Translate

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

LỄ TẤT NIÊN


Trong bối cảnh của ngày cuối năm Âm Lịch, chúng ta cũng có dịp nhìn lại suốt một năm qua với bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình, giờ còn lại điều gì? Chúng ta đã thương ai và đã quên ai, chúng ta đã làm được gì cho Chúa và cho nhau… Hay tất cả chỉ còn là con số không? Chúng ta nhìn lại, không phải để thất vọng và nuối tiếc, nhưng nhìn lại để tạ ơn Thiên Chúa vì một năm đã trải qua đủ vui buồn sướng khổ, nhưng tất cả đều trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng Mẹ Maria cất cao lời tạ ơn Thiên Chúa qua bài Magnificat mà bài Tin Mừng hôm nay ghi lại.

Tuy lời kinh hoạ lại tâm tình của bà Anna mẹ của Samuel (x. 1Sm 2, 1- 10) cùng với những chắt lọc ý nguyện của các lời kinh Cựu Ước đương thời, nhưng quan trọng hơn cả là được đọc trong một tâm tình của một người nữ tỳ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa và cộng tác trực tiếp trong chương trình cứu độ. Kinh Magnificat được khởi đầu bằng niềm vui của một con người được cứu độ (x. Lc 1, 47), kế đến nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những ai hèn mọn (x. Lc 1, 48- 53) . Đặc biệt, điều được nói đến nhiều nhất là sự đối nghịch giữa thế lực giàu và người nghèo bị áp bức, và Thiên Chúa đã yêu thương cứu giúp người nghèo khó khiêm hạ. Có thể nói, Mẹ Maria đã cất lên bài ca của những người bị áp bức, mà trong đó Mẹ và bà Elisabeth diễn tả mối bận tâm của mình dành cho dân Israel. Mẹ Maria đã nhận vào trong con người của Mẹ một cảm thức và mối bận tâm của bà Anna sau khi bà này sinh hạ Samuel, và ca ngợi về tất cả những điều này vào trong một bài ca biết ơn. Thánh sử Luca giữ lấy cảm thức này cho chúng ta trong kinh Magnificat mà ngài đặt như là một lời dẫn cho việc công bố của Đức Giêsu về sứ mạng của Người là giải phóng người nghèo và những kẻ bị bỏ rơi (Lc 4, 18- 19). Khi hát lên lời này, Đức Maria như muốn tuyên bố, Thiên Chúa không đánh giá con người theo tiêu chuẩn trần thế. Những con người thành đạt, giàu sang và leo lên đỉnh cao quyền lực, có lẽ sẽ làm cho mọi người kính nể và sợ sệt, nhưng đối với Thiên Chúa thì không. Giàu sang và quyền lực trần thế chỉ là thứ chóng qua như “con người chóng qua như cỏ”. Thiên Chúa chú tâm đến người góa bụa, trẻ mồ côi, người hèn mọn, những con người không có chút quyền hành gì, những con người vô tích sự trước mắt người đời. Kẻ giàu sang quyền thế thường thoả mãn về mình; người nghèo hèn chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Kinh Magnificat là tuyên ngôn: Thiên Chúa là Thiên Chúa của người nghèo và người bị áp bức; phúc cho người nghèo vì có Thiên Chúa là Đấng luôn chăm sóc họ. Mẹ Maria là mẫu gương sự nghèo khó và lời kinh Magnificat mà Mẹ hát lên phản ánh việc Mẹ đứng về phía những người bị áp bức. Điều này làm cho lời kinh này mang một tính cách mạng vĩ đại: cần phải thay đổi vị trí xã hội để mọi người được bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Vậy, chúng ta hãy mời Mẹ cùng vào nhà chúng ta, cùng đến gia đình chúng ta để cùng “ăn tất niên” và ca ngợi Thiên Chúa với chúng ta.

********

Lạy Chúa, xin ban cho mọi người chúng con bắt đầu một năm mới tràn đầy niềm tin, lòng mến và hy vọng, biết phấn đấu sống từng ngày trong sự yêu thương quan phòng của Chúa. Để năm mới này, chúng con thêm đổi mới, từ tâm hồn đến thể xác, nên con người mới là chỉ biết sống cho Chúa và tha nhân. Amen.

THỨ NĂM SAU LỄ TRO


Người bảo rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại”. (Lc 9, 22)

Một trong những cám dỗ thường xuyên của con người hôm nay là tìm kiếm một Chúa Giêsu không thập giá, một thứ Tin Mừng không nhuốm mồ hôi nước mắt và một thứ Kitô giáo dễ dãi. Điều này đi ngược với lời rao giảng của Chúa Giêsu khi Người mời gọi mọi người đi theo Người: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất ; còn ai liều mạng sống mình vì Ta thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Lc 9, 23-24).

Theo lẽ thường tình của con người, chúng ta biết rằng chẳng ai đạt được thành công trong cuộc sống mà không phải trả giá cho những thành công ấy. Để có ngày tốt nghiệp, người học sinh, sinh viên phải cực khổ, miệt mài đèn sách học hỏi. Để có được mùa gặt bội thu, người nông dân phải lao động vất vả trên cánh đồng. Trong tương quan tình yêu cũng thế, người ta cũng phải trả giá đau khổ vì yêu và vì yêu nên chấp nhận đau khổ. Nói đến tương quan tình yêu, chúng ta không thể không nói đến tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Vì yêu con, nên cha mẹ phải hy sinh, vất vả, cực khổ để nuôi dạy con nên người. Vì yêu con, nên cha mẹ sẵn sàng dành tặng cho con những gì là tốt đẹp nhất, kể cả sự sống của mình. Như thế, đau khổ chỉ có giá trị trong tình yêu, và tình yêu làm cho đau khổ có một giá trị cứu độ. Trên nền tảng không tách rời giữa tình yêu và đau khổ, chúng ta cùng gặp gỡ khuôn mặt Chúa Giêsu – Đấng đã chết, đã chịu đau khổ vì yêu thương nhân loại. Có thể xác tín rằng Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu là đỉnh cao của một tình yêu hiến tế, tình yêu thập giá. Một khi sống yêu thương thì phải chấp nhận hy sinh, chấp nhận thập giá, chấp nhận mất đi mạng sống mình vì hạnh phúc của người mình yêu như lời Chúa Giêsu nói “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Vì lý tưởng tình yêu của mình, Chúa Giêsu sẵn sàng đón nhận sứ mạng khi đến trần gian là “để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn dân” (Mc 10,45). Vì lý tưởng tình yêu của mình, Chúa Giêsu đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,6-9). Như thế chúng ta thấy con đường tình yêu hiến tế mà Chúa Giêsu đã đi là con đường dẫn đến vinh quang phục sinh. Người đã đi đến tận cùng của mầu nhiệm tự hủy như hạt lúa mì rơi xuống đất và chịu thối đi để sinh nhiều hoa trái.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi mọi người đi theo con đường của Người : Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất ; còn ai liều mạng sống mình vì Ta thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Lc 9, 23-24). Tiếp bước Chúa Giêsu, lịch sử Giáo Hội ghi nhận biết bao những tấm gương anh hùng sống mầu nhiệm tình yêu hiến tế theo gương Thầy Chí Thánh. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Có nên từ bỏ ý riêng để vác thập giá mình đi theo Chúa Giêsu không? Trước hết, vác thập giá theo Chúa Giêsu có nghĩa là phải thực hiện trọn vẹn mọi chiều kích của giới răn yêu thương như Chúa Giêsu đã làm gương dù phải gặp nhiều đau khổ, hy sinh, thua thiệt. Vác thập giá theo Chúa Giêsu còn là can đảm uống cạn chén đắng khi để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, làm chủ trọn vẹn cuộc đời mình. Như thế, vác thập giá theo Chúa Giêsu là điều chẳng dễ dàng chút nào. Và rất có thể chúng ta cũng như Phêrô khi ngăn cản Chúa Giêsu lên Giêrusalem để chịu chết, để rồi chúng ta sẽ bị Chúa Giêsu khiển trách : “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23). Chúng ta sẽ bị Chúa Giêsu khiển trách vì đã không cố gắng thực hiện chương trình của Thiên Chúa, mà chỉ muốn thực hiện kế hoạch của riêng mình hay theo khuynh hướng của trần gian. Tiếp theo, vác thập giá đi theo Chúa Giêsu còn là việc chu toàn bổn phận hàng ngày. Điều này cũng chẳng dễ dàng chút nào, vì có những lúc thập giá cuộc đời sao mà nặng nề quá, chúng ta chỉ muốn buông xuôi, mặc cho dòng đời đưa đẩy.

Trước những cám dỗ, thử thách khi sống mầu nhiệm thập giá, chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta thêm hiểu biết Lời Chúa và thêm sức mạnh của bí tích Thánh Thể để có thể vững bước trong tin yêu và hy vọng, để chúng ta can đảm chịu đau khổ thập giá vì yêu thương và để cùng được Phục Sinh vinh quang với Người.

*******

Lạy Chúa, trong cuộc sống hàng ngày, chúng con phải đối diện với những cám dỗ, thử thách khi sống mầu nhiệm tình yêu thập giá. Xin Chúa cho chúng con thêm hiểu biết Lời Chúa và thêm sức mạnh nhờ bí tích Thánh Thể để chúng con có thể vững bước trong tin yêu và hy vọng, đồng thời để chúng con can đảm chịu đau khổ thập giá vì yêu thương và để cùng được Phục Sinh vinh quang với Chúa. Amen.