"Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em" (L.T.Lư)
Mắt là cảm hứng cho thi sĩ. Nhạc sĩ cũng viết thành cung
đàn. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn đôi mắt như mùa thu.
Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương, nghệ thuật, cảm hứng về
mắt bao giờ cũng là đôi mắt đẹp.
Trái lại, khi Phúc Âm nói về mắt lại nói đôi mắt mù!
Chia Sẻ:
Mắt nhìn được ngoại vật, nhưng nó không nhìn được chính nó.
Có phải đấy là điều để nhắc nhủ tôi: tôi có thể nhìn thấy nhiều thứ, nhưng sự
hiểu biết quan trọng nhất là biết chính mình thì tôi lại u mê?
Mắt là để nhìn. Ðấy là bản tính của mắt. Cũng như ánh sáng
là để xua tan bóng tối. Mắt không cần trang điểm, mắt vẫn nhìn thấy. Mắt không
cần tô hồng, mắt vẫn là mắt. Khi người ta trang điểm cho mắt, lúc đó, mục đích
không phải là để nhìn mà là để mắt được nhìn. Có khi người ta chỉ vì quá muốn
mắt được nhìn, nên mắt đã không nhìn được.
Mắt là để nhìn. Nhưng cái nhìn của mắt không như chiếc máy
chụp hình. Mắt nhìn để hiểu. Mắt nhìn để thông cảm. Mắt nhìn để chê bai. Nhưng
để hiểu, để rung cảm, để giận ghét, để yêu thương lại là phạm vi của tâm hồn.
Mắt thơ ngây, mắt bao giờ cũng vô tội. Tâm hồn là người có trách nhiệm. Vì thế,
người ta không nói kẻ có đôi mắt đẹp thì tâm hồn đẹp. Nhưng là kẻ có tâm hồn
đẹp thì bao giờ cũng có đôi mắt trong. Ðôi mắt của trẻ thơ đã nói lên điều đó.
Nhiều người đã sa ngã vì những đôi mắt chỉ biết dỗi hờn.
Nhiều kẻ đã say những cặp mắt biết liếc nhìn quyến rũ. Sở dĩ có những đôi mắt
ấy vì phải có người yêu những vẻ đẹp đó nên mới có kẻ làm khí giới tấn công.
Và, nếu những xao xuyến rung động, những tình yêu chỉ vì đôi mắt ấy thì cũng
giống như Evà, chỉ nhìn thấy màu hồng của vỏ trái táo chứ không thấy bóng sâu ở
trong.
Người có đôi mắt đẹp là người không đánh lừa kẻ khác bằng
đôi mắt của mình. Kẻ có đôi mắt đẹp cũng không để mình bị đánh lừa bằng đôi mắt
người khác. Mắt đẹp là mắt nhận ra giá trị thật và chỉ ngắm nhìn những giá trị
đó.
Mắt giữ vai trò quan trọng trong lịch sử cứu rỗi của loài
người. Ngay những chương đầu của sách Sáng Thế đã nói về mắt:
Rắn đã nói với người
đàn bà: chẳng chết chóc gì đâu! Quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi
ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt
xấu. Và người đàn bà đã nhìn: quả là cây ăn phải ngon.
Sau khi nhìn rồi, Kinh Thánh kể tiếp cái nhìn của Eva:
Mà nhìn thì đã sướng
mắt. Nó đáng quý thực, cái cây ấy để được tinh khôn. Và bà đã ăn.
Sau khi ăn rồi, Kinh Thánh kết luận về đôi mắt của cả hai
người như sau:
Và mắt cả hai người mở
ra. Và chúng biết là chúng trần truồng. (St 3,4-7).
Ðoạn Kinh Thánh nói về lịch sử sa ngã của loài người đã đề
cập đến mắt qua ba tiến trình:
- Rắn hứa là mắt Adong, Evà sẽ mở ra.
- Evà đã nhìn trái táo và thấy sướng mắt.
- Mắt hai người đã mở ra và thấy mình trần truồng.
Rắn hứa là mắt hai người sẽ mở ra để nhìn thấy mọi sự như
Thiên Chúa. Nhưng mắt đức tin của cả hai đã nhắm lại nên không nhìn thấy điều
mình muốn nhìn sẽ đem đổ vỡ cho cuộc đời. Họ đang thấy chung quanh họ là mùa
hoa rộ nở, là những đồi cỏ bình yên, là những giải nắng hiền, dòng suối êm.
Nhưng chỉ vì muốn nhìn như Thiên Chúa, nên cỏ bình yên thành cỏ dại, suối hiền
cạn khô, nắng thành vất vả, hoa thôi lên mầu.
Chỉ vì muốn nhìn những điều không thể nhìn được nên mắt họ
đã chẳng còn nhìn thấy những điều họ đã thấy nữa.
"Mà nhìn thì đã sướng mắt". Ðó là tâm trạng của
Evà. Cái nhìn ấy phải là đắm đuối. Bằng cái nhìn "sướng mắt" ấy tội
lỗi đã vào thế gian. Qua một cái nhìn mà hạnh phúc thành rách nát. Lịch sử vũ
trụ thay đổi. Tang thương.
Lời hứa của rắn đã hiệu nghiệm. Mắt của cả hai người đã mở
ra. Nhưng không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp mà để nhìn thấy mình trần
truồng. Trần truồng là biểu tượng của hèn hạ, của nghèo đói, của nhục nhằn.
"Mắt hai người đã mở ra". Câu Kinh Thánh thật ngắn ngủi, nhưng sự
tinh tế và đau thương nằm ở đó. "Mắt hai người đã mở ra". Nhưng đồng
thời cũng là giây phút đóng lại. Mở mắt để thấy trước mặt là tan tác, chia
phôi. Mở mắt để thấy trước mắt là hệ lụy. Mở mắt để biết mình trơ trụi. Mở mắt
để biết rằng mình không còn thấy những gì mình muốn thấy.
Adong-Evà đã mở mắt. Nhưng họ lẩn trốn không dám nhìn Chúa.
Cả hai đã mở mắt. Nhưng để tìm lá che thân, không dám nhìn nhau. Như thế, mở
mắt có ích gì? Có những mở mắt nguy hiểm. Có những mở mắt gieo khổ ải. Không
nhìn những điều phải nhìn là thiệt thòi. Nhìn những điều không nên nhìn cũng là
mất mát như thế. Khởi đầu lịch sử nhân loại đã không phải là lịch sử có đôi mắt
thơ mộng, mà là đôi mắt mù lòa.
Rồi sự mù lòa ấy chảy dọc theo thời gian. Chúa Kitô đã đến
trong Tân Ước để hàn gắn sự mù lòa xẩy ra từ những trang đầu của Cựu Ước đó.
Chúa không bao giờ từ chối chữa người mù. Trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng,
nếu có người mù kêu xin là Chúa động lòng xót thương và chữa họ ngay. Sự mù lòa
nói đến trong Tân Ước đã có nguyên do từ sự mù lòa khởi nguyên ngay ở vườn địa
đàng. Chúa đến để chữa vết thương kéo dài từ biến cố đó. Ðặt những phép lạ Chúa
chữa người mù trong Tân Ước với bối cảnh mù lòa khởi nguyên của Adong-Evà ta
mới thấy ý nghĩa sâu xa vì sao Chúa đã đến trong thế gian. Và nếu ý thức được
rằng, từ bắt đầu, dòng suối đã mù lòa thì nước ở cuối dòng làm sao trong, ta sẽ
nhận ra một ý nghĩa khác, đó là ta phải chấp nhận rằng mình mù lòa, và cần Chúa
chữa sự mù lòa ấy.
Phúc Âm thánh Gioan có thuật lại phép lạ Chúa chữa một người
mù. Ðặc biệt Gioan kể rõ chi tiết là "mù từ lúc mới sinh". Các Phúc
Âm khác chỉ nói chữa người mù, không nói chi tiết mù như thế nào. Vì sao thánh
Gioan lại nhấn mạnh điểm đó? Phải chăng "mù từ lúc mới sinh" là mù từ
thưở xa xưa lắm rồi, là mù từ thưở địa đàng. Là mù gốc rễ trong tâm hồn tôi.
"Từ trong tà ác tôi đã sinh ra"
(Tv 51,7).
Một chi tiết quan trọng khác mà thánh Gioan đã nói đến là
Chúa chữa người mù "từ thưở mới sinh" trong ngày sabath. Ngày sabath
là ngày không được phép làm gì cả. Ðây là luật rất ngặt của người Do Thái.
Chính vì thế Chúa đã bị kết án. Có phải Chúa đã chữa mù, cho dù là ngày sabath
vì mù là một bất hạnh ghê gớm, một thiệt thòi nguy hiểm? Chúa không thể chấp
nhận mù! Dù bị chống đối, Chúa vẫn chữa mù! Như vậy chẳng có lý do nào Chúa lại
chậm trễ chữa sự mùa lòa của tâm hồn tôi. Sứ mạng của Chúa là: "Người đã sai Lời Người đến chữa họ, và
giật sinh mạng họ ra khỏi mồ chôn" (Tv 107,20).
Trong câu chuyện chữa người mù, ta thấy sự khác biệt tàn
nhẫn giữa đôi mắt của người mù và đôi mắt của các thầy Pharisiêu. Ðôi mắt thân
xác của người này mù, nhưng mắt tâm hồn ông ta lại sáng. Ông nhận ra Chúa là
người có thể chữa cho ông, nên ông đã đến suối Siloam rửa mắt như lời Chúa dạy.
Các thầy Biệt Phái đã có đôi mắt thân xác không mù lòa, nhưng đôi mắt tâm hồn
đã chết. Họ đã nói với người mù về Chúa như sau: "Chúng ta biết tên đó là một người tội lỗi" (Ga 9,24).
Không có sự tối nào lại mù lòa hơn sự mù lòa của những đôi
mắt sáng ấy. Bởi đó, thấy mặt trời vẫn có thể là sống trong bóng đêm. Trong bất
hạnh của thân xác vẫn có thể nhìn ra chân lý. Ðiều ấy nói cho tôi biết trong
đau khổ tật nguyền, hạnh phúc vẫn có thể nở hoa, kết trái xum xuê. Trong những
hiểu biết trần thế, biết đâu là cả một cõi lòng khô héo ân sủng thiêng liêng.
Rồi, vì thế, đàng sau những đôi mắt đẹp, có thể là một một đêm lạnh lẽo, một
tâm hồn trống trải, buồn tênh.
Ðôi mắt dễ thương chỉ có nơi tâm hồn duyên dáng. Lo trang
điểm cho mắt mà không làm đẹp tâm hồn là chỉ muốn người ta nhìn mắt mình, chứ
mắt mình không nhìn được điều phải nhìn. Có người tốn rất nhiều tiền để làm đẹp mắt,
nhưng tiếc xót gởi một thùng quà cho bạn bè nghèo khó ở bên nhà. Ngại ngùng bỏ
tiền để sửa chữa một ngôi thánh đường đang sụp đổ. Quá muốn mắt mình
được nhìn nên đã không nhìn thấy điều Chúa muốn họ thấy.
*
"Toàn thân mày,
mày sinh ra trong đống tội, mà mày lại làm thầy dạy chúng ta ư!" Sau
khi mắng người mù như thế, Pharisiêu trục xuất ông (Ga 9,34). Người mù đã bị
đuổi ra khỏi hội đường vì dám chấp nhận Chúa là Thầy chữa cho mình. Chúa đã hỏi
người mù: "Còn ngươi, ngươi có tin
vào Con Người không?" Ông ta đáp lại: "Lạy Ngài, tôi tin" (Ga
9,35-38). Như vậy, để nhìn thấy Chúa, ông đã phải trả một giá đắt. Những đôi
mắt dám nhìn sự thật nhiều khi là những đôi mắt rướm lệ.
Phúc Âm thánh Máccô cũng nói về mắt. Người mù lên tiếng: "Lạy Thầy, xin cho tôi thấy được".
Ðức Kitô bảo hắn: "Hãy đi! lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".
Rồi, dòng chữ cuối cùng của một bầu trời mới, một tâm hồn vô cùng thênh thang:
Lập tức hắn đã thấy
được, và theo Ngài lên đường (Mc 10,52).
Người mù đã không trở về để lập nghiệp làm ăn, nhưng lên
đường theo Chúa. Lúc này là lúc Chúa đang trên đường về Jerusalem để chịu chết. Ông đã thấy gì mà dám
lên đường theo một kẻ sắp bị đóng đinh.
*
Nói về đôi mắt, Chúa quở trách rằng: "Họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy.tâm hồn họ ra chai đá
rồi" (Mt 13,14). Như vậy, Chúa xác định tâm hồn có trách nhiệm về cái
nhìn.
Hôm nay, không thiếu bao tiếng khóc. Có tiếng khóc âm thầm.
Có tiếng khóc lo âu. Tiếng khóc nghèo đói. Tiếng khóc lạc lõng trong cuộc sống.
Tiếng khóc lặng lẽ của cõi lòng chán chường. Tiếng khóc che kín bằng tiếng cười
ở giữa đám đông. Nước mắt ở khắp nơi.
Biết bao tâm hồn chỉ vì nghèo đói mà sống mất phẩm giá con
người, Những người mẹ bên Phi Châu ngồi khóc vì đói, vì đôi vú không còn sữa
cho con. Những đôi mắt trẻ thơ ruồi bu quanh. Ðấy là hình ảnh Chúa Kitô. Ngài
đang lang thang và chẳng có ai nhìn.
Những tiếng khóc đau khổ vẫn không ai muốn nghe. Những nghèo
đói vẫn không ai muốn nhìn. Có phải chỉ đôi mắt đức tin mới nhìn thấy Chúa Kitô
đang nghèo, đang túng thiếu. Chia cái nghèo, chia cái túng thiếu, chỉ có đôi
mắt tình thương mới dám nhìn.
Hơn hai ngàn năm trước Chúa đã than thở: "Họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy vì tâm hồn họ ra chai
đá rồi" (Mt 13,14). Hôm nay, nếu mắt không nhìn những điều phải nhìn.
Nhìn mà không thấy những điều phải thấy. Thấy mà chẳng hiểu những điều phải
hiểu thì Chúa cũng chỉ biết than thở như hai nghìn năm xưa: Vì tâm hồn họ ra
chai đá rồi.