Translate

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

SỐNG TRONG CHÚA..!


Sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, sống đầy đủ ý thức rằng mình đang thực hiện công việc của Thiên Chúa và bất cứ lúc nào cũng có thể rời khỏi trần gian này để trở về cùng Chúa. Ðó là bí quyết căn bản giúp ta chu toàn công việc bổn phận hằng ngày trong tinh thần phục vụ anh chị em.

Không phải tất cả mỗi người chúng ta phải là những bác sĩ, những công chức cao cấp, hay có địa vị cao trong xã hội để có thể sống như vậy. Tất cả mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào: giàu nghèo, sang hèn đều có thể sống được như vậy. Ðặc biệt, là những Kitô hữu, chúng ta lại cần phải sống những điều đó, bởi vì chúng ta đã biết rõ giáo lý của Chúa hơn ai hết.

Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta nhiều hơn, bởi vì chúng ta đã lãnh nhận nhiều ơn từ Thiên Chúa. Càng lãnh nhận nhiều thì chúng ta càng có trách nhiệm phải cho đi nhiều. Là đồ đệ của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ cho, thì mỗi người Kitô chúng ta phải sống thực sự phục vụ anh chị em xung quanh không phải chỉ bằng những hành động to lớn để mọi người chú ý, nhưng bằng những hành động đơn sơ nhỏ nhặt thường ngày.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con noi gương Chúa sống phục vụ anh chị em, tất cả mọi anh chị em không phân biệt, và phục vụ thật lòng vì Chúa trong mọi hoàn cảnh. Amen!

PHÉP LẠ VÀ LÒNG TIN



Khi ấy, trong những người đến thăm Maria, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giêsu.  Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. (Ga 11, 45-46)

Chia Sẻ:

Chúng ta thường nghĩ, khi nhìn thấy dấu lạ, thì chắc chắn sẽ tin. Nhưng bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay cho chúng ta thấy, trong thực tế tương quan giữa thấy và tin phức tạp hơn chúng ta tưởng; và cũng là như thế ở mọi nơi và mọi thời, mỗi khi có dấu lạ.

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu chứng minh nguồn gốc của Người là Con Thiên Chúa, trước sự bách hại của người Do Thái. Những người do thái khi nghe Lời Chúa đã không tin và còn đòi lấy đá ném Chúa Giêsu. Họ không tin vào Người bởi vì họ đã vẽ dung mạo Chúa theo quan niệm riêng của họ. Lòng họ vẫn mong chờ, nhưng khi đối diện với chính Chúa là Đấng được Chúa Cha sai đến thì họ không nhận ra, không tin vào Chúa là Thiên Chúa nhập thể.

Đời sống Kitô hữu nơi mỗi người chúng ta cũng như thế. Đôi lúc chúng ta khao khát ước mong gặp Chúa, nhưng Chúa đã và đang hiện diện trong đời chúng ta mà chúng ta chẳng nhận ra và chẳng tin Chúa. Tệ hại hơn nữa là như dân do thái đòi ném đá Chúa, chúng ta cũng ném đá Chúa khi chúng ta gạt Chúa ra khỏi cuộc đời của chúng ta. Chúng ta ném đá Chúa khi chúng ta sùng bái đề cao cái tôi của mình, hoặc khi chúng ta xem sự thỏa mãn dục vọng là bí quyết hạnh phúc, là tiêu chuẩn để lựa chọn. Khi nghe Hội Thánh giảng dạy Lời Chúa, nhiều khi chúng ta không chấp nhận, coi thường Lời Chúa, vi phạm luật công bình, bác ái, phản đối luật lệ Hội Thánh, chống đối chủ chăn, không vâng lời bề trên, những lúc đó là chúng ta đang ném đá Chúa.

Chúng ta phải xác tín rằng kín mến Chúa không chỉ hệ tại ở lời hay ý đẹp, cũng không phải với danh nghĩa bên ngoài tổ chức rầm rộ hào nhoáng. Mà kín mến Chúa chân thành bằng cách đón nhận Chúa như chính Chúa tỏ mình ra cho chúng ta.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin Chúa đừng để con bẻ ngoặt Lời Chúa và bắt Tin Mừng uốn theo quan niệm riêng tư để khéo léo che đậy cái tôi đầy tham vọng của con. Xin giúp cho con biết sống đức tin đích thực mỗi khi phải đối diện với sự giằng co nội tâm, đối diện với đòi hỏi của mình, để nhờ đó chúng ta tin và bước đi theo Chúa. Amen.

NỖI CÔ ĐƠN KINH KHỦNG NHẤT.


Nhớ lại lúc còn ở Vườn Dầu trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Giêsu đã đau buồn không ít. Những tâm tư và thổn thức trong lòng, Giêsu không biết chia sẻ cùng ai. Nghĩ đến những nhục hình, tra tấn, ai mà chả sợ. Giêsu cũng chỉ là một con người, như bao con người khác, cũng mong ước được thoải mái và an toàn cho xác thân. Một mình lặng lẽ giữa khu vườn vắng ngắt, bao nhiêu nỗi niềm, Giêsu thốt lên cùng Cha trọn vẹn. Giêsu hãi kinh trước những gì sắp xảy đến cho mình. Đã có lúc Giêsu xin Cha cho mình thoát khỏi chén rượu quá sức cay nghiệt kia. Nhưng vâng ý Cha, Giêsu chẳng thể lùi bước. Cha là sức mạnh của Giêsu, là nơi mà Giêsu có thể kín múc cho mình sức mạnh và nguồn vui.

Vâng lời Cha, chịu để cho người ta dẫn mình đi như một tên tù tội. Vâng lời Cha, Giêsu phải đứng trước một tòa án với bao nhiêu lý lẽ và nhân chứng gian trá, bị điệu từ nơi này đến nơi khác, bị người ta xem như trò hề để giải khuây, bị người ta tha hồ vả má, bạt tai, sỉ nhục, khinh bỉ. Từng đòn roi đau buốt cắm sâu vào thịt xương, như muốn rách ra từng mảnh. Những vết thương rỉ ra những giọt máu chảy tuôn không kịp ngừng. Bị phản bội, Giêsu không oán trách. Bị bán rẻ, Giêsu cũng không màng. Đinh nhọn kia đang xuyên qua bàn tay Ngài, đôi bàn tay đã làm biết bao dấu lạ, đã nắm tay người củi để đưa họ trở về với cộng đồng, đã cứu chữa biết bao nhiều bệnh nhân lần lũi. Mũi đinh kia đang xuyên qua bàn chân Ngài, đôi bàn chân đã dong duổi qua khắp các nẻo đường để mang niềm vui và bình an đến cho người khác. Tất cả những đau khổ ấy, Giêsu đều chịu được hết. Ngài vẫn cắn răng chịu đựng, không một lời oán than, không một câu kêu trách.

Thế nhưng, có một nỗi đau khủng khiếp xảy đến với Ngài, một nỗi đau lớn hơn tất cả nỗi đau khác, một nỗi đau gắn liền với cả sinh mệnh Ngài. Khi chịu đòn roi đau đớn, hay khi bị sỉ vả nặng nề, Ngài đã chẳng kêu trách ai. Vậy mà Giêsu đã không chịu được một sự kinh khủng, tăm tối của linh hồn, đến độ Ngài đã phải thốt lên “lạy Cha, sao Cha bỏ con?” Trong cuộc thương khó này của Giêsu, Chúa Cha đã ẩn mình đến nỗi Giêsu dường như không hề cảm nhận được Cha mình. Xung quanh Giêsu chỉ là một màu đen u ám, dày đặc giăng kín tâm tư. Vì Cha, Giêsu có thể chịu đựng tất cả. Nhưng giờ đây, ngay cả một chút cảm nhận sự hiện diện của Cha bên cạnh để nâng đỡ mình, Giêsu cũng không có. Một nỗi cơ đơn đụng chạm đến tận hữu thể mình. Giêsu như bị bỏ mặc bởi hết tất cả mọi người, chỉ một mình chơ vơ hứng chịu tất cả. Nỗi đau vì đòn roi nào có thấm thía chi. Nỗi đau khi không cảm nhận được Cha ở kề bên mới là điều khủng khiếp. Thiên Chúa Cha đã im lặng hoàn toàn. Cái im lặng ấy của Chúa Cha đã đẩy những đau khổ của Giêsu lên đến đỉnh cao nhất. Đấy mới là thập giá thực sự của Giêsu, đấy mới là cái khiến Giêsu hy sinh tột cùng: những phút giây không cảm nhận được sự hiện diện của Cha bên cạnh mình.