Phúc
cho anh em là những kẻ bây giờ đang....vì anh em sẽ được ...” (Lc 6, 20...)
Lời của Đức Giê-su dường như ngược hẳn với những gì chúng
ta quan niệm, thậm chí với những gì chúng ta ước ao: Điều mà chúng ta coi là
phúc, thì Đức Giê-su lại mặc khải cho chúng ta rằng, đó là họa: chúng ta quan
niệm giàu có là phúc, còn nghèo khó là họa; nhưng Đức Giê-su nói ngược lại,
giàu có là họa, còn nghèo khó là phúc; và cũng như vậy đối với no nê và đói
khát, vui cười và khóc lóc, được ca tụng và bị sỉ vả.
Lời Chúa trong Tin Mừng
hôm nay được kể là HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI, trong Tin Mừng Matthêu kể ra 8 cái
phúc (Bát Phúc), hôm nay đến lượt Tin Mừng Luca thu lại chỉ còn 4 cái phúc và 4
cái khốn. Đó là hai thành phần xã hội, hai giai cấp đối chọi nhau mà Tin mừng
muốn mô tả và để cho người tín hữu lựa chọn.
• BỐN MỐI PHÚC VÀ BỐN CÁI KHỐN TRỞ THÀNH 4 CẶP SONG ĐỐI VỚI
NHAU:
-Phúc cho
anh em là những kẻ nghèo khó // Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có.
-Đói khát // no
nê.
-Khóc lóc // vui
cười.
-Bị bách hại
// được trọng vọng ca tụng.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng Chúa Giêsu không chủ trương đói
khát và cùng khốn, nhưng Chúa rất yêu thương những thân phận nghèo khó vì họ
tin thác vào sự quan phòng của Người. Như thế, người nghèo khó được chúc phúc
mà Đức Giêsu muốn nói, chính là những người nhận thức được rằng họ không thể
tìm được hạnh phúc cậy dựa vào của cải vật chất đời này. Và từ đó họ sẽ tìm kiếm
hạnh phúc chỉ ở nơi Chúa. Lại nữa, người giàu lại muốn giàu thêm nên ngày đêm
chỉ lo tính toán không còn chỗ và còn thời gian dành cho Chúa, tệ hơn vì lòng
tham họ càng ngày càng trở nên keo kiệt bủn xỉn và không còn biết yêu thương
chia sẻ. Cuối cùng, khi đã giàu rồi thì lo hưởng thụ và tự đắc tự hào vênh vang
về mình và dễ khinh dể kẻ khác. Họ nghĩ mình đã đầy đủ nên không cần đến Chúa…
Như vậy, lời chúc “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”,
không có nghĩa là ta tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm,
nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng
mình ra trước sự giàu có tinh thần. Mặt khác, hình ảnh đối lập giữa những người
ăn chơi tiền tỉ bên cạnh những người thoi thóp cần miếng bánh lót dạ cho qua
ngày vẫn hằng ngày đập vào mắt chúng ta. Chúa ở bên người đói khát nhưng cũng
nhìn thấy kẻ xa xỉ ăn chơi. Chúa nhận ra nỗi đau của kẻ đói để an ủi họ trong
ngày phán xét, nhưng cũng khốn nạn cho kẻ no nê mà không biết đồng loại mình
đang chết đói. Lại nữa, con người ngày chạy theo những đam mê trụy lạc, bày ra
đủ trò tiêu khiển vui chơi… Họ đã được vui cười, nhưng sự vui cười này đã xô đổ
mọi chuẩn mực luân lý và không còn ý thức về tội. sự vui cười đó đã đẩy họ xa dần
Thiên Chúa và đi tới sự khóc lóc đời đời trong hoả ngục. Đó cũng là ý nghĩa của
lời phúc và khốn cho người đói - kẻ no nê.
TÓM LẠI: Tin Mừng hôm
nay cảnh giác chúng ta: Giàu có nhưng tham lam, ích kỷ là cái giàu vô phúc, no
nê để nuông chiều xác thịt, mù quáng trước tiếng gọi thiêng liêng thì đó là sự
no nê bất hạnh, vui cười mà xao lãng việc đạo đức, những bổn phận của đời sống
siêu nhiên, chuẩn bị cho đời sống vĩnh hằng, thì đó là vui cười bất hạnh, được
mọi người ca tụng cũng không chắc là được hạnh phúc, vì lòng con người thay đổi,
nay hoan hô mai đả đảo cách dễ dàng, hơn nữa, cứ mải miết cho người ta ca tụng
là làm nô lệ cho danh vọng, và sẽ sao lãng việc làm vinh danh Thiên Chúa, là bổn
phận làm người và làm con Chúa. Khi chê trách sự giàu có, vui cười v.v. Chúa
Giêsu có ý chê trách thái độ sống của họ theo kiểu thế gian, làm cản trở việc
đi vào Nước Trời.
******
Lạy Chúa, các mối phúc theo Tin Mừng hướng chúng con đến
với Chúa và tha nhân, chứ không phải chỉ sống ích kỷ cho riêng mình. Xin cho
chúng con nhờ sống vì Chúa và sống cho người khác mà chúng con cảm nhận được hạnh
phúc thiêng liêng và đích thực, để chúng con biết vượt lên những khó khăn mà sống
một cuộc đời thanh tao giữa vũng lầy tội lỗi. Amen.