Translate

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

LỄ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI

Đức Giê-su nói với các Tông Đồ: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15)

Hôm nay, phụng vụ Giáo Hội kết thúc tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các Kitô hữu bằng Lễ Kính Thánh Phaolô Tông Đồ Trở lại. Điểm kết thúc của một tuần cầu nguyện mời mỗi chúng ta suy nghĩ về ơn gọi và sứ vụ của vị Tông Đồ này, mở ra một hướng nhìn mới cho sự hiệp nhất, mà Thánh Tông Đồ xưa kia cũng đã nhiệt thành cổ võ nơi các cộng đoàn tín hữu mà ngài gặp. Chúng ta có thể đơn cử lời giảng dạy của thánh nhân dành cho cộng đoàn Êphêxô, khi ngài đặt nền cho sự hiệp nhất, trước tiên là trong sự hiệp nhất là Thánh Thần mang lại, và rõ nét hơn cả là thái độ sống luân lý của các tín hữu: Chỉ có một Chuá, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chuá, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4,5-6). Thật vậy, dưới tác động của Chuá Thánh Thần, các tín hữu biết sống hoà thuận thương yêu nhau, một sự hoà thuận yêu thương đặt nền trên Đức Ái. Chính cuộc đời và ơn gọi của Thánh Tông Đồ làm cho chúng ta suy nghĩ về cách sống của mỗi người, dựa vào đời sống đức hạnh mà mỗi người được mời gọi sống: Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chuá đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.” (Ep 4,3). Qua các lá thư thánh nhân viết cho các tín hữu, chúng ta thấy thể hiện trong đó tinh thần của một vị truyền giáo, được đong đầy bằng tình mến Đức Kitô, Đấng đã kêu gọi và chọn ngài làm Tông Đồ.
Trường hợp của thánh Phao-lô hôm nay là một trong những cách chọn gọi của Chúa, nhưng thật đặc biệt và lạ lùng. Thánh nhân được gọi bằng một cú sốc, bằng một cú “quật ngã” làm cho sáng mắt ra và chấp nhận quy phục đức tin. Phao-lô được gọi trong bối cảnh không ai có thể ngờ: Ngài xuất thân từ một gia đình thế giá với hộ khẩu “công dân mẫu quốc Rô-ma”, có bằng cấp ăn học đàng hoàng với tiến sĩ luật Gamalien nổi tiếng, thông thạo đạo lý Do-thái Giáo, nhiệt thành với đạo và đang “thi đua lập thành tích”. Đang hăng say thành công với con đường chọn lựa của mình, đùng một cái bị quật ngã và quay ngoắt 180o  trở lại quy phục Đấng mà bấy lâu nay Phao-lô tìm cách triệt tiêu. Sự trở lại của thánh Phao-lô có thể nói là “không thể tin được”. Thật vậy, đang ở chiến tuyến bên này, đùng một cái sang chiến tuyến bên kia và sống chết cho vị chỉ huy chiến tuyến mới này, nên cả trong đạo lẫn đời thời đó phải nghi ngờ. Chuyện lạ như thế thật khó tin, chỉ trừ khi đó là “một phép lạ”. Và phép lạ đó được chính Phao-lô kể lại là “biến cố té ngựa”, cụ thể, sách Công Vụ Tông Đồ cũng nói đến việc khi Phao-lô giảng thì các tín hữu nghi ngờ, người Do-thái cũng nghi ngờ, và thậm chí cả những quan chức nhà nước như đại đội trưởng Claudio, tổng trấn Phê-lích và Phê-tô và tiểu vương Ác-gíp-pa cũng nghi ngờ lý lịch của Phao-lô. Và tất cả đều được Phao-lô biện luận bằng câu chuyện “phép lạ ngã ngựa” trên đường Đa-mát. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là nội dung câu chuyện, mà là ý nghĩa câu chuyện được ơn trở lại của Phao-lô. Câu chuyện ơn gọi của ngài để lại cho chúng ta những bài học:
- Phao-lô bị Chúa quật ngã khi đang bon bon trên đà danh vọng với những dự án toan tính của mình. Qua biến cố ngã ngựa, Phao-lô đã “mở mắt ra” khi cái vảy rơi khỏi mắt, và ngài đã thấy được cái sai quá khứ, mà bước theo ý Chúa muốn mình phải làm gì trong tương lai. Chúng ta cũng thế, khi đang tưởng chừng như thành công với những toan tính danh vọng, rất cần một cú sốc và cần đến những “Anania” giúp để mở mắt ra thấy mình đã sai và mau mắn trở lại.
- Và một khi đã được ơn trở lại, thánh Phao-lô đã để cho Chúa biến đổi nên Tông Đồ của Người và nhiệt thành làm chứng cho Chúa. Cũng thế, một khi chúng ta đã được Chúa gọi hay sau những vấp ngã, chúng ta biết đứng lên và ngoan ngoãn để cho Chúa hướng dẫn và cộng tác với Chúa để loan báo lòng thương xót của Người.

Thiết nghĩ, chúng ta được mời gọi suy nghĩ về sứ vụ truyền giáo của mỗi người chúng ta, một sứ vụ phải được đặt nền từ cảm nghiệm về Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Chính thánh Phaolô đã cảm nghiệm điều này: Ngài đã cứu những tội nhân, mà trong đó tôi  là người đầu tiên cần được cứu (1Tm 1,15). Điều này mời gọi mỗi chúng ta thêm lòng khát khao học hỏi Lời Chuá, chuyên chăm cầu nguyện, bởi chính đây là điều làm cho chúng ta đi vào trường cầu nguyện của Đức Kitô. Từ đó, những hoạt động truyền giáo, bác ái, xã hội, và giảng dạy của mỗi chúng ta sẽ đủ sức thuyết phục khi chúng ta đặt điểm tựa của đời mình nơi Đấng Cứu Chuộc chúng ta, chứ không dựa vào sức mình.

******* 

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con khi đã được Chúa mời gọi vào Giáo hội Chúa, thì cũng biết như thánh Phao-lô là hăng say làm chứng cho Chúa, để danh Chúa ngày càng được nhiều người nhận biết và tin theo. Amen.