Translate

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

TỪ THẬP GIÁ TỦI NHỤC ĐẾN THÁNH GIÁ VINH QUANG.


Trong Ngày Chúa chết, Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, một hình dáng xù xì, khẳng khiu, vươn cao lên, xòe rộng ra, bao phủ lấy chúng ta: đó là Cây Thánh Giá của Chúa Giêsu Kitô.

Cây thập giá và Cây Thánh Giá khác nhau một trời một vực! Cây thập giá là do lòng hận thù của con người nghĩ ra, còn Cây Thánh Giá là do sáng kiến cứu chuộc của tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với loài người tội lỗi chúng ta.

Trên Cây Thánh Giá, Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã nếm chịu muôn vàn đau khổ ê chề: đau khổ bên ngoài: bị lột hết áo quần ra, không một mãnh vải che thân ...; đau khổ thể xác: từ trên đỉnh đầu cho đến dưới bàn chân, chẳng chỗ nào là chẳng xể xài rách nát, cùng bày xương ra ...; đau khổ tinh thần: bị sỉ nhục, bị cáo gian, bị chửi rủa thậm tệ ...; đau khổ tâm hồn: thấy trước đủ mọi thứ tội lỗi tầy trời do con người phạm, thấy trước đủ mọi thứ vong ân bội nghĩa phát xuất từ con người ...; đau khổ tình cảm: thấy những người thân yêu của mình, nhất là Mẹ mình, đang đứng dưới chân mà không làm gì được cho Mẹ thân yêu.

Nhưng dù ngụp lặn giữa đau khổ, Chúa Giêsu trên Cây Thánh Giá vẫn tỏ ra vô cùng nhẩn nhục, đầy lòng tha thứ, vui lòng chịu khổ để làm trọn Thánh Ý Chúa Cha và để tỏ lòng yêu thương loài người một cách đặc biệt.

Trên Cây Thánh Giá, Chúa Giêsu là Đấng vô tội, nhưng đã bị vu cáo; là Đấng Công Chính, nhưng đã bị kết án; là Đấng vô cùng thánh thiện, nhưng đã bị đày ải; là Vua trên trời dưới đất, nhưng đã bị hành hạ nhục nhã, bị đóng đinh chết tất tưởi; là Con Thiên Chúa toàn năng, nhưng đã bị thóa mạ, bị dày đạp, bị từ chối; là Ánh Sáng, nhưng đã bị tối tăm vây phủ; là Đấng vô cùng cao sang, nhưng đã bị trần truồng nhuốc hổ, treo mình chết trên hai miếng gỗ; là Sự Sống, nhưng đã phải trút hơi thở cuối cùng; là Sự Chết, nhưng cũng là sự Sống Lại.

Cây Thánh Giá tóm lược tất cả những tín điều vô cùng cao siêu của Đạo chúng ta: tín điều Một Thiên Chúa, tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi vô cùng sâu thẳm, tín điều Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, Nhập Thể, tín điều Cứu Chuộc ! Cây Thánh Giá dạy chúng ta nhiều bài học tín lý và luân lý:

Hình thẳng của Cây Thánh Giá: dạy chúng ta mến Chúa.
Hình ngang của Cây Thánh Giá: dạy chúng ta yêu người.

Tay Chúa Giêsu giăng ra: dạy chúng ta ôm lấy tất cả mọi người, không xua trừ ai; tha thứ tất cả mọi xúc phạm lớn nhỏ, không trừ xúc phạm nào.

Tay Chúa Giêsu bị đóng đinh: đền những tội tay chúng ta thường phạm, là biếng nhác, trộm cắp, tức giận, dâm ô; treo cao gương cho chúng ta sống cầu nguyện, siêng năng làm việc, yêu thương giúp đỡ, rộng rãi bố thí.

Chân Chúa Giêsu bị đóng đinh: đền những tội chân chúng ta thường phạm, là đi vô ích, đi phạm tội; treo cao gương cho chúng ta đi Nhà Thờ, đi học giáo lý, đi làm việc đạo đức, đi làm việc bổn phận, đi làm việc hữu ích, đi làm việc bác ái, yêu thích nơi gia đình mình đang ở, yêu thích nơi cộng đoàn mình đang sống.

Tim Chúa Giêsu bị đâm thủng: dạy chúng ta lo diệt lửa dục tình, lo thắp sáng lửa nhiệt thành làm việc tông đồ, lo yêu mến Phép Thánh Thể, yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu, đừng sống bạc nghĩa vô ơn đối với Chúa hằng yêu thương loài người chúng ta vô bờ vô bến.

Bốn cây đinh đóng Chúa Giêsu vào Cây Thánh Giá: dạy chúng ta lo xa lánh bốn điều đưa chúng ta đi trên con đường tội lỗi, là thói quen xấu, lui tới dịp tội, ao ước thỏa mãn dục vọng, sợ dư luận; dạy chúng ta lo tập bốn điều đưa chúng ta đi trên con đường nhân đức, là thói quen tốt, chu toàn các việc bổn phận của mình, hy sinh hãm mình, can đảm trước dư luận.

PHỤC SINH VỚI CHÚA


Người ta nói “chết là một phần tất yếu của cuộc sống”. Cái chết không loại trừ bất cứ ai. Từ đông sang tây không một ai hiện hữu mà không một lần phải đối diện với cái chết, dù đó có là Tần Thủy Hoàng hay Alexander Đại đế. Tài giỏi, quyền uy, tất cả cũng đi vào dĩ vãng của dòng đời, đôi khi chẳng để lại cho đời một chút luyến tiếc, nhớ thương.

Sinh lão bệnh tử là quy luật lẽ thường của đời người. Con người từ khi sinh ra đã tập chia tay. Chia tay từng tuổi đời để tiến đến tuổi trưởng thành hơn hay già đi và chết đi. Chia tay những con người đang sống với chúng ta trong thời gian ngắn, dài hay vĩnh viễn. Và trong số họ cũng có không ít người là thân nhân, là bạn bè của chúng ta.

Người Ki-tô hữu chúng ta chỉ biết được cái chết một cách trọn vẹn trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa Ki-tô. Sự sống lại của Chúa là lời mạc khải về sự sống đời sau. Cái chết là hậu quả của tội lỗi con người như thánh Phao-lô đã quả quyết: “Vì một người mà tội lỗi đã vào thế gian, và tội lỗi gây nên sự chết, như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì một người đã phạm tội” (Rm 5, 12). Thế nhưng, sự sống lại trường sinh lại là hồng phúc mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua cái chết của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa.

Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa không tạo dựng con người để chết mà là để sống, cho dù tội lỗi có phá hủy chương trình của Chúa thì Ngài cũng tìm mọi cách để khôi phục lại sự sống đời đời cho con người. Đức Ky-tô khi xuống thế làm người đã phục hồi lại những gì đã tan vỡ. Chính Ngài đã lãnh lấy sự chết loài người và đã chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh. Qua sự phục sinh của Ngài đã khai mở một mùa xuân hy vọng cho con người nếu cùng chịu chết với Người thì cũng sẽ được sống lại với Người.

Sự phục sinh của Chúa Giê-su được Phúc Âm ghi lại qua những lần Chúa hiện ra với các môn đệ, với những người thân tín của Chúa. Sự Phục sinh của Chúa còn được ghi dấu ấn qua ngôi mộ trống. Một nơi đã chôn cất xác Chúa nhưng ngày thứ ba dù quân lính canh gác, dù tảng đá nặng trĩu vẫn không còn xác Chúa. Nơi nấm mồ ấy không còn là dấu chỉ sự chết mà là dấu chỉ của sự sống. Vì Chúa đã sống lại và ra khỏi mồ.

Sự Phục sinh của Chúa cho chúng ta một niềm vui mừng và hy vọng cho kiếp người chúng ta. Kiếp người chúng ta không có tận cùng. Kiếp người chúng ta sẽ được sống mãi trong sự sung mãn của Chúa. Cái chết chỉ là một chuyển tiếp để được sống mãi bên Chúa nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô.

Cùng chết với Đức Ki-tô nghĩa là cùng chết đi con người cũ với những tính hư nết xấu để sống lại con người mới là con cái Thiên Chúa. Con người cũng phải chôn đi những tính xác thịt yếu đuối để từ khước những danh lợi mau qua. Nhất là con người cũng phải biết chết đi ý riêng của mình để ý Chúa được thục hiện trong cuộc đời chúng ta. Ý Chúa vẫn là tiếng mời gọi làm việc lành tránh điều dữ. Ý Chúa vẫn mời gọi chúng ta sống có ích cho tha nhân qua tinh thần bác ái, dấn thân phục vụ.

SỐNG NHƯ CHÚA.....!


Hôm qua, chúng ta thấy Đức Giêsu trước khi chết đã tỏ lòng yêu thương trước nhất không phải là đối với Mẹ Ngài, cũng không phải là đối với các môn đệ của Ngài, mà là những kẻ thù ghét Ngài. Vậy chúng ta hãy cố gắng noi gương Chúa. Hãy tha thứ cho nhau và hãy sống hoà thuận lại với nhau.

Hạng người thứ hai được Đức Giêsu yêu thương nhớ đến trong lúc hấp hối là những người tội lỗi. Chúa không bao giờ ghét người tội lỗi, không bao giờ ruồng bỏ người tội lỗi, nhưng Chúa rất thương người tội lỗi. Nếu biết rằng chính chúng ta là những người tội lỗi thì chúng ta phải cảm động biết bao. Và nếu có ai đó khi nào ngã lòng vì cho rằng tội mình quá nặng hay tội mình quá nhiều, thì người ấy hãy nhớ lại tấm lòng của Đức Giêsu trong những phút giây trước khi Ngài chết.

Vậy, nếu chúng ta cho rằng mình thánh thiện, hoặc có thiện chí muốn trở thành thánh thiện, thì chúng ta hãy cố gắng bắt chước gương thánh thiện của Chúa chúng ta, là hãy hết lòng yêu thương những kẻ thù ghét mình và cũng hết lòng yêu thương những người tội lỗi.

SỐNG THỨ BẢY TUẦN THÁNH VỚI ĐỨC MARIA...!


Tất cả mọi cách sống Kitô giáo chân chính, giáo dân, tu sĩ hay linh mục, đều trải qua những “đường hầm” dài dằng dặc, trong đó chẳng còn thấy gì, hiểu gì nữa, mà cảm thấy chán ngán. Lúc ấy, Đức Giêsu đưa chúng ta cùng với Người bước xuống ngôi mộ, trong bóng tối, giữa tất cả những gì như đã chết trong tim ta, nhưng luôn luôn là để chúng ta thiết tha cầu nguvện, van xin Người chỉnh sửa chúng ta, thanh luyện chúng ta, giải phóng chúng ta, bởi vì tự nó, việc cầu nguyện là con đường hy vọng. Chính bây giờ là lúc chúng ta sống ngày thứ bảy Tuần Thánh của mình với Đức Mẹ, và kiên trì với Mẹ trong niềm tin sinh động và nhẫn nại.

Thật vậy, ngày thứ bảy là ngày dâng cho Đức Mẹ, có thể vì chỉ có Mẹ đã biết sống ngày Thứ Bảy thánh trong đức tin viên mãn của Mẹ. Thánh Gioan cũng vậy, một chút nào đó có lẽ, còn các tông đồ khác thì đã mất hết tinh thần! Thế mà chính đó là lúc linh hồn lìa khỏi xác của Đức Giêsu đã xuống âm phủ để giải thoát tổ tiên ra khỏi đó. Ngày Thứ Bảy thánh là một ngày trống giữa Thứ Sáu thánh và ngày Phục Sinh. Điều này lý giải tầm quan trọng của việc sống với Đức Mẹ ngày Thứ Bảy thánh và các ngày thứ bảy, để cùng với Mẹ, tận hưởng những ơn đặc biệt cho những giờ phút khó khăn của chúng ta.