Trong
những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu
nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai
ông và gọi là Tông Đồ. (Lc 6, 12-13)
Cầu nguyện thực là quan trọng. Nhờ cầu nguyện chúng ta được
thần khí và sức sống của Thiên Chúa nuôi dưỡng tâm linh, được sự khôn ngoan của
Người hướng dẫn; qua cầu nguyện, thánh ý Thiên Chúa được tỏ lộ, đồng thời chúng
ta nhận được sức mạnh và ân sủng giúp ta can đảm thực thi thánh ý của Người
trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngày nay, khi mà xã hội khoa học vật chất tiến bộ,
thì niềm tin con người vào ‘Đấng trên cao’ dường như bị giảm sút. Người ta tin
vào sức mạnh của đồng tiền, của quyền lực vốn dĩ rất chóng qua. Với nếp sống
công nghiệp, đô thị hóa, con người, nhất là người trẻ thường nại vào cớ bận rộn
không có thời gian để cầu nguyện, họ chủ trương: “có thực mới vực được đạo” để
tránh cầu nguyện, để thoái thác bổn phận phụng thờ Thiên Chúa. Hậu quả là các bậc
cha mẹ trẻ không còn biết cầu nguyện cho nên không thể làm gương hoặc dạy con
cái biết cầu nguyện, dẫn đến việc suy thoái trong đời sống đức tin, nhà thờ và
gia đình tách rời nhau. Họ dễ phó mặc đời sống đức tin của con em cho ‘nhà xứ’
và không quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho con em. Họ lo cho con cái có những
kiến thức khoa học đời nhiều hơn là khoa học thánh. Việc giáo dục đức tin được
xếp vào hàng thứ yếu. Thậm chí có những bậc cha mẹ không thèm đếm xỉa gì đến việc
lo cho con em có đời sống đức tin. Bởi vì chính bản thân họ cũng không còn đức
tin. Cha mẹ không cầu nguyện, cũng không dạy cho con cái biết cầu nguyện, từ
đó, dẫn đến tình trạng con người trống rỗng về đời sống tâm linh, các giá trị về
luân lý đạo đức bị tuột dốc, con người tôn thờ vật chất, tin vào vật chất, cố gắng
sao để hưởng thụ vật chất cho nhiều, đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa và những
giáo huấn của Người dẫn đến biết bao điều xấu xa tệ nạn xảy ra trên hành tinh
này, nơi thế giới, trong xã hội: môi trường suy thoái, chiến tranh, kỳ thị, ly
dị, phá thai…
Bài Tin mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta noi gương Đức
Giê-su trong việc cầu nguyện. Chúng ta hãy sống gắn bó với Thiên Chúa nhiều
hơn, đặc biệt khi cần quyết định, khi có những sự việc quan trọng phải lựa chọn,
và trong tất cả những biến cố vui buồn của cuộc sống. Chớ gì chúng ta biết đến
với Thiên Chúa như một người Cha đầy yêu thương, như một người Thầy khôn ngoan
thượng trí, như một người Bạn luôn sẵn sàng chia sẻ, để kín múc nghị lực và sức
sống của Người cho mỗi ngày, để mỗi ngày sống của chúng ta được ngập tràn tình
yêu ân sủng Chúa và nên hoàn trọn theo thánh ý của Người. Trước đó, Đức Giêsu ở trong hội
đường giảng dạy và chữa bệnh; bây giờ Ngài lên núi để cầu nguyện. Đó chính là
hai chiều kích làm nên chính cách sống của Đức Giê-su, chiều kích hoạt động
(hay làm việc) và chiều kích cầu nguyện. Và đó cũng là hai chiều kích làm nên đời
sống của tất cả những ai đi theo Đức Giê-su trong ơn gọi gia đình, và nhất là
trong ơn gọi dâng hiến, dù đan tu hay tông đồ. Và quả thực, hàng ngày chúng ta
vẫn sống theo nhịp sống của Đức Giê-su: hoạt động và cầu nguyện đan xen nhau mỗi
ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi giai đoạn huấn luyện và cả đời sống Ki-tô hữu và
đời sống dâng hiến của chúng ta.
Quả thật, mỗi lần Đức Giê-su lên núi cầu nguyện và cầu
nguyện suốt đêm, chính là để chuẩn bị làm một việc hệ trọng. Giống như chúng ta đi tĩnh tâm,
trong những thời điểm quan trọng trong hành trình làm người và nhất là trong
hành trình ơn gọi. Trước khi Đức Giê-su chọn mười hai vị mà Ngài gọi
là Tông Đồ, có thể nói Người đã “tĩnh tâm” trước. Điều này có nghĩa là, ơn gọi
của các tông đồ và ơn gọi của chính chúng ta, không phải là một chuyện may rủi,
hay do nỗ lực “trụ lại bằng mọi giá”, nhưng là một việc hệ trọng đối với Chúa,
Chúa phải chuẩn bị bằng một đêm cầu nguyện trên núi với Thiên Chúa Cha. Để chọn
mười hai người trong số các môn đệ theo mình, Chúa Giêsu đã tìm Thánh ý Chúa
Cha. Để biết được ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã một mình lên núi cầu nguyện suốt
đêm. Thật vậy, khi phải quyết định lựa chọn lớn lao như thế, Chúa Giêsu đã tìm
vâng theo Thánh ý Chúa Cha, Ngài luôn cầu nguyện và sống Thánh ý Chúa Cha trong
mọi sự. Vậy, noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy biết siêng năng cầu nguyện, biết đặt niềm tin tưởng ở nơi Chúa hơn là nơi vật chất, nơi người đời. Chúa luôn ở bên chúng ta, lắng nghe chúng ta và sẵn sàng đáp trả miễn là tâm hồn chúng ta có đủ tĩnh lặng để nghe tiếng Chúa. Vì thế chúng ta có thể cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi, trên đường đi, trong công sở, hay lúc nghỉ ngơi.
*****
Lạy
Chúa, Chúa tạo dựng nên chúng con và luôn muốn chúng con hạnh phúc. Xin Chúa
giúp chúng con nhìn lên gương mẫu Chúa Giêsu, để với lý trí và tự do Chúa ban,
chúng con biết cầu nguyện để nhận ra và sống Thánh ý Ngài. Amen.