Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã
thấy Chúa’ và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 20,18)
Có
thể nói, hai giác quan giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận thông tin là
thị giác và thính giác (mắt và tai). Mắt và tai tiếp nhận rồi truyền vào tri thức
và trái tim để biện phân và đặc biệt là giúp hồi tưởng về ký ức. Hai sự tiếp nhận
này có phần không giống nhau giữa hai phái nam và nữ, vì như người ta thường
nói: “Mắt con trai, tai con gái”. Đàn ông thường yêu bằng cái nhìn về bạn đời,
nhưng phụ nữ lại thích nghe những lời nói yêu thương hơn…Lần lượt các tường thuật
về biến cố Phục Sinh, các Tin Mừng cũng làm lộ rõ hai khả năng tiếp nhận và cảm
nhận về Đấng Phục Sinh dựa theo hai giác quan là thính giác và thị giác. Cụ thể
là mắt các ông môn đệ nhận ra Đấng Phục Sinh khi thấy Người bẻ bánh và dâng lời
tạ ơn; còn chị em thì nghe Thầy gọi tên thật thân thương là nhận ra ngay và ôm
lấy chân Thầy.
Trong
ngày mừng lễ thánh nữ Maria Mácđala hôm nay, Giáo Hội cho đọc bài Tin Mừng kể chuyện
Maria Mácđala, có lẽ vì quá đau đớn vì Thầy đã chết và khóc quá nhiều nên mắt
hoen mờ, nên đã không nhận ra Đấng Phục Sinh, thậm chí còn tưởng là người làm
vườn. Tuy nhiên, với lời gọi thân thương: “Maria!!!” Cô đã không thể lầm được
nữa, cô nhận ra Thầy ngay và ôm quàng lấy chân Thầy rồi thốt lên lời thân
thương mà cô từng gọi Thầy biết bao lần trước đây: “Thầy!!!”. Từ việc nghe đã
tác động lên ký ức giúp hồi tưởng lại, Maria Mácđala đã cảm nhận được tiếng nói
của Thầy những lần ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe, và được nghe Chúa gọi tên
nhiều lần trong những tháng ngày theo Chúa. Giờ đây, dù lúc đau thương không
còn đủ tỉnh táo, mắt thể lý bị hoen mờ vì khóc quá nhiều, nhưng tiếng nói đầy
yêu thương của Thầy thì Maria Mácđala không thể lầm vào đâu được. Vậy bà là ai
? Bà là người phụ nữ được Đức Giêsu trừ khỏi bảy quỷ (Lc 8, 1-3). Điều này làm
cho chúng ta hiểu tại sao bà gắn bó với Đức Giêsu đến như vậy ; bà gắn bó với
Thầy của mình trong những lúc thử thách nhất, bi đát nhất và đen tối nhất ; bà
gắn bó với Thầy khi Thầy chẳng còn là gì hơn là một thân xác nát tan. Đặc biệt,
bà là cầu nối giữa Đức Ki-tô chết và phục sinh với các môn đệ. Thật vậy, bà đi
ra mộ; rồi bà chạy về báo cho Phêrô và Gioan (Ga 20, 2); bà lại chạy ra cùng với
hai ông (Ga 20, 11); hai ông trở về nhà; còn các ông khác thì một số sợ hãi ẩn
mình, một số khác chán nản bỏ cuộc; chỉ có một mình Bà Maria Mác-đa-la đứng ở
ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Và sau khi được Đức Ki-tô cho nhận biết, bà được
trao sứ mạng trở về loan báo Tin Mừng, không phải cho muôn dân ngay tức thì,
nhưng trước hết cho chính các anh em của Ngài, nghĩa là cho các tông đồ và các
môn đệ, nghĩa là cho các đấng các bậc! Vì thế, Truyền Thống Giáo Hội tặng cho
thánh nữ danh hiệu Tông Đồ của các Tông Đồ. Sứ mạng này vẫn còn được Đức Kitô
phục sinh trao cho các phụ nữ hôm nay, trong đó một cách rất đặc biệt cho các nữ
tu!
Như
vậy, chủ ý của việc tường thuật biến cố Phục Sinh trong Thánh Lễ hôm nay, các tác giả Tin Mừng đã cho
chúng ta nhiều cái nhìn để củng cố đức tin qua nhiều cách tiếp thu và cảm nhận
của cả hai phái nam và nữ. Đấng Phục Sinh đã dùng chính cách tiếp thu giới hạn
của con người mà cho họ được biết Người, rồi từ đó họ đi rao giảng - làm chứng
về những gì mắt thấy tai nghe và lòng cảm nhận. Tóm lại, nghe và thấy đều thuộc
dấu hiệu khả giác của bí tích. Bí tích có mô thể và chất thể -lời đọc và cử chỉ-
cả hai chuyển tải Đấng Hiện Diện trong bí tích được trao ban cho thụ nhân. Hiệu
quả tròn đầy của bí tích phụ thuộc nhiều ở lòng yêu mến. Hôm nay Maria Mácđala
là một bằng chứng cho sự yêu mến đó, và cô đã được gặp chính Đấng Phục Sinh là
đối tượng mà lòng cô khao khát và yêu mến.
******
Lạy
Chúa, có lẽ không ít người trong chúng con chưa thực sự gặp được Đấng Phục
Sinh nên tâm hồn chúng con chưa được đổi mới, bởi vì chúng con chưa đủ khao
khát và lòng mến của chúng con dành cho Chúa chưa thật mặn nồng. Xin Chúa ban
cho chúng con một con tim hết lòng khao khát và yêu mến Chúa hơn. Amen.