Thầy bảo
cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người
Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. (Mt 5,20)
Muốn nên công chính thánh thiện theo các Luật sĩ Biệt
phái ngày xưa hệ tại ở việc tuân giữ cách chi ly, không bỏ sót một khoản luật
nào. Thế nhưng, cái dở của họ ở chỗ là chỉ tuân giữ cách máy
móc hình thức mà không màng đến tinh thần của lề luật là lòng bác ái, yêu
thương, do đó họ có thể trung thành tuyệt đối với những khoản luật nhưng lại sẵn
sàng khước từ và loại bỏ tha nhân. Bởi thế, để đả phá cách suy nghĩ và thực
hành của họ, Chúa Giêsu đã đưa bác ái vào trọng tâm của lề luật và trong bài
tin mừng hôm nay Chúa Giêsu lấy giới răn thứ năm làm thí dụ để quảng diễn cho vấn
đề đó. Giới răn thứ năm: chớ giết người, có nghĩa là đòi buộc con người phải bảo
vệ và tôn trọng sự sống của nhau. Tuy nhiên như ta biết con người đâu chỉ có mạng
sống mà còn có phẩm giá danh dự, là cái làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa
trọn vẹn, từ đó giết phẩm giá danh dự của một người thì cũng chẳng khác gì giết
thể xác. Những hình thức giết người không gươm ấy có thể là mắng giận, rủa sả,
nói hành, vu khống, tẩy chay…Với suy nghĩ ấy, hẳn có người sẽ cho rằng việc vào
Nước Trời là điều không thể, bởi có ai trong chúng ta đã giữ được những điều
này vì sống trong gia đình và xã hội, con người không thể tránh khỏi những va
chạm,không bao giờ có ai làm vừa lòng hết mọi người được.
Hẳn đây là sự công chính mà Chúa Giêsu đề nghị cho những
ai muốn làm môn đệ Ngài. Nó không thể được hiểu theo hướng cạnh tranh hay quảng
bá thương hiệu như người ta thường làm ; nhưng lời đề nghị của Chúa Giêsu hàm
chứa một lời mời gọi, một xác quyết, một định tính: ai muốn làm môn đệ tôi, ai
muốn vào Nước Trời thì phải ăn ở công chính HƠN các kinh sư và người Pharisêu. Điều
mới mẻ ấy là gì ? Sự công chính mới mà Chúa Giêsu giới thiệu cho dân chúng hôm
xưa cũng như cho tôi, cho bạn và cho anh chị em hôm nay là gì ? – Thưa, đó là đối
xử hiền dịu và luôn mưu tìm sự thuận hòa trong tương giao với tha nhân. Về sự hiền dịu, Chúa Giêsu muốn người môn đệ
không được đánh giá mức độ công chính nơi mình bằng cách chỉ bám vào những khoản,
những mục trong Luật mà phải xem xét cả những tư tưởng, ước muốn và những lời
nói xúc phạm đến tha nhân. Những ví dụ kèm theo những hình phạt cụ thể và nặng
nề trong (Mt 5, 22) về sự tức giận đủ để cho thấy nét MỚI, nét HƠN trong sự
công chính mà Chúa Giêsu giới thiệu. Về sự thuận hòa (Mt 5, 23-26), đây là hoa
trái của tâm hồn hiền lành. Người hiền lành sẽ cấp kíp tìm cách làm hòa ngay từ
khi tha nhân bất bình với mình. Người hiền lành sẽ ra sức đền bù những rạn nứt
trong tương quan với tha nhân để mong được Chúa đón nhận vào ngày chung thẩm.
Thật vậy, Đức Giêsu đẩy giới răn này đến chỗ triệt để, tận
căn. Ngài tìm về cội nguồn của hành vi sát nhân nơi tâm con người. Nếu lòng con
người không còn giận ghét anh em, và lời nói giữ được sự kính trọng, ôn hòa,
thì tội giết người hoàn toàn có thể tránh được. Sống với nhau tránh sao khỏi những
tranh chấp, cọ sát. Đi làm hòa với người anh em trong cộng đoàn là điều khẩn
trương. Thậm chí phải để lại lễ vật sắp dâng trước bàn thánh mà đi làm hòa với
một người anh em đang bất bình với mình, rồi sau đó mới trở lại dâng lễ vật cho
Chúa (Mt 5, 23–24). Để đến được với người đang xích mích với mình, cần khiêm hạ,
ra khỏi mình và lên đường đến với người ấy. Đi bước trước để đến với người
khác, dù lỗi không thuộc về mình, đó là cách làm hòa và làm lành những vết
thương. Hòa giải với tha nhân phải được coi là việc cần làm ngay trước khi ta
có thể hiệp thông với Thiên Chúa qua việc dâng của lễ.
*******
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống công chính theo lề
luật Chúa dạy, là không làm hại tha nhân cả trong tư tưởng, lời nói và việc
làm, để mỗi lần đến trước nhan Chúa và dâng hy lễ, tâm hồn chúng con thanh thản
vì được Chúa yêu thương tha thứ, như chúng con đã từng tha thứ cho tha nhân.
Amen