Translate

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

CHO THÌ TỐT HƠN LÀ NHẬN

Thức giấc trong thời tiết se se lạnh, tôi bỗng nhớ đến câu nói của Chúa Giêsu được thuật lại trong Tin Mừng "cho thì có phúc hơn là nhận"

Chia Sẻ: 

“Nhận” và “Cho” là hai động từ phản nghĩa nhau. Nhưng nếu được dùng đúng nơi đúng lúc, cả hai đều tốt cả. “Nhận” nghĩa là gia tăng nhân vị thêm: trong chính con người của ta chẳng hề chứa đựng được hết mọi tinh hoa của thế giới. Do đó cái “chúng ta là” phải được bổ sung thêm bằng cái “chúng ta có”. Để tồn tại, ít ra ta phải có cái ăn, cái mặc và nơi ở. Nói như thế không có nghĩa là ta đòi cho được phải có thêm một chiếc du thuyền nữa mới đủ. Quyền sở hữu là quyền được có tài sản, càng giảm đi khi vật sở hữu càng ít cần thiết đối với đời sống của ta.

Nhân đức ban tặng phụ thuộc vào những gì ta có… ta không thể cho đi cái mà ta không có (ngay cả thì giờ cũng vậy). Nhưng đối với đa số loài người, việc có cái này cái kia không phải là cơ hội để cho… Họ nghĩ rằng cho đi nghĩa là mất mát bởi chưng họ rất quí chuộng những gì họ đã có được. Thật là thiển cận, vì khi ta cho đi nửa chén cơm ta vẫn còn nửa chén cơ mà, nhưng bù vào đó ta hưởng được niềm vui ban tặng.

Nhiều người, nhất là kẻ giàu sang vẫn hằng đánh giá nhân vị mình qua việc có được càng nhiều đồ dùng không cần thiết càng tốt. Họ phản đối việc cắt xén tài sản của mình. Họ tìm cách tăng thêm vốn liếng, coi đó như là một cái tôi khác của họ mà nếu không được trọn vẹn thì họ không thể nào chịu nổi. San sẻ chút xíu để làm việc phúc đức là cả một việc đau xót tựa như bị cưa tay xẻ chân vậy.

Có một phụ nữ sống mãi với lịch sử bởi vì bà đã không ngại san bớt vốn liếng của mình. Phúc Âm kể lại rằng: “Đang khi ngồi đối diện với hòm tiền Đền thờ, Chúa Giêsu thấy dân chúng bỏ tiền vào hòm, nhiều kẻ giàu có còn đem cho lễ vật nữa. Và này một bà già nghèo khó đến bỏ vào đấy hai đồng xu. Thấy vậy Ngài gọi các môn đệ đến gần và bảo họ “Này Ta bảo cho các ngươi hay, người góa phụ nghèo này đã cho nhiều hơn, hơn cả những kẻ có dâng cúng lễ vật. Người ta cho đi những gì họ dư thừa, còn bà lại cho đi phần ít ỏi nhưng lại là phần cần thiết cho đời sống của mình”.

Chúa Giêsu đã lưu ý đến các kẻ bố thí nhưng Ngài chỉ nhắm đến cách bố thí chứ không phải đến số lượng tiền bạc họ bố thí. Đã có lần Ngài bảo: của ở đâu thì lòng ở đấy. Và ở đây Ngài lại cho ta biết thêm: lòng đi đâu thì của theo đó. Chúng ta ít ai có được thái độ như Ngài; ta chẳng phí công gì mà đọc danh sách những người bố thí cho những số tiền ít ỏi cho mệt. Nhưng có thể đối với Chúa phần danh sách đó lại là quan trọng hơn cả. Ngài đã khiến hành động cho hai đồng xu của bà góa trở thành bất tử.

Hẳn rằng người góa phụ ấy không hề thấy Chúa Giêsu, cũng không hề có ý làm Chúa hài lòng và cũng chẳng đoán ra rằng đối với Chúa thì bà “đã cho đi nhiều nhất, hơn cả những kẻ dâng cúng lễ vật nữa cơ”. Họ cho đi phần thừa mứa, còn bà lại cho chính những gì bà có được. Tuy nghèo nhưng bà vẫn cho kẻ nghèo hơn. Bà đã vơ vét trong túi mình để giúp cho tha nhân được đầy đủ. Hai đồng xu của bà tuy nhỏ nhoi chẳng đáng là bao song đã đánh đổ được cả mớ triết lý duy vật thôi thúc loài người thu quén càng nhiều càng tốt – tựa hồ như chỉ có thế gian này mới là nơi chốn đích thực của con người.

Hai đồng xu dâng cúng của bà góa còn mang ý nghĩa này nữa: nó nhắc ta nên nhớ rằng Thiên Chúa muốn ta sẵn sàng dâng cho Ngài tất cả. Ngài là Chủ Tể cõi tâm linh của mọi người: Ngài không muốn ta coi vật gì là của riêng ta trước mặt Ngài. Ngài muốn ta yêu Ngài trọn vẹn: yêu “hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn, hết sức mạnh”. Chỉ có những ai dâng cho Thiên Chúa toàn bộ tâm hồn, kẻ ấy mới có thể dâng hết tài sản cho Ngài được.

Và chẳng có chi được quảng đại dâng hiến mà lại mất đi. Hiểu theo nghĩa duy vật, như thế hẳn là mất hẳn rồi. Nhưng trong đời sống tinh thần thì ngược lại. Vì những gì ta dâng cho Chúa chẳng những sẽ được ban lại cho ta ở đời sau, mà ngay cả ở đời này ta cũng đã nhận lại rồi. Một trong những cách thực tế nhất giúp ta tin tưởng rằng bao giờ mình cũng được đầy đủ là cứ nhân danh Chúa mà cho. Tương tự, càng quảng đại với tha nhân thì ta càng tăng tiến nhanh chóng trong tình mến Chúa. “Hãy cho đi và các ngươi sẽ được cho lại. Người ta sẽ lấy cái đấu hảo hạng đã dằn, đã lắc, đầy vun mà đổ vào bao của các ngươi, các ngươi đong bằng đấu nào, thì cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (Lc 6,38).


Cách ta sử dụng những gì ta có quan hệ chặt chẽ với những gì ta là hoặc sẽ là. Những ai tham lam cứ bo bo giữ của, khi chết đi y sẽ mất sạch. Còn kẻ biết cho đi sẽ hoan hỉ nhận lại đầy đủ trong đời sống mai sau.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn bước theo đường yêu thương của Chúa. Đó là con đường của hy sinh và phục vụ, nhờ đó chúng con cũng biết yêu thương tha nhân như Ngài

TẠ ƠN CHÚA NGÀY CUỐI NĂM

Thời tiết se lạnh cũng là thời điểm báo hiệu sắp kết thúc năm cũ và khởi đầu cho một năm mới.

Từ đó, tôi mời gọi mọi người cùng nhìn lại nha!

Một ngày đêm, chúng ta hưởng được 24 giờ tức là 1,440 phút từ tình thương bao là của Thiên Chúa.

Tình thương Ngài đã muốn chúng ta sống tự do khôn ngoan biết xử dụng trí khôn, và Thiên Chúa để chúng ta sống tự do đến đổi chúng ta có thể sống trọn cả đời chúng ta, 100 năm chẳng hạn, nghĩa là 52 triệu 560 ngàn phút mà không để ra một phút giây nào dành cho Chúa. Vì kính trọng tự do của chúng ta, Thiên Chúa chấp nhận mọi xúc phạm, mọi điều điên dại chúng ta làm chống lại Ngài, nhưng nếu chúng ta là con người có trí khôn và biết xử dụng trí khôn thì hẳn chúng ta nên nghĩ lại một chút.

Mỗi lần chúng ta nhận được quà tặng, chúng ta biết nói tiếng cám ơn. Mỗi ngày trong cuộc sống chúng ta là một món quà của Thiên Chúa. Giờ đây, vào những phút cuối cùng của năm cũ, bước sang năm mới, chúng ta hãy nghĩ lại và nói lên lời cám ơn Thiên Chúa. Hãy dành ít phút trong số 1,440 phút mà Ngài đã ban cho chúng ta. Hơn nữa đâu có gì là quá đáng nếu chúng ta nghĩ thêm rằng, nhờ những phút cám ơn này mà Thiên Chúa sẽ ban thêm cho chúng ta món quà vô giá khác nữa là sự sống đời đời hạnh phúc với Ngài.

Các bạn thân mến, nhìn mỗi dịp đại lễ Giáng Sinh và đầu năm mới chúng ta nhận thấy những đứa trẻ nhận được rất nhiều đồ chơi và cả chúng ta cũng nhận được rất nhiều quà từ nhiều bạn bè thân thuộc. Nhiều người thường nghĩ là nhờ có nhiều đồ chơi, những đứa trẻ được thỏa mãn và luôn luôn được hạnh phúc nhưng chỉ một thời gian ngắn là những đứa trẻ chán đi không muốn chơi những món quà đó nữa, chúng nó muốn những đồ chơi mới và cứ thế lặp đi lặp lại mãi. Những đứa trẻ không bao giờ thỏa mãn với những món đồ chơi mà thôi và cả chúng ta nữa chúng ta không bao giờ thỏa mãn với những món quà tặng mà những người thân tặng cho chúng ta. Con người chúng ta, mỗi người chúng ta đã được dựng nên để hướng về trời cao. Chất đống của cải trần gian sẽ không bao giờ thỏa mãn với ước nguyện của con người, sẽ không bao giờ làm con người hạnh phúc thực sự. Ngược lại khi con người càng bận tâm lo lắng tìm chất đống của cải vật chất cho mình thì con người càng cảm thấy đời sống như không còn ý nghĩa gì nữa. Con người phải biết chọn lựa đúng đường và chỉ chọn đúng đường khi hiểu được rằng có của cải chất đống cho mình đó không đủ làm cho mình sống hạnh phúc thật. Của cải trần gian có thể được so sánh như chiếc đế giày của người đàn bà muốn mang để tỏ ra mình cao hơn kẻ khác, nhưng đó chỉ là ảo tưởng tạm bợ.

Hạnh phúc của con người từ trời cao xuống không phải từ dưới mọc lên.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin dạy con biết cám ơn Chúa ít ra một phút mỗi ngày kể từ năm mới này.

Lạy Chúa, trong ngày đầu năm mới này, con xin nâng tâm hồn con lên cùng Chúa.

Xin Chúa giúp con luôn hướng về Chúa, biết nhìn nhận Chúa là nguồn hạnh phúc thật của đời sống con.

Xin cám ơn Chúa vì đã cho con được sống cho đến hôm nay.

Xin Chúa thương gìn giữ con, gìn giữ cả những người thân của con được sống trong năm mới này tràn đầy ơn lành và sự bảo vệ của Chúa. Amen.

Lạy Chúa, xin thương tha thứ những lỗi lầm mà chúng con đã phạm trong năm qua.

Xin thương giúp mỗi người chúng con canh tân đời sống của mình trong năm mới.


Chúng con xin cám ơn Chúa vì những hồng ân Chúa đã ban cho và xin Chúa thương tiếp tục đổ muôn ơn lành xuống trong cuộc đời chúng con, trên gia đình chúng con, trên dân tộc và trên quê hương chúng con. Amen.

CÔ ĐƠN LÀ THẾ NÀO..?

Thời tiết se lạnh thời gian gần đây làm tôi nghĩ ngay đến sự cô đơn bạn à.

Tôi cô đơn khi tôi bị vây bọc bởi những con sông thờ ơ, những mây mù ảm đạm. Tôi có thể cô đơn vì tôi không đến với người khác. Tôi cũng có thể cô đơn vì người khác không muốn đến với tôi. Cô đơn nào thì cũng là một hải đảo. Nhưng nỗi cô đơn bị người khác thờ ơ thì cay đắng hơn nỗi cô đơn tôi muốn sống lẻ loi một mình. Khi tôi tự chọn cho mình những giây phút cô lập thì tôi cũng có thể tự phá vỡ hàng rào cô đơn đó. Còn nỗi cô đơn bị người khác thờ ơ thì đưa tôi vào nỗi buồn mà có khi đau đớn hơn tù đầy, u ám hơn sự chết, vì đây là nỗi cô đơn tôi muốn chạy trốn mà chẳng trốn chạy được. Tôi thương, nhưng người khác có thương tôi không đấy là tự do của họ. Cho đi phần đời của mình mà không được đáp trả vì thế mới có xót xa.

Nỗi cô đơn của Chúa là nỗi cô đơn này. Ngài không lựa chọn cho mình sống cô đơn vì Ngài luôn muốn đến với người khác. Ngài đến với kẻ khác nhưng bị kẻ khác chối từ, gọi mà không có tiếng đáp trả. Do đấy, Ngài mới thấy cõi lòng tan nát trong vườn Cây Dầu. Bởi cõi lòng tan nát nên Ngài mới phải than thở: "Linh hồn Thầy buồn đến chết mất" (Mt 26,38).

Làm gì có cô đơn nếu có lời đáp trả. Không có lời đáp trả nên mới cứ phải chờ đợi. Ðợi chờ là khởi điểm của cô đơn. Ðợi chờ càng lâu thì nỗi cô đơn càng dài. Chờ đợi mà chẳng bao giờ xẩy tới thì nỗi cô đơn càng héo hắt.

Làm gì có cô đơn nếu có kiếm tìm. Làm gì phải kiếm tìm nếu đã đầy đủ. Vì thiếu vắng nên mới phải đi tìm. Khi sự thiếu vắng quá cay đắng thì nỗi cô đơn dẫn đến sự chết.

Sự thiếu vắng không hệ tại im lặng của không gian hoặc vắng bóng người mà hệ tại sự trống vắng của con tim. Có những quãng đời cô tịch, tôi đi một mình, nhưng càng lặng lẽ tôi càng nghe thấy niềm vui nhiệm mầu trong hồn. Có những khúc đời chung quanh tôi tấp nập bước chân, rộn rã lời cầu chúc mà tôi vẫn nghe hiu hắt. Chúa cũng vậy, những đêm dài ở sa mạc chỉ có trăng và cỏ cây, chỉ có núi đồi và gió thổi, nhưng Chúa không cô đơn. Chiều thứ sáu ở Jerusalem tấp nập chân người mà cõi lòng Chúa thì hoang vắng. Trong vườn Cây Dầu có các môn đệ đi theo mà Chúa vẫn thấy lẻ loi.

Kẻ cô đơn là kẻ đi tìm niềm cảm thông nhưng chẳng gặp. Vì không gặp nên họ đành trở về thế giới nội tâm cô lẻ của riêng mình. Vì thế giới nội tâm đó đang heo hút trống vắng, nên họ chỉ bắt gặp sự thiếu thốn ở đó mà thôi. Sống trong thiếu thốn để rồi nhìn kẻ khác đầy đủ vì thế mới có nước mắt xót thương cho đời mình.

Ai cũng có lúc cô đơn vì chẳng ai đầy đủ. Ai cũng phải đi tìm vì ai cũng thiếu vắng. Nhưng có những thiếu vắng dễ tìm thấy. Có những thiếu vắng như mênh mông vô hạn. Khi Chúa mất hết tình thân, Chúa tìm đến với Chúa Cha: "Eli, Eli, lema sabakthani. Ôi! Cha nỡ bỏ con sao" (Mt 27,46). Khi lòng tôi tan nát, khi đời tôi đắng cay, tôi cũng vẫn còn hy vọng là Chúa. Nếu tôi mất Chúa thì đây mới là sự thiếu vắng hoang tàn nhất. Ðây là cô đơn không còn lối thoát.

Trong nỗi cô đơn của tôi hôm nay, khi mà tôi không còn tìm đâu được niềm vui, tôi cũng sẽ nói với Chúa: - Ôi! Cha nỡ bỏ con sao. Tôi tin là Chúa hiểu cõi lòng tôi vì đây chính là lời nguyện của Ngài, lời nguyện của kẻ cô đơn trong giờ cô đơn nhất. Chỉ có ai đã cô đơn mới có thể hiểu nỗi buồn, mới thấy cái hoang dại trong cuộc đời của kẻ cô đơn.

Chúa đã cô đơn trên thập giá.