Translate

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

THÁNH THỂ VÀ THÁNH LỄ

Một trận động đất kinh hoàng đã xảy ra tại Arménia hồi tháng 12 năm 1987. Trong số hàng ngàn người bị chôn vùi dưới đống gạch vụn, co hai mẹ con bà Suzana. Cả hai may mắn lọt vào một khoảng trống nhỏ, nên còn sống sót. Tất cả lương thực của họ chỉ là một hũ mứt, nhưng chẳng mấy chốc, hũ mứt cũng hết. Lúc đó cô con gái mới bốn tuổi đã kêu lên: Mẹ ơi, con khát quá, mẹ cho con uống nước nhé. Người mẹ lúng túng, biết tìm đâu cho ra nước bây giờ. Một ý nghĩ táo bạo bỗng nảy sinh trong đầu óc bà, đó là phải lấy những giọt máu cuối cùng của mình cho con uống, để cầm cự với tử thần. Bà tìm được một mảnh kính vỡ, cắt đầu ngón tay và bảo con mút. Đứa bé mút những giọt máu từ đầu ngón tay của người mẹ. Sau khi hai mẹ con được cứu sống, người mẹ kể lại rằng: Lúc bấy giờ tôi chỉ có một ý nghĩ, đó là phải làm thế nào cho con tôi được sống.

Với chúng ta cũng vậy. Trong suốt cuộc đời trần gian, Chúa Giêsu cũng chỉ có một ý nghĩ, cũng chỉ có một mục đích, đó là phải làm thế nào cho chúng ta được sống, không phải chỉ sự sống phần xác, mà còn là sự sống phần hồn. Chính vì sự sống phần hồn của chúng ta, mà Ngài đã chấp nhận cái chết tủi nhục trên thập giá, để cứu chuộc chúng ta. Và hơn thế nữa, Ngài còn thiết lập bí tích Thánh Thể, để làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta và để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, bởi vì hiện nay với bí tích Thánh Thể và với Thánh Lễ được cử hành, hy lễ tiến dâng lên Chúa Cha và của ăn trao ban cho chúng ta không ngừng được tiếp diễn.

Thế nhưng, chúng ta đã có thái độ nào đối với bí tích Thánh Thể cũng như đối với Thánh Lễ? Tại nhiều nước Tây Phương, số giáo dân tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật giảm sút một cách đáng kể. Điển hình tại Pháp, chỉ có 10% giáo dân tham dự mà thôi. Còn tại Việt Nam, mặc sù số người tham dự còn nhiều, nhưng có một số lại đứng ngoài nhà thờ, nói chuyện và hút thuốc trong khi Thánh Lễ đang được cử hành. Họ đi lễ chỉ vì sợ lỗi luật, sợ phạm tội, chứ chẳng có lấy một chút tâm tình và một chút yêu mến.

Trong Thánh Lễ, không phải chỉ có vai trò của vị chủ tế, mà hơn thế nữa, vai trò của người tín hữu cũng không kém phần quan trọng. Họ không phải chỉ xem lễ, như một khán giả xem đá bóng, xem cải lương, nhưng họ tham dự và cùng cử hành Thánh Lễ. Nói cho cùng, chẳng có hai Thánh Lễ giống hệt nhau, vì chính cuộc sống của người tham dự đã thay đổi.

Mỗi Thánh Lễ, tôi cảm thấy có một điều gì đó cần thống hối cách đặc biệt. Mỗi Thánh Lễ, tôi cảm thấy mình muốn đặt trên đĩa thánh một chút cố gắng, một chút đau khồ, một chút ước mơ riêng tư của tôi. Tôi không dự lễ với đôi bàn tay trắng, nhưng tôi dự lễ với lễ vật của riêng tôi. Lễ vật ấy là chính cuộc đời tôi.

Đồng thời trong Thánh Lễ, lời Chúa tác động trên tôi, rồi mỗi khi lên rước lễ, tôi nhớ rằng Ngài đã trở nên tấm bánh được bẻ ra cho tôi, thì tôi cũng phải trở nên tấm bánh được bẻ ra cho anh em tôi.

Thánh Lễ sẽ không nhàm chán, khi chúng ta biết nối dài Thánh Lễ trong cuộc sống. Và mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta mang đến nơi bàn thờ của lễ xuất phát từ trong lòng cuộc đời mỗi người chúng ta.

HÃY BIẾT THA THỨ (1)..!

Ai trong chúng ta cũng cần sự tha thứ, vì nhân vô thập toàn. Có thề nói rằng: ai trong chúng ta cũng lớn lên trong sự tha thứ. Sự tha thứ của cha mẹ, của thầy cô ,bạn bè và mọi người. Thế mà, đôi khi chúng ta lại quá hà khắc với anh em. Chúng ta cố chấp, chúng ta không muốn tha thứ, không muốn bỏ qua cho nhau nhưng lại nuôi dã tâm trả thù và đôi khi còn cầu mong cho kẻ thù bị tai ương, hoạn nạn.
Lời Chúa hôm nay ( Mt 6, 7-15) mời gọi chúng ta hãy tha thứ vì Cha trên trời vẫn hằng tha thứ cho chúng ta. Thử hỏi xem: “nếu Chúa chấp tội thì nào ai sống được”. Thế mà Chúa vẫn cho mưa thuận gió hoà trên người lành kẻ dữ. Chúa vẫn bao bọc chở che chúng ta bằng biết bao ơn lành dù rằng chúng ta bất xứng. Tha thứ còn vì chúng ta là anh em con một Cha trên trời. Vì “tứ hải giai huynh đệ”. Tha thứ để cùng nhau xây dựng một mái nhà ngập tràn bình an và hạnh phúc.
Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con biết cách cầu nguyện theo ý Chúa. Chúa cũng dạy cho chúng con hiểu rõ và hiểu đúng mối liên hệ giữa chúng con với Chúa Cha và với nhau. Xin cho chúng con biết một lòng làm vinh danh Chúa qua việc thực thi giới luật yêu thuơng một cách nhiệt thành và quảng đại. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa để chúng con cũng biết sống ôn hoà và tha thứ cho nhau. Xin cho chúng con luôn biết vì Chúa để sống hy sinh cho nhau và đối xử tốt với nhau. Xin giúp chúng con tháo gỡ những bất hoà ghen ghét trong gia đình, trong giáo xứ đang làm mất hoà khí anh em con một Cha trên trời. Xin giúp chúng con đừng vì những ích kỷ cá nhân mà làm mất vẻ đẹp Hội Thánh bởi những hành vi thiếu bác ái, cảm thông, tha thứ của chúng con.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con mỗi lần cùng nhau đọc kinh lạy Cha, chúng con cũng biết làm cho Nước Chúa hiển trị bằng đời sống huynh đệ trong yêu thương và bác ái chân thành.

CẦU NGUYỆN


Vì nghĩ rằng cầu nguyện là nói cho Chúa nghe, nên tôi không có gì để nói, hay tôi không cảm thấy Chúa đang nghe thì tôi không cầu nguyện. Thực ra cầu nguyện trước hết là ở với Chúa, kết hợp tâm tình với Chúa. Khi cầu nguyện điều cần hơn là xin Chúa nói cho tôi biết Chúa cần gì nơi tôi.

Có hai hình thức cầu nguyện là cầu nguyện chung với những người khác và cầu nguyện riêng một mình với Chúa. Việc cầu nguyện riêng nuôi dưỡng việc cầu nguyện chung. Người nào ít cầu nguyện riêng thì việc cầu nguyện chung của họ chủ yếu là làm theo lệ, không có tâm tình bao nhiêu.


Lạy Chúa, xin cho chúng con học nơi Chúa là tình yêu để chúng con không bao giờ xét đoán, kết án hay kết tội lẫn nhau. Xin giúp chúng con biết sống yêu thương nhau, biết giúp đỡ và tha thứ cho nhau. Người giàu nâng đỡ người nghèo. Người nghèo đùm bọc kẻ tả tơi. Người có tội thì được sự tha thứ. Kẻ lầm lỡ được cảm thông. Kẻ vấp ngã được đón nhận trong tình bao dung nhân ái. Ðó chính là phương thế duy nhất để chúng con có được hạnh phúc đời này và cả đời sau.