Translate

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

THÁNH GIÁ


Thánh Giá là gì?

Tôi nhìn thấy thánh giá mỗi ngày. Tôi nghe nói về thánh giá rất thường. Thánh giá trên tháp chuông. Thánh giá trên bàn thờ. Thánh giá bán trong tiệm. Thánh giá ngoài nghĩa trang. Thánh giá trên tường đá. Thánh giá trong nghệ thuật. Thánh giá trong thi ca. Thánh giá ở khắp nơi. Nhưng thánh giá là gì? Ðể tìm câu trả lời không phải là vấn đề đơn giản. Có nhiều ý nghĩ khác nhau về thánh giá. Tùy theo mỗi người mà thánh giá có giá trị khác biệt.

Vậy theo các bạn thánh giá là gì? Phải chăng:

- Thánh giá để trang điểm. Ðiều đó đúng.

- Thánh giá là đơn vị kinh tế tính bằng tiền bạc. Ðiều đó đúng.

- Thánh giá là phương tiện tranh đấu.

- Thánh giá có thể làm duyên cớ cho lòng thèm muốn tham lam.

- Thánh giá có thể để lôi cuốn, quyến dũ người khác.

- Thánh giá có thể bị quên lãng ngoài cánh đồng.

- Thánh giá cũng được gìn giữ cẩn thận trong tủ sắt khóa kín.

- Thánh giá để phân biệt chức vị trong xã hội.

Một câu hỏi mà có quá nhiều câu trả lời đúng thì câu trả lời thường là sai. Vì câu trả lời đúng nhất chỉ có một. Không bao giờ có hai cái đẹp nhất cũng như chẳng bao giờ có hai điều đúng nhất.

Người ta không thể tranh luận về thánh giá. Kẻ dùng thánh giá làm phương tiện tranh đấu thì không thể chấp nhận thánh giá là để đóng đinh mình. Kẻ muốn lấy thánh giá để làm dáng thì đối với họ thánh giá chỉ có nghĩa khi dùng để trang điểm. Ai chọn thánh giá để phân biệt mình với kẻ khác tôn giáo thì thánh giá mang màu sắc một ký hiệu. Mỗi người nhìn thánh giá một cách khác nhau. Giá trị của thánh giá tùy thuộc cái nhìn của họ.

Ðức Kitô nói về thánh giá như sau: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá của mình mỗi ngày mà theo Ta" (Lc 9,23). Vác thánh giá để đi theo một người chứ không phải để thỏa mãn tò mò về một người. Như thế thánh giá không phải là một định nghĩa để hiểu biết bằng trí tuệ mà phải hiểu bằng lối sống. Bởi đó, kẻ không theo Ngài thì sự hiểu biết tri thức về thánh giá chẳng có ý nghĩa gì. Kẻ đã theo Ngài thì không cần tìm định nghĩa cho thánh giá. Vì đã theo Ngài thì biết thánh giá là gì rồi. "Về phần tôi, ước chi tôi đừng có vinh quang nơi một điều gì, trừ phi nơi thập giá của Chúa chúng ta" (Gal 6,14).

Tôi nói với người ta về thánh giá. Tôi cũng nghe kẻ khác nói với tôi về thánh giá. Tôi nhìn thánh giá mỗi ngày mà tôi đâu thấy vinh quang. Cuộc sống vẫn đầy rẫy trầm luân của nó. Như vậy thánh giá nào mới cho tôi hy vọng?

Giữa bao nhiêu loại thập giá, thánh Phaolô chọn có một. Ðó là thập giá của Chúa chúng ta. Như thế, không phải thập giá nào cũng có vinh quang.

Vấn đề là người ta phàn nàn quá nhiều về thánh giá. Khi gặp điều bất hạnh, người ta hay nói: Ðời tôi khổ quá! Chúa gửi thánh giá cho tôi!


Phúc Âm kể rằng Chúa bị điệu ra công trường, bị nhổ vào mặt, bị xỉ nhục, bị tát, bị đội vòng gai, bị cười. Người ta làm thập giá, bắt Ngài vác đi rồi đóng đinh Ngài trên thập giá đó (Mc 15,16-20; Mt 27,27-31; Ga 19,1-3). Như thế, thập giá trong ý nghĩa bất hạnh là sản phẩm của con người. Con người đã có sáng kiến chế ra thập giá để đóng đinh Chúa. Nếu thập giá là sản phẩm của con người thì phải nói con người đã gởi thập giá cho Chúa, chứ Chúa làm gì có thập giá mà gởi cho con người?

ÁO VÀ TỘI..!

Sau khi ăn trái táo, Evà thấy mình trần truồng nên kết lá vả che thân (St. 3:1-7). Trong hình ảnh này, tội liên hệ tới áo che thân.

Chia Sẻ:

Nhiều người tạo giá trị đời mình bằng cách sắm sửa quần áo đắt tiền. Nhiều kẻ đánh giá sai một người cũng chỉ vì áo quần người đó che thân.

Nhiều lần Chúa khó chịu vì các thầy tư tế thích trang phục cho mình những áo tua rộng, ngồi chỗ nhất trong hội đường. Có "Áo tua rộng", khuynh hướng tự nhiên là thích "ngồi chỗ nhất trong hội đường" để được chú ý. Bằng ấy năm theo Chúa, chẳng thấy Chúa may cho các môn đệ lấy bộ áo đồng phục. Chúa cứ bảo dấu hiệu người ta nhận ra các con là môn đệ Thầy, là các con hãy yêu thương nhau. Bây giờ thì khác, giáo phái nào cũng có đồng phục. Ðoàn thể nào cũng thích có áo đồng phục. Không có đồng phục, sợ rằng người ta không nhận ra mình là ai.

Bác ái vô hình quá, chứng nhân bằng bác ái khó hơn làm nhân chứng bằng manh áo. Ðối với manh áo, cứ có tiền là sắm được. Cứ mặc lên là xong, người ta nhìn thấy ngay. Có khi càng có đồng phục đẹp, càng nghĩ mình là chứng nhân trung thực. Có khi càng nghèo nhân đức càng cần tấm áo thật đẹp. Chứng nhân bằng bác ái khó lắm.

Cả đời Ðức Kitô, chỉ một lần duy nhất Phúc Âm nhắc đến áo, lại là lần mất áo. "Chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau" (Mt.27:35).

Chúa lấy nghèo khó, làm nhân chứng lòng thương xót.
Lấy can đảm, cắt nghĩa sự quý trọng chân lý.
Lấy đau khổ, diễn giải lòng trung thành.
Chúa không lấy tấm áo làm biểu hiệu chứng nhân. Biết đâu những tấm áo tôi mặc hôm nay chẳng làm tôi thành nhân chứng mà chỉ là tấm áo ẩn náu, che đi những yếu đuối vì tôi không có khả năng làm chứng nhân.

Người nghèo thường phải mặc áo rách. Kẻ nghèo hơn nữa thì không có áo. Hình ảnh những nô lệ, không thấy họ mặc áo. Nghèo là sự trần trụi của con người. Ai cũng cần tấm áo để che đi cái trần trụi ấy. Cái áo làm đẹp con người. Thiếu áo, khổ thật. Nó là dấu chỉ của thấp hèn, của túng thiếu. Chả ai muốn nghèo.

Nếu Evà vì tội phải cần tấm áo che thân, thì mỗi manh áo tôi che trên mình đều có ý nghĩa. Manh áo ấy có nhắc tôi về tội tôi đang giấu giếm? Những tương quan của manh áo này với manh áo nọ trong cuộc đời chắc hẳn cũng có những ý nghĩa. Ðâu là ý nghĩa chiếc áo của những người nghèo như dì tôi đang mặc? Nó liên hệ thế nào với chiếc áo của tôi nơi phương trời này trong thân thể Chúa Kitô, nơi mọi người đều là anh em?

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, con muốn gìn giữ chiếc áo cứu rỗi Chúa ban cho con. Tiếc làm sao nếu rách chiếc áo linh hồn. Trong cuộc sống giữa đời thường, xin cho con thông cảm giá lạnh của những người thiếu áo.


Con cũng xin ơn đừng vì tấm áo mà làm hoen ố Giáo Hội, áo tu sĩ, áo trí thức, áo quan tòa, áo đoàn thể, áo chủ tịch. Những tấm áo chức vị ấy, những chiếc áo đồng phục kia có cần thiết để biến con thành nhân chứng? Hay nhiều khi chỉ làm hoen ố những chứng nhân.

NẾU...! (nhân lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa)

Nhân lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, tôi mời gọi mọi người hãy nhìn lại chính bản thân chúng ta xem, nếu ......

Nếu tôi là dân Do Thái lúc đó, có thể tôi cũng đi từ Galilê bên Đức Giêsu suốt bốn năm ngày đường, tới sông Giođan để chịu phép rửa, mà không ngờ rằng Người là Đấng mà Gioan đang rao giảng. Khi tới nơi, chắc chắn tôi sẽ chen lấn Người để tôi được tới gần Gioan hơn. Tôi trố mắt nhìn và lắng tai. Gioan kêu gọi tôi sám hối. Tôi cảm động và rán lội tới sát Gioan. Tôi đẩy Người ra để xin Gioan rửa tôi trước, vì tôi nóng lòng mong đợi điều Gioan đang nói "Hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến". Rửa xong, tôi an tâm ra về mà không ngờ Người là Đấng Cứu Thế đồng hành với tôi, đứng sát bên tôi, đã bị tôi gạt Người ra ngoài.

Thực tế hàng ngày đã xảy ra trăm ngàn lần tôi cư xử như thế đối với những người bên cạnh tôi. Tôi không ngờ rằng họ là chi thể Đấng Cứu Thế. Tôi bao nhiêu lần xô lấn những người bên cạnh tôi để tôi được hơn, được trước họ mà chẳng nhớ gì lời Chúa dạy : "Con phải kính nhường và yêu mến người bên cạnh con". Thành thử ra tôi cũng không nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở với tôi.

Nếu tôi được làm địa vị của Gioan tiền hô, thì khi vừa thấy Đấng Cứu Thế, tôi sẽ tự đắc hô to : Đấy, tôi nói có sai đâu. Ngài đến đây nè… Rồi tôi kêu gọi mọi người ủng hộ Ngài, hoan hô Ngài, đón rước Ngài, xin Ngài phất cờ giải phóng dân tộc, làm cho nước ta độc lập tự do giàu mạnh, đem quân xâm chiếm các nước, trở thành bá chủ hoàn cầu. Tôi rất phàn nàn và lấy làm tiếc vì không thể ngờ được rằng Gioan không làm như tôi mong muốn. Trái lại ông đã cúi mình xuống nhỏ nhẹ thưa với Ngài rằng "Tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài. Tôi chỉ rửa anh em trong nước, còn chính Ngài mới rửa chúng tôi trong Thánh Thần. Vậy xin Ngài rửa cho tôi đi để tôi được ơn cứu độ". Thật là con người đầy khiêm tốn, đầy tin tưởng, để rồi Gioan đã phó thác trót mạng sống mình cho Đấng Cứu Thế : dù phải chặt đầu, ông vẫn luôn quyết tâm chu toàn nghĩa vụ Thiên Chúa trao.

Còn Đức Giêsu, Người rất từ tốn và ẩn mình tuyệt diệu hơn nữa. Người đã thưa lại Gioan : "Chúng ta cần phải chu toàn nghĩa vụ thánh như thế". Người đồng hóa mình với dân chúng, chịu những kẻ cậy sức mạnh xô đẩy, chèn ép để thông cảm với mọi nỗi xót xa của cuộc đời những kẻ thấp mũi bé miệng, neo đơn, cô thế cô thân. Người đã cúi mình trước Gioan làm phép rửa cho Người để cho những tội nhân biết cúi mình xuống trước tòa giải tội. Người đã dìm mình xuống nước để cứu vớt những kẻ chết trong dòng đời, cho họ được sống lại làm con chí ái với Người trong gia đình thiên quốc. Người chôn mình trong bản tính hư nát của loài người để cho con người được trường sinh vinh phúc.


Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời Thánh Gioan thật đẹp. Cái đẹp hệ tại là ngài ý thức mình chỉ là sự phản chiếu ánh sáng của Chúa. Tựa như ánh trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời. Thánh Gioan đã khiêm nhu nhận mình chẳng là gì trước mặt Chúa, và chỉ mong Chúa được lớn lên còn mình thì nhỏ bé đi. Chúa được tỏa sáng còn mình thì lu mờ đi. Xin cho chúng con cũng biết nhỏ lại trong những khuynh hướng xấu làm mất vẻ đẹp của hình ảnh Chúa. Xin cho chúng con biết nhỏ lại trong những đam mê, ích kỷ của mình để nhờ đó chúng con phản chiếu sự thánh thiện tinh tuyền của hình ảnh Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết kính nhường nhau. Đó chẳng phải là kính mến Chúa sao ? Xin cho chúng con biết phó thác thân phận làm người, làm Kitô hữu cho Đấng Cứu Thế. Chắc chắn chúng con sẽ được Người thanh tẩy và kết nạp chúng con vào nhà Cha chí ái trên trời.

NHỮNG TRÁI TIM TAN NÁT

Một tác giả nọ đã viết về việc sưu tầm các di tích của các nhân vật nổi tiếng như sau:

Thế giới này có một cách thẩm định sự vật một cách kỳ lạ. Một bức tranh của một nhân vật nổi tiếng có giá trị bằng cả một tài sản của một ông vua. Một cái răng chỉ là một cái răng nhưng cái răng của một vĩ nhân lại trở thành một cái răng vĩ đại, sự vĩ đại nâng giá trị của sự vật lên thành vô giá, một sợi tóc của Mahatma Gandhi qúy giá hơn cả ngọc ngà châu báu của một quý tộc thối nát. Điều chúng ta sưu tầm là giá trị của chính con người chúng ta.

Chia Sẻ:

Giả như Thiên Chúa cũng sưu tầm thì điều gì sẽ được Ngài sưu tầm? Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa thích sưu tầm những trái tim tan nát. Một nơi nào đó trong nhà của Chúa Cha hẳn phải có một hành lang rộng chỉ có những trái tim mà thôi. Mỗi một trái tim có một lịch sử riêng, đây có thể là một thư viện của những vết thương đau, hoặc hơn thế nữa, đây cũng có thể là một bảo tàng viện, trong đó toàn bộ cuộc sống của mỗi người đều được Thiên Chúa cất giữ như những kho tàng vô giá, và dĩ nhiên phải có cả một đội ngũ ưu tú nhất của các thiên thần để canh giữ kho báu ấy.

Trong những trái tim tan nát ấy nổi lên 3 trái tim, đó là 3 trái tim biểu trưng cho 3 loại tan nát: một là trái tim của Abraham, hai là của Môisen và ba là trái tim của Chúa Giêsu. Ba trái tim này nói với chúng ta rằng: con đường nhanh nhất để lên thiên đàng là một trái tim tan nát. Trái tim của tổ phụ Abraham tan nát vì niềm tin. Trái tim của Môisen tan nát vì hy vọng và trái tim của Chúa Giêsu tan nát vì yêu thương.

Trái tim của Abraham đã tan nát khi Thiên Chúa đã ra lệnh cho ông phải sát tế đứa con trai duy nhất của ông, nhưng niềm tin đã cho ông thấy xa hơn cái tan nát và cái vô lý.

Trái tim của Môisen cũng đã tan nát vì niềm hy vọng. Ông là người lãnh đạo Israel tiến về đất hứa, Thiên Chúa đã cho ông nhìn thấy đất hứa nhưng lại không cho ông được đặt chân vào đất hứa ấy, điều ông hy vọng suốt cả đời, ông lại không được. Trái tim của Môisen hẳn đã tan nát vì niềm hy vọng ấy.

Cuối cùng chúng ta hãy chiêm ngưỡng trái tim tan nát vì yêu thương của Chúa Giêsu. Trong vườn cây dầu Ngài đã nói với các môn đệ: “Trái tim thầy buồn cho đến chết được.”

Chỉ có một người yêu thương và yêu thương cho đến cùng mới cảm thấy trái tim vỡ tan ra như thế.

Chỉ có con người có thể làm được mọi sự, có thể cứu sống mọi người nhưng không tha cho chính mạng sống của mình mới cảm thấy trái tim tan vỡ ra như thế. Bên cạnh những trái tim vĩ đại ấy có biết bao nhiêu trái tim tan nát khác. Khi Thiên Chúa làm cho tan nát một trái tim thì những mảnh vỡ của trái tim tan nát ấy sẽ được cất giữ trong những nơi thánh thiêng nhất của thiên đàng.

Bên cạnh ba trái tim vĩ đại ấy của Abraham, của Môisen và Chúa Giêsu, hẳn chúng ta không thể không nhìn thấy một loại trái tim tan nát nổi bật khác. Đó là những trái tim tan nát vì sám hối. Vua Đavid là biểu tượng của những trái tim tan nát vì sám hối đã nói lên nhưng giá trị của những trái tim tan nát vì sám hối ấy như sau: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, của lễ toàn thiêu Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là trái tim tan nát, một tấm lòng tan nát dày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.”

Ước chi lời nguyện của vua Đavid sẽ là lời cầu nguyện liên lỉ và quyết tâm của chúng ta trong suốt đời sống của mình. Giáo Hội cũng đã mượn lời của tiên tri Jeremia để nhắc nhở chúng ta: Hãy xé lòng, đừng xé áo.

Cầu Nguyện:


Lạy Chúa, chúng con không có gì để dâng lên Chúa ngoài trái tim tan nát vì sám hối của chúng con. Không có Chúa chúng con không làm được việc gì. Xin nâng đỡ sự quyết tâm trở về của chúng con và điều này sẽ mang lại cho chúng con niềm vui vì đuợc ơn Chúa thứ tha.

ĐỪNG LÀM TÔI TIỀN CỦA!

Có người gia đình rất sung túc đầy đủ mọi phương tiện, có xe hơi, vợ con ngoan hiền, nhưng luôn luôn than vắn thở dài là mình quá khổ...

Ngược lại, có gia đình khác, thiếu thốn mọi sự, con bị bệnh, vợ chồng đầu tắt mặt tối làm việc mà cũng chẳng đủ ăn, nhưng không hề nghe anh ta than vãn một đôi lời, ngạc nhiên mọi người bèn hỏi: "Anh khổ cực như thế, sao mà mặt mày luôn vui vẻ vậy?"- Anh ta trả lời: "Cực khổ chi đâu thầy, chẳng qua đó là thánh giá mà Chúa gởi đến cho mình vác đó thôi", đúng là một tín hữu gương mẫu.

Chia Sẻ:

Đem cái tâm nhốt trong những đồng tiền, thì cái tâm sẽ lo âu mất ăn mất ngủ; đem cái tâm nhốt trong quyền uy chức tước, thì cái tâm sẽ trở thành độc tài khát máu; đem cái tâm đựng trong những mớ kiến thức tri thức, thì cái tâm sẽ biến thành kiêu ngạo cô độc...


Nhưng đem cái tâm đặt vào trong bàn tay và thánh ý của Chúa, thì cái tâm sẽ triển nở thăng hoa, an vui tự tại.

HẠT GIỐNG LỜI CHÚA

Có một người hỏi Chúa :

- "Có thứ gì vừa có đầy đủ sức sống, nhưng đồng thời cũng có đủ sự chết không?"

- "Có chứ"- Thiên Chúa trả lời, tiếp: "Hạt giống của lúa, lúa mì và tất cả các hạt, chúng nó đều là vừa sống vừa chết, vừa chết vừa sống".

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Chia Sẻ:

Mặc dù vậy, nhưng thưa các bạn, có hạt giống không bao giờ chết, mà trái lại, những ai vui lòng đón nhận nó, và làm cho nó sinh sôi nảy nở trong tâm hồn và trong cuộc sống của mình, thì được sự sống đời đời, đó là hạt giống Lời Chúa.

- Lời Chúa không chết, nhưng lan tràn mãi khắp cùng mặt đất.

- Lời Chúa không chết, nhưng những ai không đón nhận nó, thì sẽ phải chết đời đời.

Đã có nhiều quốc gia dân tộc đón nhận nó, và cũng có rất nhiều sắc dân chủng tộc bách hại và mưu toan bóp nghẹt nó, nhưng Lời Chúa muôn đời vẫn bất diệt và phát triển mãi cho đến khi vũ trụ này qua đi.


Hạt giống Lời Chúa trong kho tàng Kinh Thánh, hạt giống Lời Chúa trong thánh lễ Mi-sa, hạt giống Lời Chúa rãi rác trong những sách thiêng liêng của Giáo Hội.v.v...nếu mỗi người Ki-tô hữu biết lắng nghe và đón nhận, thì sẽ được sống đời đời trong tình yêu của Chúa ngay tại trần gian này và ngày sau trên thiên đàng.