Translate

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

THỨ HAI TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN

Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, (Mt 12, 42a)

Trong mọi thời đại, con người vốn có tính hiếu kỳ, vẫn luôn ưa thích những điều mới lạ. Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với một số kinh sư và biệt phái. Sau khi giảng về các mầu nhiệm Nước Trời, Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ, chữa bệnh cho một người bị bại tay (Mt 12, 9-14), chữa một người bị quỷ ám vừa mù lại vừa câm (Mt 12, 22). Dân chúng thấy vậy thì ngạc nhiên sửng sốt và tin theo, nhưng trong đó có một số kinh sư và biệt phái lại tỏ vẻ cứng lòng nên họ đến yêu cầu Người cho một dấu lạ để làm bằng chứng. Nhưng, câu trả lời của Chúa Giêsu vẫn là, đối với “thế hệ gian ác và ngoại tình”, sẽ chỉ có một dấu lạ duy nhất, dấu lạ Giôna. Đó là dấu lạ của hạt lúa phải thối đi, chết đi để có thể trổ sinh hoa trái. Vì thế, thay vì những hoạt động, những trình diễn “ngoạn mục” để thoả mãn tính hiếu kỳ, xin cho mỗi người chúng ta biết sống “dấu lạ Giona” là hoàn thành những cái “bình thường”, thậm chí “tầm thường” nhỏ nhoi, nhưng bằng một cách “phi thường”. Khi đưa ra câu chuyện về ông Giôna, Chúa Giêsu quở trách thái độ cứng tin của những luật sĩ và biệt phái. Xem ra dân thành Ninivê còn có phúc hơn vì họ khiêm tốn  nhận ra dấu chỉ của tình thương Thiên Chúa. Hình ảnh Giôna là một dấu lạ sống động về lòng thương xót của Thiên Chúa, Người không bao giờ đánh phạt nhưng giáo huấn sửa dạy để cho ta ăn năn sám hối và được sống.

Đức Giêsu chính là dấu lạ diễn tả trọn vẹn mạc khải và tình yêu của Thiên Chúa. Ngài đã đến thế gian và trở nên bằng chứng hùng hồn nhất về Nước Thiên Chúa. Hình ảnh dân thành Ninivê cũng diễn tả ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Đức Giêsu làm những phép lạ không phải để chiều theo tính hiếu kỳ và thói cứng lòng của con người trần gian nhưng để minh chứng sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, báo hiệu một thời đại mới đang đến. Ngày ấy, con người không còn phải đau khổ, không còn chết chóc nhưng được sống dồi dào trong Thiên Chúa. Khi chứng kiến phép lạ, đôi khi chúng ta tỏ thái độ thờ ơ coi thường. Có khi chúng ta muốn Chúa thực hiện phép lạ theo ý riêng hạn hẹp của ta mà không vâng theo ý Chúa. Thật vậy, mỗi ngày Thiên Chúa đều ban những dấu lạ để ta nhận biết tình thương của Người. Dấu lạ ấy thể hiện qua cuộc sáng tạo kỳ diệu, qua thiên nhiên vũ trụ vạn vật, qua sự yêu thương chăm sóc của cha mẹ nơi gia đình, qua các bí tích và những ân ban riêng của mỗi người. Một nghịch lý đáng buồn là trong khi dân ngoại lãnh nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa còn dân riêng của Chúa thì không, bởi lẽ chúng ta hay có thái độ tự mãn không chịu lắng nghe lời dạy bảo của Chúa. Hình ảnh nữ hoàng Phương Nam từ vùng đến xa xôi đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn cũng nói lên điều đó. Lời dạy bảo của Chúa còn cao trọng hơn cả Salômôn, thế mà loài người đã không để tâm lắng nghe. Trong thời đại hôm nay, Chúa vẫn không ngừng tỏ cho nhân loại những dấu lạ nhãn tiền. Dấu lạ ấy thể hiện qua những ân ban nơi Giáo Hội, qua sức sống mới nơi Chúa Thánh Thần khiến Giáo Hội lướt thắng được những cơn phong ba bão táp. Ở nhiều nơi Giáo Hội còn bị bách hại, nhiều người chưa được nghe Tin Mừng, thế nhưng Giáo Hội vẫn âm thầm chịu mục nát để khơi lên niềm hy vọng một mùa lúa trĩu hạt.

*****

Lạy Chúa, mỗi ngày chúng con vẫn được nghe Lời Chúa qua mọi phương tiện từ các trang tin công giáo đến cuốn Thánh Kinh trong gia đình, đặc biệt được nghe Lời Chúa và được nghe lời rao giảng trong các Thánh Lễ, nhưng có lẽ chúng con chưa thực sự để cho Lời Chúa thấm nhập và biến đổi chúng con. Xin cho chúng con biết tận dụng mọi phương thế có được để tiếp xúc với Lời Chúa hằng ngày, hầu được Lời Chúa biến đổi nên xứng đáng là một Kitô hữu thánh thiện. Amen.

CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN, NĂM A

Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu thường dùng những dụ ngôn, những câu chuyện hay xảy ra trong cuộc sống của người Do thái để trình bày cho họ dễ hiểu về những điều Ngài muốn đề cập tới. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng ba dụ ngôn để nói về Nước Trời: dụ ngôn Cỏ Lùng; dụ ngôn Hạt Cải;dụ ngôn Men Trong Bột; Những dụ ngôn Chúa Giêsu sử dụng để giảng dạy ở đây rất thực tế, rất đơn giản và giúp cho người nghe dễ hiểu, dễ nhớ và có khi cũng dễ liên tưởng đến những gì người ta cần tìm hiểu. Một trong ba dụ ngôn Chúa Giêsu dùng trong bài Tin Mừng này để nói về Nước Trời là dụ ngôn “Hạt cải”. Từ những hạt cải nhỏ bé nhưng khi gieo xuống đất đã mọc lên thành cây to lớn, chim trời đến trú ẩn và làm tổ dưới bóng, để nói lên sức mạnh nhiệm mầu của Nước Thiên Chúa.  Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn hạt cải để nói về Nước Trời, có lẽ Người đã không chủ ý ví hạt cải như Nước Thiên Chúa, nhưng Người ví Nước Thiên Chúa sẽ lớn mạnh như sự phát triển của hạt cải. Từ một hạt cải nhỏ xíu nhưng khi gieo xuống đất, nó phát triển mạnh mẽ thành một cây to lớn, thành một nơi trú ẩn vững chắc và là nơi làm tổ an toàn cho chim trời. Đó cũng chính là sứ điệp của Chúa Kitô, là công cuộc cứu chuộc của Ngài, và trở thành sức sống, sự cứu rỗi cho mọi người.

Ngoài ra, dụ ngôn cỏ lùng còn cho biết trong các công việc của Nước Thiên Chúa, vẫn có xen lẫn những công việc của ma quỷ, mà trong giai đoạn sống ở trần gian, nguời ta không thể nào triệt bỏ hết được, chỉ đến ngày tận thế sự phân định mới rõ ràng. Vì thế, dụ ngôn cỏ lùng có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền phân xử. Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu  sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người, đó là cánh đồng lúa mì mà trong đó cỏ lùng mọc lẫn lộn bên cạnh cây lúa tốt. Còn đối với con người, xấu tốt ở xen lẫn với nhau, vàng thau lẫn lộn, không phân biệt được tốt xấu, hoặc đôi khi đánh giá lầm mà coi người tốt ra người xấu, hoặc người xấu ra người tốt. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như cho cỏ lùng và lúa cùng mọc lên, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt chiên ra khỏi dê, người lành khỏi kẻ dữ. Trong khi chờ đợi ngày phân xử, chúng ta được mời gọi yêu thương mọi người, nhất là tạo điều kiện cho những kẻ tội lỗi biết sám hối trở về đường lành, còn việc xét xử thì dành cho Thiên Chúa. Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác  đó là điều không tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta,  mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội. Như thế, qua dụ ngôn này, chúng ta đừng có ảo tưởng là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.

TÓM LẠI: Nước Trời được ví như Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập, là một sự tăng trưởng không ngừng và trở thành bóng mát cho mọi tâm hồn đến trú ẩn. Hội Thánh đó hiện diện mọi nơi trên thế giới để biến đổi thế giới và làm dậy men Tin Mừng khắp thế giới. Nhưng Hội Thánh đó tuy có biết bao người tốt lành thì vẫn tồn tại những cá nhân tội lỗi núp bóng Hội Thánh. Đó là một sự thanh luyện trường kỳ làm cho Hội Thánh ngày càng hoàn thiện hơn cho đến ngày được viên mãn trong Chúa Giêsu quang lâm.

******

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức về sứ vụ của mình là làm cho Nước Chúa ngày càng được lớn lên và thấm nhập được vào mọi nơi trên dương gian này. Xin cũng cho chúng con biện phân được sự thiện ác cùng tồn tại ngay trong chính thân phận làm người của chúng con và ngay trong Hội Thánh Chúa, để chúng con cùng cộng tác với Chúa mà kiên nhẫn và giúp những tội nhân hoán cải trở về với Ngài. Amen.