Translate

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

VỊ VUA THỨ TƯ (nhân Lễ Ba Vua - Lễ Hiển Linh)

Trong lễ  Ba Vua, Phúc Âm chỉ nhắc đến ba vị vua. Thế nhưng văn sĩ Joergernen người Ðan Mạch thì lại tưởng tượng ra một vị vua thứ tư. Vị vua thứ tư này đến chầu Chúa Giêsu sau ba vị vua khác. Triều bái Hài Nhi Giêsu nhưng mặt ông tiu nghỉu bởi vì ông không còn gì để dâng tặng Ngài.

Trước khi lên đường, ông chọn ba viên ngọc quý nhất trong kho tàng của ông, thế những dọc đường gặp bất cứ ai xin, ông cũng mang ra tặng hết. Người thứ nhất mà ông đã gặp là một cụ già rét run vì lạnh. Ðộng lòng trắc ẩn, ông đã tặng cho cụ viên ngọc thứ nhất. Ði thêm một đoạn đường nữa, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông đành mang viên ngọc thứ hai ra thương lượng với chúng để chuộc lại cô gái. Cuối cùng khi tiến vào địa hạt Bêlem, ông gặp một người lính do vua Herôđê sai đi để tàn sát các hài nhi trong một ngôi làng lân cận. Vị vua thứ tư đành phải rút ra viên ngọc cuối cùng để tặng cho người lính và thuyết phục anh từ bỏ ý định gian ác.

Tìm được Hài Nhi Giêsu, vị vua thứ tư chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình.

Nghe xong câu chuyện, Hài Nhi Giêsu mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ ra đón nhận quà tặng của ông. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng là tấm lòng vàng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân, nhất là những người túng thiếu, đói khổ, những người cần giúp đỡ.

Mùa Giáng Sinh là mùa của những bất ngờ. Bất ngờ của một Thiên Chúa hóa thân làm người. Bất ngờ của một thiên Chúa giáng hạ trong hang súc vật. Bất ngờ sự việc những người nghèo hèn nhất trong xã hội đã nhận ra Tin Mừng. Bất ngờ của những người dân ngoại tìm đến triều bái Vua các vua. Nhưng điều khiến con người sẽ không bao giờ ngờ đến: đó là Ðấng Thiên Chúa hóa thân làm người ấy lại tự đồng hóa với mỗi một con người sinh ra trên cõi đời này, nhất là những con người bé mọn nhất trong xã hội. Ngài đã nói: tất cả những gì các người làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất là các người làm cho chính Ta. Từ đây, người ta chỉ có thể gặp gỡ được Ngài qua tha nhân. Tất cả những gì người ta làm cho tha nhân là làm cho chính Ngài. Lễ dâng làm đẹp lòng Ngài nhất chính là những gì người ta trao tặng cho tha nhân, nhất là những người nghèo hèn túng thiếu hay bất cứ ai cần sự giúp đỡ.


Qua mùa Giáng Sinh năm nay, tôi mời gọi mọi người hãy là vị vua thứ tư, để xứng đáng đến triều bái Ngài vào giờ sau hết của chúng ta nhé!

HÃY CHO TÔI ĐƯỢC LÀM MỘT NGƯỜI BẠN


Chúa Giêsu muốn là bạn của bạn, người anh của bạn, người thầy dạy sự thật và sự sống, người chỉ ra lối để bạn bước theo Ngài hầu đạt đến hạnh phúc, sự hoàn thành của các bạn theo như kế hoạch của Thiên Chúa cho từng người. Và tình bạn hữu của Chúa Giêsu, đem đến cho chúng ta lòng thương xót và tình yêu của Chúa, một ban tặng nhưng không, “miễn phí.” Ngài không đòi hỏi điều gì nơi chúng ta; Ngài chỉ mời gọi chúng ta đón nhận Ngài.
Chúa Giêsu muốn yêu thương bạn vì bạn là ai trong lúc này, ngay cả sự mỏng manh và yếu đuối của bạn, để rồi bị rung cảm bởi tình yêu của Ngài, bạn sẽ được đổi mới.
Hãy cho tôi được làm một người bạn. Ðó là lời van vỉ của Chúa Giêsu đối với từng người trong chúng ta. Người đến trong thế gian là để được kết thân với mỗi người. Ngài yêu thương mỗi người bằng một tình yêu thương cá biệt. Ngài yêu thương đến độ chết thay cho mỗi người và cuối cùng của tận cùng của mọi diễn tả, Ngài đã hóa thân thành một thức ăn để được trọn vẹn trao ban cho con người. Ðó là ý nghĩa cao cả nhất của Bí Tích Thánh Thể.

Như thân phận của hạt lúa mì được nghiền nát để trở thành tấm bánh, thức ăn chỉ hiện hữu khi đã được nghiền nát, được tiêu hóa. Thức ăn không hiện hữu cho mình mà chỉ hiện hữu cho người khác. Khi trở thành tấm bánh, Chúa Giêsu cũng muốn nói lên thân phận ấy của Ngài. Ngài sống cho con người. Ngài sống vì con người. Ý hướng ấy đã được Chúa Giêsu gói trọn trong một cử chỉ phi thường nhưng mang nhiều ý nghĩa.

Thánh Gioan, một trong những vị tông đồ thân tín nhất của Ngài đã ghi lại rằng: Trong bữa ăn cuối cùng của Ngài với các môn đệ trong đó Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đã lấy khăn thắt lưng quỳ xuống trước mỗi môn đệ rửa chân cho các ông.
Theo tục lệ của người Do Thái, khi thực khách đã vào bàn ăn, người chủ thường sai đầy tớ trong nhà mang nước đến rửa chân cho từng người. Việc rửa chân do đó là việc của người đầy tớ. Khi quỳ gối rửa chân cho các môn đệ của Ngài, Chúa Giêsu không làm gì khác hơn là đóng vai trò của người đầy tớ. Chúa Giêsu không đóng kịch, nhưng muốn thực sự là đầy tớ của mọi người. Là người đầy tớ không chỉ có nghĩa là phục vụ mà còn là sống chết cho người khác. Một cách nào đó thân phận của người đầy tớ là thuộc trọn về người khác. Chúa Giêsu đã thực sự sống ơn gọi làm người đầy tớ ấy, cả cuộc sống của Ngài là sống cho tha nhân. Một trong những câu nói bất hủ của Ngài là: "Ta đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ người khác".

Với cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu đã đi đến tận cùng thân phận của một người đầy tớ, thân phận tôi tớ ấy Chúa Giêsu lại muốn tiếp tục sống qua bí tích Thánh Thể, trở thành một thức ăn để được nghiền nát, để được ăn bởi con người. Ngài muốn trở nên sức sống cho con người, Ngài muốn nên một với con người. Nói theo văn hào Anhony de St. Exupery, Ngài muốn sống trong tâm hồn con người. Ngài muốn trở thành một người bạn yêu thương con người đến độ hy sinh mạng sống vì con người.


Tất cả cốt lõi của Kitô giáo chính là tấm bánh, là Chúa Giêsu được trao ban cho con người. Kitô giáo không là một ý thức hệ cũng không là một hệ thống luân lý hay là một lý tưởng sống. Kitô giáo trước hết và thiết yếu là một sức sống. Sức sống ấy chính là Chúa Giêsu. Người tín hữu Kitô tin yêu và hy vọng bằng chính sức sống ấy. Họ muốn nêu gương Ngài trở nên tôi tớ phục vụ mọi người. Họ đón nhận sức sống là Chúa Giêsu để cũng như Ngài sống cho mọi người.