Tôi bảo
thật các ông: tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế. (Mt 8,
10b)
Mùa vọng
là mùa chờ mong, là mùa mời gọi chúng ta sống lại tâm tình của dân Israel xưa,
khát mong ơn cứu độ, khát mong Đấng cứu độ sẽ đến cho gian trần. Tuy nhiên,
không có cuộc chờ đợi nào mà không khởi đi từ niềm tin, tin rằng người mình chờ
đợi sẽ đến, tin rằng điều mình chờ đợi sẽ được thực hiện ; không có hy vọng nào
tồn tại cùng thất vọng ; không có khát vọng nào lại loại trừ niềm tin vững chắc.
Chắc hẳn với ý nghĩa này, mà Hội Thánh đã chọn đoạn Lời Chúa nói về việc tuyên
xưng đức tin của viên đại đội trưởng cho ngày đầu mùa vọng hôm nay. Cũng với ý
nghĩa này, Lời Chúa còn nhắn nhủ về những đòi hỏi cụ thể của niềm tin mà mỗi
người Kitô hữu chúng ta phải có trong khi sống tâm tình của mùa vọng.
Trong
các sách Phúc Âm, khi Chúa Giêsu mở đầu lời nói bằng công thức “Tôi bảo
thật” thì câu nói đó có tầm quan trọng đặc biệt. Chẳng hạn như khi
Chúa nói với Simon: “Thầy bảo thật cho con biết, con là Phêrô, nghĩa là
đá…” (Mt 16, 18); hay khi Chúa nói với tên trộm lành: “Tôi bảo
thật với anh, hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23, 43); hay
trong ngày phán xét, Đức Vua nói với những người lành: “Quả thật, Ta bảo
cho các ngươi biết: những gì các người đã làm cho một trong những anh em bé mọn
nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25, 40)... Hôm
nay, chúng ta lại nghe Chúa dùng công thức ấy để nói về đức tin của viên đại đội
trưởng người Rôma.Tại sao Chúa Giêsu lại nói về ông như vậy?Trước hết, ông
không phải là người có đạo nhưng là người ngoại đạo; hơn nữa, ông không phải là
người Do thái nhưng là một sĩ quan quân đội Rôma, kẻ cai trị xứ Palestin, thế
mà ông lại van xin Đức Giêsu là một người xứ Palestin ra tay chữa bệnh cho người
đầy tớ của ông.Tiếp đến, ông là một người khiêm nhường hết mực, xét về thế giá
và địa vị, viên sĩ quan này có quyền lực đại diện cho đế quốc Rôma để cai trị một
vùng của người Do Thái, ông có lính tráng và kẻ hầu người hạ, thậm chí xét về mặt
chính trị, ông còn có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cấm Chúa Giêsu truyền đạo.Thế
nhưng, ông nhận ra nơi con người Chúa Giêsu không đơn thuần là một thầy dạy như
các kinh sư, mà là một vị ngôn sứ của Thiên Chúa, nên ông đã cảm thấy bất xứng
trước mặt Người. Ông nhìn nhận mọi chức vụ và địa vị đều dưới quyền của Thiên
Chúa, và ông đã khiêm tốn nói lên: Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà
tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. (Mt
8,8). Lời xét mình này của ông đã được Giáo Hội dùng để cho chúng ta thân
thưa với Chúa mỗi ngày trong thánh lễ trước khi đến rước Mình Thánh Chúa.Ước gì
mỗi lần chúng ta đọc lời này, chúng ta cũng có được sự ý thức về mình như viên
sĩ quan trên đây, không ỷ vào địa vị mà vênh vang tự hào, nhưng quy về vinh quang
Chúa, và nhìn nhận mình có là gì đều do ân huệ Chúa ban. Bởi trước mặt Chúa
không phân biệt người có quyền cao chức trọng hay kẻ bần hàn cố nông, nhưng người
cao trọng trong nước Chúa chính là hãy trở nên bé nhỏ, nghĩa là khiêm tốn.
Ngoài
ra, viên sĩ quan còn là một người có một đức tin rất lớn. Thật vậy, lời của
viên sĩ quan: “Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, tôi có những
lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì
nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm". (Mt 8,9) là một lời
tuyên xưng đức tin cao độ. Với cách so sánh, ông tuy là quan nhỏ, nhưng cũng có
cấp dưới và họ phải vâng lệnh ông, từ đó ông tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa, có
quyền trên mọi quyền lực thần thiêng, có quyền trên mọi bệnh tật và tất cả đều
phải vâng lệnh Người (quan niệm của người Do Thái tin bệnh tật là do tà thần và
sự dữ). Điều đáng nói ở đây nữa là, một sĩ quan thường ỷ thế vào quyền lực
và tiền bạc để lo lắng cho người đầy tớ, nhưng không, ông tin Chúa Giêsu mới có
thể chữa lành và niềm tin của ông đã được đền đáp.Còn chúng ta, đứng trước những
khó khăn, đau khổ, bệnh tật… chúng ta có đặt niềm tin đủ vào Chúa để xin Người
trợ lực không, hay là ỷ lại vào sức mình? Ước gì sau khi đọc bài Tin Mừng này,
mọi người chúng ta xác tín hơn vào sự quan phòng của Chúa, để trong khi chúng
ta ra sức đương đầu với những khó khăn và đau khổ của cuộc sống, biết chạy đến
Chúa để được Người soi sáng và ban ơn trợ lực. Và trên hết, hãy tin tưởng và cầu
xin Chúa chữa lành bệnh tật nơi tâm hồn chúng ta.
********
Lạy
Chúa, Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, nên Chúa cũng sẵn lòng
cứu giúp những ai khiêm tốn, suy phục và đặt niềm tin nơi Chúa. Xin cho chúng
con cũng biết khiêm tốn đến với Chúa, để được Chúa chữa lành những bệnh tật tâm
hồn. Amen.