Translate

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

KHI CHÚA BỊ GIƯƠNG CAO



“Khi các ông giương cao Con Người lên…” (Ga 8, 28).

Chia Sẻ:

Đó là cách diễn tả về cái chết của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan. Cái chết trên thập giá đúng là một sự giương cao nhục nhã, đau đớn. Đức Giêsu bị treo lên cây gỗ như một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Những kẻ giương cao Ngài lên là các ông, các nhà lãnh đạo Do thái. Họ đã giết Đức Giêsu vì nhiều lý do. Lý do lớn nhất là vì Ngài đã dám sống trọn vẹn cho Cha và cho con người. Sống công chính đã khiến Ngài trở nên nạn nhân cho cái chết bất công. Cái chết của Đức Giêsu gắn kết Ngài với muôn triệu cái chết khác của những người vô tội trong suốt dòng lịch sử. Nhưng cái chết của Đức Giêsu còn nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã biến cái chết ghê rợn của Con Ngài thành dấu chỉ của tình yêu. Nhìn lên thánh giá, chúng ta thấy tình yêu của Cha tặng trao cho nhân loại. Cha đã tặng tình yêu lớn nhất là chính Con Một của mình. Vì thế có thể nói chính Cha đã giương cao Con mình trên thánh giá. “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (Ga 3, 14). Đức Giêsu được giương cao bởi chính Thiên Chúa qua cái chết của Ngài. Như dân Do thái xưa đã nhìn lên con rắn bằng đồng để được sống, ai nhìn lên thánh giá và tin vào tình yêu, người ấy sẽ được cứu độ. Thập tự giá không còn là dấu hiệu của cái chết bất lực của một nạn nhân. Nó đã trở nên thánh giá với sức mạnh phi thường. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32). Qua việc giương cao này, sức thu hút mạnh mẽ của thánh giá được bày tỏ. Cả nhân loại được nâng lên khỏi cái nặng nề tội lỗi của chính mình. Đấng chịu đóng đinh vẫn lôi kéo cả vũ trụ này mãi cho đến tận thế.

Cầu nguyện:

Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả, đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha
trong mọi nỗi khổ đau của đời con, và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,
bao lâu tùy ý Cha định liệu. Xin đừng để con trở nên chua chát, nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ và lòng khát khao nóng bỏng có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau. 

QUÊ HƯƠNG THẬT SỰ CỦA CHÚNG TA


Là người có Đạo, ai trong chúng ta cũng biết "Quê hương chúng ta ở trên trời”, nhưng sống thanh thoát với trần thế không dễ dàng. Phải định tâm lại. Phải xác tín lại mỗi ngày, để chúng ta thoát được lối sống nguy hiểm lầm tưởng mình là người có Đạo, mà lại không đi tìm gặp Đức Kitô.

Mọi người đều mong mình được mạnh khỏe, nhưng lại ăn uống mang mầm bệnh vào người mỗi ngày! Muốn hết bệnh bằng cách nhờ bác sĩ cứu chữa, nhưng chính mình lại không chịu làm những việc bác sĩ khuyên dạy! Nghịch lý và uổng công.

Muốn về trời cao mà cứ nhầy nhụa nằm chìm trong bùn đất thì làm sao thoát khỏi bị bùn đất chôn vùi? Khi Chúa đến rao giảng tin từ trời, chúng ta từ chối. Chúng ta không ngước mắt lên trời cao, để đón nhận ơn Chúa ban mà chạy đi cầu cạnh lợi lộc từ đất thấp tục lụy, khi bị sự dữ thống trị, chúng ta lại đi kêu van Chúa, hỏi có đúng không?

Chúa đã nói: "Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mà chết”. Khi không tin vào Chúa, khai trừ Chúa ra khỏi cuộc sống chúng ta, ai có quyền cho chúng ta được sống đời đời? Chúng ta sẽ chết trong tội của mình. Nơi Chúa muốn đưa chúng ta theo Ngài đi tới là Nước Trời. Không tin theo Chúa, là xa Nước Trời, là bất hạnh mà thôi.

Khi hồn không hướng về trời cao, thì chúng ta sẽ chìm đắm trong tục lụy thuộc hạ giới, khiến cho cuộc sống chúng ta mỗi ngày thêm tồi tệ. Không thông hiệp với Chúa Giêsu, lối về trời bị đóng lại, con người tìm hạnh phúc , nhưng chỉ làm khổ mình mà thôi. Chúa Giêsu đến thế gian, để khai thông lối về trời, khi Ngài nêu gương luôn "làm những điều đẹp ý Chúa Cha”. "Chúa Cha dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con theo Chúa , sống tình con thảo với Chúa Cha, lấy ý Chúa Cha làm lẽ sống, làm lương thực hằng ngày, để sống giữa đời mà chúng con luôn hướng về trời. Amen.

CHÚA GIÊSU LÀ AI...?



Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. (Ga 8, 28)

Chia Sẻ:

Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta gặp lại vấn đề gốc gác của Đức Giêsu, không còn dưới dạng “Ông ấy từ đâu đến?”, mà là “Ông ấy đi đâu” Trong lời cảnh báo của Người “Nơi tôi đi, các ông không thể đến được” và lời giải thích của Người “Các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết”, chướng ngại vật Người muốn nêu rõ không phải thuộc nơi chốn, mà thuộc trạng thái tâm linh.

Việc phân biệt hai phạm trù như vậy được đánh dấu bởi các cặp tương phản: hạ giới và thượng giới, thế giới và Chúa Cha, thế gian và Vương Quốc, cái chết của tội lỗi và đời sống siêu nhiên. Để đi từ bên này qua bên kia, chỉ một điều kiện thôi: tin vào Đức Giêsu. Từ “tôi hằng hữu”, được lặp lại hai lần, đưa về biến cố Thiên Chúa mặc khải cho ông Môsê trên núi Xinai. Lời tuyên bố để mặc khải và cảnh cáo: Đức Giêsu là Thiên Chúa bước vào lịch sử loài người...

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, chúng con muốn được theo Chúa cho đến cùng. Xin ban cho chúng con trái tim của Chúa, để chúng con luôn nhạy cảm trước nhu cầu của tha nhân.

Xin ban cho chúng con tấm lòng của Chúa để chúng con yêu thương phục vụ mọi người. Sống bao dung. Sống độ lượng. Sống vâng phục để ý Chúa được nên trọn. Lấy nhân nghiã làm nền tảng để cư xử tốt với mọi người. Chọn sống thanh bần mà hòa mình với tha nhân. Xem chữ tín như mối dây liên kết với đồng loại.

Xin ban cho chúng con ánh mắt của Chúa, để chúng con biết cảm thông trước những cảnh đời bất hạnh của tha nhân. Cảm thông cả những yếu đuối tội lỗi của họ.

Xin ban cho chúng con đôi tay của Chúa để chúng con xoa dịu những đau thương khốn cùng của anh em. Vực dậy những tâm hồn đang ngã qụy trước những thất bại, đắng cay. Xin cho đôi tay chúng con luôn rộng mở để thi ân cho kẻ cơ hàn.

Xin ban cho chúng con đôi chân của Chúa để chúng con dám đến với tha nhân trong yêu thương phục vụ. Xin giúp chúng con đừng bao giờ chùn bước trước gian nguy thử thách. Một lòng tín trung bước theo Chúa cho đến cùng.