Translate

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

ĐÂU LÀ ĐẠO THẬT.....!

Người thanh niên đi tìm đạo thật mà đột nhiên bị nhiều khó khăn, thế là cáo biệt người nhà và bạn hữu để đi cầu đạo. Đi qua lục địa, trôi qua biển lớn, vượt qua non cao núi đồi chập chùng, vượt qua trăm ngàn đau khổ.

Một hôm, sau khi tỉnh lại thì thấy mình đã bảy mươi lăm tuổi rồi mà vẫn chưa tìm được đạo thật, không thể làm gì được bèn bỏ cuộc trở về nhà.

Bởi vì tuổi tác đã lớn rồi nên bỏ ra mấy tháng trời mới về đến nhà. Vừa đẩy cửa nhà ra. A ! Chính đạo thật rõ ràng ở đây có tính kiên nhẫn vẫn cứ đang chờ đợi ông ta ở nhà.

Chia Sẻ:

Có những người theo đạo khi mới sinh ra, có những người theo đạo khi tuổi được đôi mươi đầy sức sống, nhưng có bao nhiêu người trong số những người ấy tìm được đạo ?

Có những người tìm đạo trong các tu viện kín cổng cao tường, nhưng rồi vẫn cứ có lòng tham sân si; có những người tìm đạo trong nhà thờ với tinh thần phục vụ không chê vào đâu được, nhưng vẫn cứ mang một cái tâm kiêu ngạo khi tiếp xúc với tha nhân; có những người tìm đạo ở trong rừng sâu một mình với thiên nhiên, nhưng cuộc sống có những tiện nghi tối thiểu mà hiện đại...

Đi tìm đạo khi đầu tóc còn đen mướt, đến bảy mươi lăm tuổi đầu tóc bạc phơ mà vẫn chưa tìm ra được đạo, bởi vì người thanh niên cứ tưởng đạo thật phải là nơi có thánh điện nguy nga, đạo thật phải là nơi ngọn núi cao kia có tiên có thần có thánh.

Đạo thật chính là -như lời thánh Phao-lô tông đồ dạy- tin vào Chúa Giê-su vừa là Thiên Chúa và là người, đã xuống thế sinh trong hang lừa máng cỏ, chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá và sống lại để chuộc tội cho nhân loại, sau cùng lên trời ngự bên hữu Chúa Cha (Rm 3, 21-26). Cho nên khi trong tâm hồn của chúng ta có Chúa Giê-su thì đó là đạo, bởi vì Ngài đã xác nhận: "Thầy là Đường (đạo), là Sự Thật và là Sự Sống."(Ga 14, 6)


Đạo thật chính là ở trong tâm hồn chúng ta, khi chúng ta chu toàn bổn phận của người cha người mẹ trong gia đình là chúng ta tìm được đạo thật; khi chúng ta đem tâm tình yêu thương của Chúa Giê-su mà sống chan hòa với hết mọi người, thì đó chính là đạo thật...

LÂU ĐÀI XÂY TRÊN CÁT

Trong tuyển tập có tựa đề: "Chuyện ngụ ngôn cho dân Chúa", tác giả người Mỹ, John Oraidio, có ghi lại một câu chuyện như sau:

Có một ông hoàng nọ có một lối sống đặc biệt, ông cùng ăn, cùng làm, cùng giải trí với thần dân, tất cả vương quốc của họ là một thung lũng nhỏ bé dìm sâu trong vùng xa xôi hẻo lánh. An bình và hạnh phúc luôn ngự trị trong cái thung lũng xứng đáng được gọi là thung lũng Tình Yêu ấy, bởi vì tất cả mọi người đều lấy yêu thương mà đối xử với nhau.

Một ngày nọ dân trong cái vương quốc an bình ấy muốn tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ông hoàng của họ, họ bàn với nhau: Chúng ta hãy xây cho quân vương của chúng ta một lâu đài. Một lâu đài đẹp hơn tất cả các lâu đài của các ông hoàng tại các xứ lân cận. Thế là họ bắt tay vào công trình. Quả thực đây là một lâu đài đẹp nhất trong vùng, tường làm bằng đá cẩm thạch trong suốt, các ngọn tháp được xây bằng đá quí, mái nhà được dát vàng còn nền thì lại trát bằng ngà.

Không mấy chốc tiếng đồn về lâu đài được loan truyền đi khắp nơi. Lúc đầu dân chúng trong những vùng lân cận kéo đến, sau đó du khách từ khắp nơi đổ xô về. Tuy nhiên, nơi nào có đám đông thì nơi đó có nhu cầu, thế là dân trong cái thung lũng Tình Yêu ấy bắt đầu dựng lên hàng quán và khách sạn để đón tiếp du khách. Du khách càng đông thì dân càng ăn nên làm ra. Những người dân trong thung lũng này vẫn nhớ rằng họ có được may mắn là cũng nhờ cái lâu đài ấy. Ðể bảo đảm cho sự thịnh vượng được lâu dài họ ra sức bảo trì lâu đài, mà lâu đài càng được trang điểm thì du khách càng kéo đến càng đông hơn. Không mấy chốc cái làng nhỏ bé và mất hút trong thung lũng giờ đây đã biến thành một đô thị sầm uất, thương mại và công nghệ càng lúc càng phát triển. Nhưng dĩ nhiên nơi nào có có làm ăn thì nơi đó có cạnh tranh, cạnh tranh sanh ra ganh tị, ganh tị đẻ ra hận thù, hận thù dẫn đến bạo động. An bình và hạnh phúc đã vỗ cánh bay đi từ lúc nào người dân trong thung lũng cũng không hay biến.

Cuối cùng, một ngày nọ, ông hoàng ra khỏi lâu đài. Ðã lâu lắm rồi dường như người dân trong thung lũng quên đi rằng mình còn có một ông hoàng ngày đêm sống trong lâu đài ấy. Không nói một lời, ông hoàng đi xung quanh lâu đài 7 lần và lạ lùng thay khi ông vừa đi đúng 7 vòng thì lâu đài tự nhiên sập xuống, dân chúng tức giận la ó. Tại sao ngài làm như thế. Ông hoàng bình tỉnh đáp:

- Ta không làm gì cả, ta đi bảy vòng để tìm kiếm gương mặt của các người trên tường thành và tầng tháp của lâu đài, nhưng ta không thấy đâu cả. Lâu đài không còn phản ánh trái tim của dân nữa cho nên nó không thể đứng vững lâu được.

Chia Sẻ:

Truyện ngụ ngôn trên đây hẳn là một diễn đạt của hình ảnh về một ngôi nhà trên cát mà Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng theo thánh Luca. Một ngôi nhà xây trên cát là một ngôi nhà không có nền móng. Chúa Giêsu bảo đó là một công trình điên dại nhất, diên dại là bởi vì mặc dù biết chắc ngôi nhà sẽ bị sụp đổ nhưng người ta vẫn xây dựng. Những công trình điên dại như thế không phải là hiếm trong xã hội ngày nay.

Một cuộc sống không có lý tưởng cũng chẳng có niềm tin, đó chẳng là một công trình hoang phí và khờ dại hay sao. Mơ ước và xây dựng một xã hội không tưởng với giá của không biết bao nhiêu sinh mạng con người, đó chẳng phải là một công trình diên dại hay sao. Ðặt nền móng của xã hội lên trên sợ hãi lừa lọc, dối trá và những của cải chóng qua ở đời này, đó chẳng phải là một công trình điên dại hay sao.

Ðể định hướng lại cuộc sống, người tín hữu kitô chúng ta không thể không tự đặt ra câu hỏi: Ðâu là nền móng trên đó chúng ta xây dựng cuộc sống của chúng ta.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ghi tạc Lời Chúa. Chúng con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Trong khi hưởng dụng của cải chóng qua ở đời này và góp phần xây dựng xã hội trần thế.


Xin cho chúng con biết lấy tình yêu thương, niềm tin và những giá trị vĩnh cửu làm động lực thúc đẩy chúng con trong tất cả mọi sự.

HÃY LÊN ĐƯỜNG

"Ta là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống" (Ga 14,6). 

Chia Sẻ:

Ðường của cuộc đời tôi đi là Chúa. Những gì tôi thiếu thốn và lo âu đều liên quan đến hạnh phúc của tôi. Khi Chúa nói Chúa là sự sống, có nghĩa Chúa là hạnh phúc tôi đang túng thiếu. Khi Chúa nói Chúa là đường, có nghĩa là để dẫn tôi tới hạnh phúc đó.

Lạy Cha, Cha đã tỏ cho con biết Cha là đường của con. Ðường đã có rồi. Sự thật và sự sống đã có rồi. Nhưng con cần Cha dọn cỏ, mở lối cho con. Cỏ tối tăm và cỏ nguội lạnh là những giây leo rừng chằng chịt che kín lối. Và con đã không thấy đường. Cha là sự thật, nên không có loại cỏ tối tăm nào có thể che kín. Cha là sự sống nên không loại gai nào có thể làm nghẽn lối. Dây gai làm nghẽn lối, cỏ dại che kín đường không mọc ở đường đi, nhưng mọc trong chính trái tim con. "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy" (Mc 10,51). Cha đã mở mắt và người mù đã thấy đường đi. Một lần nữa, hành động của người mù cũng lại khởi đầu bằng ước mơ: ước mơ được sáng mắt. Ðiều ấy cũng hàm nghĩa là anh ta luôn luôn muốn tìm kiếm ánh sáng. Nếu anh ta không muốn lên đường. Nếu anh ta chọn thế giới mù làm quê hương. Nếu anh ta cư trú trong thế giới bóng đêm ấy và chẳng muốn bước tới nữa thì chắc chắn anh sẽ chẳng bao giờ thấy mặt trời. Ðời anh sẽ tẻ nhạt biết bao. Ðời con cũng vậy. Con phải lên đường. Ngày nào con cũng có lầm lỗi. Ngày nào cũng có bóng đen của ghen tương, bóng đen của thèm muốn bất chính, bóng đen của lo âu thiếu tin tưởng. Ngày nào con cũng có mù lòa. Vì thế, con cần Cha mở mắt cho con hàng ngày. Và, con phải lên đường mỗi sớm mai.

* *
Lên đường nào cũng có giã từ, vì thế mới có ngần ngại. Càng gắn bó, lúc cách xa càng luyến nhớ. Sâu đậm bao nhiêu, lúc giã biệt sẽ nuối tiếc bấy nhiêu. Những rung cảm bất chính đã ở trong dòng máu của tôi. Bây giờ tôi phải từ bỏ. Những liên hệ không ngay lành, nhưng cho tôi thú vui trần thế. Bây giờ tôi phải cắt đứt. Lười biếng là một thứ quyến dũ như bếp lửa trong chiều đông, nó giữ chân tôi lại. Bởi, lên đường là mở cửa đi ra, ngoài kia có gió lạnh làm tôi ngại ngùng. Muốn được người ngưỡng mộ, tôi tạo ra khuôn mặt đẹp mà tâm hồn tôi không có. Bây giờ, lên đường, nghĩa là tôi phải sống thật với tôi. Trở về chấp nhận khuôn mặt nghèo nàn của mình là điều tôi không muốn. Ðể người biết khuôn mặt thật của mình là điều tôi không dám. Bước tới để thay đổi tâm hồn là một giá tôi phải trả. Là một lên đường đòi nhiều can đảm.

Những biến cố thay đổi cuộc sống của một tâm hồn trong Phúc Âm đều là những biến cố lên đường. Chúa đã dùng những hình ảnh lên đường cụ thể, lên đường bằng đôi chân bước trên cát bụi để diễn tả cuộc lên đường nội tâm. "Ði dọc theo bờ biển Galilêa, Ngài thấy Simon và Anrê đang quăng chài dưới biển. Ðức Yêsu nói với họ: Hãy theo Ta, Ta sẽ cho các ngươi là ngư phủ bắt người. Tức khắc, họ đã bỏ chài lưới mà theo Ngài. Ði xa một ít, Ngài thấy Giacôbê và Gioan em ông, cả hai đang vá lưới dưới đò. Ngài gọi họ. Và họ đã bỏ cha họ và những người làm công mà theo Ngài" (Mc 1,16-20). Phúc Âm thuật lại, sau khi theo Chúa rồi, nhiều lần Phêrô vẫn còn thả lưới. Như vậy, đáng lẽ Chúa phải bảo Phêrô mang lươí theo kẻo mai mốt lại tốn tiền mua lưới khác. Nhiều lần Chúa phải dùng thuyền mà đi. Sao Chúa không dặn Phêrô giữ lấy thuyền vì mai mốt cả Thầy trò vẫn còn cần tới.

Họ đã bỏ lại tất cả.

Họ đã bỏ lại tất cả, phải chăng lưới mà Giacôbê đang vá lưới của những toan tính thiếu niềm tin vào Chúa, là mạng nhện đam mê gắn liền với tâm hồn tôi như áo tôi mặc. Tôi chẳng muốn bỏ. Mỗi mũi kim vá là một lần tôi níu kéo, bám theo. Phải chăng thuyền của Phêrô là những nét xấu như một thứ quê hương tôi đang sống ở trong. Tôi đang an phận với quê hương ấy?

Lạy Cha, Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan đã lên đường. Khi nghe Cha gọi, họ đã tức khắc bỏ chài lưới mà lên đường. Không lưỡng lự. Dứt khoát. Hình ảnh của những cuộc lên đường đẹp quá. Lên đường của những kẻ muốn tung cánh trong tự do bát ngát như thập giá không chịu khuất phục sự chết. Lên đường của những bàn chân không biết mỏi khắp cánh đồng Galilêa. Lên đường không phân vân như mặt trời bình thản đẩy bóng tối lại đàng sau.


Lạy Cha, nếu không lên đường, chắc hẳn Phêrô chẳng gặp Cha, đã không được Cha huấn luyện và tâm hồn Phêrô đã nghèo nàn lắm. Trong cuộc sống của con, Cha đã gọi. Con cũng đã lên đường, nhưng con không can đảm như Anrê, như Giacôbê. Lưới đời của con đầy mắt, những mắt lưới mà con nghĩ là sẽ bắt được nhiều cá: cá bằng cấp, cá danh vọng, cá sắc đẹp, cá giàu có, cá tình yêu. Mỗi lần bắt hụt vì lưới bị rách là con lại cặm cụi ngồi vá. Có bao giờ con đã quá chú ý cúi mặt vá lưới đến nỗi Cha đi qua, Cha gọi mà con chẳng nghe