Chúng ta thường
nghe nói:
- Chết là hết.
Những người chủ trương như thế là những kẻ mang nặng đầu óc
vật chất, không tin ở đời sau, không hy vọng gì ở một tương lai vĩnh cửu. Còn
chúng ta thì khác. Với cái chết, thì một cuộc sống khác được khởi đầu. Có thể
là hạnh phúc mãi mãi, nhưng cũng có thể là khổ đau đời đời, tùy theo việc lành
dữ chúng ta đã làm khi còn sống ở trần gian này. Đây là một vấn đề đòi hỏi
chúng ta phải tin.
Còn Chúa Giêsu, Ngài nghĩ gì về cái chết? Theo Cựu Ước,
người Do Thái không quan niệm chết là hồn lìa khỏi xác, vì đó là quan niệm của
người Hy Lạp. Còn người Do Thái thì cho rằng chết là mất hết sự sống. Với phép
lạ cho Lagiarô sống lại, Chúa Giêsu không quan tâm đến việc tìm hiểu xem sự
sống và sự chết là gì, nhưng điều chính yếu Ngài muốn gởi gấm, muốn xác quyết:
Ngài chính là sự sống lại và là sự sống.
Đây cũng là một chủ đề được đề cập đến nhiều lần qua Tin
Mừng theo thánh Gioan. Với người phụ nữ Samaria
bên bờ giếng Giacob, Ngài xác quyết: Nước Ta ban sẽ vọt lên đem lại sự sống đời
đời. Sau phép lạ bánh hoá nhiều, Ngài nói với người Do Thái: Ta là bánh ban sự
sống. Nơi khác Ngài bảo: Ta là ánh sáng mang lại sự sống. Có lần Ngài đã mạnh
mẽ công bố: Ta là đường, là sự thật và là
sự sống. Mục đích của Ngài đến trong thế gian là gì, nếu không phải là để cho
chúng ta được sống và được sống một cách dồi dào.
Và để thực hiện mục đích này Ngài đã phải trả một cái giá
thật đắt bằng chính mạng sống của Ngài với cái chết trên thập giá. Ngài đã sánh
ví mình như hạt lúa được gieo trên ruộng đồng, có mục nát đi, thì mới sinh
nhiều bông hạt. Ngài đã sánh ví mình như người mục tử nhân lành, hiến mạng sống
vì đàn chiên. Và chính Ngài đã thực hiện lời giảng dạy: Ta đến không phải để
được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình là giá cứu chuộc cho
nhiều người.
Qua cái chết của mình, Ngài đã đem lại cho chúng ta ơn cứu
độ, cũng như biểu lộ được tình yêu tuyệt vời Ngài đã dành cho chúng ta, bởi vì
không ai yêu hơn người liều mạng sống mình vì bạn hữu.
Cùng một sự kiện mà có người thì chấp nhận, nhưng có kẻ lại
từ khước.
Đức tin, dĩ nhiên là
một ơn huệ của Thiên Chúa, thế nhưng nó không phải là một kho tàng được trao
ban một lần thay cho tất cả vì sẽ không bao giờ bị mất đi. Trái lại, đức tin
giống như một bông hoa quí nhưng lại dễ tàn và dễ héo, nếu chúng ta không biết chăm
sóc cho nó.
Chúng ta nói nhiều về đức tin, nhưng thử hỏi được mấy người
đã thực sự vun trồng cho đức tin trong cõi lòng của mình. Đức tin không phải là
một món ăn được nấu chín và dọn sẵn cho chúng ta, nhưng là một cây được trồng
nơi thửa đất là tâm hồn chúng ta.
Bởi đó, hãy vun trồng và chăm sóc cho cây đức tin của mình
được đâm rễ sâu, vì rễ có sâu thì cây đức tin mới đứng vững được trước những
phong ba và bão táp.