Translate

Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY, NĂM B


Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. (Mc 1, 15)

Từ thứ tư lễ tro, chúng ta đã bước vào mùa Chay thánh. Đó là thời gian 40 ngày chuẩn bị mừng lễ Phục sinh. Thông thường, chủ nhật thứ nhất mùa chay, Giáo Hội đọc lại trình thuật về việc Chúa Giê su bị cám dỗ trong sa mạc. Khác với thánh sử Mátthêu và Luca tường thuật cách chi tiết về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc, thánh sử Máccô lại chỉ giới thiệu cách vắn tắt việc Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ có đi vào chịu cám dỗ, nhưng chỉ dừng lại ở con số thời gian chịu cám dỗ mà không nói gì về cách thức mà satan bày ra để cám dỗ Đức Giêsu. Bài Tin Mừng cho thấy sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Thần đã thúc đẩy Đức Giêsu vào sa mạc, sống trong chay tịnh và cầu nguyện để tìm ra thánh ý của Thiên Chúa muốn Người thực hiện. Thánh Marco chỉ nói lướt qua về việc Chúa chịu Satan cám dỗ, song cũng đủ cho thấy sa mạc chính là nơi để gặp gỡ Thiên Chúa, song cũng là nơi con người sẽ phải đối diện với những  cám dỗ của satan. Song Đức Giêsu đã vào sa mạc với sự hướng dẫn của Thánh Thần, và chính Thánh Thần luôn hiện diện trong cuộc đời của Đức Giêsu để thêm sức mạnh cho Ngài chọn lựa con đường cứu chuộc nhân loại bằng đau khổ thập giá, bằng vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha.

Thật vậy, sa mạc đối với Chúa Giê su là nơi chiến đấu chống lại ma quỉ. Ngài phải chống lại các cơn cám dỗ chạy theo danh vọng, quyền lực và dùng phép lạ để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Thật ra, tên cám dỗ không có gì để hiến cho Ngài. Tất cả chỉ là láo khoét trong các lời hứa của nó. Thế nhưng cho đến hôm nay đó vẫn luôn luôn là chiến thuật lừa dối mọi người. Thí dụ như nó làm mọi cách khiến người ta tin rằng rượu và ma túy là linh dược chữa lành tất cả những cơn lo âu; nhưng rốt cục đó là lời dối trá chỉ mang lại sự tha hóa tinh thần mà thôi. Hoặc nó làm người ta tin rằng sau khi ly dị sẽ hạnh phúc hơn,  nhưng cuối cùng chỉ là nỗi thất vọng ê chề để lại cho mọi người trong cuộc. Đằng sau những khẩu hiệu hứa hẹn đủ thứ, giải quyết mọi vấn đề còn tồn đọng trong xã hội, nhưng cuối cùng, chỉ đưa đến sự thù hằn giữa mọi tầng lớp, mọi chủng tộc. Phải nói rằng: ma quỉ làm hư hoại tất cả những gì nó chạm đến; đó là dấu vết cho thấy nó đã đi qua. Ma quỉ cũng có thể cám dỗ chúng ta nghĩ rằng sống làm con Thiên Chúa là điều vượt quá khả năng thực hiện, nên không bao giờ chúng ta có thể thành công. Từ đó, chán nản, buông xuôi, chúng ta không còn muốn cố gắng đứng lên nữa. Và một trong những cám dỗ nguy hiểm nhất mà chúng ta phải chống lại, đó là không làm gì đặc biệt để đánh dấu mùa Chay. Bốn mươi ngày có thể trôi qua như những ngày khác. Rồi không sớm thì muộn, chúng ta dễ bị lôi kéo rất nhanh theo nhịp sống quen thuộc hằng ngày, để mùa chay chỉ còn là tên gọi không để lại một dấu ấn nào cả trong cuộc sống. Và đó chính là điều khiến chúng ta phải nhớ phải bắt đầu « ngay tức khắc » mà Tin mừng hôm nay gợi ý. Hoặc là ngay bây giờ, hoặc là không bao giờ. Như Chúa Giê su, chúng ta phải lựa chọn để đáp lại thánh ý Chúa Cha. Trong một môi trường ồn ào và đầy cạnh tranh của thế giới hôm nay, chúng ta có can đảm dành những khoảnh khắc im lặng để gặp Thiên Chúa không? Đúng, chúng ta cần có sa mạc, vì Thiên Chúa không ở trong cảnh ồn ào. Tóm lại, mùa chay trước tiên là thời gian sám hối, một cuộc sống quay ngược 180 độ; sám hối, tức là quay trở về với Thiên Chúa, là điều cốt yếu của cuộc đời chúng ta. Và cũng có nghĩa là chúng ta phải xa lánh các bụt thần, các điều tầm thường khiến chúng ta bận tâm và xa cách Thiên Chúa. Sám hối là xa lánh tội lỗi và quay về với lòng nhân từ của Thiên Chúa; là mở lòng ra cho Thánh Thần hoạt động, gần giống  như một con tàu cánh buồm, không thể lướt tới nếu không có gió. Nhưng gió cũng không làm gì được nếu cánh buồm không giương lên. Đối với chúng ta cũng thế: chúng ta chỉ thực sự tiến bộ trong mùa chay này nếu chúng ta mở ra cho hành động của Chúa Thánh Thần. Sám hối là nghe vọng lại tiếng gọi nên thánh gửi đến cho mọi người.

Liền sau đó, thánh sử Máccô nói ngay đến sứ điệp đầu tiên của việc rao giảng: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Như thế, tác giả muốn gắn liền việc giữ chay với việc canh tân đời sống và tin, cùng nghĩa là cần tin vào Thiên Chúa mới có được khả năng hoán cải đích thực. Dù không kể chi tiết, nhưng con số thời gian 40 ngày chay tịnh của Đức Giêsu vẫn được thánh sử Máccô nhắc đến, cho thấy con số tượng trưng này mang một ý nghĩa lớn trong chương trình cứu độ của Đức Giêsu: Một sự khởi đầu như Môisê hay Êlia xưa lên núi của Đức Chúa 40 ngày đêm (x.Xh 24,18; 1V 19,8). Con số 40 ngày chay tịnh là thời gian có giá trị tượng trưng cho 40 tuần thai nghén, thời gian chuẩn bị cho một cuộc sinh nở mới, mà đối với Đức Giêsu đang chuẩn bị sinh ra một nhân loại mới, một cuộc tân sáng tạo. Con số 40 còn gợi lại 40 năm trong sa mạc mà dân Israel đã ngã gục muốn quay lại với nồi thịt dưa hành, thờ bò vàng và bao lần kêu trách Thiên Chúa. Còn hôm nay cũng những cám dỗ ấy Đức Giêsu đã thắng. Việc chay tịnh bốn mươi ngày không chỉ hệ tại ở việc kiêng bớt chuyện ăn uống, mà là một sự thanh luyện thay đổi nếp sống mình, một sự ra khỏi những gì không còn thích hợp, một sự loại bỏ đường lối và quan niệm cũ... Đó mới chính là những điều thánh sử Máccô nhắm tới khi tường thuật rất súc tích việc Chúa Giêsu được Thần Khí đẩy vào sa mạc để chịu cám dỗ hôm nay. Thật vậy, Mùa Chay  nghiêm túc còn bao gồm một cố gắng nuôi dưỡng đức tin bằng việc đọc và suy niệm Tin mừng thường xuyên. Cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích ngày nay nhiều khi mang dáng dấp một cuộc chiến thật sự. Phải chiến đấu chống lại tất cả những gì khiến chúng ta sao lãng những việc của Thiên Chúa. Tin vào Thiên Chúa không phải là điều tự nhiên mà có. Phải muốn và chọn lựa. Có như thế thì ở cuối con đường, mừng lễ Phục sinh mới thực sự có ý nghĩa. Thật vậy, mùa Chay là một cuộc leo núi cần thiết tiến về lễ Phục sinh. Bốn mươi ngày ban cho chúng ta để học yêu thương một cách mới mẻ, theo cách Đức Ki tô. Bốn mươi ngày để bước đi theo một nhịp điệu khác, để dọn dẹp, để thanh tẩy. Bốn mươi ngày để học sống !

********

Lạy Chúa, Mùa Chay thánh giúp chúng con trở về với sa mạc nội tâm, để thấy mình đang ở đâu trong đường lối Chúa. Xin cho chúng con từ bỏ những đam mê thể xác, từ bỏ cái tôi và quyết tâm chọn Chúa là gia nghiệp cuộc đời. Amen

MỒNG BA TẾT – THÁNH HOÁ CÔNG ĂN VIỆC LÀM

Hôm nay mồng ba tết, ngày truyền thống Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cầu xin Thiên Chúa chúc lành và thánh hoá công ăn việc làm trong năm mới. Phụng vụ Lời Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta ý thức hơn về việc làm sinh lợi cho Thiên Chúa qua ân huệ và khả năng mà Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta. Bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta về mối tương quan chủ và thợ: Có một ông chủ sắp đi xa liền gọi các đầy tớ đến mà trao phó tài sản của ông.  Ông chủ này quá tốt, đã tin tưởng trao hết tài sản mình cho công nhân, không đắn đo tính toán. Ông cho họ có cơ hội để lập nghiệp. Ông rất nhân đạo và biết nhìn người, ông trao cho người này năm nén, người kia ba nén, người khác một nén tùy khả năng mỗi người. Điều đó có nghĩa là ai có khả năng như thế nào thì ông chủ tạo điều kiện cho như thế, không bắt ép họ phải chịu trách nhiệm vượt quá khả năng của mình. Điều ông chờ đợi và đòi ở đầy tớ của ông, không phải là chuyện lời hay lỗ, mà là sự chăm chỉ làm việc và làm việc trong sự hăng say phấn khởi biết ơn ông. Ông không chấp nhận sự lười biếng, lười suy nghĩ tính toán, không cố gắng. Câu chuyện cho thấy khi ông chủ trở về, đã gọi đầy tớ đến để tính sổ. Người năm nén sinh lời được năm nén khác, người ba nén cũng vậy, những người này đều được ông chủ khen là những đầy tớ tốt lành và trung tín.Sự tín trung với chủ và giữ chữ tín trong công việc chính là điều khiến những người này được khen thưởng. Trái lại, sự bất tín biếng nhác, lười suy nghĩ tính toán, ù lỳ thụ động là điều không thể chấp nhận. Người lãnh một nén đã đem chôn giấu nén bạc ông chủ, vì anh đã có cái nhìn hoàn toàn sai lạc về chủ của mình. Anh phân bì cho rằng chủ mình keo kiệt tham lam, hà khắc, gặt chỗ không gieo thu nơi không phát. Anh còn mang thái độ sợ hãi thay vì yêu mến biết ơn ông chủ, nên đã chôn giấu nén bạc của chủ. Từ cái nhìn không đúng về chủ, nên anh cũng không quan tâm gì đến việc kinh doanh sinh lời vốn liếng chủ trao. Đối với ông chủ, ngay việc giữ huề vốn nguyên vẹn một nén bạc đã không thể chấp nhận, ít ra anh ta cũng phải làm lời theo lãi suất ngân hàng.

Qua thái độ của ông chủ và những người đầy tớ trong câu chuyện của Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ cho thấy: Thiên Chúa chính là ông chủ tốt lành, Ngài ban cho mỗi người những khả năng và tài năng khác nhau. Ngài còn tạo cho chúng ta có nhiều cơ hội để phát triển các khả năng và tài năng đó. Ngài muốn chúng ta làm việc hết mình với lờng biết ơn và yêu mến. Ngài chờ đợi chúng ta biết tận dụng thời giờ để làm lời những gì đã nhận được từ nơi Chúa. Nén bạc Chúa trao cho chúng ta hôm nay có thể là thời giờ, sức khỏe, tuổi trẻ tài năng và của cải vật chất, chúng ta phải sinh lời gấp đôi gấp ba những cái chúng ta đã nhận. Có những người Chúa ban cho nhiều cơ hội nhưng vì lười biếng hoặc chần chừ, thụ động nên đã để vuột mất cơ hội ấy. Những người khác đã nắm bắt được cơ hội và đã sinh lời cho bản thân và cho gia đình của mình.

TÓM LẠI: Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, Người muốn con người cộng tác vào công trình tạo dựng của Người qua đời sống lao công, đồng thời Người ban mọi ân huệ: thời gian, sức khoẻ và tài năng cho con người, để con người hoàn thành những gì Người đã giao phó: 

- Một ông chủ đi xa trao lại cho các đầy tớ gìn giữ những nén bạc của ông. Nghĩa là khi dựng nên chúng ta, Thiên Chúa trao cho chúng ta một ân huệ tuỳ khả năng từng người, rồi Ngài ban cho chúng ta sức khoẻ, thời giờ, tài năng, để chúng ta làm sinh lợi cho Ngài.
- Người nhận năm nén hay hai nén hoặc một nén là tuỳ khả năng mà ông chủ tín nhiệm giao cho. Điều ông chủ muốn là sinh lời chứ không phải chôn giấu tiền bạc của ông chủ để chờ khi ông về trả lại. Cũng vậy, Thiên Chúa ban cho ta ơn đức tin qua Hội Thánh, chúng ta cần làm cho đức tin lớn mạnh qua việc thực thi đức ái Kitô Giáo, chứ không phải cứ lấy lý do “đạo tại tâm” rồi không làm gì cả.
- Người nhận hai nén và năm nén đã sinh lợi gấp đôi, nghĩa là những ai biết dùng ơn Chúa để hoàn thiện bản thân và mưu ích cho tha nhân, cho cộng đoàn, giáo xứ và Giáo Hội.
- Người nhận một nén đã chôn giấu đi, nghĩa là dù mang trên mình ấn tích rửa tội nhưng đã không sống đạo, đã để cho hạt giống đức tin bị chôn vùi và không sinh hoa trái gì cho đời sống thiêng liêng.
- Cái khác nhau ở chỗ là: người làm sinh lợi là người tin tưởng và yêu mến ông chủ nên đã tự nguyện làm việc nên đáng được ông chủ thưởng công; còn người sợ ông chủ và nghĩ xấu về ông chủ là người hà khắc nên đã sợ sệt đem chôn giấu nén bạc. Chúng ta cũng vậy, khi chúng ta tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa mà sống đạo, thì tự sự yêu mến sẽ sinh hoa kết quả; còn khi chúng ta làm vì sợ Chúa phạt thì không đem lại công phúc gì.
- Cuối cùng kẻ có được cho thêm, còn kẻ không có thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi, nghĩa là Chúa ban cho chúng ta sức khoẻ, tài năng, cơ hội…, nếu chúng ta không chuyên cần cố gắng trau dồi, thì tự nó sẽ thui chột đi. 

*******
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con những ân huệ cần thiết để cộng tác với Ngài trong công trình tạo dựng. Xin Chúa ban cho chúng con được mưa thuận gió hoà và chúc lành cho mọi công việc của chúng con, để chúng con vừa có lương thực hằng ngày nuôi dưỡng thể xác, vừa để đóng góp vào sự phát triển xã hội nhân loại như lòng Chúa ước mong, lại vừa làm cho Chúa được vinh danh khi chúng con biết sử dụng sao cho ích lợi qua những ân huệ Chúa ban. Amen.