Translate

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

THỨ HAI TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

“Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, thì phải bầu mới.” (Mc 2,22)

Hầu như trong tôn giáo nào việc ăn chay cũng được coi trọng. Nhưng, nếu coi ăn chay như việc làm vụ hình thức mà quên mất tinh thần của nó là đặt mình khiêm hạ trước nhan Thiên Chúa và tha thiết xin được kết hợp mật thiết hơn trong tình thân với Chúa thì chẳng được ích gì. Đây là điều hôm nay Chúa Giêsu lên án các Pharisiêu và nhắc nhở chúng ta.

Vào thời Chúa Giêsu, việc ăn chay là một hành động tôn giáo quan trọng nhất của người Do Thái. Những người đạo đức như các môn đệ của Gioan Tẩy giả và các người biệt phái đều là những người thực hành việc ăn chay. Nhưng ngoài ý nghĩa ăn chay là một hành động tôn giáo,việc ăn chay còn nhằm để cầu xin Đấng Mêsia mau đến. Tuy nhiên, việc ăn chay xét như một việc thực hành đạo đức tự nó không có đủ ý nghĩa, nhất là việc ăn chay để khoe khoang thì lại càng chẳng giá trị đạo đức nào. Trong cuộc đối thoại với người Pharisiêu hôm nay Chúa Giêsu đặt việc ăn chay vào trong tương quan đích thực của nó: Ăn chay là phương tiện để đến với Chúa, chứ không để thay thế cho Chúa. Các môn đệ Chúa không ăn chay, không phải vì họ không đạo đức, nhưng họ đạt được điều ăn chay nhắm đến, đó là sự hiện diện với Chúa. Chúa Giêsu còn ví thời đại đó như bữa tiệc cưới đang diễn ra  và khách mời không ai khác là các môn đệ. Các ông là những vị khách đầu tiên được mời, là dấu chỉ sống động báo hiệu thời bình an đã tới. Đã đến giờ tiệc cưới và Đấng Mêsia là người đãi tiệc, là chàng rể đang hiện diện và sống giữa họ. Trong bầu khí lễ hội tưng bừng như vậy thì tại sao lại phải ăn chay? Thay vì trả lời cho vấn nạn do người Do Thái chất vấn, Chúa Giêsu lại gợi ý cho họ suy nghĩ về con người của Ngài, về ý nghĩa thời đại mà họ đang sống và về vương quốc Nước Trời. Ngài còn vạch ra thời điểm mà các môn đệ sẽ ăn chay đó là:  khi  “Chàng Rể bị đem đi…” để tiên báo về phép rửa Vượt Qua mà Ngài sẽ hoàn tất trước khi về với Chúa Cha. Lúc đó, các môn đệ sẽ ăn chay để tha thiết mong chờ Ngài sẽ trở lại ( x Cv 14,1-3).

Lại nữa, trong câu trả lời của Chúa Giêsu: Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?” (Mc 2, 19a): nghĩa là trong thời gian của sự vui mừng. Hơn nữa, Ngài còn đẩy họ xa hơn nữa với hai dụ ngôn nhỏ để mở rộng viễn tượng này: “ vải mới, rượu mới, bầu da mới…”( Mc 2. 21 .22).  Với hình ảnh cụ thể hết sức sống động, Chúa Giêsu muốn người nghe hiểu rằng: một thời đại mới đã xuất hiện, phá vỡ những nghi thức đời thường theo lối cũ sáo mòn. Trật tự lệ luật cũ đã không còn phù hợp, cần phải thay đổi suy tư và hành vi để đón chờ “ giờ của Chúa”. Đó chính là thái độ của mỗi người khi bước vào Cộng đoàn Kitô hữu: cần mặc lấy tinh thần mới, tinh thần của Đức Kitô và mang lấy hình ảnh mới, vươn đến tình trạng con người trưởng thành đạt tới tầm vóc viên mãn là Đức Kitô; Cần bỏ đi những sai lầm, cũ kỹ, lỗi thời, cần loại ra những dự định riêng tư không phù hợp ý Chúa. Nhưng dù hiểu theo nghĩa nào, thì tự bản chất việc ăn chay của người Do Thái là một phương thế rất tốt, và chính Chúa Giêsu cũng ủng hộ việc chay tịnh là phương thế để chống lại ma quỷ và chước cám dỗ. Nhưng ở đây, Người nhấn mạnh đến tinh thần ăn chay chứ không phải sự tỏ lộ ra bên ngoài như đầu tóc bù xù, mặc đồ xuếch xoác, mặt mày ủ rũ, thiểu não… để thiên hạ khen là đạo đức thánh thiện.

Lời Chúa xưa kia cho người Do Thái, nay cũng cật vấn chúng ta, mỗi khi chúng ta đứng trước những chọn lựa: giữa ý riêng và ý Chúa. Có những dự phóng, chương trình thật tốt đẹp, thật có ích….Nhưng không phù hợp ý Chúa, chúng ta có dễ dàng bỏ đi những toan tính đó không ? Chúng ta đang đi tìm Chúa hay chỉ đi tìm những công việc để làm cho Chúa? Chúng ta đang làm vinh danh Chúa hay đang lôi kéo về mình những khen ngợi, ca tụng của trần gian? Nhìn lại mình, đôi khi, trong cuộc sống chung tại gia đình, trong cộng đoàn, hay bất kỳ tập thể nào, biết đâu nhiều lúc chúng ta cũng rơi vào thái độ của những người Do thái ngày xưa, khi chúng ta vì quá gắn bó với truyền thống nên không thể chấp nhận được bất kỳ sự đổi mới nào,hay vì quá bám víu vào nếp suy nghĩ của mình nên không chấp nhận được tư tưởng, ý kiến, cách sống của một người nào đó có vẻ khác ta. Tất cả những điều này xảy ra chỉ là vì ta coi mình quá quan trọng, coi mình là sự thật, là chân lý nên tự cho mình có quyền thẩm định, đánh giá người khác. Như vậy, qua việc chất vấn của người Do Thái, Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này, dạy chúng ta những bài học sau:

- Đừng học đòi những người bắt bẻ môn đệ Chúa Giêsu về việc ăn chay bởi vì họ xét đoán người khác, bắt người khác làm theo ý của mình, bắt người khác phải giống như họ, tạo ra một khuôn mẫu để bắt người khác phải chiều theo ý mình.

- Trở thành môn đệ Chúa Giêsu, ta phải thay đổi cách sống cũ, từ suy nghĩ đến hành động, để mặc lấy cách suy nghĩ, cách hành động, cách sống mới cho phù hợp với Tin Mừng.

- Vải vá áo, rượu trong bình là hình ảnh diễn tả đời sống của tôi. Chúa muốn tôi buớc theo Chúa thì cần phải thay đổi cách sống cho phù hợp với Tin mừng. Thay đổi tư tưởng, lời nói và hành động Thay đổi để trở nên giống như Chúa Giêsu, hiền lành, khiêm nhượng, yêu thương phục vụ, khoan dung tha thứ…

*******

Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con biết hãm mình để chiến đấu chống lại chước ma quỷ cám dỗ, xin cho chúng con cũng luôn ý thức rằng việc ăn chay hãm mình trở thành phương thế đền tội và có công phúc trước mặt Chúa không hệ tại ở số lượng hay được ghi nhận từ người đời, mà là xuất phát từ tấm lòng chân thành cùng với tâm tình riêng tư giữa chúng con với Chúa. Amen