Tôi
thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa
cho anh em bằng Thánh Thần. (Mc 1, 8)
Khởi đầu
sứ vụ loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đến sông Giođan để xin Gioan làm phép rửa
để tỏ lòng sám hối ăn năn. Một hành động quả là lạ lùng, khó hiểu, bởi vì Chúa
Giêsu là Đấng Thánh, hoàn toàn vô tội mà lại xin Gioan làm phép rửa cho mình. Lời
đề nghị ngược đời, khó hiểu đến nỗi Gioan phải từ chối không dám làm. Thế nhưng
Chúa Giêsu đã buộc Gioan phải làm khi giải thích rằng: “Bây giờ cứ làm như thế để chúng ta chu toàn bổn phận”. Câu hỏi được
đặt ra ở đây là tại sao Chúa Giêsu lại tình nguyện chịu phép rửa của Gioan? Chắc
chắn có nhiều lý do, ở đây xin được đưa ra một lý do quan trọng sau đây: đó là
vì Chúa Giêsu muốn dấn thân, nhập cuộc với nhân loại tội lỗi để giải thoát con
người khỏi nô lệ tội lỗi, để gánh lấy toàn bộ tội lỗi và hậu quả tội lỗi của
nhân loại. Đây cũng chính là lúc Chúa Giêsu mạc khải sứ vụ chính yếu của Người
khi đến trần gian này. Trong dòng nước của sông Giođan, Chúa Giêsu đã hòa mình
với đám đông đang sám hối và chịu thanh tẩy. Qua đó, Chúa Giêsu liên đới với mọi
người, sẵn lòng gánh lấy tội lỗi của họ. Tuy nhiên việc lãnh nhận phép rửa của
Chúa Giêsu vào thời khắc ấy chỉ mang tính tượng trưng, bởi vì sau đó, Chúa
Giêsu sẽ trở thành Con Chiên gánh tội trần gian một cách thật sự và trọn vẹn
khi Người bị treo trên thập giá, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để mọi người
được sống như lời thánh Phêrô xác tín rằng: “Tội
lỗi của chúng ta, Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” (1Pr 2,24).
Thật vậy, Chúa Giêsu là người hoàn toàn vô tội: "Nơi Người
không có tội lỗi" (1Ga 3,5). Thế mà vì yêu thương nhân loại, Ngài đã sẵn
sàng nhận hết tội lỗi của cả nhân loại về cho mình. Điều đó chẳng làm cho chúng
ta suy nghĩ và rút ra một bài học sao? Nhìn vào gương Chúa Giêsu, chúng ta
thấy mình hoàn toàn ngược lại với Chúa Giêsu. Chúng ta ai nấy đều có tội không
nhiều thì ít, thế mà rất nhiều khi ta lại không muốn nhìn nhận mình là kẻ có tội.
Ta tìm đủ cách để người khác nghĩ về ta tốt hơn thực trạng hay bản chất của ta.
Nhiều khi ta còn giả hình để người khác lầm tưởng rằng ta rất tốt, ta vô tội. Nếu
có ai nói xấu ta, thậm chí rất đúng, ta cũng tỏ ra bực bội hay thù ghét người ấy.
Ta không muốn nhìn nhận thực trạng xấu xa của mình. Trong những cuộc tranh luận,
nhiều khi ta thấy mình sai trái, nhưng ta không có can đảm nhận phần sai trái về
phía mình, mà cứ cãi lại để khỏi phải nhận lỗi, thậm chí còn kết án ngược lại
cho người khác. Như thế, ta đã tự chứng tỏ mình thiếu thành thực và không ngay
thẳng. Như thế, chúng ta còn rất xa lạ với khuôn mẫu thánh thiện của Chúa
Giêsu. Chúa Giêsu vô tội hoàn toàn, nhưng Ngài sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm của
cả nhân loại về phía mình. Ngài đã hành xử như một kẻ có tội cần phải sám
hối, phải xin lỗi trước mặt Thiên Chúa bằng nghi thức rửa tội. Không chỉ như thế,
Ngài còn sẵn sàng đền bù với giá cao nhất là mạng sống của Ngài những tội lỗi
mà Ngài đã tự quy về cho mình thay cho cả nhân loại. Hành động của Ngài thật hết
sức anh hùng và dũng cảm.
Con người ngày nay thường đòi hỏi cách thực dụng “nhìn tận
mắt, bắt tận tay” thì mới tin; còn điều gì mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe
thì trong lòng ra nghi ngại. Bởi lẽ, thế gian đã quá quen thuộc với những xảo kế,
giả tạo và gian dối...nên con người khó có thể tin ai được nữa. Tuy vậy, với niềm
tin của người Công giáo, với dấu chứng của những người tin vào Đức Giêsu theo
suốt chiều dài lịch sử cho đến nay, cho chúng ta một xác tín mạnh mẽ về lời giới
thiệu của Chúa Cha: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”:
đó là lời Chúa Cha đã công cáo cho muôn thiên hạ, lời công cáo được đóng ấn bằng
Thánh Thần Thiên Chúa dưới biểu tượng “như chim bồ câu ngự xuống”.
Điều đó cho chúng ta biết một điều rằng, chính Ngôi Lời nhập thể ấy là Thiên
Chúa thật, đồng bản tính với Chúa Cha và là người thật. Đức Giêsu đã được sinh
ra nơi máng cỏ nghèo hèn năm ấy, đang hiện diện cách sinh động và mang niềm an ủi
cho muôn dân, đang hoạt động đầy yêu thương và khiêm tốn ấy đáng được mọi người
đón nhận, chính lẽ đó mà Chúa Cha rất hài lòng về Người Con ấy “Cha hài
lòng về Con”; mà cũng chính vậy, Cha cũng mời gọi chúng ta tôn vinh
Ngài, bởi chính Chúa Cha cũng đã tôn vinh ngài trước mặt muôn dân "Con
là Con yêu dấu của Cha”. Ngoài ra, với lời rao giảng: “Có
Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”(Mc
1, 7): Thánh Gioan Tẩy Giả cũng xác nhận Chúa Giêsu là Đấng phải đến,
và khi Người đến thì sứ vụ của mình hoàn thành. Công việc của Gioan chỉ là dọn
đường cho Chúa khi kêu gọi mọi người chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối đón chờ
Chúa đến. Thánh Gioan Tẩy Giả không ngần ngại nói thẳng về hiện trạng của những
người nghe ngài giảng và đến lãnh phép rửa.Mặt khác, lời tôn vinh Ngôi Lời nhập
thể, lời tuyên tín về Đấng Cứu độ còn được Thiên Chúa Cha mạc khải cho
thánh Phêrô khi tuyên xưng "Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng
sống"; cũng như lời của viên đại đội trưởng, một người ngoại giáo“Ông
này quả thật là con Thiên Chúa” khi Đức Giêsu tắt thở trên thập giá.
Những lời tuyên tín ấy, càng giúp chúng ta thêm sức mạnh thiêng liêng, can đảm
gắn bó đời mình nơi ơn cứu độ của Đức Giêsu, để đến lượt mình, dám đi ra và nói
cho muôn người biết: Hài Nhi đã sinh ra, nằm nơi máng cỏ năm ấy chính là Thiên
Chúa thật, đã rao giảng ơn cứu độ, đã chịu chết để cứu độ nhân loại và đã sống
lại lên trời hiển vinh bên Chúa Cha, và sẽ đến để dẫn con cái Ngài hợp đoàn
cùng các thánh. Sức mạnh và ơn ban của những kẻ tin hậu thế ấy là: “Phúc
cho ai không thấy mà tin”, ân phúc mà Đấng phục sinh đã nói với Tô-ma
và các tông đồ khi hiện ra với các ông.
*******
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, trong những ngày mừng biến cố vĩ
đại Chúa sinh ra, xin cho chúng con càng ý thức và xác tín hơn sự hiện diện của
Chúa trong cuộc sống của mỗi chúng con. Để nhờ ơn Chúa trợ lực, chúng ta càng
tin tưởng mạnh mẽ vào Chúa và can đảm bước ra khỏi căn phòng của mình mà nói
cho muôn dân biết về Chúa, về tình thương cứu độ của Ngài, như thể những người
đã chứng kiến biến cố kỳ diệu của phép rửa ngày Chúa Cha tôn vinh Người Con của
Ngài. Amen!