buông theo tội lỗi và làm
bao nhiều sai trái trong “bóng tối”. Lời Chúa hôm nay mời gọi những ai đang sống
trong tội, hãy mau ăn năn thống hối, bỏ đường tội lỗi, tìm về với Thiên Chúa
qua bí tích Giao Hoà và đón nhận ơn tha thứ của Chúa, hầu cuộc đời chúng ta được
đổi mới và nên thánh thiện.
********
Lạy
Chúa, mỗi ngày chúng con vẫn được nghe Lời Chúa qua mọi phương tiện từ các
trang tin công giáo đến cuốn Thánh Kinh trong gia đình, đặc biệt được nghe Lời
Chúa và được nghe lời rao giảng trong các Thánh Lễ, nhưng có lẽ chúng con chưa
thực sự để cho Lời Chúa thấm nhập và biến đổi chúng con. Xin cho chúng con biết
tận dụng mọi phương thế có được để tiếp xúc với Lời Chúa hằng ngày, hầu được Lời
Chúa biến đổi nên xứng đáng là một Kitô hữu thánh thiện. Amen.