Nếu người anh em của anh trót phạm
tội, hãy đi sửa lỗi cho nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh,
thì anh đã được lợi người anh em đó rồi (Mt 18, 15).
Đứng trước
lỗi lầm của một con người, có nhiều thái độ khác nhau: Có thái độ bàng quan, mặc
kệ, sống chết mặc bây, ta đây vô can; Có thái độ bức xúc, kêu ca, càm ràm mà chẳng
làm gì cả; Có thái độ đả kích, chống đối, lên án, phê bình, chỉ trích nhưng lại
chẳng có đường lối giải quyết; Có thái độ vui khoái vì ‘tên ấy’ chẳng hơn gì
mình v.v…. Và ít có mấy ai nghĩ đến việc sửa lỗi giúp người anh chị em mình nên
tốt hơn. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến đời sống tương quan giữa con
người với nhau, thể hiện qua việc giúp nhau sửa lỗi, tha thứ cho nhau và hiệp
nhất với nhau phụng sự Thiên Chúa. Chúa Giê-su đưa ra chúng ta một tiêu chuẩn
giúp nhau sửa lỗi có tính nhân bản và tế nhị. Khi muốn sửa lỗi ai, cần tôn trọng
nhân phẩm của họ, ai cũng có lòng tự trọng, nếu chúng ta thiếu ý nhị sẽ làm người
có lỗi cảm thấy tự ái, nhất là làm cho họ phải xấu hổ và mặc cảm trước đám đông
thì sự việc sẽ càng tệ hại hơn.
Vì
thế, khi muốn sửa lỗi ai, ít nhất phải qua 3 bước:
-
Giữa hai người với nhau: “Nếu người anh
em của anh trót phạm tội, hãy đi sửa lỗi cho nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu
nó chịu nghe anh, thì anh đã được lợi người anh em đó rồi” (Mt 18, 15.). Việc
sửa lỗi một – một, rất riêng tư và rất cá nhân như thế làm nổi bật tính nhân bản
trong việc tôn trọng con người. Nó cũng làm sáng lên đức ái trong việc giữ thể
diện, không làm tổn thương, mất tiếng tăm của người anh em và giúp người anh em
thăng tiến.
- Cần
người thứ ba chín chắn và khôn ngoan hoặc người thứ ba này có khả năng thu phục…:
“Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem
theo một hay hai người nữa để mọi “công việc được giải quyết, căn cứ vào lời
hai hoặc ba nhân chứng” (Mt 18,16): Ở đây, chúng ta thấy tiến độ đã tăng dần,
nhưng mục đích vẫn là để giúp người anh em sửa lỗi trong tình huynh đệ chứ
không phải để kết án.
-
Đưa đến cộng đoàn Hội Thánh: Tiếp theo, nếu cá nhân hoặc nhóm người cũng không
thể giúp người anh em có tội nhận lỗi để hoán cải thì nhờ đến cộng đoàn Hội
Thánh; nhưng mà nếu “Hội Thánh mà người
anh em cũng chẳng nghe, thì “hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu
thuế.” (Mt 18, 17) Việc coi người anh em như “người ngoại hay người thu thuế”
ở đây không phải là một thái độ cư xử loại trừ, nhưng người anh em ấy lại được
đưa vào quỹ đạo là đối tượng của lòng thương xót của Giáo hội, của mỗi người
trong cộng đoàn. Bởi vì xuyên suốt Tin mừng, chúng ta thấy “dân ngoại, những
người thuế, tội lỗi” luôn luôn là đối tượng mà Đức Giê-su hướng tới để mời gọi,
yêu thương và chữa lành: “Người khỏe mạnh
không cần thầy thuốc, chỉ người đau yếu mới cần. Ta đến không phải để kêu gọi
người công chính mà là người tội lỗi” (x).
Nghĩa là
muốn sửa lỗi ai cần đến một sự kiên nhẫn chờ đợi và cầu nguyện xin Chúa giúp
hoán cải tội nhân. Nhìn chung, việc sửa lỗi cho người anh chị em để giúp họ
thăng tiến là một việc không dễ dàng, rất tế nhị nhiều khi đòi hỏi rất nhiều sự
khôn ngoan, khéo léo và trên hết phải có đức ái – một tình thương thực sự,
không giả dối sẽ có tác dụng nhiều hơn bất cứ một nghệ thuật nào. Không phải là
lý lẽ đúng sai, mà tình thương mới có thể đi vào lòng người và giúp tội nhân có
thể hoán cải. Vì thế, nếu cần, chúng ta hãy nói lời xây dựng, trao đổi, đối thoại
trong tình yêu thương của Chúa. Khi chưa thể giúp cho người anh chị em sửa lỗi,
hãy cầu nguyện cho họ và sống yêu thương nhiều hơn nữa. Tình thương và lòng
chân thành sẽ giúp người anh chị em hữu hiệu hơn là phê bình, chỉ trích và kết
án. Sau hết, Chúa Giê-su còn đề cao tính cộng đoàn trong dân của Ngài, vì: “Ở đâu có hai hay ba người họp nhau vì danh
Thầy, thì có Thầy ở giữa”(Mt 18, 20). Thật vậy, chúng ta không phải là đơn lẻ, vì dù ở
đâu chúng ta cũng thuộc về một cộng đoàn hay một giáo xứ. Giáo Hội khuyến khích
và mong muốn chúng ta tham dự những giờ kinh chung và tham dự Thánh Lễ với cộng
đoàn nơi chúng ta đang sống…
*******
Lạy Chúa,
Nước Trời Chúa dành cho chúng con mai sau được xây dựng ngay trong đời sống
tương quan giữa thế gian này. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, chúng con chỉ
thực sự yêu mến Chúa khi chúng con biết thương yêu tha nhân. Amen.