Translate

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

THỨ HAI TUẦN THÁNH


Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu. (Ga 12,8)

Khác với Tin Mừng Mátthêu và Márcô, Tin mừng Gioan xác định người xức dầu thơm lên chân Chúa Giêsu là cô Maria, một trong ba chị em Mátta, Maria và Lazarô. Thay vì nói chung chung là các môn đệ hay vài người khó chịu vì hành động bị coi là lãng phí này, Tin Mừng Gioan nên đích danh Giuđa Iscariot là người phản đối, với lý do đem bán dầu thơm lấy tiền nuôi người nghèo sẽ tốt hơn. Hành động của Maria là một hành động của tình yêu dành hết cho thầy Giêsu, một biểu tượng của hiền thê Giáo Hội với Đấng Tình Quân. Maria đã đổ xuống trên chân Thầy cái bình dầu thơm quý nhất (có giá tới 3 trăm quan tiền – là một giá trị rất lớn thời đó) mà mọi phụ nữ Do-thái đều mơ ước, cô còn lấy mái tóc là niềm tự hào của vẻ đẹp người nữ để lau chân Thầy. Đó là những hành động mà Tin Mừng thứ IV nhìn thấy như là biểu tượng đặt dưới chân thầy trọn vẹn tình yêu tinh thần và thể xác của Maria. Và chính hành động này làm cho cả nhà nực mùi thơm, nghĩa là hương thơm của lòng mến được lan tỏa.

Chúng ta nhận thấy ở đây có ba điều quan trọng thể hiện qua ba nhân vật: Maria quên hết tất cả mọi sự hiện diện xung quanh, giờ đối với cô chỉ còn Chúa Giêsu là tất cả, và cô sẵn sàng dâng cho Chúa tất cả những gì cô có mà không tính toán so đo, cũng như không sợ ai chê cười. Chúa Giêsu coi trọng hành động tình yêu thì cao cả hơn mọi thứ khác. Còn Giuđa thì nhìn đâu cũng thấy tiền, đặt cái lợi lên trên tất cả. Hành động của Maria chính là hành động của những tâm hồn dám đặt Chúa Giêsu lên trên hết, dâng cho Chúa tất cả những gì mình có thể; cách riêng nơi đời sống tu trì, khi họ dâng cho Chúa tất cả tâm hồn và thể xác cùng những gì họ sở hữu. Chúa Giêsu đón nhận tấm lòng yêu mến, và Người chống lại quan điểm của người đời, mà cụ thể nơi sự phản kháng của Giuđa, là ngừơi xem tiền của vật chất hơn cuộc khổ nạn Chúa Giêsu sắp tới và coi chuyện tiền bạc hơn hành động tình yêu. Thực ra, vấn nạn trên đã xưa như trái đất, thời nào cũng có người thắc mắc, có phần tâng bốc ông thầy, lấy lòng masoeur, hoặc hiểu đời tu cách sai lạc, hiểu và nhìn đời tu dưới lăng kính cầu lợi vật chất. Người đời quan niệm là như thế là do phần lớn chỉ thấy những cái lợi thực tế bề ngoài, chứ không nhận ra được giá trị và hiệu năng của việc dâng hiến và hành động của tình yêu.

*****

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết liên lỉ yêu mến Chúa, để cuộc đời chúng con tỏa hương thánh thiện và yêu mến trên mọi người, hầu họ cũng được hưởng nhờ ơn cứu độ. Amen.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ


Ngày Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta được nghe hai bài Tin Mừng, một trong nghi thức làm phép lá đầu lễ và một trong phần Phụng Vụ Lời Chúa của thánh lễ. Hai bài Tin Mừng mang hai hoàn cảnh hầu như trái ngược nhau. Nếu trong bài Tin Mừng thứ nhất là cảnh một đoàn rước long trọng và vui mừng khi Chúa tiến vào đền thánh, thì bài thứ hai (bài thương khó) là một đoàn rước bi ai dẫn Chúa lên núi Sọ. Những con người đã từng cầm nhành lá tung hô Con Vua Đavít, thì cũng chính những con người đó giơ tay lên đòi đóng đinh Người Con ấy vào thập giá. 

Có thể khi nghe bài Thương Khó, chúng ta cũng dễ trách người Do-thái, nhưng thật ra cách hành xử của người Do-thái lại phản ảnh thực trạng của nhiều người chúng ta mà chúng ta không hay biết. Chúng ta vẫn thích một Thiên Chúa oai phong hiển hách dễ đánh phạt, hơn là tôn thờ một Chúa Giêsu chịu đóng đinh, tha thứ và yêu thương. Với tương quan xã hội, chúng ta tìm kiếm những bạn bè có thể đem lợi lợi ích cho chúng ta, nhưng nếu đối tượng không thỏa mãn được những gì chúng ta muốn, chúng ta dễ phản lại nhau. Trong tương quan xứ đạo, chúng ta vẫn thích ai đó đem lại lợi ích vật chất cho giáo xứ hơn là những cha những thầy những xơ nào chỉ biết chắp tay cầu nguyện. Trong cộng đoàn tu trì, không thiếu những vị ưa thích ai đó chiều theo sở thích của mình, nên họ không ngại lên án và loại bỏ những thành viên dám sống thật và nói thật. Nơi đời sống vợ chồng, ban đầu đôi lứa kỳ vọng nhau đáp ứng được những gì mình mong muốn, nhưng khi về với nhau vỡ mộng bởi đối tượng không thoả mãn được những kỳ vọng của mình, thế là sinh lục đục và phản bội nhau. Tất cả cũng chỉ vì ban đầu không có tình yêu đích thực. Cuối cùng, đời sống Kitô hữu của chúng ta hôm nay, chúng ta rất dễ chấp nhận những gì hoành tráng bên ngoài, hơn là chiều sâu nội tâm. Chúng ta thấy mọi sự êm xuôi may mắn thì giữ đạo, nhưng gặp thử thách thì quay sang oán trách Thiên Chúa và thậm chí bỏ đạo. Lại nữa, khi bị thế quyền gây khó khăn, chúng ta vẫn mong Chúa ra tay đoán phạt hơn là đón nhận thử thách và cầu nguyện cho họ. Chúa Giêsu không chiều theo sự thách thức của quân dữ mà xuống khỏi thập giá, nhưng Người đã chấp nhận chết để vâng ý Cha.

Tóm lại, là Kitô hữu, chúng ta đang tôn thờ một Thiên Chúa chịu đóng đinh hay một Thiên Chúa oai phong phép lạ, tôn thờ một Đấng Cứu Độ làm theo ý Chúa Cha hay thờ một ngẫu tượng chiều theo ý của chúng ta? Chúa Giêsu không dừng lại sau đoàn rước vào Đền Thánh, nhưng Người còn phải từ đó hành trình lên Núi Sọ. Đời sống đạo không chỉ từ nhà đến nhà thờ, nhưng còn phải là từ nhà thờ đi ra mang hình ảnh của một Chúa Giêsu đích thực đến với mọi người trong đau khổ và thử thách của đời sống chứng nhân. Hôm nay ngày khởi đâu tuần thương khó, mỗi người chúng ta hãy rà xét lại lối sống của mình để ăn năn thống hối về lời nói, việc làm của mình, dù là vô tình hay hữu ý đã và đang gây đau khổ cho người khác. Nguyện xin Đức Giêsu, Đấng đã chết vì tội lỗi chúng ta ban ơn tha thứ và giúp chúng ta chỉnh sửa lại lối sống của mình cho xứng với lòng ăn năn sám hối.

*******

Lạy Chúa Giêsu, bước vào Tuần Thánh, xin cho chúng con ý thức rằng, chúng con đang cùng Chúa bước trên đường khổ giá để đem lại ơn cứu độ, chứ không phải lẩn tránh thập giá để theo con đường dễ dãi dẫn tới diệt vong. Amen.