Translate

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

ĐỪNG ĐỂ TÂM HỒN VẮNG CHÚA

Sự trống vắng Thiên Chúa trong tâm hồn không nhất thiết chỉ là tôi không dự lễ, không rước lễ hay không xưng tội. Thiên Chúa là tình yêu, vì thế khi tôi không yêu, tâm hồn cưu mang sự giận dữ, chứa đầy ghen ghét, thù hận.... là tâm hồn tôi đang trống vắng Thiên Chúa. Một sự trống vắng Thiên Chúa khác nữa là khi tôi có một chủ nhà khác trong tâm hồn như tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, địa vị, kiêu căng... Thiên Chúa đã nói rõ, các con không thể làm tôi hai chủ được, hoặc mến chủ này, hoặc ghét chủ kia. Vậy, làm sao tôi có thể biết ai đang làm chủ tâm hồn tôi? Có một vài dấu hiệu để tôi nhận ra điều này. Khi tư tưởng, ý nghĩ, ước muốn của tôi thường xuyên hướng về điều gì, thì thường đó là ông chủ của tôi. Thí dụ như đang dự lễ mà đầu óc tôi cứ nghĩ đến chuyện sẽ nấu gì ăn tối nay thì việc ăn uống đang làm chủ tâm hồn tôi... Hay tôi ngồi xem hết trận banh này tới trận banh kia để khi đến giờ ngủ vì mệt mỏi quá nên tôi chỉ làm dấu qua loa, rồi lăn đùng ra ngủ thì thể thao, bóng đá đang làm chủ tâm hồn tôi... Nếu tôi đọc kinh cho thật nhiều, miệng nói yêu Chúa mà lại không thực hành, thì Chúa chỉ ở trên môi miệng mà không có ở trong tâm hồn.

Lạy Chúa, đã nhiều lần Chúa có con, mà con thì không có Chúa bởi những đam mê, thú vui xác thịt đã làm chủ đời sống của con. Đã nhiều lần căn nhà tâm hồn con trống vắng không có Chúa, bởi chính con quên mất Chúa, bởi con để những sự thuộc về thế gian ngập đầy tâm hồn. Xin Chúa từ nay đến và làm chủ 

CHỐNG VỚI CÁM DỖ


Mùa Chay mời gọi mọi người ăn năn sám hối để đến gần với Chúa hơn, điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể hoàn toàn thoát được cám dỗ. Cám dỗ: không ai thoát được. Bao lâu còn sống ở đời, ta còn phải chịu đau khổ và cám dỗ. Vì thế thánh Job nói: “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.

Do đó, mỗi người chúng ta phải đề phòng cám dỗ, phải tỉnh táo cầu nguyện để cho quỉ – hằng tỉnh thức và luôn luôn “chạy rảo khắp nơi tìm mồi sát hại” – sẽ không làm gì được ta.

Làm gì có ai hoàn toàn và thánh thiện đến nỗi không phải cám dỗ bao giờ! Đã thế ta cũng không tài nào thoát được. Nhưng cám dỗ – dầu nặng nề gay gắt mấy – thường lại rất lợi vì nó giúp ta tự khiêm, nó luyện lọc và cho ta những bài học quí giá!

Hết mọi thánh nhân đã phải qua những thử thách, những cám dỗ lớn lao và nhờ đó các ngài đã được lợi rất nhiều. Còn những ai không chịu nổi cơn thử thách đã phải loại bỏ và bị tiêu diệt.

Không một dòng tu nào thánh thiện, không một nơi nào khuất tịch mấy mà thử thách và cám dỗ không tới được! Không ai còn sống mà thoát hẳn được cám dỗ, vì bẩm sinh con người đã có dục vọng, mà dục vọng chính là mầm mống của cám dỗ.

Cám dỗ hoặc đau khổ này chưa qua hẳn, cám dỗ hoặc đau khổ khác đã dồn dập tới. Lúc nào ta cũng có một cái gì phải chịu đựng vì ta đã mất những sảng khoái của tình trạng diễm phúc sơ khai

Nhiều người tìm thoát cám dỗ, nhưng lại gặp ngay cám dỗ nặng hơn. Không phải cứ trốn mà thắng nổi cám dỗ đâu. Nhưng phải nhẫn nại và khiêm tốn thực mới khuất phục được thù địch của ta. Nếu chỉ tránh những dịp bên ngoài mà không nhổ cho tuyệt căn: Bạn sẽ không tấn tới được mấy. Cám dỗ sẽ tiến đến dồn dập và bạn sẽ thấy khổ tâm hơn.

Cứ từ từ chống trả cho nhẫn nhục và bền gan – với ơn Chúa giúp – bạn sẽ thắng cám dỗ dễ hơn là xua nó một cách tức tối hằn học. Bị cám dỗ, bạn hãy năng đi bàn hỏi. Cũng đừng gắt gỏng với những người bị cám dỗ: hãy yên ủi họ như bạn muốn được người yên ủi.

Nguyên do mọi cám dỗ xấu là tại tâm hồn nông nổi và ít tín nhiệm vào Chúa. Như một con thuyền không lái bị sóng nước lôi cuốn, con người nhát gan và không giữ điều quyết định luôn luôn bị cám dỗ lay chuyển. Phải cẩn phòng luôn nhất là khi cám dỗ mới đến. Đừng mở cửa để nó đột nhập linh hồn. Hãy chặn đánh ngay khi nó vừa ló mặt như thế rất dễ thắng nó.

Lạy Chúa, khi bị cám dỗ, con cảm thấy rõ, nguyên sức con chỉ có thể phạm tội mất lòng Chúa, vì lòng con luôn chiều về điều ác. Nhưng con lại biết: Chúa có thể giữ con khỏi những xô lấn tàn tệ của tình dục và, chính Chúa cũng muốn giúp con nữa. Vậy không tin ở con, con chỉ tin trót ở Chúa, con sẽ thưa Chúa: Lạy Chúa, con đang đứng trên bờ vực sâu, con giơ tay lên cùng Chúa và trông cậy Chúa sẽ không để con chìm mất.

THIÊN CHÚA ----LOÀI NGƯỜI


Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. (Lc 4,24)

Điều này vẫn còn xảy ra hôm nay, vì có những người nghiên cứu cuộc đời Đức Giê-su ; nhưng nghiên cứu một hồi thì mất đức tin ! Tại sao lại như vậy ? Đó là vì họ giản lược căn tính thần linh của Đức Giê-su vào bình diện của những điều họ đã biết, nghĩa là bình diện kiến thức, mà phần lớn chỉ dựa trên suy đoán hay bị chi phối nặng nề bởi thái độ nghi hoặc. Trong khi đó, căn tính thần linh của Ngài chỉ có thể là đối tượng của lòng tin, là hoa trái của gặp gỡ đích thân, của đón nhận, của hành trình đi theo và trở nên một, đến từ lòng khao khát Thiên Chúa, nhận ra, cảm nếm dấu vết Thiên Chúa nơi ngôi vị lạ lùng của Ngài trong tương quan với sáng tạo và lịch sử, với cuộc đời cụ thể của mỗi người chúng ta.

Thiên Chúa sáng tạo con người để thông truyền sự sống, ơn huệ sự sống được diễn tả và cụ thể hóa bởi ơn lương thực, được ban cho chúng ta mỗi ngày (St 1, 29 ; Tv 136, 25). Và nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa trao ban chính mình làm lương thực, để cho con người được sống và sống dồi dào : “Này là mình Thầy, anh em hãy cầm lấy mà ăn”.

Tuy nhiên, lịch sử cứu độ, lịch sử của loài người, lịch sử của mỗi người chúng ta đầy những thăng trầm thuộc phận người, đầy tội lỗi vì bị chi phối nặng nề bởi “sự dữ” và sự chết.

Vậy Thiên Chúa còn trung tín với ý muốn thông truyền sự sống cho con người không? Vẫn còn mãi đấy các bạn à, nơi Đức Ki-tô, nhất là trong mầu nhiệm Vượt Qua của Người, Thiên Chúa mang lấy “mọi bệnh hoạn tật nguyền” của loài người chúng ta, của từng người chúng ta, để nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa yêu thương con người, yêu thương từng người chúng ta đến cùng, và tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh hơn “sự dữ” và sự chết.

SUY NIỆM MÙA CHAY...!


Trong Mùa Chay Giáo Hội cho chúng ta nghe về kết cục khá bất ngờ và đau đớn của Đức Giêsu khi Ngài trở về với hội đường của làng Nadarét thân quen.

Chúa dạy dân bài học lịch sử: trình thuật hôm nay tiếp tục tường thuật cuộc trở về Nadarét, quê hương của của Chúa Giêsu. Sau khi đọc Sách tiên tri Isaia, khán giả đồng hương ngồi xuống, và Chúa bắt đầu rao giảng. Thay vì là một cuộc vinh quy bái tổ, họ bắt đầu khinh thường Chúa. Ngài mời họ nhìn lại lịch sử để đừng tái diễn những điều không nên làm. Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.”  (Lc 4,24). Chúa Giêsu dẫn chứng lời Ngài nói bằng hai ví dụ:

(1) Tiên tri Elia cho hũ bột của bà góa tại Sarepta, Sidon, không cạn: "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Elia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Sarepta miền Sidon.”

(2) Tiên tri Elisa chữa Naaman, tướng Syria, khỏi bệnh cùi: “Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Elisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syria thôi."

Lịch sử lại tái diễn: “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.”(Lc 4, 29-30)

Như thế, Lời Chúa hôm nay muốn nói rằng Chúa không thiên vị ai, Ngài ban ơn cho tất cả mọi người, cho dù người ngoại nhưng nếu tin vào Chúa thì Ngài cũng ban ơn. Còn kẻ có đạo nhưng không tin thật thì không đáng lãnh nhận ơn Ngài.

Đối với những người đồng hương ở Nadarét, Chúa Giêsu ưu ái nhưng không thiên vị. Ưu ái và thiên vị khác nhau. Vì ưu ái họ nên Chúa chọn Nadarét làm nơi Ngài công bố chương trình cứu rỗi của Ngài, vì ưu ái họ nên Chúa muốn ban cho họ ơn lớn nhất là đức tin. Nhưng Chúa không thiên vị: nếu họ không tin thì Ngài không làm phép lạ cho họ.

Có lẽ mãi đến thời nay nhiều người vẫn còn nghĩ cách hẹp hòi là Thiên Chúa chỉ thương những người “có đạo”, còn “kẻ ngoại” thì bị bỏ ra rìa. Thực ra Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Ngày nay vẫn có những người như bà góa xứ Sarepta và tướng quân Naaman được Chúa thương đến. Còn những người có đạo cũng có thể giống như dân làng Nadarét, bị “Chúa tiến qua giữa họ mà bỏ đi”.