Translate

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

HÃY LÀM CHO KINH THÁNH SỐNG ĐỘNG

Một trong những sai lầm lớn nhất của con người là khi đọc Kinh thánh lại như người bàng quan. Với họ, Kinh thánh là bộ sưu tập các câu chuyện và sự kiện xảy ra hơn 2.000 năm trước. Chúng ta chỉ đọc Kinh thánh như đọc lịch sử.

Nhưng, thực sự những chuyện xưa đó là chính chuyện đời của chúng ta. Chính chúng ta ở trong các trình thuật đó. Bạn là Ápraham, Sara, Môsê, Đêbôra, Giêrêmia, Rút, Phêrô, Phaolô, Mađalêna, Mẹ Maria, và nếu bạn chuẩn bị chấp nhận điều đó, bạn cũng là chính Chúa Giêsu. Khi trình thuật chúng ta đọc được mở ra, chính chúng ta ở trong câu chuyện đó. Chúng ta không thể chỉ quan sát xem người khác nói gì, làm gì hoặc trả lời gì. Những gì thánh Phêrô làm, thánh Mađalêna làm, và những người khác làm thì chúng ta cũng làm. Thánh Phêrô đã chối Chúa và bỏ chạy. Chúng ta cũng vậy. Thánh Mađalêna đã yêu và không bao giờ đầu hàng, chúng ta cũng nên như vậy. Thánh Mađalêna có quá khứ tội lỗi và có tương lại tốt đẹp, chúng ta cũng vậy. Thánh Phêrô sôi nổi, cương quyết, tha thiết và yếu đuối sa ngã, chúng ta cũng vậy. Nhưng thánh Phêrô cũng yêu Chúa và bỏ mạng sống vì Chúa, chúng ta cũng có thể làm vậy. Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết, nhưng rồi phục sinh và lên trời vinh quang. Chúng ta cũng đau khổ và sẽ chết, chắc chắn cũng được lên trời vinh quang.

Kinh thánh là chuyện đời của chúng ta. Chúng ta ở trong đó. Chỉ đọc Kinh thánh như người bàng quan thì sẽ bỏ mất những điểm chính.


Điểm cốt lõi trong Kinh thánh rất quan trọng và là chìa khóa để chúng ta mở. Chìa khóa đó rất đơn giản: Trả lời những câu hỏi! Trong nhiều việc Chúa Giêsu đã làm, Ngài hỏi nhiều câu hỏi! Khi bạn đọc Phúc âm và Chúa Giêsu hỏi, bạn hãy trả lời câu hỏi đó! Đừng đợi xem thánh Phêrô hoặc thánh Mađalêna làm gì, hoặc người Pharisêu và đám đông dân chúng nói gì. Hãy trả lời câu hỏi bằng chính cách của bạn. Đó là bạn làm cho Kinh thánh sống động.

THÁNH THẦN ĐƯỢC BAN CHO GIÁO HỘI...!

Nhân Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống sắp đến, tôi mời gọi mọi người cùng nhau suy nghĩ đôi chút về mầu nhiệm thiêng liêng này trong ít phút.

Sau khi Chúa Giêsu đi vào cuộc tử nạn, các Tông đồ trở nên hoang mang, sợ sệt, đang tụ họp trong nhà Tiệc ly, chưa biết phải xử sự làm sao, thì chiều ngày phục sinh, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với các ông, trấn an và thổi hơi trao ban Thánh Thần cho các ông :”Anh em hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần”. Và 50 ngày sau nữa, vào sáng ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống một cách công khai để ban cho các ông những đặc sủng của Ngài để các ông mạnh dạn đi loan báo Tin mừng và xây dựng Giáo hội.

Thực ra, Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ ngay khi Ngài hiện ra lần thứ nhất tại nhà Tiệc ly vào buổi chiều hôm Phục sinh. Sau khi chào các ông, Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các ông khi Ngài thở hơi và nói :”Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội ai, thì người ấy được tha, các con cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ””(Ga 20,22-23). Còn ngày lễ Ngũ tuần chỉ là dịp Đức Giêsu ban Thánh Thần cho các ông một cách đặc biệt, với đặc sủng ngôn ngữ, đồng thời cũng là dịp giới thiệu Giáo hội cho muôn dân và chính thức sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng cứu độ cho mọi người.

Chúa Thánh Thần được ban cho các Tông đồ và Giáo hội đặc biệt trong ngày lễ Ngũ tuần. Chúa Thánh Thần là hồn sống của Giáo hội, Ngài luôn hoạt động trong Giáo hội cách tích cực. Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Corintô hãy hiệp nhất trong Thánh Thần. Trong Giáo hội sơ khai, Chúa Thánh Thần ban nhiều đặc sủng khác nhau cho các tín hữu, những đặc sủng ấy nhằm ích lợi cho mọi người. Vì thế, các tín hữu phái tránh chia rẽ, đừng làm gì khả dĩ gây phương hại cho sự đoàn kết ; trái lại, phải dùng các ơn ấy để xây dựng thân thể Chúa Kitô là Giáo hội.

Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ bằng hình lưỡi lửa cho mỗi người. Lưỡi tượng trưng cho lời nói, Lửa tượng trưng cho tình yêu và lòng nhiệt thành. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà các Tông đồ sẽ đi rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Ngài khắp mọi nơi. Được đầy tràn Thánh Thần trong buổi sáng lễ Hiện xuống, các Tông đồ cũng đón nhận được ơn đặc sủng về ngôn ngữ. Vì thế, các ông có thể nói cho những người đến hành hương tại Giêrusalem từ khắp nơi trên thế giới : mọi người đều hiểu theo ngôn ngữ của mình. Thánh Phêrô đã dùng đặc sủng ấy mà giới thiệu Đức Giêsu Nazareth cho những người tại Giêrusalem, và qua bài giảng nảy lửa ấy, đã có 3000 người trở lại. Đặc sủng ấy vẫn còn được ban cho Giáo hội và cho mọi thành phần trong Giáo hội hôm nay.


THÁNH THẦN TRONG CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC MARIA....!

Thánh Thần chưa bao giờ rời Đức Maria. Người đã “rợp bóng” trên Mẹ (Lc 1,35) để Con Thiên Chúa nhập vào thể xác của Mẹ. Người chưa bao giờ ngưng đồng hành với Mẹ trên con đường vững tín vào mầu nhiệm của Con mình, qua Sách Thánh, trong cầu nguyện khi “Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Thánh Thần đã cho Mẹ được đầy ân sủng. Nhưng thiên chức của Mẹ chưa thể đạt mức viên mãn bao lâu những người con mà Chúa trao cho Mẹ trên đồi Canvê chưa được cùng với Mẹ, “tràn đầy ơn Thánh Thần”.


Đức Maria tại Nhà Tiệc Ly mong mỏi được thấy ngày khai sinh của cộng đoàn dân mới là Hội Thánh. Niềm mong ước này cũng nung nấu tâm hồn các tông đồ, là những người đã được nghe Chúa nói, trước khi rời các ông để được rước lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ” (Mt 28,19). Tại Nhà Tiệc Ly, Đức Maria đã có mặt với các ông . Nơi đây, các ông chờ đợi “Đấng Bảo Trợ” đến, là Thánh Thần mà Đức Kitô đã hứa ban, Đấng sẽ làm cho các ông nhớ lại những điều Người đã nói với các ông. Ở giữa các ông, Đức Maria cầu nguyện cho tất cả mọi người được tràn đầy sức mạnh ơn trên và có khả năng loan báo cho thế giới Tin Mừng cứu độ.