Translate

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

HÃY NÊN HẠT MUỐI NHƯ CHÚA MỜI GỌI….!


Muối bình dị

Đức Giêsu không ân cần mời gọi tín hữu trở nên những cao lương mỹ vị quý hiếm và đắt giá, như sâm, nhung, yến. Chẳng kêu gọi trở nên những ngôi sao trong lãnh vực văn hóa, thể thao, nghệ thuật, kinh doanh hay chính trị. Cũng chẳng mong đợi mọi người trở nên VIP, thần tượng, vĩ nhân, được đông đảo quần chúng hâm mộ quý mến. Người chỉ mong muốn tín hữu trở nên hạt muối bình dị, khiêm tốn, phổ thông, hay đúng hơn là một gia vị dân dã, giản dị, bình thường, hữu dụng, thiết yếu, gần gũi với mọi người, mọi nơi và mọi thời.

Hạt muối không phải cầu kỳ chế biến, trắng tinh, không hương, không sắc, đơn sơ, hiền lành, chung thủy. Mỗi khi đau yếu, bệnh nhân yếu sức thường chỉ có thể húp cháo trắng nêm chút muối trắng, vừa an toàn, vừa dễ hấp thụ. Hạt muối còn công dụng tẩy trùng, sát khuẩn, làm sạch, bảo quản thực phẩm khỏi hư hoại, giữ thức ăn lâu bền.

“Những gì cần thiết cho cuộc sống con người là nước, lửa, sắt và muối, tinh bột lúa miến, sữa và mật, nước nho, dầu và áo quần.” (HC 39, 26)

Muối dễ tan

Hạt muối chân chất, khiêm cung, khả ái, lại dễ dàng hòa nhập vào thực phẩm, thức ăn. Muốn cởi mở, dấn thân, sẵn sàng hy sinh tan biến đi, sẵn sàng phục vụ tha nhân. Muối không quyến luyến, vấn vương, lưu giữ chút gì cho mình, hoàn toàn xả kỷ vị tha. Sống và chết cho tình yêu.

“Đây là bằng chứng để ta biết được lòng mến, là Đấng ấy đã thí mạng vì ta; và ta , ta cũng phải thí mạng vì anh em.” (1Ga, 3, 16)

Con hỏi cha:”Đâu là mức độ dấn thân?”Hãy làm như Chúa Giêsu:”Thí mạng.” Nếu con tuyên bố rùm beng, hoạt động khơi khơi, sống đạo lè phè, con sợ cơ cực, sợ nghèo, sợ tù, sợ chết,…Nếu con dấn thân lối ”cứu viện cho người thắng trận,” thì thôi, nên dẹp tiệp, “dấn thân trá hình,” “dấn thân thương mãi.” (Đường Hy Vọng, số 612)

Muối đậm đà

Trong dân gian, dân Việt thường nói: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi.” Nên vào ngày Mồng Một Têt, người ta hào phóng mua chén muối đầy có ngọn, là mua cái sự mặn mà về nhà cho cả năm. Trong đời sống hàng ngày của đồng bào miền Bắc, muối có một vị trí rất quan trọng và chỉ đứng sau gạo. Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa dân gian, mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái. Cuối năm mua vôi là mua cái sự bạc bẽo cho xong, đem bỏ đi, để đầu năm lại mặn mà, may mắn.

 “Các ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm các ngươi dâng tiến; các ngươi không được để lễ phẩm các ngươi thiếu muối giao ước của Thiên Chúa các ngươi; các ngươi phải dâng muối cùng với mọi lễ tiến của các ngươi.” (Lv 2, 13)

Đức Giêsu đòi hỏi người Kitô hữu trở nên “Muối thế gian,” để gìn giữ và làm cho thế gian mặn nồng trong giao ước với Thiên Chúa. Nếu muối biến chất, lạt lẽo, vô vị, thì chẳng đáng gì nữa, môn đệ coi như đáng bị loại ra ngoài, chẳng tiếc thương. “Muối quả là một cái gì tốt. Nhưng chính muối mà nhạt đi, thì lấy gì ướp nó cho mặn lại? Nó chẳng còn thích hợp để bón đất hay trộn phân nữa, nên người ta quăng nó ra ngoài.” (Lc 14, 34-35)

“Sống bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng là liên lỉ canh tân, là quyết định chọn hay chối Chúa, là tìm nước Chúa, là tin ở tình yêu vô bờ của Chúa, là hành động với tất cả hăng say, là thể hiện mến Chúa yêu người, “ngay trong giây phút này.”(Đường Hy Vọng, số 26)

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con phận hèn, yếu đuối, chẳng thể đáp ứng được sự mong đợi của Chúa, trở nên muối thế gian, thánh hóa thế gian, vì chúng con còn đang mải mê làm tôi mọi cho thế gian, với những dục vọng, đam mê xác thịt đê hèn. Xin Chúa thương xót cứu giúp, ban thêm chúng con lòng tin, đức cậy, lửa mến dồi dào, để chống lại ba thù, luôn hăng say bước theo Chúa trên đường hy vọng.


Lạy Mẹ Maria, Mẹ là muối tinh tuyền, là ánh sáng soi vào đêm tối thế gian, khấn xin Mẹ luôn ướp chúng con vào Giao Ước thánh thiện với Thiên Chúa, hầu chúng con được ơn cứu rỗi. Amen.

MUỐI ĐẤT VÀ ÁNH SÁNG TRẦN GIAN (Mt 5,13-16 )



1. Các con là muối đất

Muối có những công dụng nào? Muối là một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống con người. Muối vừa làm phân bón cho đất đai màu mỡ; vừa làm gia vị cho các món ăn thêm thơm ngon đậm đà; vừa bảo quản thực phẩm cho khỏi hư thối. Muối còn được dùng để trị bệnh: đắp vào chỗ trặc gân, bong gân; muối sát trùng, để giúp tiêu hóa, để lưu giữ và chuyển tải I-ốt, ngăn ngừa bệnh tật.

Muốn cho những công dụng này tác dụng được thì muối cần phải như thế nào? Cần phải mặn và hòa tan. Vị mặn của muối là yếu tố quan trọng. Mặn thuộc về bản chất của muối. Phải chấp nhận hòa tan nhưng không đánh mất chính mình. Cũng như Đức Giêsu, qua mầu nhiệm Nhập thể, Ngài hòa nhưng không đánh mất chính mình, vì Ngài không thể phạm tội.

Khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng chính anh em là muối đất thì Ngài muốn nói gì? Chúa muốn các môn đệ ý thức tầm quan trọng của họ trong thế gian.

- Ướp: đặc tính muối của người môn đệ là muối cho người khác.

- Nêm: không có các môn đệ, trần gian sẽ u buồn, không có hương vị vì đời vô nghĩa. Không phải chỉ những người đã rửa tội mới là muối cho đời, nhưng là những người nghe và giữ lời Thiên Chúa, người sống yêu như Chúa sống.

Muốn sống như thế người môn đệ phải làm thế nào? Đừng có nhạt đi, phải trung tín với chính mình và với sứ điệp Tin Mừng. Vị mặn là bản chất của muối, nếu mất vị mặn thì không còn là muối. Khi đánh mất bản chất của mình, nó cũng hoàn toàn trở nên vô dụng. Người môn đệ không còn vị mặn là đánh mất bản chất tông đồ của mình.

Tại sao nói muối nhạt đi? Có hai cách giải thích:

- Giải thích hình ảnh theo muối bẩn đã được lấy vào thời Chúa Giêsu ở phía Tây Nam biển chết. Loại muối màu xanh nhạt này có pha trộn thạch cao và vôi, dễ biến thành bùn không dùng được vì bị ẩm ướt. Người ta còn gọi đó là muối nhưng thực ra không còn là muối.

- Cách giải thích thứ hai: Đức Giêsu gợi lên một hình ảnh không thể có, để làm cho ta chú ý hơn đến điều nghịch lý của một môn đệ đã đánh mất cái tạo nên chính bản chất môn đệ của mình.

2. Các con là ánh sáng trần gian

Ánh sáng là gì? là một loại vật chất mà nhờ nó, con người nhận thấy các sự vật xung quanh mình. Ở những nơi tối, người ta càng cần đến ánh sáng và càng nhận thức rằng ánh sáng rất cần cho cuộc sống. Có thể nói, không có ánh sáng, không thể có sự sống. Chính vì thế, ngày thứ nhất trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng. Khi có ánh sáng, người ta không thể che giấu được vật gì, tốt cũng như xấu.

Ánh sáng có những công dụng nào? Thấy, vui, đem lại sự sống, làm cho thấy những cái muốn cho thấy và cả những cái không muốn cho thấy.

Muốn phát huy tác dụng ánh sáng phải như thế nào? Phải để trên cao soi cho mọi người không trừ ai. Trong Kinh Thánh, ánh sáng thường có nghĩa mạc khải Thiên Chúa là Đấng Cứu độ.

Chúa muốn nói gì khi nói các con là ánh sáng thế gian? Ngài muốn các môn đệ ý thức vai trò của mình. Vai trò làm cho người ta thấy Thiên Chúa và làm cho họ có niềm vui.

Làm thế nào để thực hiện vai trò này?

- Phải sống như con cái ánh sang.

- Phải được để trên cao.

3. Những điều cần học qua hai hình ảnh “muối cho đời” và “ánh sáng cho trần gian”.


Muối thì thấp hèn, âm thầm và khiêm tốn, nhưng làm cho bữa cơm thêm thơm ngon đậm đà. Ánh sáng thì rực rỡ, huy hoàng. Ánh sáng soi cho người ta thấy rõ đường đi, cho con người nhận ra nhau, cho quan hệ giữa người với người thêm trong sáng chân thành. Để được như thế, cả muối và ánh sáng đều phải chịu hao mòn, hy sinh mới thực sự có ích cho đời. Muối tan dần đi, ngọn đèn ngày càng hao mòn. Vậy, lý do tồn tại của cả hai là để đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Nếu muối không mặn và đèn không sáng thì không có ích gì nữa, chỉ nên vất ra đường phố cho người ta chà đạp và khinh bỉ.

NỖI LÒNG NGƯỜI CHĂN CHIÊN

Tình thương thúc đẩy, chàng chuẩn bị lương thực, với cây gậy gỗ, chàng dẫn chiên lên đường. Ðường lên núi chỉ có mình chàng. Trên trườn núi mênh mông, chàng tiếp tục đi, can đảm. Chàng chỉ có một niềm vui: tình thương cho bầy chiên. Bầy chiên gặp cỏ non thì hớn hở. Chúng ham ăn, quên người chăn. Chàng ngồi đó, trên bờ đá. Ánh nắng làm bóng chàng đổ dài trên nền cỏ.

Người chăn chiên biết đâu là cỏ non. Nơi nào có suối trong lành. Chiên chẳng biết gì. Nhưng làm sao để chiên nghe lời chủ. Ðấy là nỗi khổ tâm của người chăn chiên. Ðó là nỗi khổ tâm của Chúa đối với nhân loại.

Khi chợt thấy bãi cỏ xanh trước mắt, mầu xanh quyến rũ. Bầy chiên nôn nao ùa tới. Cũng như con người trong lúc hoang vu, buồn chán, chợt thấy bóng hạnh phúc mờ ảo, cứ ngỡ là cơn mưa tươi mát, đã sa ngã. Người chăn chiên thì biết đám cỏ xanh kia tuy có đẹp nhưng nó mọc trên đám bùn, nơi đó đầy đỉa độc và rắn xanh. Nếu chiên đến ăn sẽ sa lầy, sẽ bị đỉa cắn, sẽ bị rắn độc giết chết. Ðằng sau mầu xanh đẹp mắt là thuốc độc. Nhưng chiên đâu biết thế. Chiên cứ muốn xuống. Chiên chẳng nghe lời chủ. Và người chăn chiên se sắt cõi lòng khi thấy chiên mình chết.

Chúa cũng vậy, bao lần con người đã đi tìm hạnh phúc giả trong tội lỗi. Những hạnh phúc giả vì bất trung trong tình nghĩa vợ chồng. Những hạnh phúc giả vì gian tham bất chính, vì những rung cảm trái phép. Chẳng ai muốn hạnh phúc giả. Chỉ vì lười biếng đi tìm hạnh phúc thật nên thấy bất cứ đám cỏ xanh nào cũng chạy lại. Chúa biết rõ đâu là hạnh phúc đem bình an. Chúa cản ngăn và con người đã than trách. Chúa đau lòng. Nhưng biết làm sao. Vì thương chiên mình nên vẫn phải ngăn cấm. "Chúa thương ai Người mới sửa dạy, Người nhận ai làm con, Người mới cho đòn. Vì còn gì là con nếu người cha không dạy" (Hr 11,5-10). Sửa dạy thì có đau đớn. Nhưng nếu không sửa dạy thì người cha không còn là cha nữa.

Sau những ngày đầu bình yên. Chàng đã nghe tiếng sói rừng sủa văng vẳng đâu đó. Bây giờ là chiến đấu với giao tranh. Ðêm đêm, chàng thức giấc một mình nhìn núi lặng lẽ mà nghe xao xuyến. Riêng chiên cứ ngủ yên vô tư. Mỗi khi gió trời chuyển mưa là chàng ướt lạnh. Lạnh cả thân xác và lạnh cả tâm hồn vì yêu thương chiên.

Sói đã đến vào một tối.

Chiến đấu nào mà không cam go. Bởi thế, chẳng mấy ai là người chấp nhận gian nan vì kẻ khác. "Kẻ làm công thì không màng đến chiên, khi thấy sói đến thì bỏ chiên mà chạy trốn. Chỉ có người chăn chiên thương chiên mình thì mới thí mạng sống vì chiên" (Ga 10,1-14). Chàng chiến đấu bảo vệ chiên. Chân rướm máu vì núi đá. Tay ê ẩm vì phải chống cự. Trận chiến nào cũng có phần thua thiệt. Lời Kinh Thánh đã loan báo: "Cứ chủ chiên mà bị giết thì đàn chiên sẽ tan tác" (Mt 26,31). Biết thế, sói tấn công chàng, sói muốn ăn thịt chiên. Nỗi đau của chàng không phải là thương tích chàng phải mang, mà là những tiếng kêu của chiên con bị thương. Nhìn vài con chiên nhỏ phải đi tập tễnh, lòng chàng như tơ chiều chùng xuống. Thương yêu quá đỗi. Chiên thì chẳng biết tâm sự chủ mình. Chúng cứ vô tư.


Ðó là tâm tình của Chúa đối với con người?