Translate

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

NƯỚC HẰNG SỐNG



Nước là nguồn sống. Mọi loài thụ tạo đều cần có nước để bảo tồn sự sống. Thiên Chúa ban dư tràn các nguồn nước từ trên cao mây trời, từ sông suối biển hồ và từ các nguồn mạch dưới đất. Nơi nào có nước, nơi đó có hiện hữu của sự sống và sự phú túc.

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta biết, ngoài các nguồn nước theo cách hiểu thông thường, còn có một nguồn nước khác nữa, đó là “Nước Hằng Sống”.  Trong cuộc đàm thoại với người đàn bà, Chúa Giêsu đã mạc khải cho bà về nguồn ân sủng, đó là nguồn nước trường sinh sẽ không bao giờ cạn: Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời” (Ga 4, 13). Từ câu chuyện đời thường, Chúa Giêsu đã khéo dẫn bà đi vào đời sống nội tâm và nhìn biết được chính mình. Biết phận mình, bà ra giếng giữa lúc trưa nắng để tránh gặp những người hàng xóm quen thuộc. Bà đã gặp được Chúa Giêsu đang ngồi nghỉ cạnh giếng. Chúa Giêsu không ngần ngại khởi đầu câu chuyện xin người đàn bà cho nước uống. Thời đó, chúng ta biết giữa người Do-thái và người Samaria phân biệt không liên đới và không dùng chung các dụng cụ tại giếng. Ngay cả các tông đồ cũng ngạc nhiên về cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và người đàn bà tội lỗi nơi công cộng. Nhờ cơ hội này, Chúa đã đi vào sâu thẳm trong tâm hồn khao khát sự thật của bà. Chúa đã giải thoát cho bà.

Chúa Giêsu đã mở lòng người đàn bà Samaria. Bà đã đón nhận nguồn nước sự sống trường sinh. Bà đã tìm ra sự thật của việc tôn thờ Thiên Chúa trong thần trí. Bà đã thấy và đã tin vào Chúa Giêsu. Bà trở thành nhân chứng của nước trời mang tin vui cho những người chung quanh. Dù bị xem là người dân ngoại, bà đã có lòng tin trở lại. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho dân thành Rôma đã công bố: Đấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa (Rm 5, 2).Đức tin dẫn đến ân sủng. Tin vào Chúa Giêsu là cửa ngõ dẫn chúng ta đến ơn cứu độ. Niềm tin là sự phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta rằng tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người và mọi sự sẽ được ban cho.

Lạy Chúa, xin cho nguồn nước hằng sống tuôn đổ vào tâm hồn, để chúng con được hưởng nếm tình yêu dịu ngọt của Chúa. Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi vết nhơ tội lỗi và ban cho chúng con một trái tim biết yêu thương chân thành.

CHÚA VẪN CHỜ TA...!


Dụ ngôn “người con hoang đàng” trong Tin Mừng Thánh Luca là một dụ ngôn hết sức ý nghĩa. Dụ ngôn nói lên sự chờ đợi của người cha, mong đợi người con tội lỗi ăn năn trở về. Đó cũng chính là tâm tình của Thiên Chúa với mỗi người trong chúng ta, cách riêng là các Kitô hữu.

Chờ đợi là dấu hiệu của lòng yêu mến. Người không có lòng yêu mến thì không tha thiết gì, cũng chẳng mong đợi chi hết, chỉ khi nào chúng ta yêu mến ai, hoặc yêu thích điều gì, lúc đó chúng ta mới cảm thấy mong đợi. Tâm niệm đời sống người tín hữu chính là lòng mến và tình yêu Chúa Kitô. Vì tình yêu, Chúa Giêsu đã không ngừng đến gõ cửa tâm hồn mỗi người qua trung gian tha nhân, những người nghèo khổ cần được thương yêu, tiếp nhận và giúp đỡ. Cũng vì tình yêu, Chúa Giêsu đến gõ cửa tâm hồn mỗi người qua những khó khăn thử thách của cuộc sống hằng ngày, ngay cả qua những yếu đuối, thất bại và tội lỗi.

Hy vọng của người tín hữu không phải là giấc mơ hảo huyền, nhưng được đặt trên nền tảng vững chắc là Ðức Giêsu. Ngài muốn đổi mới tâm hồn chúng ta, nhưng Ngài cũng không thể làm gì được nếu chúng ta không muốn, nếu chúng ta không biết kiên nhẫn đợi chờ và không biết mở cửa đón nhận Ngài với tất cả tấm lòng yêu mến.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian để rao truyền Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Xin Chúa hãy kiên cường niềm hy vọng và sưởi ấm lửa yêu mến Chúa trong tâm hồn chúng con.

Xin đừng để con thờ ơ dửng dưng trước lời mời gọi của Chúa, đừng để con dại dột cố chấp trước những dấu hiệu của tình yêu Chúa.

Xin giúp con biết luôn sẵn sàng mau mắn trong công việc thiện hảo để chúng con hân hoan đón nhận ơn thánh của ngày cứu độ, ngày Chúa đến trong giờ sau hết của đời sống chúng con. Amen

HÃY TRỞ VỀ.....!

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20)

Chia Sẻ:

Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ. Lòng nhân từ của Ngài thể hiện qua sự kiên nhẫn với lỗi lầm của con người. Cho dù con người có sa đi ngã lại trong lầm lỗi, Ngài vẫn thứ tha. Lòng nhân từ của Ngài thể hiện qua lòng bao dung, cho dù con người có đốn mạt đến đâu, Ngài cũng sẵn lòng giang rộng tay tha thứ nếu biết ăn năn trở về.

Tình thương đó được Chúa Giê-su phác hoạ qua dụ ngôn Người cha nhân từ. Một người cha không hề oán trách khi con đòi chia gia tài. Không hề oán trách khi con phung phí hết tài sản. Không hề trách mắng khi con thành tâm trở về. Tình thương của Cha còn thể hiện qua tấm lòng luôn khao khát chờ mong con trở về. Người cha ngày ngày ngóng con trở về. Và chỉ cần nhìn thấy con từ đằng xa, Cha đã chạy ra ôm con vào lòng.

Cầu Nguyện:

Xin cho chúng ta luôn tin tưởng vào lòng Chúa xót thương. Luôn can đảm trở về sau những lần vấp ngã, và luôn tín thác vào Chúa luôn mãi. Amen

THIÊN CHÚA – NGƯỜI CHA NHÂN LÀNH (tt)


Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:

“Một người kia có hai con trai……….(Lc 15, 1-3, 11-32)

Chia Sẻ:

Dụ ngôn người cha nhân hậu là một dụ ngôn nổi tiếng, qua đó Đức Giêsu cho thấy tại sao Ngài đón tiếp và ăn uống với tội nhân. Đơn giản chỉ vì ngài giống Thiên Chúa là người Cha nhân hậu.

Người cha nhân hậu là người tôn trọng tự do của đứa con thứ, người đã chia một phần ba gia sản cho nó ngay khi ông còn sống. Ông đã không tìm con, như người ta tìm chiên lạc hay tìm đồng bạc bị mất. Ông tin và hy vọng sớm muộn nó sẽ về, nên ông kiên nhẫn chờ. Vì chờ, nên ông là người đầu tiên trông thấy con trở về tiều tụy. Không cầm lòng được vì thương, ông chạy ra, ôm lấy cổ con mà hôn. Người con của ông đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Khi con thứ sám hối, ông đã trả lại cho cậu tất cả vinh dự của người con. Việc duy nhất phải làm ngay là mở tiệc ăn mừng. Khi con cả giận dỗi, không chịu vào nhà chung vui với cha và em, một lần nữa người cha lại đi ra và năn nỉ . Ông chấp nhận ở thế yếu vì ông không muốn mất một đứa con nào. Ông không thể yên tâm ở trong nhà khi còn một đứa con ngoài cổng.

Hoán cải bao giờ cũng khó. Con thứ phải can đảm lắm mới dám trở về nhà cha. Làm sao lường được phản ứng của cha, anh, của gia nhân, hàng xóm? Làm sao dám về nhà trong tình trạng thân tàn ma dại? Nhưng con cả cũng không dễ vào nhà chút nào, vì vào nhà là phải bắt tay thằng em đã phung phí hết của cải, vào nhà là phải chấp nhận sự thiên vị khó hiểu của người cha.

CẢ HAI NGƯỜI CON ĐỀU CẦN HOÁN CẢI.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, Chúa như người Cha nhân hậu. Chúa hằng giang tay chờ đón chúng con trở về với Chúa. Chúa không hỏi tội, Chúa chẳng chấp nhất tội chúng con. Vì “nếu Chúa chấp tội thì nào ai rỗi được”. Xin giúp chúng con trong mùa chay thánh này biết ăn năn trở về thật lòng, biết sám hối những lỗi phạm của mình, và biết canh tân đổi mới cuộc sống.

THIÊN CHÚA – NGƯỜI CHA NHÂN LÀNH

Chúa Giêsu đã từng nói: “Trên Thiên Đàng, mọi người sẽ vui mừng vì một người tội lỗi biết ăn năn sám hối, hơn một người công chính không cần phải sám hối ăn năn”, có lẽ vì thế mà Người đã kể cho chúng ta nghe rất nhiều dụ ngôn nhằm minh chứng cho điều đó.

 Trong chương 15 của Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giê-su kể một lúc tới 3 dụ ngôn (Lc 15, 1-32), để giải thích tại sao Ngài không chỉ tiếp đón những người tội lỗi, mà con ăn uống với họ nữa, nghĩa là Người còn kết bạn với họ. Nhưng trên Thập Giá, Người còn đi xa hơn, khi để mình bị bắt và bị lên án như là tội nhân và chịu chết chung với các tội nhân.

Ba dụ ngôn có một thứ tự đặc biệt khiến chúng ta phải chú ý : 100 con chiên trong đó có một con bị mất ; 10 đồng quan, có một đồng bị mất, và 2 người con, một người bị hư mất. Như thế, xét trên bình diện số học, sự mất mát càng lúc càng lớn : một trên một trăm, một trên mười và một trên hai ; hơn nữa, xét về bản chất của điều bị mất, ban đầu là con vật, sau đó là đồng tiền, và trường hợp thứ ba là một người con, mà người con thì vô giá.

Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này, giá trị mất mát cảng lớn, thì niềm vui sẽ càng lớn, khi tìm lại được. Chính vì thế, người cha, khi mở rộng vòng tay đón nhận người con hư mất trở về, đã mở tiệc ăn mừng ; trong khi với trường hợp con chiên và đồng tiền tìm lại được, người ta chỉ chia sẻ tin vui thôi, với bạn bè và hàng xóm.


Cha muốn trao ban hết, nhưng những người con của cha lại tính toán : chia chắc, tính công, so đo…. Cha vẫn còn đau khổ chờ đợi, vì người con lớn vẫn chưa trả lời. Và có lẽ, lời nói mà Cha chờ đợi nơi anh là : « tất cả những gì của con là của Cha ». Còn về người con thứ, Cha vẫn sẽ kiên nhẫn đồng hành với hành trình « tái sinh », chắc chắn là lâu dài và không dễ dàng của người con út. Và với chúng ta cũng vậy, Cha vẫn đợi, vẫn kiên nhẫn và bao dung đợi từng người chúng ta.

Dụ ngôn nói về tương quan của từng người chúng ta với Chúa, và tương quan của chúng ta với nhau, tương quan nào cũng bị tổn thương, sứt mẻ, cần được hàn gán, phục hồi, hòa giải. Đó chính là sứ mạng của Đức Giê-su, Ngài lấy lời, hành động và chính thân mình để hòa giải từng người chúng ta với Chúa Cha, và từng người chúng ta với nhau.