Translate

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

MÓN QUÀ GIÁNG SINH

Hơn hai mươi năm trước đây, vào ngày 3 tháng 12 năm 1989, tại cuộc họp thượng đỉnh giữa hai siêu cường Nga-Mỹ ở đảo Malta, tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush đã tặng cho chủ tịch Liên Sô Mikhail Gorbachev một món quà Giáng Sinh khá lạ lùng. Một viên gạch cũ với ký hiệu hòa bình viết bằng mực sơn loang lổ.

Có người thắc mắc tại sao món quà lại là một viên gạch trơ trụi loang lổ? Nếu biết rằng viên gạch đó được lấy từ bức tường Bá linh mới sụp đổ hai tháng trước, ta sẽ không ngạc nhiên. Viên gạch đánh dấu một khúc ngoặc mới trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Hai siêu cường đã đồng ý giải trừ vũ khí nguyên tử, và cùng hợp tác xây dựng hòa bình.

Món quà Giáng Sinh tuy mộc mạc, nhưng lại là một biểu tượng của khát vọng hòa bình. Viên gạch là nhịp cầu nối kết giữa hai siêu cường, mở ra một thời kỳ mới: từ đối đầu đến đối thoại, từ nghi ngờ đến cộng tác, từ kình địch đến thân hữu. Hòa bình không phải chỉ là không có chiến tranh, không chỉ là ngưng tiếng súng. Hòa bình là hoa trái sinh ra từ những tâm hồn thiện tâm, những tâm hồn hướng thượng.

Chia Sẻ:

Trên hai ngàn năm trước, nhân loại cũng nhận được từ Trời cao một món quà mộc mạc như thế. Con Thiên Chúa giáng sinh không kèn không trống, không nhà cửa trú thân. Dấu chỉ duy nhất để người ta nhận ra Ngài là: “một con trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2, 12). Đấng Tối Cao đã từ trời xuống, chấp nhận thân phận hữu hạn của con người. Được cưu mang trong dạ mẹ, Ngài được sinh ra như bao con trẻ khác.

Đêm Con Thiên Chúa chào đời là một đêm lạ lùng. Không được chào đời tại mái nhà thân yêu ở Nazarét. Cũng không được chào đời nơi một căn phòng tử tế dành cho lữ khách ở Bêlem.

Tại sao thế? Đơn giản là vì không có chỗ. Phải chăng vì Giuse và Maria không đủ tiền trả cho một chỗ qua đêm? Hay phải chăng các chủ quán đều ngại ngùng khi phải cưu mang một người phụ nữ sắp sanh, vì sợ ô uế, sợ phiền phức? Ngài đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. (x. Ga 1,11).

Đấng Cứu Thế đã phải sinh ra trong hang bò lừa. Phải mất bao lâu Giuse mới tìm được chỗ này trong đêm? Hãy cảm nếm nỗi lo sợ, vất vả, lúng túng của đôi vợ chồng trẻ. Họ phải đối diện với những rắc rối lớn lao và bất ngờ.

Mời bạn hãy hình dung hang đá năm xưa. Nó rất khác với những gì được chưng bày ở ngoài phố chợ hay trong nhà thờ. Một chuồng bò lừa xiêu vẹo tối tăm, ẩm ướt, hôi hám. Tối tăm vì không đèn đuốc chiếu sáng. Lạnh lẽo ẩm ướt vì ở nơi đồng không mông quạnh, gió lùa sương đêm, không che chắn. Hôi hám vì là nơi trú thân của súc vật.

Có người mẹ nào muốn sanh con trong những điều kiện thiếu thốn, mất vệ sinh như thế? Có người cha nào muốn con mình phải chào đời trong hoàn cảnh cùng cực như thế? Không nơi nương tựa, không người giúp đỡ. Maria phải vất vả sanh con một mình. Giuse phải chạy đôn đáo kiếm củi để sưởi, lấy nước để tắm rửa cho em bé. Tủi thân lắm chứ! Chua xót lắm chứ!

Nhưng khi tiếng khóc chào đời của Hài Nhi cất lên giữa đêm khuya, ơn cứu độ đã đến với nhân loại. Ôi lạ lùng thay cách Con Thiên Chúa làm người!

Món quà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại được gói ghém trong sự đơn sơ mộc mạc như thế đấy. Một hài nhi thật bé bỏng mong manh, nhưng đó chính là tình yêu trọn gói. Tình yêu trọn vẹn là tình yêu trao ban chính mình. Con Thiên Chúa đã không ban phát ơn huệ từ tòa cao. Nhưng Ngài đến trong những điều kiện thiếu thốn nhất để chia sẻ thân phận mỏng dòn của kiếp người. Để những ai cô đơn nghèo hèn, những ai bị hất hủi bỏ rơi, nhưng ai bị gạt ra bên lề xã hội, có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài ngay trong cuộc sống.

Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã ra đời. Hôm nay, Ngài là nguồn vui, là an bình của bao tâm hồn cô đơn trống vắng. Hôm nay, Ngài là ý nghĩa của tất cả những lễ nhạc chúng ta cử hành nơi các thánh đường.

Nhưng ngoài kia, Ngài cũng bị lạm dụng thê thảm. Nhân danh mừng sinh nhật Ngài, người ta ăn chơi hưởng thụ phung phí, tổ chức những buổi tiệc thịnh soạn, dạ vũ tưng bừng, đến mức thác loạn ở nhiều nơi.

Có mấy ai thực sự nhớ đến ý nghĩa của máng cỏ năm xưa? Có mấy ai đã thực sự mời Con Thiên Chúa vào tâm hồn mình? Hay là ông già Noel, cây thông, quà cáp đã thay thế máng cỏ và ngôi sao Giáng Sinh? Ước gì chúng ta biết phân biệt giữa niềm vui Giáng Sinh và niềm vui hội hè đình đám.

Hôm nay, mời bạn hãy trở về với ý nghĩa đích thực của Mùa Giáng Sinh. Xin hãy dành ít phút dừng lại bên máng cỏ để cảm nghiệm Đấng Tình Yêu đang muốn đi vào cuộc sống chúng ta. Xin hãy cho Ngài một chỗ trọ trong tâm hồn của mình.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.
Xin cho con đón lấy cuộc đời con với bao điều không như ý.
Và cuối cùng, xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con. Amen.

PHO TƯỢNG ĐÁ

Trong những giai thoại về các thánh ẩn tu vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo có câu chuyện sau đây:

Bảy vị ẩn tu nọ kéo nhau đến sống trong một ngôi đền bỏ hoang của người Ai-cập. Phía trước ngôi đền có một pho tượng đá. Ðây là pho tượng duy nhất còn sót lại sau khi ngôi đền bị cướp phá.

Vị cao niên trong bảy tu sĩ ấy tên là Ðu-bô. Ông được anh em bầu lên làm bề trên của cộng đoàn.

Ðể dạy cho anh em một qui luật cơ bản của đời sống cộng đoàn, mỗi buổi sáng ông ra đứng trước pho tượng, nhặt một hòn đá ném mạnh vào đó. Rồi chiều đến ông lại trở ra đứng trước pho tượng và lớn tiếng xin lỗi vì hành động ném đá của ông.

Cử chỉ khác thường của vị bề trên ấy kéo dài trong một thời gian khá lâu.

Một ngày kia, không còn làm chủ được tính tò mò, một người anh em trong cộng đoàn đã hỏi lý do của hành động khó hiểu ấy.

Vị bề trên đã trả lời bằng cách hỏi lại người đó như sau:

- Khi tôi ném đá vào pho tượng, pho tượng có lung lay không?

Người kia trả lời:

- Thưa, không.

Vị bề trên hỏi tiếp:

- Buổi chiều khi tôi đến xin lỗi, pho tượng ấy có để lộ xúc động nào không?

Người anh em cũng trả lời:

- Thưa, không.

Bấy giờ vị bề trên mới giải thích:

- Anh em thân mến, chúng ta có tất cả bảy người trong cộng đoàn. Nếu chúng ta muốn sống hiệp nhất yêu thương nhau, chúng ta cũng hãy sống như pho tượng này.

Ðừng ai trong chúng ta tỏ ra giận dữ khi có người trong anh em xúc phạm đến mình. Và cũng đừng ai trong chúng ta tỏ ra hãnh diện khi có người đến xin lỗi mình.

Lời khuyên trên đây của vị bề trên đã được mọi người vui vẻ đón nhận. Và từ đó họ sống với nhau trong hòa thuận, an bình.

Chia Sẻ:

"Hãy để cho tôi yên!" Có lẽ đó là phản ứng thông thường của chúng ta khi bị người khác quấy rầy. Ai cũng muốn tránh sự quấy rầy của người khác. Ai cũng muốn co cụm trong vỏ ốc của mình.

Bình an nội tâm không thể là kết quả của sự trốn chạy, nhất là trốn chạy khỏi tha nhân.

Kinh nghiệm cho thấy càng trốn chạy tha nhân, càng khước từ và xua đuổi tha nhân ra khỏi tâm hồn chúng ta càng cảm thấy bị đầy đọa và cô đơn.

Một trong những điều kiện để có bình an nội tâm thực sự chính là đón nhận tha nhân, là tạo được sự hài hòa với tha nhân.

Qui luật cơ bản mà vị bề trên kia cho áp dụng trong cộng đoàn của mình cũng có giá trị cho mọi người chúng ta.

Cầu Nguyện:


Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết rằng sống là sống với tha nhân, và thật sự nhận ra cuộc sống chỉ thực sự có khi con người biết chấp nhận nhau, biết tha thứ cho nhau. Amen!