Translate

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

"ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA"

Gio-an Tẩy Giả đã giới thiệu: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.”(Ga.1,29).

Chia Sẻ :

Đức Giêsu quả thật là Chiên Thiên Chúa, Ngài còn là Đấng xóa bỏ tội trần gian. Ngài đã gánh vào mình tội lỗi của tất cả nhân loại, để qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài, Ngài đã xóa đi gánh nặng tội lỗi đè nặng lên con người.

Chỉ với một lời giới thiệu ngắn gọn, chứa đựng trọn vẹn chân lý cuộc sống và niềm hy vọng của con người.

Ở nơi Giêsu - Con Người là “Chiên Thiên Chúa” - nhân loại nhận ra bài học của Thầy chí Thánh Giêsu bài học “Tình Yêu”. Đấng dạy cho nhân loại Tình yêu Thiên Chúa, giá trị nhân phẩm của con người là Con Thiên Chúa, và bình an của con người là tình huynh đệ cùng là con Thiên Chúa.

Ở nơi Giêsu, nhân loại nhận biết và tin vững con người từ đâu đến, sống để làm gì, và rồi, con người sẽ đi về đâu.

Ở nơi Giêsu, con người thấu hiểu được vì sao nhân loại bất an, và hạnh phúc phù phiếm chóng qua. Con người biết mình phải làm gì để thoát khỏi tuyệt vọng.

Ở nơi Giêsu, con người mới thấy đâu là chân giá trị kiếp nhân sinh, vì con người bước đi trong ánh sáng.

Ở nơi Giêsu, con người tìm thấy tất cả những câu giải đáp cho thân phận của mình.

Và, con người vững tin nơi Giêsu, vì bài học của Giêsu không phải là bài học lý thuyết suông được viết bằng giấy mực, mà được viết bằng chính cuộc đời của Ngài. Một cuộc đời yêu thương con người, và chết cho con người. Đó là một cuộc đời Hiến Tế vì nhân loại và cho nhân loại. Ngài là Đấng Cứu Thế. Giêsu, “Đây là Chiên Thiên Chúa”.

Người đó chính là Ngài – Chúng ta bước theo Ngài. “Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu” (Ga.1,25).

Người đó chính là Ngài – Ta an tâm phó thác. “Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người, và kìa biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền. Nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!”. Đức Giêsu nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!” Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ” (Mt.8,23-26).

Người đó chính là Ngài – Ta vững lòng cậy trông. “Khi đến Đồi Sọ, họ đóng đinh Người vào Thập Giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. (Lc.23,33-34).

Người đó chính là Ngài – Ta về đến bến bờ hy vọng. “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang với con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian đã tạo thành” (Ga.17,24).

Người đó chính là Ngài – Giêsu, Hạnh phúc đời ta. Không có ai khác, hay bất cứ điều gì khác có thể thay thế được Ngài. “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga.6,68).

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu phép rửa vì muốn nhận thay tội lỗi nhân loại, xin cho con biết khiêm tốn nhận ra những tội lỗi thiếu sót của mình.

Chúa đã chấp nhận cúi đầu nhận phép rửa, để thánh Gioan Tiền hô chu toàn sứ vụ, xin cho con biết nhìn nhận và tôn trọng ơn gọi của anh em.

Chúa đã được Chúa Cha yêu thương và giới thiệu với nhân loại, xin cho con sống đẹp lòng Chúa mỗi phút giây trong đời.

Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta được lòng nhiệt tâm, sốt sắng trong dịp cử hành Thánh Lễ và từ đây trong suốt cuộc sống của mình luôn luôn là người làm chứng cho Chúa.

Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta được mỗi ngày trở nên giống Chúa Kitô hơn để chúng ta trở nên xứng đáng là người làm chứng cho Chúa, người làm chứng biết lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa Cha, lắng nghe lời mạc khải của Thiên Chúa Cha và sống vâng phục ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, người làm chứng biết nhường chỗ cho Chúa Kitô trong tâm hồn anh chị em mình.


Xin Chúa giúp chúng ta được trưởng thành trong đức tin. Amen.

ĐÂU LÀ THIÊN ĐÀNG THẬT SỰ...!

Một đệ tử luôn bị chia trí trong công việc bổn phận hằng ngày, anh bị ám ảnh và mất nhiều thời giờ để lo lắng về cuộc sống sau khi từ trần: Cuộc sống ở thế giới bên kia sẽ ra sao ?, Tôi sẽ đi về đâu? ..v.v...

Một ngày kia anh đến với Minh Sư để xin chỉ dạy. Ngài nói với anh:
- Tại sao con phải mất nhiều thời giờ để nghĩ về thế giới bên kia?
Sau một lúc suy nghĩ, người đệ tử trả lời:
- Nhưng con có thể nào không nghĩ tới được sao?
- Được chứ.
- Thưa thầy bằng cách nào?
- Bằng cách sống trên thiên đàng, ngay bây giờ và ngay tại nơi đây.
- Thưa thầy! Vậy thiên đàng ở đâu?
- Ở tại nơi đây và ở ngay trong cuộc sống này.

(Anthony de Mello, trích trong “One Minute Wisdom”)

Chia Sẻ:

Thiên đàng hạnh phúc…Cuộc sống vĩnh cửu đời đời… Đó là hy vọng, là mơ ước muôn đời của mọi kitô hữu sống trên dương thế này. Nhưng con đường nào mang ta đến thiên đàng hạnh phúc? Con đường nào dẫn đưa ta đến cuộc sống vĩnh cửu? Con đường nào giúp ta được cứu rỗi khỏi cảnh trầm luân đời đời?

Hơn hai ngàn năn trước đây, Thiên Chúa, qua những lời giảng dạy của Đức Giêsu Kitô, Ngài đã chỉ dạy cho con người con đường ấy: Con đường của yêu thương, yêu thương Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

Hơn hai ngàn năm trước đây, chỉ vì yêu thương, Thiên Chúa Ngôi Hai đã tự hủy thân phận của mình, đã mượn lấy thân xác đơn sơ yếu đuối của trinh nữ Maria để xuống thế làm người. Ngài đã sinh ra trong hang bò lừa thấp hèn, đã mặc lấy thân phận mỏng dòn yếu đuối của con người, đã sống như con người, đã chết nhục nhã trên thập giá vì con người và cho con người để mang con người về với Thiên Chúa Cha, về nơi thiên đàng hạnh phúc, về hưởng cuộc sống vĩnh cửu đời đời.

Hằng năm, vào tháng 12, Giáo Hội mời gọi mọi tín hữu chuẩn bị tâm hồn để đón mừng “Mầu Nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể”. Phụng vụ trong mùa Vọng cũng mời gọi mọi tín hữu hãy ăn năn sám hối, hãy “sống tích cực giây phút hiện tại” để đón chờ Chúa đến, để chuẩn bị cho tương lai.

Niềm hy vọng vào tương lai giúp ta thêm sức lực và can đảm. Nhưng niềm hy vọng đó không cho phép ta thoát khỏi cuộc sống hiện tại. Nếu niềm hy vọng mà tách rời khỏi thực tế thì niềm hy vọng đó sẽ trở thành ảo vọng. Vì thế muốn đạt tới niềm hy vọng cho tương lai, ta phải tích cực sống giây phút hiện tại. Người học trò muốn có tương lai tươi sáng không thể chỉ ngồi đó chờ đợi, nhưng phải ngày đêm chăm lo học hành. Người nông phu muốn có mùa gặt bội thu không thể khoán trắng công việc đồng áng cho trời đất, nhưng phải cần cù chăm chỉ dầm mưa dãi nắng trên cánh đồng.

Ðời sống của ta là một mùa Vọng kéo dài. Mùa Vọng trần gian cứ muốn bao phủ chúng ta trong màu tím buồn của những gian nan thử thách, của những thất bại chán nản, của những lo âu, nghi ngờ, mệt mỏi… Ta hãy tin tưởng vững chắc vào lời Chúa hứa. Lời Chúa sẽ chiếu ánh sáng hy vọng tương lai vào những tăm tối u buồn hiện tại. Ta không ngồi khoanh tay chờ đợi, nhưng tích cực làm những công việc bổn phận trong hiện tại. Làm mọi việc thường ngày với lòng tin tưởng phó thác. Làm những việc nhỏ mọn với tình mến Chúa yêu người tha thiết. Ðó chính là tâm tình chờ đón Chúa đến. Đó cũng là cách ta bắt đầu “tập” sống trong thiên đàng ngay giây phút này và ngay trong cuộc sống này.

Cầu Nguyện:


Lạy Chúa, Trong tâm tình chờ đón Chúa đến, xin cho con biết chuẩn bị tâm hồn, biết tích cực sống giây phút hiện tại, tích cực chăm lo những công việc bổn phận với tâm tình tin tưởng yêu thương và phó thác. Xin cho mỗi giây phút và mỗi công việc trong cuộc sống của con hôm nay được Chúa thánh hóa, được Chúa ủi an nâng đỡ để con có thể bắt đầu “tập”sống trong thiên đàng ngay giây phút này và ngay trong cuộc sống này. Amen.

ĐÂU LÀ NHÀ THỜ THẬT SỰ...!

Phúc Âm Thánh Matthêu thuật lại Chúa vào đền thờ như sau: "Ðức kitô vào đền thờ, Ngài xua đuổi kẻ buôn bán, và những kẻ mua. Ngài lật nhào bàn ghế của người đổi bạc, và của kẻ bán bồ câu. Ngài nói với họ: Nhà của Ta là nhà cầu nguyện, còn các ngươi làm thành hang trộm cướp" (Mt 21,12-13). Phúc Âm thánh Gioan thêm chi tiết nữa là Chúa "lấy dây thừng làm roi mà xua đuổi họ". Và nói với họ là đừng biến nhà Cha Ta "thành cái chợ" (Ga 2,13-17).

Phúc Âm muốn nói gì về hành động của Chúa ở đây? Lời văn mô tả rất ngắn nhưng mỗi chữ mang một ý nghĩa thật sâu. Những gì đã thực sự xẩy ra ở Jerusalem vào ngày hôm ấy? Theo lời mô tả của Phúc Âm, điều làm tôi chú ý là trong suốt cuộc đời của Chúa, không khi nào Chúa đối lập rắn rỏi với dân chúng như lúc này. Chúa lật nhào bàn ghế. Chúa lấy giây thừng làm roi, xua đuổi các tín hữu. Chúa đã dùng những danh từ rất nặng. Ðây là bảng so sánh:

Ðền thờ - - - - - - - - - Hang trộm cướp.

Nhà cầu nguyện - - - - - cái chợ.

Người trong đền thờ - - - kẻ buôn bán.

Của lễ - - - - - - - - - - - - tiền bạc và súc vật.

Hành động của Chúa - - lật nhào bàn ghế, lấy giây thừng quấn roi, xua đuổi dân chúng.

Kết luận của Chúa - - - Nhà Ta là nhà cầu nguyện.

Có buôn bán thì khó mà tránh được gian dối. Có tiền bạc thì làm sao tránh được rình mò. Ở đâu có súc vật, ở đó có mùi ô uế. Ðã là chợ thì có người trả giá, có người đôi co, có ồn ào. Có trộm thì có mất cắp. Gian dối sinh cãi nhau. Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện! Chúa thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy.

Hôm nay, nếu Chúa vào nhà thờ, Chúa có còn phải lập lại lời nói hơn 2,000 năm trước: Nhà Ta là nhà cầu nguyện?

Hôm nay, có nhà thờ đã bỏ hoang. Có nhà thờ đã được bán lại để làm khách sạn, làm tiệm buôn. Thánh giá ngày nào trên tháp cao đã bị hạ xuống. Những cửa sổ kính màu rực rỡ mầu nhiệm cứu rỗi không còn nữa. Bây giờ là hình vẽ quảng cáo. Chúa mất nhà thờ.

Nếu nhà thờ là nơi đông người tụ họp nhất thì cũng là nơi nhiều ma qủy nhất. Ở chợ búa thì ma qủy thường chỉ cám dỗ người ta gian dối thôi. Nhưng nhà thờ là nơi ma qủy có thể cám dỗ đủ mọi thứ. Có thể đến nhà thờ để làm đẹp lòng người khác. Có thể đến nhà thờ vì sợ bị chê là thiếu đạo đức. Nhà thờ là nhà cầu nguyện. Nhưng cũng có thể xây nhà thờ để nổi danh. Có thể xây nhà thờ vì tự ái, giáo xứ bên cạnh xây được thì mình cũng phải xây cho xong. Nhà thờ là nơi nghe Lời Chúa: "Các ngươi đừng xét đoán nhau" (Gc 4,11-12). Nhưng chính nhà thờ lại trở nên tiêu chuẩn xét đoán. Nhìn kẻ này, trông kẻ kia có đi nhà thờ không để đánh giá lòng đạo đức của họ. Có người đến nhà thờ để chú ý đến mình, có thể là nhan sắc, tài năng, chức vụ trong xã hội. Ngày lễ là lúc nhà thờ nhộn nhịp đàn ca, quần áo. Nhưng có mấy ai nghe thấy nỗi vắng, nhìn thấy cái nghèo của Chúa trên thập giá.

Cái nghèo của Chúa có khi vẫn dễ thấy. Nghe nỗi vắng, thấy cái nghèo nơi con người mới khó. Không ai mặc áo rách đến nhà thờ. Vì thế, để thấy cái nỗi khổ, cái nghèo nơi con người, phải ra khỏi nhà thờ, đi vào nhà thờ trong cuộc sống lầm than của họ. Lúc đó, phải xây nhà thờ là cuộc đời.

Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện. Nhưng nhà thờ cũng là những vết thương đau đớn nơi thân thể Chúa Kitô. Nhà thờ là nơi mọi người chung một bữa tiệc, ăn cùng một bánh, chia sẻ cùng một chén thánh. Nhà thờ là nơi nối kết mọi phần tử trong một thân thể. Nhưng nhà thờ đã trở thành chia rẽ.

Bên bờ giếng, người đàn bà Samari hỏi Chúa: "Lạy Ngài, tôi thấy Ngài là tiên tri... cha ông chúng tôi thờ phượng trên núi này, còn các ông thì lại bảo Jerusalem mới là nơi thờ phượng" (Ga 4,19). Ðức Kitô nói với bà ấy: "Này bà, hãy tin Ta, sẽ đến giờ không phải trên núi này hay tại Jerusalem mà các ngươi thờ phượng Cha" (Ga 4,21). Người đàn bà băn khoăn không biết phải thờ Chúa ở đâu. Chúa nói với bà: "Giờ sẽ đến, và là ngay bây giờ, những kẻ thờ phượng đích thực sẽ thờ Cha trong Thần Khí và Sự Thật, vì Cha chỉ muốn gặp những kẻ thờ phượng Ngài như thế" (Ga 4,23). Người Do Thái có đền thờ trên đồi Jerusalem. Người Samari có đền thờ ở núi Gerizim. Họ không được phép vào nhà thờ của nhau. Hai bên đã thành thù địch cũng vì nhà thờ.

Chúa không cần nhà thờ. Chỉ có con người cần nhà thờ. Con người cũng không cần nhà thờ nếu sống riêng lẻ. Ðiều ấy hàm ý, nhà thờ chỉ là nhà thờ khi nhà thờ là trung tâm điểm để dân Chúa hiệp thông. Ðánh mất sự hiệp thông, nhà thờ không còn ý nghĩa. Lịch sử hôm qua là thế, hôm nay cũng vậy, nhiều nhà thờ đã làm mất bình an trong gia đình. Nhà thờ gây đổ vỡ trong Giáo Hội. Nhà thờ đem đến phân ly. Chúa Kitô vẫn giang tay trên thập giá. Mỗi phe cầm một tay để kéo Chúa về phe mình thì Chúa sẽ bị rách đôi. Ðau đớn, nhưng Chúa biết làm sao, Chúa phải thương cả hai, vì tất cả đều là con của mình.

Lạy Chúa, không có nhà thờ nào đẹp bằng đền thờ của tổ phụ chúng con xây cho Chúa ở Jerusalem. Ôi Jerusalem đền thánh thành vàng. Công trình ròng rã xây cất trrong bốn mươi sáu năm (Ga 2,20). Chúa đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa thấy sự huy hoàng của đền thờ, sao Chúa lại nói: "Nhìn ngắm công trình ấy ư? Ở đó, sẽ không còn hòn đá nào trên đá nào, tất cả sẽ bị phá tan tành" (Mt 24,1-2).

Chúa bị các đạo sĩ kết án vì Chúa bảo phá đền thờ ấy đi, Chúa sẽ dựng lại trong ba ngày. Sợ chúng con không hiểu, nên thánh Gioan đã phải viết rõ: "Còn Ngài, Ngài nói về đền thờ Thân Mình Ngài" (Ga 2,21). Lạy Chúa, nếu vậy thì con phải hết sức cẩn thận. Vì chỉ lo xây nhà thờ cho Chúa mà quên đi rằng Chúa là nhà thờ của con. Khi xây nhà thờ thì ma quỷ cũng có thể vào trú ngụ và gây nên biết bao gương xấu. Nhưng nếu lấy Thân Thể Chúa làm nhà thờ thì không ma quỷ nào vào được. Và trong nhà thờ ấy con sẽ sống bình an.

Nếu hôm nay nếu Chúa hỏi: "Ðường nào đến nhà thờ? " Thì con bắt đầu phân vân, vì có quá nhiều nhà thờ, nhà thờ Tin Lành, nhà thờ Công Giáo, nhà thờ da đen, nhà thờ da trắng, nhà thờ Do Thái, nhà thờ của nhóm này, nhóm kia, con không biết Chúa chọn nhà thờ nào. Tuy nhiên, con vẫn có thể chỉ liều cho Chúa một ngôi. Nhưng nếu Chúa hỏi: "Nơi nào Cha có thể ngủ trọ đêm nay?" Thì con thực sự phân vân. Chính trong trái tim mình, con cũng không biết chắc đã sẵn sàng cho Chúa ở chưa. Trái tim mình là nơi gần mình nhất mà còn không biết thì làm sao biết những gì ở xa mình.


Câu hỏi của Chúa ngắn ngủi, mà câu trả lời thì nghe xa xôi, hiu hắt quá.